Ánh sáng tốt cho sản phẩm may chất lượng cao (Phần 1)

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:49(GMT +7)

Chúng ta nhận khoảng 80% lượng thông tin bằng mắt nhìn. Mặc dù mắt người có khả năng thích ứng cao và có thể làm việc trong điều kiện ánh sáng tối thiểu, nhưng khi ánh sáng không đủ, công nhân rất dể mắc lỗi, năng suất lao động thấp và sản phẩm chất lượng kém. Công nhân cũng cảm thấy mỏi mắt, căng thẳng, nhức đầu. Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng ánh sáng tốt sẽ cho hiệu suất lao động cao hơn. Cải thiện ánh sáng tại nơi làm việc ở nhiều doanh nghiệp đã cho thấy năng suất lao động tăng lên 10% và giảm lỗi sản phẩm 30%.

Ánh sáng tốt hơn không có nghĩa là cần nhiều bóng đèn hơn và phải tiêu thụ nhiều điện năng hơn. ánh sáng tự nhiên bao giờ cũng tốt hơn ánh sáng nhân tạo. Cách chúng ta bố trí và bảo dưỡng các bóng đèn cũng rất quan trọng. Ví dụ, bạn chỉ cần thay đổi về tầm nhìn và xếp đặt vị trí làm việc có thể giúp công nhân làm việc hiệu quả hơn, nếu không bạn sẽ phải tăng cường ánh sáng gấp ba lần.

Bài viết đưa ra một vài gợi ý giúp bạn thực hiện cải thiện ánh sáng tốt hơn ở doanh nghiệp mà không phải trả tăng tiền điện, bạn có thể trả tiền điện ít hơn mà doanh nghiệp cũng như công nhân của bạn lại được hưởng nguồn sáng làm việc hiệu quả hơn.

Trước hết, hãy xác định liệu nguồn sáng hiện thời có cần phải tăng cường thêm không. Yêu cầu về nguồn sáng phụ thuộc vào ba yếu tố chính sau:

– Bản chất công việc;

– Thị lực của công nhân;

-Môi trường khu làm việc.

Ví dụ, thợ may cần ánh sáng tập trung tại vùng mũi kim, vì thế cần cấp ánh sáng tại đó. Công nhân đóng gói bao bì cầnánh sáng toàn diện. Thông thường, công nhân đóng gói được bố trí làm việc ở khu vực cao, gần nơi lắp đặt hệ thống ánh sáng cho khu xưởng. Tuổi tác cũng là một yếu tố quan trọng: công nhân cao tuổi cần nhiều ánh sáng hơn những người trẻ tuổi.

Những yếu tố này gây khó khăn cho việc tính toán ánh sáng cần thiết cho máy móc và nơi làm việc. Tuy nhiên bạn có thể tìm hiểu tình hình bằng cách đi xung quanh khu nhà xưởng, quan sát và hỏi công nhân về những khó khăn họ gặp phải về tầm nhìn khi làm việc. Nếu bạn thấy công nhân ngồi không đúng tư thế, mắt phải dí sát vào sản phẩm, điều đó chắc chắn là công nhân có vấn đề về mắt và tầm nhìn.

Và quan trọng là bạn phải tìm ra nguyên nhân. Ví dụ, nếu tại nơi làm việc được chiếu ánh sáng trực tiếp thì sẽ làm giảm hiệu suất làm việc của công nhân. Trần, tường và sàn có màu sẫm sẽ phản xạ ánh sáng kém hơn màu sáng.

Chương trình cải thiện điều kiện làm việc của bạn sẽ không có tác động nhiều nếu thị lực của công nhân không tốt. Nghiên cứu tiến hành tại một nhà máy cho biết 37% công nhân đeo kính và 69% công nhân không đeo kính cần được khám mắt. Tỷ lệ này có thể cũng xảy ra trong nhà máy của bạn. Chính vì vậy, cần tiến hành kiểm tra thị lực cho tất cả công nhân. Thậm chí nếu một số công nhân không làm theo yêu cầu là phải đeo kính thì bạn cũng phải nắm được vấn đề và nguyên nhân của hiệu suất làm việc thấp.

