Xung quanh vấn đề xử lý phế thải chứa amiang ở Việt Nam
Amiang, kể cả amiang trắng đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WTO), trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thuộc WHO, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các nhà khoa học chân chính khẳng định là chất gây ung thư trung biểu mô (Mesothelioma), ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng và bệnh bụi phổi Amiang (Asbestosis). Không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn nào được xác định cho các hiệu ứng gây ung thư của amiang, kể cả amiamg trắng. Amiang là nguyên nhân gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Điều khác biệc so với nhiều chất gây ung thư khác là các bệnh do amiang gây ra không xảy ra nhanh chóng, ngay sau thời điểm bị phơi nhiễm, mà quá trình “ủ bệnh” diễn ra từ từ, để rồi khi phát hiện cơ thể đã bị ung thư (có khi tơi 15, 20 năm và thậm chí lâu hơn nữa) thì đã quá muôn. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã khuyến cáo rằng, cứ 170 tấn amiang được tiêu thụ thì có 1 trường hợp bị ung thư và việc chữa trị rất tốn kém và không kéo dài cuộc sống được bao lâu. Với khoảng 2 triệu tấn amiang đã được tiêu thụ ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua thì thời gian tới sẽ có trên 11.000 người bị ung thư theo khuyến cáo trên. Gắng nặng bệnh tật do amiang gây ra cho xã hội và các gia đình là rất lớn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến “Gánh nặng môi trường” do amiang gây ra. Chậm ra quyết định cấm sử dụng amiang ngày nào thì gánh nặng này sẽ ngày càng lớn.
Ngay từ năm 2001, tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6706:2000 – Chất thải nguy hại – Phân loại đã xếp amiang thải (bụi và sợi) là chất thải nguy hại với mã số A2050, mã số Base Y36, giới hạn nguy hại là tất cả (Bảng A.A.2: Các chất thải chủ yếu chứa hợp chất vô cơ nhưng có thể chứa kim loại hay vật liệu hữu cơ). Tiêu chuẩn này cũng yêu cầu bãi chôn lấp loại đặc biệt. Năm 2009, Tiêu chuẩn nêu trên được thay thế bằng TCVN 6706:2009 đã quy định “Bụi và sợ amiang thải” còn bổ sung “Chất thải chứa amiang từ quá trình sản xuất tấm lợp amiang-xi măng (AC)” và “Vật liệu xây dựng thải chứa amiang” là chất thải nguy hại. Quy chuẩn Việt Nam QCVN 07:2009 về “Ngưỡng chất thải nguy hại” nêu cụ thể là amiang với hàm lượng 10.000 ppm (tức là hàm lượng 1%) là ngưỡng chất thải nguy hại. Cần lưu ý là hàm lượng amiang trong tấm lợp AC dao động xung quanh 10-12%.
Như vậy là, ngay tại Việt Nam, Amiang đã được “nhận diện” là hóa chất nguy hại, chất thải của nó ở dạng sợi và bụi, cũng như “Chất thải chứa amiang từ quá trình sản xuất tấm lợp amiang-xi măng” và “Vật liệu xây dựng thải chứa amiang” là chất thải nguy hại cần phải được xử lý đặc biệt chứ không được chôn lấp theo cách thông thường như đối với rác thải sinh hoạt.
Từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã cấm hoàn toàn việc sử dụng các loại amiang xanh và nâu, còn amiang trắng tuy vẫn được phép sử dụng, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời phải tăng cường bảo vệ sức khỏe người lao động.
Theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn đã trích dẫn ở trên, lẽ ra chúng ta phải quản lý chặt chẽ không chỉ bụi và sợi amiang thải mà cả vật liệu xây dựng thải chứa amiang chủ yếu là hàng tỉ m2 tấm lợp AC đã và đang được dùng làm mái lợp trên nhiều vùng, miền trên đất nước ta, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng chắc chắn một điều là chúng ta đã buông lỏng, “bỏ rơi” việc quản lý loại “chất thải nguy hại này”. TCVN 6706:2000, và sau này được thay thế bằng TCVN 6707:2009 được ban hành và có hiệu lực đã cả chục năm nay, nhưng có lẽ chúng ta không thể tìm thấy “kho” lưu trữ tạm thời, một nơi xử lý, hay một “bãi chôn lấp” chất thải amiang nào theo đúng quy định trên đất nược này. Và như vậy có nghĩa là thứ vật liệu độc hại đặc biệt này chẳng được chôn lấp theo một quy trình đặc biệt, và chất thải amiang và vật liệu xây dựng thải chứa amiang vẫn tự có mặt ở khắp mọi nơi, để rồi phát tan amiang vào bầu không khí mà dân ta vẫn hằng ngày hít thở.
