Các yêu cầu nguyên tắc về khía cạnh thiết kế và kết cấu, vật liệu của các bộ phận che chắn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:03(GMT +7)

Phải có sự quan tâm thích hợp đến tất cả các khía cạnh dự đoán trước trong vận hành bộ phận che chắn để bảo đảm rằng thiết kế và kết cấu, vật liệu của bản thân bộ phận che chắn không tạo ra nguy hiểm thêm nữa.

VỀ THIÊT KẾ BỘ PHẬN CHE CHẮN

1. Các điểm xảy ra nghiền đè hoặc mắc kẹt

Các bộ phận che chắn phải được thiết kế để không gây ra các điểm nghiền đè hoặc mắc kẹt nguy hiểm với các chi tiết của máy hoặc các bộ phận che chắn khác.

2. Độ bền lâu

Các bộ phận che chắn phải được thiết kế để thực hiện đúng chức năng của chúng trong suốt thời gian tuổi thọ dự kiến trước của máy; phải có các đồ dự phòng khác để thay thế các chi tiết đã suy giảm chất lượng.

3. Vệ sinh

Khi có thể áp dụng được, các bộ phận che chắn phải được thiết kế sao cho không tạo ra nguy hiểm về vệ sinh do vật liệu hoặc các chất khác bị mắc kẹt, ví dụ như các mẩu thực phẩm, các chất lỏng tù đọng.

4.  Làm sạch

Các bộ phận che chắn được sử dụng trong một số ứng dụng, đặc biệt là đối với quá trình chế biến thực phẩm và bào chế dược phẩm, phải được thiết kế sao cho chúng không chỉ an toàn cho sử dụng mà còn có thể được làm sạch dễ dàng.

5. Loại trừ các chất gây ô nhiễm

Khi có yêu cầu của quá trình gia công, các bộ phận che chắn phải được thiết kế để loại trừ các chất gây ô nhiễm từ quá trình gia công ví dụ như trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, điện tử và các công nghiệp có liên quan.

KẾT CẤU BỘ PHẬN CHE CHẮN

Phải xem xét các khía cạnh sau đây khi xác định các phương pháp được sử dụng để kết cấu các bộ phận che chắn.

1 Các cạnh sắc

Các bộ phận che chắn phải có kết cấu sao cho không được phơi ra các cạnh sắc, các góc hoặc các phần nhô ra gây ra nguy hiểm khác.

2 Tính toàn vẹn của các mối nối

Các mối nối kẹp chặt được hàn, nối ghép hoặc gia công cơ khí khác phải có đủ độ bền để thích hợp với sự chất tải hợp lý dự đoán trước. Khi sử dụng các chất liên kết thì chúng phải tương thích với quá trình gia công và các vật liệu được sử dụng. Khi sử dụng kẹp chặt bằng cơ khí, độ bền, số lượng và khoảng cách giữa các chi tiết kẹp chặt phải đủ để bảo đảm độ ổn định và độ cứng vững của bộ phận che chắn.

3. Tháo ra chỉ bằng dụng cụ

Các bộ phận có thể tháo ra được của bộ phận che chắn chỉ được tháo ra bằng dụng cụ.

4. Định vị vị trí cưỡng bức các bộ phận che chắn tháo ra được

Khi có thể áp dụng được, các bộ phận che chắn tháo ra được không thể duy trì được vị trí của chúng nếu không có sự định vị và kẹp chặt.

5. Đóng cưỡng bức bộ phận che chắn di động

Vị trí được đóng của các bộ phận che chắn di động phải được xác định một cách cưỡng bức. Bộ phận che chắn phải được giữ ở vị trí dựa vào một cữ chặn bằng trọng lực, lò xo, thanh chắn, cơ cấu khóa bộ phận che chắn hoặc các phương tiện khác.

6. Bộ phận che chắn tự đóng

Khe hở của bộ phận che chắn tự đóng phải được giới hạn tới giá trị lớn hơn giá trị yêu cầu cho chi tiết gia công đi qua. Không thể chặn được bộ phận che chắn ở vị trí mở của nó. Có thể sử dụng các bộ phận che chắn này cùng với các bộ phận che chắn khoảng cách cố định.

7.Bộ phận che chắn điều chỉnh

Các bộ phận điều chỉnh phải đảm bảo sao cho có thể hạn chế khe hở tới giá trị nhỏ nhất phù hợp với lối đi qua của vật liệu và có thể điều chỉnh được dễ dàng mà không phải dùng dụng cụ.

