Bạo lực đối với nhân viên chăm sóc y tế: Kinh nghiệm từ Canada

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:51(GMT +7)

Theo các nhân viên chăm sóc y tế tham gia trả lời phỏng vấn do Hội đồng công đoàn bệnh viện Ontario (OCHU)/Công đoàn công nhân lao động công cộng Canada (CUPE) thực hiện thì sức khỏe và tâm lý của họ đang đứng trước nguy cơ phải tiếp xúc với những bệnh nhân có tâm lý không ổn định, chống đối và mất kiểm soát.

Là vấn để phổ biến và thường xuyên xảy ra

Toàn bộ 150 y tá thực hành đăng ký (registered practical nurse – RPNs) tại Ontario tham dự một hội thảo về bạo lực tại Kingston vào tháng 1/2016 cho biết họ đã từng bị tấn công tại nơi làm việc. Một cuộc khảo sát dành cho đối tượng là các nhân viên trợ giúp y tế tại Ontario và Nova Scotia cho thấy 75% người được hỏi đã từng gặp phải những vấn đề về bạo lực trong các năm trước đó. 67%  bị bạo hành bằng lời nói. 26% bị bạo hành thể chất. Nghiên cứu các y tá và nhân viên hỗ trợ cá nhân (personal support worker – PSWs) cho thấy tỉ lệ đáng lo ngại liên quan đến các trường hợp bạo lực. Một vài nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những hành vi bạo lực mà người lao động từng trải qua ở các ngành chăm sóc sức khỏe khác – thực ra lại phổ biến đối với những ai đang phải tiếp xúc với bệnh nhân và những thành viên khác trong cộng đồng cũng đang phải đối mặt với rủi ro này.

Gần đây, một số y tá tại Ontario bị thương nặng do bệnh nhân tấn công. Một y tá đã bị đấm liên tiếp vào đầu, và mất ý thức sau khi bị ném vào tường. Trường hợp khác, một y tá bị đánh ngất xỉu bằng ống nước…

Vào tháng 3 năm nay, các nhân viên chăm sóc y tế tại North Bay, Ontario đã tham gia vào cuộc thăm dò ý kiến về tình trạng bạo lực của công việc họ đang làm. Hầu hết những người được hỏi đều là y tá thực hành đăng ký hoặc nhân viên hỗ trợ cá nhân và phần lớn là nữ giới. Những người này cho biết ít nhất 1 lần họ đã trở thành mục tiêu của nạn bạo lực và nhiều người trong số họ đã từng trải qua tới 9 lần hoặc nhiều hơn nữa những tình huống liên quan đến bạo lực. 86% y tá và nhân viên hỗ trợ cá nhân đã từng trải qua những vụ việc liên quan đến bạo lực thể chất như đẩy ngã, đánh hoặc bị ném đồ vật vào người trong năm vừa qua.

Không chỉ là “một phần của công việc”!

Các nghiên cứu cho thấy y tá là mục tiêu của nhiều hành động bạo lực hơn cả nghề cảnh sát và quản giáo. Việc chấp nhận bạo lực tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe như một phần của công việc này có thể được cho là bắt nguồn từ văn hóa, kinh tế và chính trị. Có khi chúng ta và xã hội quanh ta xem những hành động này là bình thường và không thể tránh khỏi. Bạo lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với mọi hình thức và cấp độ khắc nghiệt của nó được nhìn nhận như là bản chất của công việc này.

Bạo lực trong lĩnh vực chăm sóc y tế không chỉ là vấn đề ở Canada. Theo nghiên cứu mới đây tại Hoa Kỳ, “Bạo lực tại nơi làm việc là các cơ sở chăm sóc y tế đang trong tình trạng không được khai báo, tồn tại ở khắp nơi và là vấn đề dai dẳng, phải âm thầm chịu đựng và hầu như không được quan tâm”. Nhân viên chăm sóc y tế nghỉ làm do bạo lực nhiều hơn gấp 4 lần so với các hình thức thương tích khác. Nghiên cứu cũng xác định rằng các nạn nhân phổ biến nhất là y tá và hộ lý. Các điều dưỡng viên chăm sóc bệnh nhân tại các khoa cấp cứu, các bệnh viện tâm thần và tâm thần phân liệt được cho là thường xuyên phải đối mặt với rủi ro.