Amiang được sử dụng rộng rãi trong ngành vật liệu xây dựng (chủ yếu để sản xuất tấm lợp Amiang-xi măng, làm má phanh, làm các lớp đệm chịu nhiệt của các lò hơi… Trong qua trình sản xuất, tháo dỡ các tấm lợp AC, các lớp đệm chịu nhiệt… luôn đi kèm với sự phát tán bụi và sợi amiang ra môi trường, gây nhiễm độc cho cả người lao động và cộng đồng dân cư.
Với khối lượng tiêu thụ cỡ 60-70 ngàn tấn amiang mỗi năm, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng tấm lợp AC ở Việt Nam với lịch sử trên 50 năm (kể từ khi nhà máy tấm lợp AC Đồng Nai được xây dựng vào năm 1963) chúng ta đã sử dụng tới vài triệu tấn sợi amiang. Với kích thước sợi amiang vô cùng nhỏ bé, cỡ vài micron, các sợi này nếu không được bao gói, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đúng cách sẽ rất dễ phát tán vào không khí xung quanh, mà hậu quả là không chỉ người lao động trong cơ sở sản xuất tấm lợp AC mà cả cộng đồng dân cư phải hứng.
Trong quá trình sản xuất tấm lợp AC, người ta phải dùng một lượng nước đáng kể để tạo pha lỏng, rồi khuấy trộn hỗn hợp amiang, ximang với các chất phụ gia khác. Không phải nhà máy tấm lợp AC nào cũng sử dụng nước tuần hoàn, mà ngay cả đối với các nhà máy sử dụng phương pháp tuần hoàn nước cũng không tránh khỏi việc nước, bùn thải có chứa amiang thải vào hệ thống kênh mương, vào môi trường. Bùn thải khi bị khô kiệt sẽ lại phát tán bụi, sợi amiang vào không khí, đầu độc người dân, ấy là chưa kể khả năng người dân bị uống phải nước nhiễm amiang sẽ bị các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Khoảng trên hai chục năm gần đây, các cơ sở sản xuất tấm lợp AC đua nhau nở rộ, thời cao điểm tổng sản lượng lên tới 100 triệu mét vuông/năm. Như vậy là có tới hàng tỷ mét vuông tấm lợp AC đang “treo lơ lửng” trên đầu người dân đất Việt, để rồi theo năm tháng các tấm lợp “rẻ tiền” này bị mục nát, bào mòn, phát tán bụi sợi amiang gây hại trước tiên cho chính chủ nhân các ngôi nhà, chuồng gia súc, gia cầm… lợp bằng thứ vật liệu này và bà con xung quanh trước khi phát tán, làm hại người dân các vùng lân cận…
Rất nhiều nước phát triển, và cả nhiều nước đang phát triển, do nhận thức được tác hại ghê gớm của amiang là gây nên các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô nên họ đã cấm hoàn toàn tất cả các loại amiang trong sản xuất và đời sống. Họ có những quy định hết sức ngặt nghèo khi tháo dỡ vật liệu, công trình có chứa amiang với mục đích tránh cho công nhân phá dỡ hít phải amiang đồng thời không để bụi, sợi amiang phát tán ra môi trường. Họ phải bao trùm công trình cần phá dỡ, tưới nước lên chỗ tháo dỡ, buộc công nhân vào phá dỡ phải mang mặt nạ lọc bụi; quần áo bảo hộ của công nhân sau ca làm việc phá dỡ phải được làm sạch bằng thiết bị hút khí nén…
Còn ở Việt Nam thì sao? Người ta vô tư tháo dỡ các tấm AC hư hỏng, vô tư đập nát chúng làm vật liệu lót điều, san nền. Nhiều cơ sở sản xuất còn dùng máy nghiền khô để nghiền các mảnh AC vỡ, hư hỏng để đúc gạch Bloc, lại còn dùng quạt thổi cho công nhân đứng máy “mát mẻ”; có nhà máy còn tận dụng vỏ bao đựng amiang để may gối đỡ, lót các tấm AC ở sân bảo ôn… Những sai lầm kiểu như trên ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi, cũng là nguy cơ hiển nhiên gây nhiễm độc amiang, mà hậu quả là phát tác các bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, ung thư màng phổi… sau 15 ăm, 20 năm,… bị phơi nhiễm.
