Ảnh hưởng của môi trường lao động đối với vấn đề tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Môi trường làm việc hiện nay thường có nhiều loại vật liệu, yếu tố và thao tác tiềm tàng các nguy hại đối với sức khỏe. Ngành công nghiệp sản xuất phải sử dụng các loại vật liệu tự nhiên và tổng hợp, nhiều loại trong số đó có thể gây ra tác động có hại đến sức khỏe NLĐ phải tiếp xúc với chúng.
Xã hội không mong muốn việc NLĐ đánh đổi sức khỏe và sự không an toàn của chính mình chỉ để có một công việc. Nhưng các bệnh liên quan đến nghề nghiệp vẫn xảy ra ở nhiều nơi làm việc và không chỉ ở những khu vực có ngành công nghiệp. Các hóa chất có khả năng tiềm tàng gây ung thư, các bệnh phổi, rối loạn máu và xương, mất khả năng tâm thần, suy giảm hệ thống thần kinh trung ương, giảm khả năng sinh sản và tử vong, vẫn hiện hữu trong các nhà máy và nông trại. Các nguy cơ vi sinh học góp phần làm giảm chất lượng không khí trong nhà và có thể là các nguy cơ chính gây bệnh truyền nhiễm trong các trung tâm chăm sóc trẻ em, bệnh viện, hoặc ở các nơi làm việc khác – nơi có thể xảy ra lây nhiễm do tình cờ tiếp xúc với dịch tiết cơ thể. Nghề chăn nuôi động vật hay tiếp xúc với các loài chim có thể rủi ro lây nhiễm bệnh của động vật. Nơi làm việc trong các ngành công nghiệp còn có thể có các căng thẳng về thể chất và tinh thần cho NLĐ, ví dụ như làm việc tay chân, tiếng ồn, rung, quá nóng hay quá lạnh hoặc tiếp xúc với cả phóng xạ ion hóa hoặc không ion hóa. Con người không có biện pháp bảo vệ tự nhiên đối với việc tiếp xúc quá mức với bất kỳ yếu tố nguy hại nào nêu trên và vì vậy có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy hiểm, có hại ở nơi làm việc gây TNLĐ, BNN.
Nguy cơ TNLĐ trong môi trường có thể chia ra 5 nhóm như sau:
Nhóm các yếu tố cơ học: các bộ phận, cơ cấu truyền động, chuyển động quay và tịnh tiến tốc độ lớn, các mảnh văng của dụng cụ hoặc vật liệu gia công, các vật rơi từ trên cao, sự sập gãy hay sụt lở công trình, trơn trượt ngã…
Nhóm các yếu tố về điện: điện giật, bỏng điện, chập cháy nổ do điện, sét đánh…
Nhóm các yếu tố hóa học: các chất gây nhiễm độc cấp tính, ví dụ khí axit như SO2, SO3, các oxit cacbon CO và CO2, oxit nitơ NO2, hydrosunfua H2S; các hóa chất độc hại nằm trong danh mục phải khai báo đăng ký, hoặc bỏng hóa chất (độ 2, độ 3).
Nhóm các yếu tố gây nổ: nổ hóa học (nổ cháy xăng dầu, khí đốt, thuốc nổ…); nổ vật lý (nổ bình hơi, bình khí nén…).
Nhóm các yếu tố về nhiệt: các dung môi chất truyền nhiệt thể lỏng, hơi, khí, rắn có thể gây bỏng (nóng hoặc lạnh); gây cháy do ngọn lửa, tia lửa, vật nung nóng – nấu chảy, hơi khí xả nóng…
Khai thác mỏ là môi trường làm việc có nhiều nguy cơ TNLĐ |
Các nguyên nhân gây tai nạn có thể nhóm thành nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là hành động không an toàn của công nhân và điều kiện làm việc không an toàn. Nguyên nhân gián tiếp có thể là yếu tố liên quan tới quản lý, các điều kiện môi trường, điều kiện về tâm thần thể chất của công nhân. Các yếu tố này có thể kết hợp với nhau dẫn tới xảy ra tai nạn. Sai lầm của con người thường được xem là nguyên nhân của TNLĐ. Tuy nhiên quan điểm về ecgonomy ngày nay không xem sai sót của con người là nguyên nhân mà là tập hợp các ảnh hưởng của các sai sót sâu trong hệ thống mà con người làm việc. Tình trạng tinh thần, thể chất của công nhân có thể đóng vai trò quan trọng dẫn tới TNLĐ. Nguy cơ bị TNLĐ tăng gấp 2 lần đối với lao động nặng nhọc và tăng 50% trong số nam giới bị hội chứng khó thở khi ngủ là cơ chế có thể của vấn đề này. Sức nghe và nhìn là các yếu tố nguy cơ TNLĐ. Công nhân được báo cáo hay lo lắng thường bị thương tích nhiều hơn và ít áp dụng các biện pháp an toàn.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 có khoảng 80% NLĐ ở các nước đang phát triển mới công nghiệp hóa và 40% NLĐ ở các nước công nghiệp phát triển chịu ảnh hưởng của tiếng ồn, rung, bức xạ ion hóa, bức xạ điện từ trường, điều kiện vi khí hậu bất lợi tại nơi làm việc. Hằng năm trên thế giới có 2,3 triệu trường hợp tử vong do TNLĐ và bệnh liên quan nghề nghiệp trong đó 85% các trường hợp là do bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Số trường hợp mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp còn cao hơn rất nhiều lần.