Các nghiên cứu tập trung vào bạo lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên phạm vi Châu Âu phát hiện thấy “ở một số nước tình trạng này diễn ra khá nghiêm trọng. Một dự án với tên gọi NEXT tìm hiểu các lý do đằng sau việc y tá sớm từ bỏ nghề nghiệp của mình cho thấy việc phơi nhiễm với bạo lực thường xuyên chiếm tỉ lệ cao, đứng đầu là Pháp (39%), Vương quốc Anh (29%) và Đức (28%). Na Uy (90%) và Hà Lan (10%), là các nước mà y tá ít phải chịu những phơi nhiễm do các vụ việc bạo lực gây ra”.

Một nghiên cứu về bạo lực tại các cơ sở chăm sóc dài hạn cho thấy các nhân viên chăm sóc y tế Canada từng trải qua các vụ việc liên quan đến bạo lực nhiều gấp 6 lần so với các đồng nghiệp của họ tại các nước thuộc bán đảo Scandinavian. Các tác giả của nghiên cứu này cho biết người lao động Canada đã trải nghiệm “bạo lực có cấu trúc” thứ mà họ đổ là do “các tác nhân có hệ thống và tổ chức” gây ra như điều kiện làm việc nghèo nàn và thiếu các hỗ trợ phù hợp.

Vậy chính xác bạo lực tại nơi làm việc là gì? Theo Trung tâm An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Canada thì: đây là một hành động mà một người bị lạm dụng, đe dọa hoặc tấn công tại nơi làm việc của mình. Bạo lực tại nơi làm việc bao gồm:

– Thái độ đe dọa – như hăm dọa, phá hoại tài sản hoặc quăng ném đồ vật.

– Đe dọa bằng lời nói hoặc văn bản – bất kỳ sự biểu lộ nhằm mục đích gây hại.

– Quấy rối – bất kỳ hành động nào nhằm hạ thấp phẩm giá, bôi nhọ, làm nhục, quấy nhiễu, dọa nạt hoặc dùng lời lẽ lăng mạ người khác… Hình thức này bao gồm từ ngữ, tư thế, dọa nạt, bắt nạt hoặc các hành động không phù hợp khác.

– Lạm dụng lời nói – chửi rủa, sỉ nhục hoặc hạ thấp nhân phẩm

– Tấn công thể chất – đánh, xô, đẩy hoặc đá

Cơ quan An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc Châu Âu cho biết không có một định nghĩa chung nào dành cho bạo lực tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nhìn chung người ta nhất trí rằng: “bạo lực là thuật ngữ chung chỉ tất cả những hình thức lạm dụng” bao gồm “giết người, hành hung, đe dọa, tấn công và dọa nạt; thực tế, tất cả các hành động hạ thấp lăng nhục hoặc phá hoại sức khỏe tâm lý, giá trị và phẩm hạnh của người khác”.

Các số liệu về đến bù tại nơi làm việc hầu như chưa liệt kê đầy đủ con số thật các trường hợp kể trên do việc đe dọa và những hành động bạo lực đối với nhân viên chăm sóc y tế vẫn chưa được báo cáo đầy đủ. Việc chưa báo cáo đầy đủ chỉ là một phần kết quả của nền văn hóa cam chịu tồn tại từ lâu và một phần nữa cũng chính từ những nạn nhân – là những nhân viên chăm sóc y tế – lo sợ bị người sử dụng lao động hoặc thậm chí là bệnh nhân trả thù.

Việc thiếu nhân viên chăm sóc làm bùng lên nỗi thất vọng đối với bệnh nhân và gia đình họ, điều này làm cho nhân viên chăm sóc y tế trở thành đối tượng dễ phải chịu sự tấn công hơn.

Nhân viên chăm sóc y tế cho biết các đồng nghiệp của họ bị ốm cũng không được thay thế và thường xuyên phải làm việc trong tình trạng thiếu nhân lực.

Quyền hạn theo luật định

Luật pháp Canada luôn có tiếng nói phù hợp để bảo vệ các nhân viên chăm sóc y tế khỏi bạo lực tại nơi làm việc. Công chúng đã dồn sự chú ý vào vấn đề này khi năm 2005 một y tá tại Windsor, Ontario có tên là Lori Dupont đã bị một bác sĩ, người mà trước đây cô từng có quan hệ tình cảm, giết chết. Lori đã báo cáo cho người quản lý về nỗi sợ hãi của cô đối với vị bác sĩ này nhưng gần như chẳng ai quan tâm đến những điều cô nói. Bi kịch này đã đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện hơn nữa Luật về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp tại Ontario. Luật này hiện nay quy định, người sử dụng lao động tiến hành đánh giá bạo lực, tối thiểu một lần/1 năm, và người sử dụng lao động cũng cần phải chuẩn bị và duy trì các chính sách và chương trình phòng ngừa bạo lực và lạm dụng.