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện ánh sáng tại nơi làm việc.

Tận dụng triệt để ánh sáng ban ngày

Ánh sáng tự nhiên là một nguồn sáng tốt nhất và rẻ tiền nhất nhưng thường thì các nhà máy không mấy khi tận dụng hết được. Hãy đo diện tích mặt sàn nhà xưởng, cửa sổ và cửa sổ mái. Nếu diện tích các cửa sổ không bằng một phần ba diện tích mặt sàn thì chắc chắn công nhân của bạn sẽ không đủ ánh sáng ban ngày. Tuy nhiên, cần thận trọng vì cửa sổ và cửa sổ mái ngoài việc cung cấp ánh sáng cũng sẽ cung cấp nhiệt khi thời tiết nóng (và gây mất nhiệt khi trời lạnh). ánh sáng ban ngày thay đổi tùy theo mùa.

Khi lắp đặt cửa sổ và cửa mái, hãy nhớ rằng cửa sổ càng cao sẽ cung cấp càng nhiều ánh sáng. Cửa sổ mái sẽ cung cấp lượng ánh sáng gấp đôi so với những cửa sổ lắp thấp hơn. Cửa sổ dưới thấp thường hay bị che khuất do kê đặt máy móc hoặc công-tơ-nơ. Nếu nhà xưởng không có cửa sổ mái, hãy thay thế một hoặc một vài tấm lợp mái bằng tấm nhựa trong (Hình 1).

Hình 1: Cửa mái và cửa sổ lắp cao cung cấp ánh sáng và tạo hiệu ứng màu sắc tốt hơn.

Lựa chọn màu sơn trần, tường và trang thiết bị phù hợp cũng góp phần giúp bạn cắt giảm được một phần tư hóa đơn tiền điện thắp sáng. Đồng thời màu sắc cũng giúp tạo điều kiện môi trường làm việc và tầm nhìn tốt hơn, dễ chịu hơn Cần có sự tổ chức và vệ sinh sạch sẽ cửa sổ đáp ứng tiêu chuẩn để đạt hiệu quả cao nhất: thất thoát độ phản xạ ánh sáng thấp hơn, độ phát xạ ánh sáng cao hơn và giảm độ t-ơng phản ánh sáng. Để ánh sáng phản xạ đều khắp khu nhà xưởng, trần nhà nên quét màu sáng. Màu trắng là tốt nhất. Nhiều doanh nghiệp đã chọn sơn trần màu trắng.

Để tránh ánh sáng chói, không nên sơn tường những loại sơn có màu sáng bóng. Sơn tường màu nhạt tốt hơn màu trắng.

Không làm vệ sinh thường xuyên có thể gây thất thoát ít nhất 10 – 20% lượng ánh sáng. Nên chú ý lau chùi sạch sẽ các cửa sổ mái vì những vị trí này thường khó với tới.

Màu sắc của trang thiết bị như máy khâu, bàn, ghế làm việc nên hợp với màu sơn tường. Hiện nay, màu sắc thông dụng của các loại máy may thường là màu be nhạt, màu kem, hay xanh nhạt. Những màu này thường hỗ trợ phản chiếu ánh sáng lên mặt vải có màu sẫm mà không phản chiếu vào mắt công nhân. Những màu sáng này tốt hơn rất nhiều so với các màu sẫm trước đây vẫn dùng sơn thân máy may hoặc bàn máy vì màu sẫm phản xạ ánh sáng chói nhiều hơn.

Phân bố ánh sáng tự nhiên không đồng đều tại nơi làm việc, đặc biệt trong khu xưởng may sẽ gây bất lợi. Nên chú ý đến điểm này và nên bố trí lại vị trí của bàn máy sao cho giảm diện tích các khu vực bị sấp bóng ở mức tối thiểu.

Những vị trí làm việc cần nhiều ánh sáng nên bố trí gần cửa sổ, và nếu điều kiện cho phép, nên chia thành nhóm làm việc để tiện cung cấp thêm ánh sáng (hình 2).

