Các kiểu bộ phận che chắn được sử dụng chủ yếu để bảo vệ con người tránh các nguy hiểm về cơ khí

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:03(GMT +7)

Gẫy tay, đứt lìa ngón tay, tổn thương mắt… là những chấn thương có thể xảy ra liên quan tới máy gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể ảnh hưởng tới việc vận hành an toàn máy móc. Các chi tiết che chắn bảo vệ máy móc rất cần thiết trong công tác bảo vệ công nhân khỏi những chấn thương không cần thiết và có thể phòng tránh được.

Bộ phận che chắn của máy được sử dụng riêng để bảo vệ cơ thể. Yêu cầu đảm bảo:

– Ngăn tiếp xúc: không cho bàn tay, cánh tay, hay bất kỳ bộ phận cơ thể nào của công nhân tiếp xúc với các chi tiết động nguy hiểm;

– An toàn: Không được để công nhân có thể dễ dàng tháo hay làm xáo trộn lớp che chắn bảo vệ. Các nắp che bảo vệ và thiết bị bảo vệ phải được làm từ vật liệu bền có thể chịu được những điều kiện sử dụng thông thường, bảo vệ chắc chắn cho máy móc.

– Bảo vệ khỏi các vật rơi vào trong các chi tiết động.

– Không sinh ra nguy hại nào mới.

– Không làm cản trở công nhân thực hiện công việc của mình một cách nhanh chóng và thoải mái.

– Cho phép bôi trơn an toàn mà không cần phải tháo lớp che chắn bảo vệ.

Theo  TCVN 9059:2011 về An toàn máy – Bộ phận che chắn – Yêu cầu chung về thiết kế và kết cấu của bộ phận che chắn cố định và di động, có các kiểu bộ phận che chắn chủ yếu:

1. Bộ phận che chắn cố định: Bộ phận che chắn được giữ nguyên vị trí, đó là vị trí được đóng một cách thường xuyên (bằng hàn, v.v…) hoặc bằng các chi tiết kẹp chặt (vít, đai ốc, v.v….) sao cho không thể tháo ra/ mở mà không dùng các dụng cụ.

2.  Bộ phận che chắn bao quanh: Bộ phận che chắn ngăn chặn sự tiếp cận vùng nguy hiểm từ mọi phía. Xem Hình 1.

Hình 1 – Ví dụ về một bộ phận che chắn bao quanh ngăn chặn hoàn toàn sự tiếp cận đến truyền động của máy

3. Bộ phận che chắn khoảng cách: Bộ phận che chắn không bao quanh hoàn toàn vùng nguy hiểm nhưng các kích thước và khoảng cách của nó ngăn ngừa hoặc giảm sự tiếp cận từ vùng nguy hiểm, ví dụ bộ phận che chắn theo chu vi hoặc bộ phận che chắn kiểu đường hầm. Xem Hình 2 và Hình 3.


Hình 2 – Ví dụ về một bộ phận che chắn khoảng cách


Hình 3 – Ví dụ về một bộ phận che chắn khoảng cách: bộ phận che chắn kiểu đường hầm bảo vệ tại khu vực cấp hoặc xả của máy

4. Bộ phận che chắn di động: Bộ phận che chắn thường được liên kết với khung máy hoặc một bộ phận cố định liền kề bởi các phương tiện cơ khí, ví dụ như các khớp bản lề hoặc đường trượt, và có thể mở ra được mà không dùng đến các dụng cụ.

5. Bộ phận che chắn được dẫn động cơ khí hóa: Bộ phận che chắn di động được vận hành với sự trợ giúp của một nguồn năng lượng khác với sức lực của con người hoặc trọng lực.

6. Bộ phận che chắn tự đóng:  Bộ phận che chắn di động được vận hành bởi một bộ phận hoặc chi tiết của máy (ví dụ như một bàn di động) hoặc bởi các chi tiết gia công hoặc một chi tiết của đồ gá gia công sao cho nó cho phép chi tiết gia công (và đồ gá) đi qua và sau đó tự động trở về (bằng trọng lực, lò xo, năng lượng khác từ bên ngoài) đến vị trí được đóng ngay khi chi tiết gia công đã rời khỏi khe hở mà nó đã được phép đi qua. Xem Hình 4.

