Ảnh hưởng của môi trường nhiệt khi mặc quần áo bảo hộ lao động qua thang đánh giá cảm giác nhiệt chủ quan tại phòng thí nghiệm nhiệt – ẩm
Tóm tắt :
Qua thử nghiệm 4 loại quần áo bảo hộ lao động (BHLĐ) dành cho lao động phổ thông (cụ thể là quần áo BHLĐ của công nhân xây dựng đang sử dụng) trong 2 điều kiện thí nghiệm nhiệt (360C và 380C) và 2 mức tiêu hao năng lượng (trung bình và nặng)trong phòng nhiệt ẩm, kết quả chỉ ra rằng:có sự khác biệt rõ rệt về cảm giác nhiệt giữa thang nhiệt nóng (360C) và rất nóng (380C); mặc loại quần áo có thành phần vải 65% polyester/35% cotton (có độ truyền nhiệt và độ thoáng khí cao), cho cảm giác nhiệt dễ chịu hơn so với khi mặc các bộ có thành phần vải polyester trên 85%. Bộ quần áo có chất liệu vải tới 98% polyester gây ảnh hưởng nhiều nhất và cho cảm giác rất khó chịu khi mặc. Như vậy, khi lao động trong môi trường nhiệt ẩm cao, nên ưu tiên chọn loại vải có thành phần là 65%Polyester/35% cotton. Nếu chọn loại vải có cùng thành phần >85% polyester (loại thường có trên thị trường hiện nay) nên chọn loại có độ dày vải <0,4mm sẽ cho ảnh hưởng ít hơn so với loại có độ dày vải >0,4mm. Loại quần áo có chất liệu vải trên 90% polyester không thích hợp dùng trong điều kiện khí hậu nóng vì có độ hút nước và độ truyền nhiệt kém.
1. Đặt vấn đề
Quần áo BHLĐ là loại phương tiện bảo vệ thân thể chống lại các tác nhân gây hại qua da như: các tác nhân vật lý (bức xạ nhiệt, bụi, lửa, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp…); tác nhân hóa học (các chất lỏng, dầu mỡ, dung môi, nhựa đường….); tác nhân sinh học (máu, nước tiểu của người bệnh; vi trùng, vi khuẩn, nấm mốc….)… Trên thị trường hiện có 2 loại quần áo BHLĐ chính : quần áo BHLĐ phổ thông và quần áo BHLĐ chuyên dụng. Tùy môi trường lao động và ngành nghề, ngoài các yêu cầu kỹ thuật chung, mỗi loại quần áo BHLĐ cần có các yêu cầu riêng cho phù hợp và tiện lợi cho người sử dụng.
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về một số chủng loại quần áo BHLĐ và đã chỉ ra những ảnh hưởng khi mang quần áo BHLĐ làm việc tới sự thay đổi một vài chỉ số sinh lý, căng thẳng nhiệt cũng như cảm giác nhiệt ở người mặc. Các chủng loại quần áo BHLĐ có yêu cầu cao về mức độ bảo vệ đã cản trở sự trao đổi nhiệt. Hậu quả là khi làm việc có mặc quần áo có tính bảo vệ cao, đặc biệt trong môi trường nóng đã gây ra sự căng thẳng sinh lý đáng kể và có thể làm cho người lao động kiệt sức trong một thời gian ngắn.
Ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu thiết kế và gia công loại quần áo chuyên dùng cho một số ngành nghề như: trang phục bảo vệ cho nhân viên cứu hộ, quần áo chống lạnh làm việc trong các kho lạnh, quần áo cho công nhân luyện kim, quần áo cho công nhân khai thác và thăm dò dầu khí, quần áo cho công nhân đi lô cao su..… Đa số các công trình trên tập trung nghiên cứu về loại vật liệu, kiểu dáng và tính năng bảo vệ của quần áo, nghiên cứu ảnh hưởng của quần áo BHLĐ đến người sử dụng về phương diện Ecgônômi, nhất là những ảnh hưởng do yếu tố nhiệt gây ra, còn ít được quan tâm. Nghiên cứu xác định ảnh hưởng của mặc quần áo BHLĐ khi hoạt động thể lực qua sự biến đổi một số chỉ tiêu sinh lý và cảm giác nhiệt để kiến nghị lựa chọn loại quần áo BHLĐ thích hợp cho công nhân khi mặc làm việc trong môi trường nóng ẩm là rất cần thiết. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập sự căng thẳng nhiệt khi mặc quần áo bảo hộ lao động làm việc trong môi trường nóng thể hiện qua phiếu đánh giá cảm giác nhiệt chủ quan của các đối tượng khi tham gia hoạt động thể lực.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu :
– Loại quần áo BHLĐ: 04 bộ quần áo đã chọn được đánh số thứ tự bộ số1, số 2, số 3 và số 4. Trong đó:
+ Bộ số 1: Chất liệu vải 87,3% Polyester/12,7% Cotton, độ dày vải = 0,38mm
+ Bộ số 2 : Chất liệu vải 98% Polyester/2% Cotton
+ Bộ số 3 : Chất liệu vải 87,9% Polyester/12,1% Cotton độ dày vải 0,44mm
+ Bộ số 4 : Chất liệu vải 65% Polyester/35% Cotton
Với bộ số 1 và số 3, do tính chất vải cùng thành phần (87%Po/13%Co) nên có tính đến độ dày vải để đánh giá đặc tính của chất liệu.