8. Bộ phận che chắn di động

Việc mở các bộ phận che chắn di động phải được thực hiện bằng tác động cưỡng bức, khi có thể áp dụng được, các bộ phận che chắn di động phải được gắn vào máy hoặc các bộ phận cố định liền kề để được hãm lại, ví dụ như bằng các khớp nối bản lề hoặc các đường trượt, ngay cả khi các bộ phận che chắn này được mở. Các mối nối liên kết này chỉ có thể tháo ra được bằng dụng cụ.

9 Bộ phận che chắn điều khiển

Chỉ có thể sử dụng các bộ phận che chắn điều khiển nếu đáp ứng được các điều kiện sau:

– Không thể có sự hiện diện của người vận hành hoặc một bộ phận của người vận hành ở trong vùng nguy hiểm hoặc ở giữa vùng nguy hiểm và bộ phận che chắn trong khi bộ phận che chắn được đóng;

– Các kích thước và hình dạng của máy cho phép người vận hành hoặc bất cứ người nào phải can thiệp vào máy có tầm nhìn bao quát toàn bộ máy/quá trình gia công;

– Cửa mở của bộ phận che chắn điều khiển hoặc bộ phận che chắn khóa liên động là con đường duy nhất đi vào vùng nguy hiểm;

– Cơ cấu khóa liên động kết hợp với bộ phận che chắn điều khiển có độ tin cậy cao nhất (vì hư hỏng của nó có thể dẫn đến khởi động không mong muốn/bất ngờ);

– Khi khởi động máy với một bộ phận che chắn điều khiển là một trong các chế độ điều khiển có thể có thì việc lựa chọn chế độ phải được đảm bảo theo tiêu chuẩn.

CHÚ THÍCH: Vùng nguy hiểm được xem xét ở trên là bất cứ vùng nào mà ở đó sự vận hành của các bộ phận gây nguy hiểm được bắt đầu bằng đóng bộ phận che chắn điều khiển.

LỰA CHỌN VẬT LIỆU

1. Quy định chung

Phải xem xét các khía cạnh sau khi lựa chọn các vật liệu cho kết cấu của các bộ phận che chắn. Các tính chất này phải được duy trì trong suốt thời gian tuổi thọ dự kiến trước của bộ phận che chắn.

2. Độ bền chịu va đập

Các bộ phận che chắn phải được thiết kế chịu được các va đập hợp lý thấy trước do các bộ phận của máy, chi tiết gia công, dụng cụ bị gẫy vỡ, chất rắn hoặc chất lỏng phụt ra, va đập do người vận hành v.v… Khi các bộ phận che chắn được lắp với các panen quan sát, phải có sự xem xét đặc biệt đối với lựa chọn các vật liệu và phương pháp kẹp chặt chúng. Các vật liệu phải được lựa chọn có tính chất thích hợp để chịu được khối lượng và tốc độ của các vật hoặc vật liệu phụt ra.

3. Độ cứng vững

Các trụ đỡ, các khung của bộ phận che chắn và các vật liệu điền đầy phải được lựa chọn và bố trí để có kết cấu cứng vững và ổn định và chịu được biến dạng. Yêu cầu này đặc biệt quan trọng khi biến dạng của vật liệu có thể có hại cho việc duy trì các khoảng cách an toàn.

4. Cố định an toàn

Các bộ phận che chắn hoặc các bộ phận của bộ phận che chắn phải được an toàn bởi các điểm cố định có độ bền, khoảng giãn cách và số lượng điểm thích hợp để giữ được an toàn đối với bất cứ sự chất tải dự kiến trước nào. Có thể thực hiện việc cố định bằng các chi tiết kẹp chặt hoặc đồ kẹp chặt cơ khí, bằng hàn hoặc ghép nối hoặc các biện pháp khác thích hợp với ứng dụng.

5. Độ tin cậy của các bộ phận di động

Các bộ phận di động, ví dụ như các khớp bản lề, đường trượt hoặc con trượt, tay quay, thanh chắn phải được lựa chọn để đảm bảo sự vận hành tin cậy của chúng trong môi trường gia công.

6. Chứa các chất có hại

Các chất có hại, ví dụ các chất lỏng, phoi kim loại, bụi, khói có thể dự đoán trước một cách hợp lý phải được chứa trong bộ phận che chắn bằng vật liệu không thấm thích hợp.

7. Độ bền chống ăn mòn

Các vật liệu phải được lựa chọn để chịu được sự oxy hóa và ăn mòn dự đoán trước từ sản phẩm, quá trình gia công hoặc các yếu tố môi trường, ví dụ như từ các chất lỏng cắt gọt trong các nguyên công gia công hoặc làm sạch và các chất sát trùng trong máy chế biến thực phẩm. Yêu cầu này có thể đạt được bằng cách áp dụng các lớp phủ bảo vệ phù hợp.

