Xem xét đánh giá lại và cải tiến liên tục hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Người sử dụng lao động và người quản lý cấp cao nhất trong doanh nghiệp phải xem xét lại quá trình hoạt động của hệ thống nhằm đánh giá hệ thống có được thực hiện đầy đủ và còn phù hợp để đạt được các quy định chính sách và mục tiêu về ATVSLĐ hay không.

Việc xem xét cũng nên cân nhắc các việc duy trì các chính sách bảo hộ lao động có thích hợp không, và những thay đổi có cần thiết đối với mọi yếu tố của hệ thống không. Trong bối cảnh đó Hệ thống được phân tích trong mối quan hệ tổng thể của doanh nghiệp với môi trường hoặc các bên thứ ba. Điều này cũng liên quan đến việc đánh giá khả năng của Hệ thống tương ứng với các nhu cầu và đòi hỏi của các chủ doanh nghiệp, người lao động và thanh tra lao động.

Việc xem xét lại hệ thống liên quan đến sự cải tiến liên tục hoặc quá trình đánh giá. Quy trình đánh giá và quy trình của việc cải tiến liên tục thường xúc tích và cụ thể hơn.

Việc xem xét lại hệ thống cần được thực hiện đều đặn nhằm giúp các cấp quản lý cao nhất đánh giá hiệu quả của hệ thống ATVSLĐ và đồng thời để đảm bảo rằng hệ thống này tuân thủ các yêu cầu pháp luật.

Cải tiến liên tục

Việc cải tiến liên tục có thể được bắt đầu thông qua việc sử dụng các chính sách, mục tiêu, kết quả kiểm toán, phân tích dữ liệu, hành động khắc phục, phòng ngừa và việc đánh giá quản lý.

Yêu cầu này bao gồm cả các hành động ứng phó tức thì và các hành động cải tiến mang tính chủ động ngay từ ban đầu. Việc cải tiến liên tục là hành động nhằm tối ưu hệ thống dù mức độ rủi ro đã ở mức chấp nhận được. Đây là cách thức để một doanh nghiệp không trở lên tự bằng lòng với kết quả đạt được của hệ thống dù mọi vấn đề đều ở mức chấp nhận.

Một chiến lược cải tiến liên tục nên được xây dựng thông qua:

 – Giám sát, đánh giá hiệu quả của chương trình ATVSLĐ đã thực hiện.

 – Giám sát các hoạt động của Hệ thống quản lý ATVSLĐ.

 – Tham gia cùng các doanh nghiệp khác trong việc giải quyết các vấn đề chung.

 – Tiến hành đánh giá toàn diện ATVSLĐ thông qua một tổ chức độc lập chuyên nghiệp.

Việc liên tục cải tiến sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện công tác ATVSLĐ, giảm thiểu rủi ro, tai nạn, sự cố và bệnh tật trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên thu thập kinh nghiệm, tạo cơ hội cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, những kinh nghiệm và cơ hội này cần liên kết với các mục tiêu và định hướng phát triển doanh nghiệp. 


(Nguồn tin: Tài liệu Hướng dẫn xây dựng Hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNVVN, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ – TB&XH, 2012)