– 30 đối tượng nam thanh niên khỏe mạnh, không mắc bệnh mãn tính, là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện tham gia thí nghiệm, có kết quả khám sức khỏe đạt loại I và II. Tuổi từ 19 đến 24, có chiều cao trung bình 167,8 ± 12,15 cm và cân nặng 56,0 ± 13,72 kg.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Thiết kế nghiên cứu : Theo phương pháp mô tả cắt ngang, thực hiện trong phòng thí nghiệm (PTN) Nhiệt -ẩm, đặt tại Viện NC KHKT- Bảo hộ lao động, số 99 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
2.2.2. Chỉ số nghiên cứu : Cảm giác nhiệt chủ quan của các nam sinh viên khi mặc các bộ quần áo BHLĐ để đạp xe đạp lực kế trong thời gian 60 phút trong PTN nhiệt-ẩm
2.2.3. Đặt điều kiện thực nghiệm trong PTN
* Chế độ nhiệt: Trên cơ sở hệ thống tạo nhiệt ẩm của PTN, đề tài sử dụng thang đánh giá cảm giác nhiệt SN (phương pháp NILP 99- Viện BHLĐ, 1998) [1] để nghiên cứu với 2 thang nhiệt –ẩm nóng và rất nóng:
- Cảm giác nhiệt nóng : Nhiệt độ 35-370C (nhiệt độ tiến hành thí nghiệm: 360C với sai số ± 0,50C); độ ẩm 80-85%, tốc độ gió : 0,5 m/s
- Cảm giác nhiệt rất nóng : Nhiệt độ 37-400C, (nhiệt độ tiến hành thí nghiệm: 380C với sai số ± 0,50C ); độ ẩm 80-85%, tốc độ gió : 0,5 m/s .
- Bức xạ nhiệt mô phỏng : 16-41 W/m2
* Mức chuyển hóa : chọn 2 mức tiêu hao năng lượng (THNL) : trung bình và mức lao động nặng. Tổ hợp 4 điều kiện thí nghiệm là :
+ Mức THNL trung bình + cảm giác nhiệt nóng (TB-N)
+ Mức THNL trung bình + cảm giác nhiệt rất nóng (TB-RN)
+ Mức THNL nặng + cảm giác nhiệt nóng (N-N)
+ Mức THNL nặng + cảm giác nhiệt rất nóng (N-RN)
2.2.4. Trang thiết bị, dụng cụ và bộ phiếu sử dụng trong nghiên cứu:
+ Xe đạp lực kế đa năng 839E (Thụy Điển)
+ Một số dụng cụ và vật tư khác: nước uống, dép nhựa cách điện, bông, cồn, băng dính thông khí, khăn lau mồ hôi, ….
+ Mẫu phiếu đánh giá cảm giác nhiệt chủ quan: gồm 5 câu hỏi.
2.2.5. Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá :
* Phương pháp thực hiện:
+ Phương pháp thực nghiệm tại phòng thí nghiệm: thực hiện theo Thường quy kỹ thuật, 2002 của Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường [3]. Đối tượng lần lượt mặc 4 loại quần áo khác nhau và tiến hành đạp xe đạp lực kế trong thời gian 60 phút với từng điều kiện thí nghiệm. Ngay khi kết thúc thí nghiệm, cho đối tượng trả lời về các cảm giác nhiệt với điều kiện vừa thí nghiệm vào phiếu hỏi có sẵn.
+ Phương pháp trắc nghiệm qua phiếu phỏng vấn có sẵn
+ Phương pháp thống kê xử lý số liệu: mã hóa các đáp án trả lời của các câu hỏi bằng thang điểm 5 và 7 bậc. Sau đó sử dụng phầm mềm SPSS for Windows để xử lý thống kê.
