Thiết kế chỗ làm việc – Phần 1

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:50(GMT +7)

Bố trí nơi làm việc tốt là rất quan trọng và cần thiết đối với sản xuất. Người công nhân thường lặp đi lặp lại nhiều lần những động tác gần giống nhau khi làm việc. Nếu họ có thể làm việc đó nhanh chóng và dễ dàng thì năng suất sẽ cao hơn và chất lượng tốt hơn.

Vị trí làm việc là nơi người công nhân sẽ choáng không gian khi thực hiện công việc. Chỗ làm việc đó có thể cố định suốt thời gian dài hoặc có thể chỉ là một trong những vị trí mà anh ta phải làm việc. Ví dụ có thể đó là các bệ, bục hay bàn thao tác, lắp ráp hoặc kiểm tra.

Mỗi chỗ làm việc là một sự kết hợp thống nhất giữa công nhân với công việc. Điều quan trọng là phải bố trí chỗ làm việc cho cả người và phần việc sao cho công việc được thực hiện nhẹ nhàng, trôi chảy mà không bị gián đoạn một cách không cần thiết.

Trong mỗi trường hợp, bạn có thể thực hiện các cải tiến ở xí nghiệp của mình bằng cách vận dụng sự quan sát cẩn thận và sự cảm nhận chung. Chi phí cho những cải tiến như vậy, thường rất thấp, nhưng những lợi ích đem lại thường lại quan trọng. 4 nguyên tắc sau đây sẽ giúp bạn nâng cao năng suất bằng cách tổ chức chỗ làm việc tốt hơn.

4 nguyên tắc cơ bản để bố trí vị trí làm việc thuận lợi và hiệu quả

1. Xếp các dụng cụ, vật liệu và thiết bị điều khiển trong phạm vi dễ với tới;

2. Cải thiện tư thế làm việc cho có hiệu quả hơn;

3. Sử dụng đồ gá, kẹp và các thiết bị khác để tiết kiệm thời gian và công sức;

4. Cải tiến các thiết bị kiểm tra, điều khiển để giảm sai sót tới mức tối thiểu;

Nguyên tắc thứ nhất – Xếp các dụng cụ, vật liệu và thiết bị điều khiển trong phạm vi dễ với

Bạn có thể tiết kiệm được thời gian, sức lực bằng cách xếp đặt các dụng cụ, vật liệu, đồ nghề và thiết bị điều khiển (như các công tắc, núm bảng điều khiển, cần điều khiển…) ở nơi đễ lấy. Phải lấy đồ ở xa tức là bạn bị mất thời gian và tiêu phí sức lực. “những gì bạn càng hay dùng, thì càng nên để gần hơn” đó là một quy tắc áp dụng cả cho một chỗ làm việc cũng như cho toàn xí nghiệp.

Khoảng cách có thể với lấy dễ dàng, không phải vươn người hay nghiêng mình, thường là khá nhỏ (1). Những thứ bạn cần, thường sử dụng nên sắp xếp cách bạn khoảng 15 – 40cm phía trước mặt bàn làm việc.

Khi các vật liệu được để ở trong các hộp, giá, giàn…, thì các đồ chứa đó nên đặt ở những vị trí có độ cao hợp lý và dễ lấy.

Hình 1. Tầm với hợp lý cho công nhân làm việc ở tư thế ngồi hoặc đứng.

Hình 2. Xếp dụng cụ trên mặt bàn làm việc.

Hình 3. Những kích thước nên bố trí để làm việc ở tư thế ngồi.

Hình 4. Những kích thước nên bố trí để làm việc ở tư thế đứng.

Nếu như có nhiều loại vật liệu cùng được sử dụng, nên bỏ chúng vào từng hộp riêng xếp trước mặt công nhân hoặc trên mặt bàn gần sát với người thợ thì sẽ có ích hơn. Các đồ nghề, dụng cụ, vật liệu ít khi dùng tới (một vài lần trong một giờ chẳng hạn) thì nên xếp đặt ở xa hơn, hoặc thậm chí để hẳn sang một bên nhưng vẫn không làm giảm năng suất. Các bộ phận quan trọng là những thứ thường xuyên dùng tới trong một phần của chu trình công việc (Hình 2).

