Chế tạo vật liệu nano composite gồm bột các bon, epoxy và bột đồng nhằm ứng dụng che chắn bức xạ điện từ trường

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

I. GIỚI THIỆU

Theo nhiều nghiên cứu, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, truyền thông, dân dụng, sự ô nhiễm các bức xạ điện từ trường ngày càng phổ biến, đặc biệt là trường điện từ có tần số radio. Việc sử dụng các polymer dẫn điện cho mục đích che chắn bức xạ điện từ hiện nay cũng đang được quan tâm nghiên cứu mạnh mẽ [7, 8]. Trong số đó phải kể đến các vật liệu composite polymer được gia cường một số dạng vật liệu carbon nano, như các sợi carbon nano, các ống carbon nano [4, 5, 6]….với những ưu điểm chúng là các vật liệu nhẹ, mềm dẻo thích hợp cho việc thiết kế, có độ kháng ăn mòn cao và thích hợp với việc sản xuất hàng loạt, vượt xa các công nghệ chế tạo thông dụng [1, 2, 3].

Nghiên cứu của chúng tôi, trình bày viêc chế tạo các màng composite trên cơ sở polymer pha trộn bột đồng và bột nano carbon được chế tạo từ vật liệu ban đầu là than cốc. Quy trình chế tạo các màng composite trên các đế cứng, các tính chất đặc trưng của màng sau khi chế tạo và sự ảnh hưởng của nồng độ các chất pha trộn, của bề dày màng đến khả năng che chắn bức xạ điện từ cũng đã được chúng tôi nghiên cứu, khảo sát và phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các màng chế tạo được có khả năng cao trong việc che chắn các bức xạ điện từ trường trong dải tần số 100 MHz đến 12 GHz.

II. THỰC NGHIỆM

Vật liệu nano composite bao gồm nhựa epoxy / cacbon đen / bột Cu đã được chế tạo theo các bước cụ thể như sau:

Bước 1. Nghiền thô than cốc trong thời gian 36 giờ sử dụng máy nghiền thô để tạo thành vật liệu các bon đen có kích thước khoảng vài trăm mm

Bước 2. Vật liệu các bon có kích thước vài trăm mm được nghiền nhỏ tiếp bằng máy nghiền hành tinh trong thời gian 36 giờ để tạo thành vật liệu nano các bon. Sau khi bột than được nghiền nhỏ sẽ được mang đi loại bỏ tạp chất như Fe, Mg bằng các dung môi a xít và nước cất. Cuối cùng là sấy khô để thu thành phẩm.

Bước 3. Trộn hỗn hợp vật liệu các bon đen, epoxy và dung môi bằng máy khuấy từ trong khoảng thời gian 5 giờ, tốc độ khuấy 1700 vòng/phút, nhiệt độ phòng.

Bước 4. Thêm vật liệu đồng vào dung dịch trên sau đó khuấy tiếp 5 giờ, tốc độ khuấy 1700 vòng/phút, nhiệt độ phòng. Sau khi khuấy đều hỗn hợp vật liệu trong 5 giờ thì tiếp tục đưa thêm hạt đồng với khối lượng khác nhau vào trong hỗn hợp dung dịch và khuấy tiếp trong 5 giờ nữa ở tốc độ là 1700 vòng/phút.

Bước 5. Đưa chất đóng rắn vào vật liệu và khuấy thêm 10 phút, cuối cùng được hỗn hợp vật liệu cần chế tạo. Dùng máy phun sơn phun phủ hỗn hợp vật liệu lên các đế. Sau khi dung môi bay hơi hết, ta thu được các mẫu màng đã đóng rắn trên các đế.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Kết quả nghiên cứu chế tạo vật liệu bột các bon

