An toàn sức khỏe khi tiếp xúc với vi khí hậu bất lợi

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:28(GMT +7)

Vi khí hậu là tổng hợp các yếu tố vật lý (bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió) trong môi trường không khí, trong một không gian nơi làm việc có liên quan đến sức khỏe và năng suất lao động.

Vi khí hậu (VKH) luôn tồn tại và có ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể người. Nhìn chung, khả năng thích nghi của mỗi người là khác nhau nhưng sự thích nghi đó có giới hạn nhất định. Trên hoặc dưới giới hạn đó sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lý. Các yếu tố VKH tác động lên cơ thể có ảnh hưởng lẫn nhau, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, tốc độ gió giảm gây tác hại tới sức khỏe (giảm sự bài tiết mồ hôi, gây mệt mỏi, khó chịu, uể oải, say nóng….); khi nhiệt độ cao, tốc độ gió lớn (vừa phải) thì lại cảm thấy dễ chịu…..

* Độ ẩm: Trong không khí bao giờ cũng có một lượng nước nhất định, lượng nước đó gọi là độ ẩm. Độ ẩm không khí bao gồm độ ẩm tối đa (là lượng hơi nước lớn nhất có thể bão hòa trong 1m3 không khí ở nhiệt độ nhất định), độ ẩm tuyệt đối (là áp lực của hơi nước chứa trong không khí được biểu thị bằng gr/m3 không khí) và độ ẩm tương đối (là tỷ lệ giữa độ ẩm tuyệt đối và độ âm tối đa biểu thị bằng %, chỉ mức bão hòa không khí), nó cho biết không khí ở nhiệt độ tại thời điểm đó có khả năng hấp thu bao nhiêu hơi nước nữa mới bão hòa. Trong tính toán yếu tố VKH người ta sử dụng yếu tố độ ẩm tương đối.

* Vật tốc gió: Trong môi trường lao động thường có hai loại gió: gió do sự chênh lệch nhiệt độ không khí giữa bên trong và bên ngoài nơi làm việc và gió ngoài trời thổi vào qua các cửa và khe cửa. Gió có tác dụng làm bốc mồ hôi và điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, gió mạnh quá sẽ gây cảm lạnh. Về mùa hè tốc độ gió thích hợp nhất là từ 1 – 1.5 m/s và mùa lạnh < 0.3 m/s.

* Nhiệt là dạng năng lượng nhiệt được phát sinh ra từ:

– Trao đổi chất của cơ thể

– Sự gia tăng các hoạt động vật chất

– Bức xạ từ bề mặt nóng, các vật thể hoặc từ nguồn năng lượng mặt trời và từ các sản phẩm phụ của quá trình sản xuất công nghiệp…

Một số bệnh do nhiệt độ cao gây ra:

– Hệ thần kinh trung ương: gây rối loạn chức năng sinh lý, mệt mỏi, giảm trí nhớ, kém nhạy cảm , đau cơ bắp, dễ gây tai nạn, giảm năng suất…

– Hệ tuần hoàn : tăng nhịp tim, huyết áp tối thiểu giảm (tim giãn), ảnh hưởng tiêu cực tới cơ tim, thành mạch có nguy cơ cứng tim, đau nhói tim., dễ mắc bệnh tim.

– Rối loạn chuyển hóa nước và muối khoáng: Mất nước, mất chất điện giải, gây chóng mặt, nhức đầu, khó thở, miệng khô đắng, đánh trống ngực,  gây rối loạn chức năng sinh lý toàn thân hoặc cục bộ…

– Rối loạn chức năng thận: Giảm chức năng bài tiết, gây hoạt động khó khăn, có thể gây viêm thận.

– Rối loạn chức năng dạ dày: giảm nước, mất chất điện giải, giảm dịch acid trong dạ dày gây rối loạn chức năng co bóp và giảm tác dụng sát khuẩn gây đau dạ dày, thức ăn chậm tiêu và hay táo bón….

Biện pháp phòng chống:

– Nhà xưởng cao, thông thoáng.

– Trồng cây xanh xung quanh nhà để chống bức xạ và điều hoà không khí.

– Xây nhà bằng vật liệu cách nhiệt, mái nhà có chống nóng.

– Mở nhiều cửa để tạo thông thoáng bằng khí trời.

– Lắp đặt thiết bị thông gió trên sát trần hoặc các quạt thổi công nghiệp.

– Làm hệ thống phun nước trên mái trong điều kiện không lắp đặt được quạt.

– Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân: nón, mũ, găng tay cách nhiệt, quần áo chống nóng…

– Nghỉ nơi thoáng mát, ăn uống đủ chất, uống đủ nước.

– Giảm lao động thể lực nặng nhọc…

– Không bố trí người bị bệnh tim, xơ cứng mạch, huyết áp cao, thiếu máu, bệnh gan, viêm loét dạ dày-hành tá tràng, bệnh thần kinh trung ương, bệnh béo phì, cơ thể suy nhược, đục nhân mắt… ở nơi có nhiệt độ cao.

Một số bệnh  do nhiệt độ lạnh:

– Các tiếp xúc nghề nghiệp: công nhân phòng lạnh, làm đá khô, làm kem, làm việc ngoài trời lạnh hoặc trong các kho lạnh…

– Các tổn thương do nhiệt độ lạnh:

+ Tê cóng: ngón tay, ngón chân, má, và tai… Da trở lên đỏ, rát bỏng và tê.

+ Nứt chân (do ngâm chân trong nước): kết quả là do sự tiếp xúc lâu dài ở nhiệt độ cực thấp và ẩm (00C – 100C). Không nguy hại tới neurovascular (thần kinh – mạch máu) nhưng dẫn tới các mô bị thiếu ô xy . Đặc trưng là sự tê, dẫn tới vọp bẻ chân, phồng giộp da, loét và  hoại tử.    

+ Giảm thân nhiệt chung: là do làm việc trong thời tiết lạnh hay ngâm trong nước lạnh. Đặc trưng là chóng mặt và mệt mỏi. Có thể dẫn tới bất tỉnh và chết.

Biện pháp phòng chống:

– Cung cấp quần áo thích hợp bao gồm cả các găng tay cách nhiệt, đồ đi ở chân (giày, ủng, bít tất…) và khăn trùm đầu.

– Có phòng trung chuyển khi ra khỏi môi trường lạnh.

– Phòng có cửa kín chống gió lùa vào mùa lạnh.

– Cung cấp cho công nhân các loại nước uống ấm.

– Không bố trí người bị hen, suyễn, thấp khớp, viêm dạ dày, viêm đường hô hấp, viêm tắc tĩnh mạch… làm việc nơi có nhiệt độ thấp.

– Hàng năm tổ chức khám bệnh định kỳ, bệnh nghề nghiệp.

Nhìn chung con người làm việc thích hợp và dễ chịu nhất trong môi trường có nhiệt độ không khí từ 20-250C, độ ẩm 50-70 %, vận tốc gió 0,2-0,4 m/s. Người lao động làm việc trong điều kiện nhiệt độ không khí cao, độ ẩm không khí lớn, tốc độ vận chuyển không khí kém sẽ gây ra những biến đổi chỉ tiêu sinh lý dẫn đến bệnh lý.

Tham khảo Tiêu chuẩn : QCVN 26:2016/BYT về Vi khí hậu – Giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)