* Tiêu chuẩn đánh giá :
Đánh giá theo TCVN 7489:2005 (ISO 10551:1995) [2]. Dữ liệu thu thập được đánh giá theo thang 7 bậc: cho các câu 1 và 3 và thang 5 bậc: cho các câu 2 và 5. Cụ thể mẫu phiếu đánh giá và thang điểm được thiết kế như sau :
3. Kết qủa và nhận xét
Kết quả đánh giá cảm giác nhiệt qua cả 4 điều kiện thí nghiệm như sau :
3.1. Cảm giác nhiệt :
Kết quả bảng 1 dưới đây cho thấy : trong cả 4 điều kiện thí nghiệm, đối tượng mặc bộ số 2 và số 3 đều cho kết quả đánh giá cảm nhận nhiệt không bình thường chiếm tỷ lệ cao hơn so với khi đối tượng mặc bộ số 1 và số 4. Trong đó, xu hướng tập trung vào cảm giác nhiệt từ “hơi nóng” (trong điều kiện nhiệt 360C) đến “nóng bức –rất nóng bức” (trong điều kiện nhiệt 380C và mức THNL nặng).
3.2. Cảm giác trạng thái nhiệt :
Kết quả bảng 2 dưới đây chỉ ra rằng, trong cả 4 điều kiện thí nghiệm, các đối tượng đều có trạng thái cảm thấy không thoải mái khi mặc đồ BHLĐ và các đối tượng cũng đánh giá rằng mặc bộ số 2 và số 3 khó chịu hơn (chiếm tỷ lệ % cảm giác trạng thái nhiệt không thoải mái cao hơn) so với mặc bộ số số 1 và số 4 khi đạp xe trong cùng điều kiện thí nghiệm. Đôi khi mặc bộ số 3 còn khó chịu hơn bộ số 2 vì bộ số 3 dày và nặng hơn. Đánh giá cảm giác trạng thái nhiệt có xu hướng tập trung vào cảm giác từ “hơi khó chịu” (trong điều kiện nhiệt 360C) đến “khó chịu” và “rất khó chịu” (nhất là khi mặc bộ số 2) (trong điều kiện nhiệt 380C và mức THNL nặng).
3.3. Cảm giác nhiệt ưa thích:
Với cảm giác nhiệt khó chịu nêu trên, khi được hỏi về cảm giác nhiệt ưa thích, các đối tượng trả lời cho kết quả như sau:
Kết quả bảng 3 cho thấy, trong cả 4 điều kiện thí nghiệm, các đối tượng đều muốn thay đổi điều kiện nhiệt thí nghiệm (đều chiếm tỷ lệ rất cao, đa số > 90%), kể cả khi mặc bộ số 1 và số 4 (dù trước đó đánh giá cho cảm giác dễ chịu hơn). Đánh giá cảm giác nhiệt ưa thích, các đối tượng đều muốn được thay đổi và có xu hướng tập trung muốn “mát thêm một chút” (trong điều kiện nhiệt 360C) đến “mát hơn lên” (trong điều kiện nhiệt 380C và mức THNL nặng).
3.4. Khả năng chấp nhận môi trường nhiệt hiện tại
Đánh giá khả năng “không chấp nhận” môi trường nhiệt hiện tại cho kết quả cũng khác nhau tùy điều kiện thí nghiệm. Kết quả cụ thể như sau :
Kết quả biểu đồ 1 cho thấy, tỷ lệ đối tượng không thể chấp nhận môi trường nhiệt thí nghiệm hiện tại ở cả 4 điều kiện thí nghiệm với cả 4 loại quần áo BHLĐ đều cao. Điều này cho nhận định, môi trường nhiệt hiện tại (từ 360C đến 380C) cho cảm giác nóng nực, khó chịu. Tuy nhiên, trong 4 bộ, đối tượng mặc bộ số 4 cho khả năng chấp nhận môi trường nhiệt tốt hơn (nhìn chung, tỷ lệ % không chấp nhận môi trường nhiệt của đối tượng mặc bộ số 4 đều thấp hơn các bộ khác).
3.5. Khả năng chịu đựng :
Với các đánh giá về cảm nhận nhiệt nêu trên, khả năng chịu đựng môi trường nhiệt thí nghiệm (TN) của các đối tượng cho kết quả như sau :
Kết quả bảng 4 cho thấy, khả năng khó chịu đựng môi trường nhiệt thí nghiệm hiện tại ở cả 4 điều kiện thí nghiệm với cả 4 loại quần áo BHLĐ đều cao. Tại mức thí nghiệm TB-N, khả năng chịu đựng còn tương đối tốt (>40%), nhưng ở điều kiện thí nghiệm với thang nhiệt tăng và mức THNL nặng thì tỷ lệ đối tượng đánh giá khó chịu đựng với môi trường nhiệt cũng tăng cao. Điều này cho nhận định, môi trường nhiệt hiện tại (từ 360C đến 380C) cho cảm giác nóng nực, khó chịu và các đối tượng đều có cảm giác “hơi khó chịu khi phải chịu đựng”. Đặc biệt, các đối tượng khi mặc bộ số 2 đều có xu hướng đánh giá “khá và rất khó chịu khi phải chịu đựng”. Nhìn chung, trong 4 bộ, khi mặc bộ số 4 các đối tượng cho khả năng chấp nhận và chịu đựng môi trường nhiệt tốt hơn.
4. Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
Phân tích kết quả qua thang đánh giá chủ quan về cảm giác nhiệt của đối tượng ở cả 4 mức thí nghiệm cho nhận định chung như sau :
– Với các giá trị p > 0,05, kết luận rằng, chưa có đủ bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa các bộ quần áo với sự đánh giá chủ quan về ảnh hưởng của môi trường nhiệt sau khi kết thúc QTTN. Trong cùng một điều kiện nhiệt thí nghiệm, khi mặc các loại quần áo khác nhau để thí nghiệm, cho thấy có sự khác biệt về đánh giá chủ quan của đối tượng thí nghiệm về môi trường nhiệt (nóng và rất nóng), nhưng sự khác biệt này chưa mang ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, lại có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (χ2 ) về cảm giác nhiệt trong thang đánh giá của mỗi câu hỏi cho từng bộ quần áo (giữa các giá trị quan sát được và giá trị 0 (bình thường hoặc thoải mái), trong từng mức TN.
– Kết quả cũng chỉ ra trong số 4 bộ BHLĐ thí nghiệm, mặc bộ số 4 (65%Po/35%Co) cho cảm giác dễ chịu hơn so với mặc 3 bộ còn lại. Mặc bộ số 2 là khó chịu nhất, vì đây là bộ gần như 100% là nilon, tuy bộ số 2 có độ thông thoáng cao hơn, nhưng khả năng truyền nhiệt (cho cơ thể ra môi trường) và hút hơi nước lại kém nhất. Giữa bộ số 1 và số 3 có thành phần gần như nhau (87%Po/13%Co), nhưng bộ số 3 có khối lượng riêng lớn hơn, dày hơn (>0,4mm), nên khi mặc lại cho cảm giác khó chịu hơn bộ số 1. Như vậy về đánh giá cảm giác nhiệt chủ quan có thể thấy mặc bộ số 1 và số 4 cho kết quả khả quan hơn, trong đó mặc bộ số 4 cho cảm giác nhiệt dễ chịu hơn cả.
2. Kiến nghị
– Trong điều kiện môi trường nóng-ẩm, để giảm bớt căng thẳng nhiệt khi hoạt động thể lực, loại quần áo BHLĐ nên ưu tiên chọn loại vải may có thành phần là 65%Po/35%Co, có đặc tính hút ẩm, thoáng khí và truyền nhiệt tốt với độ dày vừa phải. Nếu không thể thì khi mua/may loại vải có có cùng thành phần 83-87% Po/17-13% Co (loại quần áo BHLĐ phổ thông bán phổ biến hiện nay trên thị trường), nên chọn loại có độ dày vải mỏng và khối lượng riêng nhỏ hơn. Tránh chọn chất liệu có trên 90% Po cho quần áo BHLĐ mùa hè và làm việc ngoài trời. Các doanh nghiệp nên đặt hàng may từ công ty và lựa chọn vải có chất lượng hơn là mua hàng may sẵn, vừa đảm bảo chất lượng vải theo yêu cầu, vừa đảm bảo kích cỡ, kiểu dáng và có thể yêu cầu cơ sở may theo các TCVN của nhà nước về quần áo BHLĐ.
– Các doanh nghiệp khi mua hoặc may quần áo BHLĐ cho NLĐ cần yêu cầu cơ sở sản xuất cung cấp các thông tin cơ bản đề xuất nêu trên để chọn lựa được loại sản phẩm phù hợp với yêu cầu. Hai là kiến nghị các nhà sản xuất khi bán sản phẩm cần cung cấp các thông tin cơ bản về thành phần và một số chỉ tiêu chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Ba là người sử dụng cũng cần yêu cầu có một vài thông tin ngắn gọn về sản phẩm đính kèm mà mình sử dụng như đã đề xuất./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Vân Trình, Bảo vệ môi trường. Tài liệu huấn luyện. Hà Nội 2002
2. TCVN TCVN 7489:2005 (ISO 10551:1995, Ecgônômi môi trường nhiệt. Đánh giá ảnh hưởng của môi trường nhiệt bằng thang đánh giá chủ quan.
3. Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường. Thường quy kỹ thuật y học lao động – vệ sinh môi trường – sức khỏe trường học. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội – 2002.
TS. Phạm Thị Bích Ngân
Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp
Viện NC KHKT- Bảo hộ lao động
(Nguồn tin: Nilp.vn)