Sau công đoạn nghiền tinh, bột các bon đã được loại bỏ tạp chất trong dung dịch HNO3 và sấy khô. Để nghiên cứu thành phần của bột các bon trước và sau khi nghiền, chúng tôi đã sử dụng phổ nhiễu xạ tia X như được biểu diễn trên hình1. Kết quả cho thấy với mẫu than cốc chưa được nghiền thì phổ nhiễu xạ tia X có 1 đỉnh tại vị trí góc nhiễu xạ 26.60 tương ứng với các định hướng tinh thể là (002), đây là đỉnh đặc trưng pha graphitic của các bon. Sau công đoạn nghiền 36 giờ, đỉnh này gần như không có sự thay đổi. Tuy nhiên, trên phổ đã xuất hiện thêm đỉnh phổ ở 48.10, đây là đỉnh đặc trưng của hạt vonfram các bua bị lẫn vào trong bột các bon do sự bào mòn của bi và cối quá trình nghiền. Như vậy, có thể thấy rằng, trong quá trình nghiền bột các bon, một lượng nhỏ bột vonfram các bua đã được đưa vào trong bột các bon do sự bào mòn của bi và cối nghiền.

Hình 1. Phổ nhiễu xạ tia X của than cốc và bột các bon sau nghiền ở 36 giờ

3.2. Kết quả chế tạo màng Vật liệu nano composite bao gồm nhựa epoxy / cacbon đen / bột Cu

Để chế tạo màng chắn sóng điện từ, vật liệu bột các bon sau khi được nghiền bằng máy nghiền hành tinh năng lượng cao được trộn với vật liệu epoxy chuyên dụng và bột đồng. sau đó được phun lên bề mặt các tấm kính với kích thước 20 x 20 cm bằng máy phun sơn. Hình 2 mô tả hình ảnh quang học và ảnh FE-SEM của màng Cu/CB/epoxy.

Hình 2. Hình ảnh quang học và ảnh FE-SEM của màng Cu/CB/epoxy

Như trên hình 2 có thể thấy, màng được tạo ra là khá đồng đều, không có sự kết đám trong lớp màng. bột nano các bon đã được phân tán tốt trong vật liệu epoxy.

Độ dẫn điện của màng chắn sóng điện từ là một trong những thông số rất quan trọng ảnh hưởng đến khả năng chắn sóng điện từ của vật liệu.Vì vậy, trong phần này chúng tôi đã nghiên cứu độ dẫn điện của hỗn hợp vật liệu khi có sự thay đổi của hàm lượng bột các bon cũng như của bột đồng. Hình 3 mô tả độ dẫn điện của màng composite khi khối lượng bột các bon thay đổi từ 1-10%. Khi hàm lượng các bon tăng thì độ dẫn của màng composite cũng tăng theo do khả năng dẫn điện tốt của vật liệu nano các bon. Khi hàm lượng các bon là 1% thì độ dẫn điện của màng composite là ~ 1E-12 S / cm, Khi tăng khối lượng bột các bon lên 10 % thì độ dẫn điện của màng nano composite đạt ~ 1E-4 S / cm. Nếu tiếp tục tăng hàm lượng các bon thì độ dẫn điện của màng tiếp tục tăng (số liệu không chỉ ra). Như vậy, có thể thấy rằng, khi hàm lượng các bon trong hỗn hợp vật liệu càng tăng thì độ dẫn của vật liệu cũng tăng theo. Tuy nhiên, theo một số tác giả [3,4,5] khi khối lượng các bon tăng nó sẽ ảnh hưởng đến độ nhớt của vật liệu dẫn đến ảnh hưởng cơ tính của vật liệu. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả chắn sóng điện từ của vật liệu. Vì vậy, ở đề tài này chúng tôi chỉ nghiên cứu thay đổi hàm lượng các bon đến 10 %. Đây có thể coi là giá trị cố định để nghiên cứu các tính chất tiếp theo của vật liệu.

Hình 3. Đồ thị biểu diễn sự thay đổi độ dẫn điện của màng composite khi hàm lượng các bon thay đổi 

3.3. Nghiên cứu khả năng chắn sóng điện từ của màng epoxy/cacbon đen/bột Cu

Trong nghiên cứu này, hiệu quả che chắn sóng điện từ của màng epoxy/cacbon đen/bột Cu được đo trên máy đo VNA Master. Nguyên lý phép đo được mô tả như hình 4.