Hình 4 – Ví dụ về một bộ phận che chắn tự đóng

7. Bộ phận che chắn điều khiển: Bộ phận che chắn được kết hợp với một cơ cấu khóa liên động sao cho:

– Các chức năng gây nguy hiểm của máy “được bao che” bởi bộ phận che chắn không thể vận hành được tới khi bộ phận che chắn được đóng:

– Khi được đóng bộ phận che chắn mới bắt đầu vận hành chức năng gây nguy hiểm của máy.

8. Bộ phận che chắn điều chỉnh được: Bộ phận che chắn cố định hoặc di động có thể điều chỉnh được toàn bộ bộ phận che chắn hoặc có lắp các chi tiết điều chỉnh. Sự điều chỉnh được giữ cố định trong suốt quá trình hoạt động cụ thể. Xem Hình 5.

Hình 5 – Ví dụ về bộ phận che chắn điều chỉnh dùng cho máy khoan cần hoặc máy khoan đứng

9. Bộ phận che chắn khóa liên động: Bộ phận che chắn kết hợp có một cơ cấu khóa liên động sao cho:

– Các chức năng gây nguy hiểm của máy “được bao che” bởi bộ phận che chắn không thể vận hành được cho tới khi bộ phận che chắn được đóng;

– Nếu bộ phận che chắn bị mở trong khi các chức năng gây nguy hiểm của máy đang vận hành thì lệnh dừng được đưa ra;

– Khi bộ phận che chắn đóng, các chức năng gây nguy hiểm của máy “được bao che” bởi bộ phận che chắn có thể vận hành, nhưng việc bộ phận che chắn đóng không phải do bản thân sự bắt đầu vận hành của các chức năng này.

Xem Hình 6 và Hình 7.


Hình 6 – Ví dụ về các bộ phận che chắn khóa liên động có khớp bản lề, các bộ phận che chắn này bao quanh vùng nguy hiểm khi được đóng


Hình 7 – Ví dụ về các bộ phận che chắn khóa liên động trượt

10. Bộ phận che chắn khóa liên động có cơ cấu khóa 

Bộ phận che chắn kết hợp với một cơ cấu khóa liên động  và một cơ cấu khóa bộ phận che chắn sao cho:

– Các chức năng gây nguy hiểm của máy “được bao che” bởi bộ phận che chắn không thể vận hành được tới khi bộ phận che chắn được đóng và được khóa;

– Bộ phận che chắn vẫn được đóng và được khóa tới khi rủi ro gây thương tích từ các chức năng gây nguy hiểm của máy dừng hoạt động;

– Khi bộ phận che chắn được đóng và được khóa, chức năng gây nguy hiểm “được bao che” bởi bộ phận che chắn có thể vận hành nhưng việc đóng và khóa bộ phận che chắn không tự vận hành các chức năng của máy.

Xem Hình 8.

CHÚ DẪN

1 Bộ phận che chắn khóa liên động ở vị trí mở.

2 Ví dụ về cơ cấu khóa bộ phận che chắn.

Hình 8 – Ví dụ về bộ phận che chắn bảo vệ máy khoan khi dùng bộ phận che chắn khóa liên động có cơ cấu khóa và bộ phận che chắn cố định

11. Vị trí bộ phận che chắn được đóng: 

Khi thực hiện chức năng của bộ phận che chắn đã được thiết kế, nghĩa là để ngăn ngừa hoặc làm giảm sự tiếp cận tới vùng nguy hiểm và/ hoặc giảm sự phơi ra trước các mối nguy hiểm như tiếng ồn, bức xạ v.v…. thì bộ phận che chắn được đóng.

12. Bộ phận che chắn mở: Khi không ở vị trí đóng, bộ phận che chắn được mở.

Để lựa chọn và thiết kế các kiểu bộ phận che chắn thích hợp cho các máy riêng biệt, điều quan trọng là phải đánh giá rủi ro phát sinh từ các mối nguy hiểm khác nhau đang hiện diện tại máy và dự đoán trước các đối tượng người có tại thời điểm rủi ro.

(Trích dẫn: TCVN 9059:2011) 


(Nguồn tin: Nilp.vn)