Ảnh hưởng của Amiăng tới sức khỏe người lao động và vấn đề sử dụng Amiăng trong tấm lợp Amiăng – Ximăng (AC) ở việt nam.

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:21(GMT +7)

PGS.TS.Lê Vân Trình

Một vài nét về amiăng và các chế phẩm từ amiăng
Amiăng là loại sợi khoáng vô cơ có cấu trúc tinh thể ở dạng sợi dài và mảnh. Amiăng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vật liệu xây dựng, do một số tính năng đặc biệt của amiăng như độ bền kéo cao, bền hóa chất, bền nhiệt, độ dẫn điện thấp, cách âm, độ mềm dẻo lớn…

Amiăng là tên gọi chung của sáu loại khoáng ở dạng sợi có thành phần hóa học chủ yếu SiO2 , Mgo và được chia thành hai nhóm chính dựa trên cấu trúc tinh thể: Nhóm khoáng vật serpentine chủ yếu là chrysotile hay còn gọi là amiăng trắng; nhóm khoáng vật amphibole bao gồm actinolite hay còn gọi là amiăng xanh và amiăng nâu.

Với chức năng là cốt liệu gia cường, amiăng có tác dụng tăng tính cơ lý nên vật liệu tổ hợp amiăng – ximăng vẫn giữ được độ nhẹ mong muốn, song độ bền cơ học lại được tăng lên đáng kể (hơn cả vật liệu cốt sợi kim loại nhiều lần). Vì vậy, từ amiăng, người ta đã sản xuất ra nhiều thành phẩm khác nhau phục vụ cho nhu cầu đa dạng của công nghiệp và đời sống, nhưng đáng kể nhất vẫn là các vật liệu xây dựng như tấm lợp, tấm lát, gạch ngói, ống đúc…chiếm đến 2/3 nhu cầu tiêu thụ amiăng.

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp A-C đang hoạt động (trong đó có 17 doanh nghiệp nhà nước) với năng lực sản xuất khoảng 100 triệu mét vuông tấm lợp/năm, sử dụng hơn 10.000 lao động trực tiếp. Nhìn chung, ngoài một số cơ sở có công nghệ kín, còn hầu hết các cơ sở sản xuất tấm lợp A-C đều sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Nhiều công đoạn của dây chuyền sản xuất chưa được cơ giới hóa hoàn chỉnh, không ít công đoạn như vận chuyển amiăng sau nghiền, đóng bao, xé bao…gây phát tán ô nhiễm ra môi trường. Với thực trạng công nghệ như vậy nên môi trường lao động đều có nồng độ amiăng cao hơn gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép (TCVN là nhỏ hơn 0,5 sợi/ml.h).

Việc đánh giá môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng hiện nay được tiến hành bằng cách đếm sợi bụi amiăng trong không khí qua kính hiển vi chuyên dụng. Hiện nay, ở Việt Nam có 3 đơn vị có năng lực cao trong việc xác định mức độ ô nhiễm bụi amiăng, đó là Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động (TLĐLĐVN), Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng).

Ảnh hưởng của amiăng tới sức khỏe người lao động.

Mặc dù ở các nước phát triển, amiăng đã bị cấm sử dụng từ đầu những năm 70, song vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước người ta phát hiện ra hàng loạt bệnh nhân bị tử vong do các bệnh phổi đều đã từng làm việc ở các cơ sở sản xuất amiăng. Khoảng 87% những người bị ung thư phổi không hút thuốc lá đều là những người đã làm việc ít nhất là 5 năm trong các nhà máy có nguyên liệu amiăng, một trong số đó khi được giải phẩu đã phát hiện ra các sợi amiăng trong phổi người chết.

Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thì tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người, song amiăng amphibole (amiăng xanh, nâu) nguy hiểm hơn amiăng chrisotyle (amiăng trắng). Khi amiăng ở trong dạng kết khối với vật liệu khác thì chúng ít gây độc hại hơn khi chúng ở dạng sợi và phát tán vào không khí. Amiăng không gây tác dụng tức thì mà thường sau 15 – 40 năm các tác hại của amiăng mới xuất hiện. Có thể phân tích sự có mặt của sợi amiăng trong nước tiểu, trong phân. Bằng phương pháp phân tích tia X không thể phát hiện ra amiăng, song có thể phát hiện khá sớm dấu hiệu của ung thư phổi do bụi amiăng gây ra. Amiăng gây ra một số căn bệnh chính là: Bệnh phổi do hít phải amiăng, ung thư màng phổi và ung thư trung biểu mô. Cho tới nay chưa có nghiên cứu nào về tác động cấp tính của amiăng đối với con người và động vật.

Các nhà y học Việt Nam cũng đã phát hiện ra tiềm năng gây bệnh ung thư của amiăng nhất là amiăng amphibole vào năm 1976, Nhà nước đã đưa bệnh bụi phổi do amiăng vào danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Cho đến năm 2006, Việt Nam mới công nhận 3 trường hợp bệnh bụi phổi amiăng được bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề xác định bệnh nghề nghiệp do amiăng cho đến nay vẫn chưa làm được một cách hệ thống như khám định kỳ, khám chuyên sâu cho người lao động. Số trường hợp bị ung thư do amiăng mà chúng ta phát hiện ra được rất ít do thời gian ủ bệnh lâu, hầu như khó tìm được người lao động nào làm việc ở cơ sở sản xuất quá 5 năm và chúng ta không nắm bắt được sự dịch chuyển chổ làm việc của họ.