Nguyên tắc thứ haiCải thiện tư thế làm việc cho có hiệu quả hơn

Khi phải làm việc ở một vị trí khó khăn, công việc không chỉ kéo dài hơn mà còn dẫn tới tình trạng mệt mỏi nhanh chóng. Chẳng hạn, các thao tác liên tục của cánh tay dẫn tới tăng nhanh sự mệt mỏi của cơ vai. Các thao tác phải cong người, cúi lên xuống hoặc xoay mình đều có thể dễ dàng gây mỏi lưng. Thời gian thao tác tăng dần, người thợ sẽ tăng dần nguy cơ làm hỏng sản phẩm hoặc thậm chí có thể gặp tai nạn. Những biện pháp sau giúp cho bạn tránh được các tư thế làm việc khó chịu:

– Bảo đảm một bề mặt làm việc vững vàng, ổn định, không rung lắc để có thể đặt các chi tiết dụng cụ hay vật liệu được chắc chắn.

– Xếp các dụng cụ, vật liệu và thiết bị kiểm tra vào những nơi có thể với tới và lấy ra dễ dàng, không phải xoay mình vươn người.

– Sử dụng các bục, bàn thao tác sao cho những người có tầm vóc thấp bé có thể làm việc ở tư thế và độ cao phù hợp.

– Cung cấp ghế ngồi chắc chắn có độ cao hợp lý và chỗ tựa lưng vững vàng.

– Dành đủ chỗ để chân để có thể dịch chuyển dễ dàng và thoải mái.

Các kích thước nên áp dụng cho các loại công việc ở tư thế đứng và ngồi được nêu đầy đủ ở các hình 3, 4

Hình 5. Chỗ cho chân và bàn chân khi làm việc ở cả 2 tư thế ngồi và đứng.

Cũng nên chú ý tới các khoảng trống tối thiểu dành cho đôi chân của người thợ như trên hình 5.

Tầm cao của các bề mặt làm việc, trên đó người thợ dùng tay để thực hiện công việc, cũng là một yếu tố quan trọng. Quy tắc khuỷu tay nên được áp dụng để xác định chính xác tầm cao hoạt động của tay, (hình 6). Đa số các thao tác lao động được thực hiện tốt nhất ở độ cao ngang tầm khuỷu tay.

Hình 6. Quy tắc “khuỷu tay” đối với tầm hoạt động của tay

Ở trường hợp tư thế làm việc ngồi, với các công việc chính xác nên có ngoại lệ. Trong trường hợp này, vật có thể được nâng dần tới tầm khuỷu tay để người thợ có thể quan sát vật được chi tiết.

Trường hợp làm việc ở tư thế đứng, thì tầm cao hoạt động của tay có thể thấp dưới khuỷu tay một chút (Hình 7). Ví dụ trong loại công việc lắp ráp thô hoặc đóng gói sản phẩm lớn, thì tầm hoạt động của tay nên thấp hơn khuỷu tay khoảng 10- 15cm. Khi phải sử dụng cơ bắp nhiều, thì tầm hoạt động của tay thậm chí còn thấp hơn, để tận dụng được trọng lượng của cơ thể.

Hình 7. Tầm cao hoạt động có thể ở ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút, tùy theo loại công việc ở tư thế đứng

Chiều cao của mặt làm việc hay của ghế ngồi cũng nên được điều chỉnh cho phù hợp với kích thước của từng người thợ, ví dụ, sử dụng các loại bàn ghế nâng có chiều cao điều chỉnh được.

Những điều chỉnh như vậy cũng có thể thực hiện đơn giản hơn bằng cách kê thùng, bục, bệ gỗ dưới sàn, bàn, mặt làm việc, hoặc dưới các hộp để đồ nghề, chi tiết, vật liệu….

Sắp xếp các phần công việc sao cho người thợ có thể đứng ngồi luân phiên trong thời gian làm việc cũng là việc đáng làm. Nếu công việc chủ yếu được thực hiện ở các vị trí đứng, thì cần có những chiếc ghế tốt để người làm việc thỉnh thoảng được ngồi. Nếu các phần việc chính được thực hiện ở tư thế ngồi, thì cần bố trí cho công nhân có lúc được đứng, chẳng hạn cho họ đi lấy vật liệu ở kho.

(còn nữa)


(Nguồn tin: Trích dẫn từ ấn phẩm “Năng suất lao động cao hơn và nơi làm việc tốt hơn”, tác giả J.E.Thurman, A.E.Louzine, K.Kogi)