Nguy cơ gây mất an toàn trong các cơ sở cán kéo thép quy mô nhỏ tại miền Trung
Tại khu vực miền Trung, nhiều công ty sản xuất thép đã thành lập và đi vào hoạt động, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh một số công ty với quy mô sản xuất lớn và trang bị công nghệ kĩ thuật hiện đại, thì trên địa bàn vẫn tồn tại những cơ sở cán kéo với quy mô vừa và nhỏ, công nghệ máy móc còn thô sơ, thu hút lượng lớn lao động tham gia sản xuất.
Chính quy mô và công nghệ như vậy nên người lao động (NLĐ) tại các cơ sở này phải tiếp xúc thường xuyên với các nguy cơ mất an toàn, nhất là các cơ sở cán kéo thép thủ công. Nguy cơ xảy ra TNLĐ và bệnh liên quan nghề nghiệp trong các cơ sở này là rất cao.
Các nguy cơ gây mất an toàn an động
* Nguồn nhiệt và nguy cơ gây bỏng
Khu vực xung quanh lò nung, lò luyện hay máy cán khi hoạt động thường nhiệt độ rất cao. Những va chạm với các thanh thép nóng chảy hay các tia lửa bắn ra từ lò nung, lò luyện là không tránh khỏi. Trường hợp máy cán đang hoạt động bị sự cố ngừng đột ngột cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏng do thanh thép nóng sẽ theo quán tính bật ngược trở lại do trở lực của máy. Lúc này người công nhân vận hành máy cán thường đứng rất gần và khó có phản ứng phòng tránh.
Nguy hiểm nhất là khi luyện phôi. Do cấu trúc lò luyện mà điều kiện làm việc quá nguy hiểm với công nhân đứng quá gần lò nấu mà có các gờ, bệ chắn để tránh trượt chân. Lò điện trung tần được dùng để luyện phôi ở hầu hết các cơ sở cán kéo quy mô nhỏ, đã quá cũ kĩ và không sàn thao tác, không che chắn chóng nóng, bỏng.
Theo kết quả tổng hợp ý kiến đánh giá của NLĐ,mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bỏng do nhiệt ở mức trung bình là 45%, cao là 23% và 8% là rất cao. Bên cạnh đó, kết quả đo đạc các thông số nhiệt bức xạ và nhiệt độ tại các vị trí việc làm đều vượt ngưỡng cho phép của TCVSLĐ. Do vậy, có thể nói mức ảnh hưởng của nhiệt độ và bỏng là rất cao. Ngay trong môi trường làm việc bình thường, NLĐ có thể bị bỏng cục bộ do tác động của nhiệt độ và bức xạ nhiệt phát ra từ các lò nung, các thanh thép nóng chảy.
* Yếu tố về cơ học
– Trượt ngã: Trượt ngã là tai nạn có thể xảy ra khi NLĐ tiếp nguyên liệu vào lò luyện hay đang thao tác bên máy cán. Thông thường, lò luyện thép rất thô sơ và không được bao quanh bảo vệ, người vận hành lò phải đứng gần để điều chình hay nạp thép phế vào. Trong khi đó, thép phế thường chứa lượng tạp chất như nilon, thủy tinh là nguyên nhân gây ra các tia lửa bắn vào người công nhân, gây nguy cơ về bỏng, đứt tay chân do phôi và thép phế xung quanh. Đối với NLĐ làm việc tại máy cán, do né tránh các thanh thép nóng chảy hay do nước làm mát có thể làm mặt sàn trơn. Dù chưa có những thống kê cụ thể nhưng mức độ nguy hiểm có thể rất lớn vì làm việc ở lò nung thường nằm gần máy cán có thể bị ngã cuốn vào. Hầu hết các vị trí có nguy cơ trượt ngã chủ yếu là tại lò luyện, máy cán và bốc vác các sản phẩm, nguyên liệu lên xuống xe. Đặc biệt là những lúc luyện, các tia lửa bắn ra từ thép phế nóng chảy khiến NLĐ giật mình hay phản xạ dẫn đến nguy cơ trượt ngã xảy ra.
* Nguồn điện
Nguy cơ về điện giật, điện phóng và cháy nổ do điện vì sự bố trí không đảm bảo an toàn của hệ thống điện của các cơ sở, các mạch điện, bảng điện thường cũ kĩ, không được bọc kín. Trong quá trình khảo sát cho thấy rằng công tác an toàn về điện tại các cơ sở cán kéo đang rất kém. Nguy cơ xảy ra tai nạn do hệ thống điện bị hở, rò rỉ hay khả năng phóng điện rất cao. Chưa có những thống kê hay thông tin cụ thể nào về các tai nạn về điện trên các địa bàn các tỉnh miền Trung. Song thực tế khảo sát cho thấy đây là nguy cơ không hề nhỏ.
* Cháy nổ
Cháy nổ là tai nạn thường gặp đối với các cơ sở cán kéo thép trong thời gian qua. Đây là yếu tố có hại nguy hiểm đến tính mạng của con người nhiều nhất trong các cơ sở cán kéo. Các nguy cơ xảy đến cháy nổ có thể là do:
– Chập cháy điện, do mất an toàn khi sử dụng điện
– Do nguyên liệu, thép phế không được phân loại và xử lý triệt để, còn lẫn thủy tinh, nilon hay bình dạng khí,…
– Do sử dụng bình khí không an toàn của công nhân cơ khí làm việc ở các bộ phận hàn,…
Điều kiện làm việc trong các cơ sở cán kéo thép quy mô nhỏ tại miền Trung còn chứa nhiều các yếu tố nguy hiểm, có hại. Thực tế, các tai nạn nhẹ đối với NLĐ như bỏng, nổ lò nung, lò luyện, các triệu chứng về hô hấp, các bệnh về da,… khi làm việc gần lò nung hoặc máy cán đã xảy ra. Thậm chí trên địa bàn và trong cả nước, đã có những tai nạn gây ảnh hưởng đến tính mạng ở một số cơ sở vừa và nhỏ. Song các vụ việc trên vẫn chưa thể thay đổi được công tác đảm bảo an toàn cho NLĐ tại các cơ sở cán kéo trên địa bàn. Nhận thức của con người và quy mô, tính chất thiệt hại, cũng như do điều kiện sinh nhai mà NLĐ vẫn hằng ngày tiếp xúc với các nguy cơ tai nạn và các bệnh nghề nghiệp, có thể ở mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, tại các cơ sở này thường có số vốn đầu tư không nhiều, vì ý thức và lợi nhuận, mà chủ doanh nghiệp thường không quan tâm đến công tác BHLĐ. Các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc tại các cơ sở này còn chưa được quan tâm, nguy cơ tai nạn luôn đe dọa sức khỏe và mạng sống NLĐ hàng ngày. Việc xây dựng các giải pháp ngăn chặn phòng ngừa tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
—————————————
Nguồn tham khảo: Đề tài 213/08/VBH “Nghiên cứu đánh giá điều kiện làm việc và đề xuất giải pháp bảo vệ NLĐ ở các cơ sở cán kéo thép quy mô nhỏ tại các tỉnh miền Trung”, do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động chủ trì thực hiện.
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)