Các nguyên tắc về sắp xếp và vận chuyển vật liệu

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:50(GMT +7)

Sắp xếp và vận chuyển vật liệu và sản phẩm là một phần quan trọng của quy trình sản xuất tại doanh nghiệp. Việc vận chuyển và cất giữ vật liệu, sản phẩm bản thân nó không mang lại lợi nhuận và tăng thêm giá trị của sản phẩm, mà ngược lại: vật liệu, sản phẩm có thể bị hư hại, tai nạn lao động có thể xảy ra.

Tuy nhiên, cải tiến quá trình sắp xếp và vận chuyển  vật  liệu  và  sản  phẩm  có  nghĩa  là  khôi  phục  được  những không gian dùng không đúng, mất ít thời gian sản xuất vào việc tìm kiếm nguyên vật liệu để không đúng chỗ, chi phí ít hơn do làm việc theo quy trình, việc quản lý hàng tồn kho được đơn giản hoá, giảm các thao tác không cần thiết, góp phần đảm bảo cho công việc được tiến hành trôi chảy, hiệu quả, hạn chế tổn thất, mệt nhọc và tai nạn.

Các nguyên tắc về sắp xếp và vận chuyển vật liệu và sản phẩm bao gồm:

a) Cải tiến sắp xếp, vận chuyển vật liệu:

– Loại đi những vật liệu không cần thiết:

Xem xét xem mỗi dụng cụ, mỗi mẩu nguyên liệu thô, mỗi một bộ phận có được sử dụng không? Nó có thực sự cần thiết không? nếu không hãy mang chúng đi khỏi nơi sản xuất.

– Vạch rõ và giữ đường vận chuyển thông thoáng, tránh phải đối mặt với nguy hiểm do tai nạn và hoả hoạn gây ra;

Cần vạch rõ và giữ đường vận chuyển thông thoáng

– Tránh để vật liệu trên sàn nhà: sàn phân xưởng càng bừa bộn thì nguyên liệu, dụng cụ lại càng dễ mất, người lao động phải tiêu phí thời gian để đi tìm chúng; bởi vậy, chúng ta cần sắp xếp vật liệu gọn gàng.

Sàn nhà xưởng sau khi đã dọn dẹp tất cả các thứ không cần thiết, các dụng cụ và phụ tùng được xếp lên giá và tủ

– Tiết kiệm chỗ trống bằng cách sử dụng giá khung nhiều tầng, điều này có nghĩa là:

+ Tiết kiệm được không gian trên sàn nhà;

+ Dễ dàng lấy được dụng cụ làm việc và các thứ khác;

+ Tăng cường việc quản lý hàng tồn kho.

– Quy định vị trí cho từng loại dụng cụ và vật dụng: Giúp quản lý dụng cụ, vật dụng tốt hơn và tìm các dụng cụ cần thiết nhanh hơn.

b) Hạn chế và thu ngắn sự vận chuyển:

– Vật thường dùng càng phải để gần:

+  Tất  cả  các  dụng  cụ  thường  xuyên  được  sử  dụng  đều  nằm trong tầm với dễ dàng của người lao động;

+ Sắp đặt các dụng cụ theo thứ tự tần số sử dụng: Những dụng cụ nào liên tục sử dụng nên đặt trên bàn làm việc hoặc treo để không tốn thời gian và công sức khi với lấy. Các dụng cụ, nguyên vật liệu ít được dùng hơn có thể đặt trên các giá khung bên cạnh nơi làm việc. Các dụng cụ chỉ cần dùng một hoặc hai lần mỗi ngày có thể để ở nơi cất giữ.

– Sử dụng kho chứa di động:

+ Thiết kế các giá hay các vật đựng để di chuyển nhiều thứ cùng  một lúc;

+ Các giá đựng, các thùng đựng hoặc các giá khung được lắp thêm bánh xe để có thể di chuyển dễ dàng từ chỗ làm việc này đến chỗ làm việc khác hoặc đi đến kho hàng.

– Làm cho thiết bị dễ dàng di chuyển tới nơi cần thiết: Sử dụng xe đẩy, xe kéo tay hoặc gắn bánh xe vào thùng chứa dụng cụ.

Sử dụng kho chứa di động

c) Hạn chế và tăng hiệu quả cho thao tác di chuyển nâng

– Không nâng vật nặng quá mức cần thiết: Thao tác nâng thường dễ gây ra tai nạn, hư hỏng máy móc… Vì thế tốt hơn hết là cần phải loại bỏ các thao tác nâng khi có thể, như: Đặt thiết bị (như một chiếc cưa kim loại chẳng hạn) ở dưới thấp để tránh phải nâng những vật nặng (những thanh kim loại để cưa); sử dụng các thanh đường ray hay các  phương  tiện  giao  thông  đặt  ở  vị  trí  thấp  hơn  để  cho  hàng  hoá không phải nâng lên khi bốc dỡ hàng khỏi phương tiện…

– Thực hiện thao tác nâng có hiệu quả và an toàn:

+  Một  vật  nặng  treo  luôn  là  mối  nguy  hiểm  (đặc  biệt  trong phân xưởng nhỏ và đông), vì thế luôn giữ độ cao của vật nặng cần di chuyển so với mặt đất càng thấp càng tốt;

+ Sử dụng bục cao để bốc dỡ các vật nặng.

Sử dụng bục cao để thực hiện thao tác nâng có hiệu quả


(Nguồn tin: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động, 2013)