Vấn đề amiăng và thái độ của chúng ta

Với tính năng vật liệu khá lý tưởng (như chịu lửa, có độ cách nhiệt cao, cách âm tốt và rất bền khí hậu) cộng với giá thành chế tạo rẻ dễ làm cho người ta quên đi một sự thật về mặt y học, amiăng được xác định là tác nhân gây ung thư tiềm ẩn và được cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đưa vào danh mục những chất độc nguy hiểm.

Vấn đề sử dụng amiăng luôn là vấn đề nhạy cảm và thậm chí có lúc ở mức quyết liệt giữa một bên là đại diện cho giới chủ sản xuất và xuất khẩu amiăng và một bên là đại diện cho sức khỏe, quyền và lợi ích của người lao động làm việc trong các cơ sở khai thác và sản xuất amiăng. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, điều tra, thu thập thông tin về lĩnh vực này đang được Chính phủ các nước cũng như ở Việt Nam quan tâm theo dõi và giao cho các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học nghiên cứu, đặc biệt là các thông tin về sức khỏe của những người thường xuyên tiếp xúc với amiăng.

Việc hạn chế tiến tới loại bỏ không sử dụng vật liệu amiăng mà thay thế bằng các loại vật liệu khác ít độc hại hơn là hướng đi rất tịch cực của nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Được sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, của các nhà khoa học thuộc Viện khoa học công nghệ Việt Nam cùng với một số doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất tấm lợp từ vật liệu cốt là sợi tổng hợp PVA, xơ dừa… Từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước KC.06.15 “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng” giai đoạn 2003 – 2005, Công ty Tân-Thuận-Cường, Tứ kỳ, Hải Dương đã áp dụng thành công dây chuyền thiết bị sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng mà sử dụng cốt sợi PVA không độc có công suất 3 triệu m2 /năm với chất lượng cao. Dây chuyền đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2007, cung cấp cho thị trường Việt Nam khoảng 100.000 m2 tấm lợp không amiăng với giá cả phù hợp và đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Tuy nhiên, do các doanh nghiệp khai thác ở các nước có nhiều mỏ amiăng hàng đầu thế giới bị hạn chế xuất khẩu nên họ đã phát động chiến dịch phản bác các nghiên cứu của các nhà y học lao động và dành nhiều ưu đãi cho các nước nhập khẩu. Vì thế sản xuất tấm lợp từ amiăng đã và đang mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp sản xuất loại tấm lợp này ở các nước phát triển. Mặt khác, do điều kiện kinh tế – xã hội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam còn thấp, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động còn khó khăn, đời sống của một bộ phận dân chúng, đặc biệt là đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa còn nghèo nên ở một chừng mực nào đó, việc sản xuất tấm lợp rẻ tiền như tấm lợp fibroximăng vẫn còn có một vài ý nghĩa kinh tế – xã hội nhất định.

Chính vì vậy, trên cơ sở phân tích khoa học TLĐLĐVN đã nêu rõ quan điểm của mình như sau:

1. Cấm hoàn toàn việc nhập khẩu và sử dụng amiăng amphibole (amiăng xanh và nâu). Trước mắt vẫn cho tiếp tục nhập khẩu và sản xuất có kiểm soát tấm lợp có amiăng chrysotyle (amiăng trắng).

2. Tuy nhiên, để tiếp tục sản xuất , các cơ sở sản xuất tấm lợp AC phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:

Đầu tư, cải tạo công nghệ theo hướng cơ giới hóa và khép kín đồng bộ. Phải có các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Tuân thủ nghiêm ngặt TCVN 3733/2003: Trong khu vực làm việc nồng độ bụi amiăng phải dưới 0,5 sợi/ml.h không khí; Đo đạc định kỳ kiểm tra môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe ( trong đó có chụp X quang phổi) cho người lao động 2 lần trong 1 năm.

Nhà nước cần đề ra lộ trình cải tạo công nghệ và thay thế vật liệu amiăng bằng các vật liệu khác an toàn hơn trong sản xuất tấm lợp cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp.

Amiăng, kể cả amiăng nâu, amiăng xanh và amiăng trắng là chất độc hại, không có giới hạn an toàn khi sử dụng. Trong đó, đặc biệt là amiăng nâu và amiăng xanh cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là những người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng. Chính vì vậy, Chính phủ đã ra quyết định nghiêm cấm việc nhập khẩu và sản xuất amiăng nâu và xanh. Đối với amiăng trắng, do hoàn cảnh kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, Chính phủ tạm thời chấp nhận có thời hạn và kiểm soát gắt gao việc nhập khẩu và sử dụng. Các cơ sở sản xuất có sử dụng amiăng trắng cần nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về tác hại của amiăng để người lao động biết tự bảo vệ mình cũng như cộng đồng; tích cực cải tiến công nghệ; áp dụng các giải pháp làm sạch môi trường lao động và xử lý chất thải; trang bị đầy đủ đúng chủng loại phương tiện bảo vệ cá nhân có chất lượng cho người lao động và cộng đồng, những người vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước


(Nguồn tin: )