5 yếu tố then chốt để có được nơi làm việc lành mạnh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:52(GMT +7)

Nơi làm việc lành mạnh là nơi mà tại đó “NLĐ và nhà quản lý chung tay thực hiện một quy trình hoàn thiện liên tục để bảo vệ và tăng cường sức khỏe, an toàn và sự hạnh phúc cho toàn bộ NLĐ và sự bền vững của nơi làm việc, bằng cách xét đến những điều sau, dựa trên các nhu cầu đã được nhận định:

– Sức khỏe và an toàn liên quan đến môi trường làm việc thể chất

– Sức khỏe, an toàn và sự hạnh phúc liên quan đến môi trường làm việc tâm lý-xã hội, bao gồm tổ chức công việc và văn hóa nơi làm việc

– Các nguồn tài nguyên về sức khỏe cá nhân tại nơi làm việc (sự hỗ trợ và ủng hộ việc thực hiện lối sống lành mạnh từ chủ lao động)

– Các phương thức tham gia vào cộng đồng để cải thiện sức khỏe cho người lao động, gia đình họ và thành viên của cộng đồng đó.

Yếu tố thứ nhất: Sự tham gia và tận tâm của lãnh đạo

– Phải huy động và đạt được sự tận tâm từ các bên có ảnh hưởng quan trọng (như các lãnh đạo cao tầng, lãnh đạo công đoàn) để đưa việc thành lập nơi làm việc lành mạnh trở thành mục tiêu và giá trị công việc của doanh nghiệp.

– Đạt được các sự chấp thuận, tài nguyên và hỗ trợ cần thiết.

– Cung cấp các dẫn chứng chủ chốt của sự tận tâm bằng việc phát triển và thi hành một chính sách toàn diện được ký bởi người có thẩm quyền cao nhất trong doanh nghiệp, trong đó ghi rõ rằng các biện pháp khởi xướng nơi làm việc lành mạnh là một phần của chiến lược kinh doanh của đơn vị.

Yếu tố thứ hai: Khiến cho NLĐ và người đại diện của họ tham dự

– NLĐ và các đại diện của họ không nên chỉ được “tham vấn” hoặc “thông báo”, mà còn phải chủ động tham gia vào từng bước của công tác đánh giá rủi ro và quá trình quản lý, từ bước lập kế hoạch tới việc đánh giá, và cần phải cân nhắc các ý kiến và ý tưởng của họ.

– Điều tối quan trọng là NLĐ phải có phương thức thể hiện ý kiến tập thể

Yếu tố thứ ba: Đạo đức nghề nghiệp và tính hợp pháp

– Một trong các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp căn bản được mọi người chấp thuận chính là “không gây hại” tới người khác và đảm bảo sức khỏe và an toàn cho NLĐ.

– Tôn trọng các quy tắc đạo đức và xã hội của NLĐ như một phần của vai trò của họ trong một công đồng lớn hơn.

– Thực hiện các quy tắc và luật về SKNN

– Chịu trách nhiệm về NLĐ, gia đình họ và với công chúng, đồng thời tránh gây nên các rủi ro quá lớn và thiệt hại về con người.

Yếu tố thứ tư: Sử dụng một quy trình toàn diện và có hệ thống để đảm bảo đạt được hiệu quả và liên tục hoàn thiện

– Đạt được sự tận tâm về mặt chiến lược đối với nơi làm việc lành mạnh.

– Tập hợp các tài nguyên được yêu cầu.

– Đánh giá tình hình hiện tại và tương lai mong muốn đạt được.

– Xác lập các ưu tiên

– Thiết lập một kế hoạch toàn diện và các kế hoạch hành động theo dự án cụ thể bằng cách học hỏi từ người khác, ví dụ như tham vấn các chuyên gia từ trường đại học địa phương, hoặc nhờ các lãnh đạo công đoàn địa phương chỉ điểm, thăm và làm việc tại các doanh nghiệp khác, tham vấn kinh nghiệm trên mạng.

– Thi hành kế hoạch.

– Đánh giá mức độ chấp thuận và hiệu quả của kế hoạch.

– Tiến hành cải thiện khi tình hình cho thấy cần thực hiện cải thiện.

Yếu tố thứ năm: Sự bền vững và hội nhập

– Đạt được sự tận tâm của tầng lớp quản lý cao cấp trong việc sử dụng “bộ lọc” về sức khỏe, an toàn và sự hạnh phúc đối với mọi quyết định được đưa ra.

– Đưa các đề xuất về nơi làm việc lành mạnh vào trong kế hoạch kinh doanh chiến lược toàn diện của doanh nghiệp.

– Sử dụng các nhóm liên chức năng hoặc nhóm ma trận để làm giảm sự cô lập các nhóm làm việc và thiết lập một ủy ban sức khỏe và an toàn, và một ủy ban cho sự hạnh phúc tại nơi làm việc.

– Đánh giá và liên tục cải thiện tình hình.

– Không chỉ đánh giá năng suất tài chính, mà còn phải chú ý đến hiểu biết về khách hàng, các quy trình kinh doanh nội tại, và sự học hỏi của nhân viên, qua đó phát triển để thu được thành công lâu dài.

– Duy trì quan điểm toàn diện đối với sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, khảo sát toàn bộ các phương diện để xác định được nhiều giải pháp hiệu quả hơn.

– Cân nhắc đến các ảnh hưởng bên ngoài như sự thiếu hụt tài nguyên y tế trong cộng đồng.

– Củng cố và tái tổ chức các thái độ cần thiết thông qua các hệ thống quản lý năng suất, trong đó thiết lập các tiêu chuẩn hành vi và mục tiêu hiệu suất.

Do sự gia tăng về áp lực từ cộng đồng và công chúng, cùng với yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp càng phải thực hiện tốt hơn so với các yêu cầu do luật pháp đề ra và phải có trách nhiệm hơn. Việc tạo ra những nơi làm việc lành mạnh cho nhân viên và qua đó ngăn ngừa ốm đau và dịch bệnh chính là cách các doanh nghiệp thỏa mãn những yêu cầu ngày càng tăng trên, và vẫn cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh.

Biên dịch: Bình Nguyên


(Nguồn tin: WHO)