Rủi ro sức khỏe của khói sơn trong sản xuất

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:28(GMT +7)

Công việc sơn phổ biến ở nhiều cơ sở sản xuất và nhìn chung không đặc biệt nguy hiểm. Dù vậy, những người làm trong lĩnh vực này có thể gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe hơn những gì họ nhận thấy.

Vì công việc này không quá nguy hiểm như những công việc sử dụng máy móc hạng nặng, nên những xem xét quan trọng về an toàn cũng có thể bị bỏ qua. Dưới đây là chi tiết những rủi ro sức khỏe mà khói sơn gây ra và cách giảm thiểu chúng.

 Chất gây ung thư và các chất độc khác

Mối nguy hại sức khỏe dễ thấy nhất trong khói sơn là chất có thể gây ung thư. Ví dụ, trong một số loại sơn có benzene, một chất bay hơi nhanh và là nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu. Công nhân nhà máy làm việc nhiều giờ quanh khu vực sơn có thể hít phải benzene trong sơn, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ngoài chất ung thư, nhiều loại sơn còn chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác (VOCs). Toluen, axeton và fomanđehyt thường được sử dụng làm dung môi, thậm chí còn được dùng làm thành phần chất lỏng chính. Hít phải những hợp chất này có thể gây tổn thương gan, thận và hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là khi tiếp xúc lâu dài.

Vì quy trình sản xuất sơn chủ yếu diễn ra ở phân xưởng trong nhà, nên người lao động làm việc trong phân xưởng có nguy cơ hít phải các chất độc này cao hơn. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho biết nồng độ VOCs trong phân xưởng cao hơn 10 lần so với ngoài trời.

Dị ứng và hen suyễn

Những nhân viên bị dị ứng với một số chất hóa học có thể gặp rủi ro cao hơn. Nhiều hợp chất phổ biến trong sơn công nghiệp có thể kích hoạt các phản ứng nguy hiểm trong cơ thể công nhân, tùy thuộc vào mức độ dị ứng của họ. Ngay cả những người không bị dị ứng mạnh, nhưng khi tiếp xúc thời gian dài với một số hợp chất VOC, sẽ làm tăng nguy cơ bị dị ứng.

Ví dụ, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ fomanđehit cao trong cơ thể sau khi sơn có thể gây ra phản ứng mẫn cảm ở phổi, khiến cơ quan này trở nên mẫn cảm hơn với các chất gây ô nhiễm khác trong không khí. Nếu người lao động tiếp tục làm việc, họ có thể bắt đầu phản ứng mạnh hơn với VOCs trong không khí.

Những mối nguy này thậm chí còn lớn hơn với những người bị hen suyễn. Các chất hóa học như fomanđehyt và axetalđehyt, một chất kết dính phổ biến trong sơn, có thể gây ra các cơn hen suyễn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng việc tiếp xúc với các hợp chất này có thể làm bệnh hen suyễn hoặc dị ứng trở nên trầm trọng hơn.

 Vấn đề sức khỏe trong thời gian ngắn

Ngoài những vấn đề nghiêm trọng này, khói sơn có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe ngắn hạn. Những vấn đề này có thể không gây nguy hiểm cho người lao động nhưng vẫn gây khó chịu và thương tích. Ngay cả khi người lao động có thể giải quyết những vấn đề này, năng suất lao động và sức khỏe tổng thể của họ vẫn có thể bị giảm.

Các tác dụng phụ trong thời gian ngắn hạn phổ biến nhất khi tiếp xúc với VOC là kích ứng mắt, mũi và họng. Nếu những biểu hiện này kéo dài, người mắc phải có thể bị khó thở. Các tác dụng phụ phổ biển khác là nhức đầu, buồn nôn và cảm giác lâng lâng.

Các vấn đề sức khỏe ngắn hạn ít phổ biến hơn nhưng vẫn có thể xảy ra như phản ứng dị ứng trên da, mệt mỏi, chóng mặt và nôn mửa. Nếu những công nhân tiếp xúc gần trong cùng môi trường lao động có khói sơn thời gian dài mà không có những biện pháp bảo vệ phù hợp, những tác dụng phụ này có thể xảy ra ra nhiều hơn.

Cách giảm thiểu nguy hiểm khói sơn

Mặc dù các nguy cơ về sức khỏe liên quan đến khói sơn là đáng lo ngại, nhưng có thể tránh được. Các nhà sản xuất có thể thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo công nhân của họ không phải chịu bất kỳ tác dụng phụ nào khi làm việc với sơn. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất cần tuân thủ.

Cho đến nay, biện pháp an toàn quan trọng nhất khi làm việc với các loại sơn công nghiệp là đảm bảo hệ thống thông gió phù hợp để loại bỏ các chất gây ô nhiễm. Hệ thống thông gió nên lấy không khí từ bên ngoài vào, và đặt ở nơi cách xa ống xả của phân xưởng để ngăn chặn quá trình tái tuần hoàn của bất kỳ VOCs trong không khí.

Các nhà sản xuất cũng nên yêu cầu tất cả công nhân khi sơn phải mặc đồ bảo hộ, bao gồm khẩu trang và kính bảo vệ mắt. Khẩu trang N95 và các loại tương tự, mặt nạ lọc khí phải đạt tiêu chuẩn. Tương tự như vậy, kính bảo hộ cũng phải vừa khít để tránh các hạt nhỏ lọt vào bên trong qua phần tiếp xúc giữa mắt và kính. Những thợ sơn cũng nên mặc quần áo bảo hộ và găng tay để tránh tiếp xúc với da.

Một số nhà sản xuất có thể cân nhắc việc sử dụng sơn tĩnh điện thay vì sơn truyền thống. Bột polyme trơ và không có độc tố an toàn với người công nhân hơn. Công nhân sử dụng loại sơn phủ polyme vẫn nên tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn như đảm bảo thông gió và mặc đồ bảo hộ.

Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể chọn sử dụng sơn không chứa VOC. Sơn gốc nước có thể chứa ít hoặc không có VOC, sẽ an toàn hơn, mặc dù quy trình sơn có thể không giống nhau. Cũng cần lưu ý rằng sơn không chứa VOC vẫn thải ra các hóa chất dạng khí, vì vậy cần có các biện pháp phòng ngừa khác.

Kết luận

Khi các nhà sản xuất hiểu được những nguy hiểm mà khói sơn gây ra, họ có thể hạn chế mức độ nguy hiểm một cách hiệu quả. Mặc dù những rủi ro này có thể không rõ ràng như những rủi ro khác trong môi trường lao động, nhưng chúng vẫn có thể gây nguy hiểm, vì vậy chúng cần phải được quan tâm.

Biên dịch: Thúy Hằng


(Nguồn tin: ishn.com)