8. Sức chống vi sinh vật

Khi có rủi ro dự đoán trước đến sức khỏe do sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, ví dụ như trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và các công nghiệp có liên quan, các vật liệu được sử dụng trong kết cấu của các bộ phận che chắn phải được lựa chọn để kìm hãm được sự phát triển này và có thể được làm sạch dễ dàng và nếu cần thiết, được khử khuẩn.

9 Không độc hại

Các vật liệu và gia công hoàn thiện được sử dụng phải không có tính độc hại trong tất cả các điều kiện sử dụng dự đoán trước và thích hợp với quá trình có liên quan đặc biệt đến công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và các công nghiệp có liên quan.

10. Quan sát máy

Khi có yêu cầu quan sát sự vận hành của máy qua bộ phận che chắn, các vật liệu phải được lựa chọn có các tính chất thích hợp, ví dụ như nếu sử dụng vật liệu đục lỗ hoặc lưới dây thép thì chúng nên có đủ diện tích khe hở và màu sắc thích hợp để cho phép quan sát. Sự quan sát sẽ được tăng cường nếu vật liệu đục lỗ có màu tối hơn khu vực được quan sát.

11. Độ trong suốt

Khi có thể thực hiện được, các vật liệu được sử dụng để quan sát sự vận hành của máy phải được lựa chọn trong số các vật liệu giữ được độ trong suốt của chúng bất kể tuổi và quá trình sử dụng. Các bộ phận che chắn phải được thiết kế để có điều kiện thay thế các vật liệu đã thoái hóa.

Một số ứng dụng có thể yêu cầu lựa chọn các vật liệu hoặc tổ hợp các vật liệu chịu được sự mài mòn, ăn mòn hóa học, sự thoái hóa bởi bức xạ tia cực tím, sự bám bụi bởi quá trình nạp tĩnh điện hoặc ẩm ướt bề mặt bởi các chất lỏng làm giảm độ trong suốt.

12. Hiệu ứng hoạt nghiệm

Khi có nguy hiểm dự đoán trước do các hiệu ứng hoạt nghiệm, các vật liệu phải được lựa chọn để giảm tới mức tối thiểu hiện tượng này.

13. Tính chất tĩnh điện

Một số ứng dụng có thể yêu cầu lựa chọn vật liệu không tạo ra quá trình nạp tĩnh điện để tránh sự tích tụ bụi và các hạt cũng như sự phóng điện đột ngột với các rủi ro gắn liền với cháy hoặc nổ.

Các bộ phận che chắn cần được tiếp đất để tránh tích tụ điện tích tới mức nguy hiểm.

14. Độ ổn định nhiệt

Các vật liệu phải được lựa chọn sao cho không bị thoái hóa, đó là không bị đứt gãy, giòn, biến dạng quá mức hoặc phát ra khói độc hoặc khói do cháy khi bị phơi ra trong phạm vi biến đổi nhiệt độ dự đoán trước hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Các vật liệu được lựa chọn phải giữ được các tính chất của chúng trong các điều kiện khí hậu và vị trí làm việc dự đoán trước.

15 Tính dễ bốc cháy

Khi có rủi ro cháy dự đoán trước, các vật liệu được lựa chọn phải chịu được tia lửa và chất kìm hãm cháy và không được hấp thu hoặc phát ra chất lỏng cháy được, khói v.v…

16. Giảm tiếng ồn và rung

Khi cần thiết, các vật liệu phải được lựa chọn để có thể giảm tiếng ồn và rung. Yêu cầu này có thể đạt được bằng sự cách ly âm thanh (đặt hàng rào cách âm trên đường dẫn tiếng ồn) và/ hoặc sự hấp thu âm thanh (lớp lót bộ phận che chắn bằng các vật liệu cách âm thích hợp) hoặc bằng sự kết hợp của cả hai. Cũng có thể cần đến các panen bộ phận che chắn để giảm tới mức tối thiểu các ảnh hưởng của cộng hưởng có thể truyền đi hoặc khuếch đại tiếng ồn.

17. Bảo vệ tránh bức xạ

Trong một số ứng dụng như hàn hoặc sử dụng tia laser, các vật liệu phải được lựa chọn để bảo vệ con người tránh bức xạ có hại.

Đối với các ứng dụng về hàn, sự bảo vệ này có thể được thực hiện bằng một màn chắn trong suốt có màu sáng thích hợp để cho phép quan sát nhưng tránh được bức xạ có hại.

(Theo TCVN 9059:2011)


(Nguồn tin: Nilp.vn)