Ở Việt Nam hiện nay mỗi năm trung bình có 2.000 trường hợp tử vong do TNLĐ được báo cáo ở cộng đồng và hơn 100.000 trường hợp phải đến điều trị tại các cơ sở y tế. Mô hình BNN cũng có xu hướng thay đổi theo điều kiện và môi trường làm việc.
Môi trường lao động đã bước đầu được cải thiện ở một số chỉ số nhất định. Số mẫu đo vượt tiêu chuẩn cho phép trong giai đoạn 2006-2010 và 2011-2013 đã giảm khoảng 5% so với giai đoạn 2001-2005. Các yếu tố được cải thiện chủ yếu là vi khí hậu, bụi, ánh sáng,ồn, rung chuyển. Tuy nhiên, các yếu tố độc hại trong môi trường lao động giảm còn chưa bền vững, một số yếu tố vẫn có xu hướng gia tăng. Các yếu tố môi trường mới khác chưa được kiểm soát, các yếu tố độc hại phát sinh do điều kiện, môi trường lao động mới đem lại như yếu tố ecgonomi, ảnh hưởng cơ xương khớp, tác nhân sinh học mới (cúm HN, HN, SARS, Ebola), nhiều loại hóa chất chưa được thống kê và đánh giá đúng mức.
Trong năm 2016, theo báo cáo của 57 tỉnh, thành phố, tổng số mẫu quan trắc môi trường lao động không đạt tiêu chuẩn vệ sinh là 61.114 mẫu, chiếm 8,3%. Các mẫu có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn cho phép bao gồm: ánh sáng (15,9%) ồn (14,7%); vi khí hậu (6,58%); phóng xạ, điện từ trường (6,67%); rung chuyển nghề nghiệp (5,45%); hơi khí độc bụi (2,35%).
Các vấn đề liên quan đến môi trường làm việc thiếu ánh sáng, độ ồn cao là một trong các nguy cơ gây TNLĐ vì làm giảm tầm nhìn, quan sát của NLĐ đối với các yếu tố nguy hiểm, không nghe rõ các tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ nhằm phát hiện sớm BNN |
Có thể thấy rằng cùng với sự thay đổi của các yếu tố vệ sinh vượt tiêu chuẩn cho phép trong môi trường lao động, tỷ lệ mẫu bụi vượt tiêu chuẩn cho phép thấp hơn so với mẫu đo tiếng ồn, một số yếu tố có hại mới xuất hiện trong quá trình lao động, mô hình các loại bệnh nghề nghiệp có xu hướng thay đổi. Số trường hợp được chuẩn đoán bị điếc nghề nghiệp do tiếng ồn có xu hướng ngày càng tăng. Các trường hợp được chuẩn đoán bị bệnh bụi phổi silic có xu hướng giảm. Trong đó 3.267 trường hợp mắc BNN được phát hiện năm 2016, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn chiếm 64,4%, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp (10,2%), bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp (5,1%), bệnh bụi phổi than nghề nghiệp (2,1%), bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp (1,4%), một số bệnh còn lại chiếm 13,6%.
Nhiều biện pháp đã được triển khai ở cơ sở lao động để kiểm soát các yếu tố có hại trong môi trường lao động như kiểm soát bụi, ồn, hơi khí độc nhằm giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, có hại, phòng chống TNLĐ, BNN. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện việc lập hồ sơ vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động theo quy định cũng như việc tự kiểm tra để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất thực hiện quan trắc môi trường lao động chỉ chiếm khoảng 20% trong số các doanh nghiệp có yếu tố nguy hiểm, có hại. NLĐ chưa được thông tin về các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và cách phòng chống.
Chính vì vậy song song với công tác thanh tra kiểm tra về ATVSLĐ, công tác huấn luyện về ATVSLĐ đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cho NSDLĐ và NLĐ nhận thức rõ được trách nhiệm, quyền lợi cũng như tầm quan trọng trong việc đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh, không có TNLĐ, BNN.
TS. Lương Mai Anh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế
(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ số 7/2017)