Tuy nhiên, dưới quy định của luật pháp hiện hành vẫn còn những hạn chế thực sự đối với quyền của các nhân viên chăm sóc y tế – đặc biệt khi xảy ra các vụ việc bạo lực. Luật pháp của Ontario, Phần dành cho Luật về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp 25.2(h) quy định “người sử dụng lao động phải có những cảnh báo phù hợp trong từng trường hợp nhằm bảo vệ người lao động”. Tuy nhiên, thật không may, điều luật được mở rộng để diễn giải và không giải quyết một cách trực tiếp vấn đề liên quan đến bạo lực. Ngoài ra, nhân viên chăm sóc sức khỏe chỉ có một quyền hạn rất hạn chế cho phép họ từ chối công việc mà họ cho là không an toàn.

Sự bảo vệ tốt hơn từ luật pháp

Theo quy định tại Điều 270 Bộ luật Hình sự Canada, tội hành hung nhân viên cảnh sát sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm và nộp phạt 5.000 đô-la. Không có mức sử phạt tương đương đối với hành vi hành hung nhân viên chăm sóc y tế khi đang làm việc! Các biện pháp bảo vệ có trong Luật về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp là chưa đầy đủ. Hầu hết các vụ tấn công nhân viên chăm sóc y tế cần được nhìn nhận theo tính chất của vụ việc – là hành động mang tính chất tội phạm.

Nhân viên chăm sóc y tế tại New York, Hoa Kỳ được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Năm 2010, việc hành hung một y tá khi đang làm việc được quy là tội nghiêm trọng – hoạt động bảo vệ đã được trao cho các nhân viên phản ứng nhanh. Vào tháng 1 năm 2016, Bộ luật đã được mở rộng phạm vi bao gồm bất kể nhân sự chăm sóc y tế nào miễn là đang thực hiện công việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Nhiều bang đã ban hành các luật tương tự. Vấn đề về việc năng lực tâm thần của người gây ra hành vi bạo lực liệu có ngăn cản được ý định phạm tội hay không sẽ do hệ thống tư pháp quyết định.

Vậy cần phải làm gì?

Bạo lực hiện diện ở mọi mặt trong xã hội của chúng ta. Bạo lực chống lại phụ nữ vẫn còn là một vấn đề xã hội phổ biến, gây thương tích, tử vong, tổn thương cảm xúc và sự bất an… Tại Canada, hầu hết nhân viên chăm sóc y tế đều là nữ giới. Dù cho đây là do đặc điểm về giới của lực lượng lao động hay sự phổ biến của bạo lực chống lại phụ nữ trong nền văn hóa của Canada, thì bạo lực tại nơi làm việc là một vấn đề đáng nói đối với phụ nữ làm việc trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Hội đồng Y tá Quốc tế cho biết: “Y tá là các nhân viên chăm sóc y tế hầu hết đều gặp rủi ro, y tá là nữ giới được xem là dễ bị tổn thương nhất”.

Nguồn gốc của vấn đề bạo lực là quan điểm trong ngành y tế mà nhân viên chăm sóc y tế về cơ bản không mang một giá trị tương xứng như những người mà họ phải chăm sóc – vì rằng họ đang cung cấp dịch vụ. Giới tính và tầng lớp xã hội làm cho họ ít được đánh giá đúng mức. Nói thế không có nghĩa là bạo lực tại nơi làm việc bị giới hạn ở những vụ tấn công phụ nữ. Nhân viên chăm sóc y tế thuộc đủ mọi giới tính đã và đang có thể là nạn nhân của nạn bạo lực dưới mọi hình thức và cấp độ, điều này cho thấy sự coi thường nói chung tới sự an toàn của một phần không nhỏ dân số. Nhưng với số lượng chiếm ưu thế của nữ giới trong lực lượng lao động chính là lời giải thích đáng tin cậy nhất cho sự thật rằng nhóm đối tượng này thường xuyên phải đối mặt với bạo lực.

Từ những nghiên cứu so sánh với các quốc gia khác, các chiến lược có thể được tiến hành nhằm giảm thiểu hoặc xóa bỏ mối đe dọa về bạo lực – bên trong một nền văn hóa nói chung và trong ngành chăm sóc sức khỏe nói riêng.

Ở cấp độ tổ chức, một số các biện pháp giải quyết trực tiếp, mang tính thực tiễn có thể hỗ trợ phòng ngừa bạo lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dường như chính sự đầu tư còn hạn chế dành cho lĩnh vực này đã làm cho những người sử dụng lao động hạn chế đầu tư kinh phí cho việc bố chí nhân sự phù hợp, hệ thống báo động, hệ thống giám sát video và an ninh.