Trong nhiều cuộc hội thảo liên quan đến bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong ngành sản xuất tấm lợp AC ở Việt Nam, không ít lần các đại diện Hiệp hội tấm lợp khẳng định rằng các khâu xé bao amiang, đánh tơi amiang đều được tưới nước, không để phát tán bụi, vỏ bao amiang được nghiền để làm chất độn sản xuât tấm lợp, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Vần còn hiện tượng người ta xé bao amiang bằng tay trước khi đợi công nhân bê đổ vào máy nghiền đánh tơi các sợi amiang; trong khi máy nghiền hoạt động cũng không hề tưới nước kiểu màn sương nhằm dập bụi như người ta nói. Không những thế người ta còn dùng quạt thổi làm mát cho công nhân đứng máy nghiền ??? Như vậy thì làm sao có thể không làm phát tán bụi sợi amiang ra môi trường, gây độc hại cho chính người lao động trong DN, và cả người dân quanh vùng.
Nếu như là một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ amiang trung bình ở Việt Nam trong những năm từ 1990-2014, kể từ khi các nhà máy sản xuất tấm lợp AC ồ ạt ra đời ở Việt Nam là 70 ngàn tấn/năm (có năm nhiều hơn, năm ít hơn), thì trong gần 25 năm qua chúng ta đã mang về Việt Nam tới 1.750.000 tấn khoáng chất độc hại này. Nếu gộp cả lượng amiang đã sử dụng ở Việt Nam từ khi nhà máy tấm lợp AC đầu tiên ở được xây dựng ở Đồng Nai vào năm 1963 thì có lẽ lượng amiang đã được sử dụng và đang tồn tại ở nước ta ở các dạng khác nhau phải lên đến 2 triệu tấn!!!
Theo quy luật, dù bền đến đâu thì các sản phẩm chứa loại hóa chất nguy hiểm, độc hại là amiang cũng sẽ đến giai đoạn mục nát. Càng nguy hiểm hơn là amiang lại rất bền về hóa học và trước các tác nhân vi sinh, nhiệt độ, thời tiết… Có nghĩa là nó “bền mãi với thời gian”. Hơn 2 triệu tấn bụi, sợ amiang trong các sản phẩm chứa amiang (chủ yếu trong các tấm lợp AC) đã, đang và sẽ phát tina vào môi trường không khí (và cả môi trường nước), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà hậu quả là chúng ta, con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu với các căn bệnh ung thư chết người.
Tuy Nhà nước đã xác định bụi và sợi Amiang cũng như chất thải chứa amiang từ quá trình sản xuất tấm lợp amiang-xi-măng và vật liệu xây dựng thải chứa amiang là chất thải nguy hại đối với sức khỏe con người, nhưng vẫn chưa kiểm soát nghiệm ngặt việc thực hiện vấn đề này. Hơn nữa Nhà nước vẫn chưa ban hành quy định phải quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt các sản phẩm chứa amiang, từ khâu tháo dỡ, tiêu hủy, chôn lấp hợp vệ sinh. Và như vậy, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường do amiang gây ra sẽ vẫn là vấn đề vô cùng nan giải.
Chúng ta rất hy vọng Chính phủ sẽ sớm ra quyết định cấm hoàn toàn việc sản xuất, sử dụng tất cả các loại amiang trong sản xuất và đời sống theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2017 của ngành Xây dựng, theo kiến nghị của nhiều tổ chức Quốc tế có uy tín như WHO, ILO, APHEDA,… của Bộ Y tế và nhiều bộ, ngành khác , của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên vấn đề xử lý không chỉ bụi, sợi aminang mà cả 20 triệu tấn sản phầm chứa amiang (nếu ta biết rằng, tỷ lệ amiang trong sản phẩm tấm lợp AC chỉ chiếm xấp xỉ 10%) sẽ là vấn đề nan giải, sẽ cần rất nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện. Chậm chấm dứt sử dụng amiang ngày nào thì khó khăng trong xử lý chất thải sẽ ngày càng chồng chất.
ThS. Nguyễn Văn Khuông
UV Thường vụ Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)