Hình 2: Cửa sổ cao cung cấp ánh sáng tốt và mang lại năng suất làm việc cao hơn.

Nên lắp thêm mành che để giảm ánh sáng chiếu trực tiếp và gây chói.

Tránh ánh sáng chói

Ánh sáng chói là ánh sáng rọi thẳng vào vị trí làm việc trong tầm nhìn của công nhân. ánh sáng chói có thể khiến công nhân dễ mắc lỗi, năng suất và chất lượng thấp. Nó cũng làm giảm khả năng nhìn của công nhân, gây khó chịu và mỏi mắt. Có thể tăng khả năng nhìn của côngnhân mà không cần tăng ánh sáng bằng cách hạn chế bớt ánh sáng chói.

Có hai loại ánh sáng chói: ánh sáng chói trực tiếp và ánh sáng bị phản xạ (gián tiếp)

Ánh sáng chói trực tiếp do ánh sáng trực tiếp từ nguồn sáng gây ra (ví dụ ánh sáng đèn không có chụp hoặc ánh sáng mặt trời) chiếu sáng trong tầm mắt của công nhân (Hình 3 và 4).

Hình 3: Tránh ánh sáng chói trực tiếp từ đèn không có chụp.

Hình 4: Chụp bóng đèn nên lắp ở độ cao phù hợp

Để giảm ánh sáng chói từ cửa sổ:

– Dùng mành, rèm, mái che, chụp đèn hoặc bóng cây;

 – Thay thế cửa kính trong bằng loại kính mờ;

–  Thay đổi hướng của bàn làm việc.

Xếp công nhân ngồi cạnh cửa sổ sẽ tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên. Nếu để công nhân ngồi quay lưng lại cửa sổ, họ sẽ bị ngồi làm việc sấp bóng.

Để tránh ánh sáng chói từ đèn:

– Không nên lắp bóng đèn chiếu sáng trực tiếp trong tầm nhìn của công nhân;

– Sử dụng chụp đèn;

– Chụp đèn nên lắp ở độ cao hay thấp vừa đủ, đảm bảo tránh được ánh sáng chói vào mắt công nhân và không làm ảnh hưởng tới những công nhân khác làm việc gần đó.

Ánh sáng chói bị phản xạ (gián tiếp). Ngay cả khi mắt công nhân không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng trực tiếp thì có thể chúng cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi ánh sáng chói gián tiếp (Hình 5). Để giảm ánh sáng phản xạ trên các bề mặt bóng như mặt bàn may hoặc các cạnh máy may, bạn có thể:

–  Thay đổi vị trí của bóng đèn;

– Giảm độ sáng của bóng đèn;

– Tạo cho không gian làm việc sáng hơn bằng cách sơn màu sáng phần nền phía sau bàn làm việc.

– Phủ bàn làm việc bằng một tấm vải sáng màu hoặc vải không có độ bóng

– Thay đổi hướng của bàn làm việc.

Hình 5 (a): ánh sáng chói bị phản xạ từ bề mặt nhẵn bóng làm giảm tầm nhìn.

Đổi vị trí bàn làm việc khoảng 90 độ về phía trái hay phải sẽ giải quyết được vấn đề này.

Hình 5 (b): Tại xưởng may, có thể tránh ánh sáng chói gián tiếp bằng cách thay đổi vị trí bóng đèn.

Hoặc có thể phủ lên mặt bàn làm việc một tấm vải mờ.

—————————-

Phần tiếp theo:

Ánh sáng tốt cho sản phẩm chất lượng cao. Phần 2 – Chọn vị trí làm việc và lắp đặt đèn chiều sáng.

Ánh sáng tốt cho sản phẩm chất lượng cao. Phần 3- Sử dụng thiết bị chiếu sáng thích hợp.


(Nguồn tin: Theo tài liệu – Cải thiện điều kiện lao động và năng suất lao động trong ngành may mặc, DA VIE/05/01/LUX)