Hội đồng Công đoàn các Bệnh viện Ontario (OCHU)/ Công đoàn Công nhân Lao động Công ích Canada (CUPE) đã chỉ rõ những biện pháp để giải quyết vấn đề bạo lực ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Trong thương lượng, họ sẽ tuân thủ theo:

– Niêm yết các biển chỉ dẫn cho thấy sự xâm hại hay bạo lực, thái độ lời nói hay thể chất sẽ không được châm trước…;

– Xác định rõ bạo lực bao gồm cả việc quấy rối bằng lời nói;

– Bảo vệ các thành viên công đoàn báo cáo các vụ bạo lực bất chấp bị trả thù;

– Rà soát các chính sách bị buông lỏng của bệnh viện;

– Công bố công khai về các dạng bệnh nhân gây bạo lực;

– Cập nhật các chính sách vận động;

– Cung cấp các hoạt động tập huấn miễn phí cho người lao động;

– Yêu cầu bắt buộc có báo cáo về các dạng bệnh nhân gây bạo lực giữa các viện;

– Yêu cầu bố chí nhân sự toàn thời gian cho những đơn vị phải làm việc và tiếp xúc với bệnh nhân gây bạo lực;

– Yêu cầu lực lượng cảnh sát và các cơ quan hữu quan công bố hành vi bạo lực tiềm ẩn;

– Lắp đặt chuông báo động cá nhân, các phòng có cửa khóa và các rào chắn;

– Có chính sách chi trả trách nhiệm cho những đơn vị phải làm việc hoặc tiếp xúc với các bệnh nhân gây bạo lực;

– Tuân thủ chế độ báo cáo bắt buộc về các hành vi tấn công;

– Tuân thủ chế độ thẩm vấn bắt buộc đối với tất cả các trường hợp tấn công;

– Không tính khoảng thời gian bị tấn công bạo lực khi tính toán thời gian làm việc;

– Đưa những điều khoản tương ứng của luật an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vào thỏa ước tập thể.

Nhân viên chăm sóc y tế trên khắp thế giới cần lưu tâm đến những kiến nghị của OCHU/CUPE, khích lệ mạnh mẽ những người làm việc trong lĩnh vực này đứng lên bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Dưới đây là một số bước hành động cơ bản được giới thiệu:

– Nếu gặp phải tình huống bạo lực, HÃY BÁO CÁO. Báo cáo cho người sử dụng lao động và cho tổ chức công đoàn tất cả các trường hợp bạo lực hoặc xâm hại như đã quy định trong luật an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Đồng thời thông  báo cho ủy ban phối hợp về an toàn và sức khỏe.

– Yêu cầu người sử dụng lao động tuân thủ mọi yêu cầu nếu như có sự thay đổi nào về luật pháp gần đây nhất. Yêu cầu có những biện pháp bảo vệ như giám sát cá nhân, chuông báo động, biện pháp nhận diện tương ứng và phù hợp đối với các bệnh nhân có tiềm ẩn nguy cơ bạo lực.

– Yêu cầu bố trí nhân sự phù hợp để giải quyết gánh nặng công việc và các yêu cầu đặc biệt của công việc. Việc bố trí nhân sự có thể bao gồm nhân viên an ninh đã qua đào tạo tại vị trí có yêu cầu và có khả năng ứng phó giải quyết tình huống. Không nên một mình tiếp xúc với những người đã được xác định là có thể gây ra nguy cơ bạo lực trừ khi đã được trang bị các phương tiện đảm bảo an toàn như đã đề cập ở trên.

– Cùng chia sẻ những kinh nghiệm nếu có của bản thân về bạo lực với các thành viên công đoàn, các nhà quản lý và lãnh đạo. Cộng đồng cần được biết về những gì đang diễn ra.

– Yêu cầu các hành vi bạo lực đối với nhân viên chăm sóc y tế nên được coi là tội phạm.

– Yêu cầu có các biện pháp bảo vệ người lao động bằng việc động viên họ dám nói ra cảm xúc cũng như nỗi lo sợ mà họ gặp phải.

Bạo lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe không nên được xem như một bí mật xấu hổ phải che đậy. Sức khỏe của những nhân viên chăm sóc y tế chính là thước đo sự lành mạnh của cả hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bằng việc bảo vệ người lao động làm việc trong lĩnh vực này – ở cả cấp địa phương và quốc tế – chúng ta cần chung tay không chỉ vì sức khỏe của người lao động và còn giúp cải thiện được hệ thống chăm sóc sức khỏe cho toàn xã hội.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: Hazard.org)