Hình 4. Thiết lập sơ đồ đo khả năng che chắn sóng điện từ của vật liệu

   Các kết quả che chắn sóng điện từ của các mẫu được thể hiện trên hình 5. Mẫu tấm kính không được phủ vật liệu chắn sóng điện từ (hình a), mẫu tấm kính được phủ vật liệu epoxy (hình b), mẫu tấm kính được phủ vật liệu các bon/epoxy (hình c), và mẫu tấm kính được phủ vật liệu hạt đồng/các bon/epoxy (hình d), trong mẫu, khối lượng bột các bon là 10%, bột đồng là 3%.

Hình 5. Hiệu quả chắn sóng điện từ của màng trong giới hạn 8-12 GHz

Quan sát trong hình 5 có thể nhận thấy rằng, hiệu quả chắn sóng điện từ của mẫu tấm không được phủ vật liệu chắn sóng và mẫu tấm chỉ được phủ vật liệu epoxy là gần như bằng không. Điều này có nghĩa là các mẫu này không có khả năng chắn sóng điện từ. Sóng điện từ khi chiếu vào các mẫu này sẽ bị truyền qua hoàn toàn gần như 100%. Đối với mẫu tấm được phủ vật liệu các bon/epoxy thì khả năng che chắn sóng điện từ đã được cải thiện. Đối với mẫu này, giá trị che chắn sóng điện từ đạt giá trị lớn nhất ở xấp xỉ 4 dB trong giải từ 8 – 12 GHz. Trong khi đó, khi đưa thêm vật liệu bột đồng với hàm lượng 3% vào màng composite thì khả năng che chắn sóng là tăng lên đáng kể (từ xấp xỉ 4dB lên đến xấp xỉ 7dB). Sự tăng khả năng che chắn có thể được giải thích là do hạt đồng có độ dẫn điện cao, khi được đưa vào màng composite nó đã cải thiện đáng kể độ dẫn của lớp màng dẫn đến cải thiện khả năng che chắn sóng của màng composite.

Hiệu quả che chắn bức xạ điện từ trường của màng composite phụ thuộc vào hàm lượng hạt nano đồng đưa vào trong mẫu cũng được nghiên cứu. Hình 6 chỉ ra hiệu quả che chắn sóng điện từ của vật liệu nano composite phụ thuộc vào hạt nano đồng trong giới hạn tần số từ 8-12 GHz. Như đã được đề cập ở trên, độ dẫn điện của màng nano composite được cải thiện khi tăng hàm lượng hạt nano đồng trong vật liệu composite. Sự tăng độ dẫn điện của lớp màng như vậy sẽ làm tăng hiệu quả che chắn sóng điện từ. Điều này cũng đã được đề cập trong các tài liệu tham khảo [5, 6]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, kết quả khảo sát cho thấy độ dẫn điện của lớp màng composite đã tăng từ 1E-4 S/cm đến 1E-3 S/cm khi hàm lượng đồng tăng từ 1% đến 10 % khối lượng. Khi sử dụng các mẫu vật liệu này để xác định khả năng che chắn sóng điện từ chúng tôi nhận thấy, hiệu quả che chắn sóng điện từ tăng từ ~4.8 dB đến ~ 25dB khi hàm lượng bột đồng tăng từ 1% đến 10%. Nếu tiếp tục tăng khối lượng đồng thì hiệu quả che chắn tiếp tục tăng. Ngoài khả năng dẫn điện tốt của vật liệu composite khi tăng bột đồng dẫn đến sự tăng khả năng che chắn sóng điện từ của vật liệu thì sự tăng hiệu quả che chắn sóng điện từ khi thêm lượng hạt đồng còn được giải thích là do hạt đồng có kích thước nhỏ, dẫn đến diện tích bề mặt lớn, có nhiều nguyên tử liên kết không ổn định do đó rất hữu ích trong việc hấp thụ sóng điện từ.

Hình 6. Đồ thị biểu diễn mối quan hệ giữa hiệu quả che chắn sóng điện từ vào khối lượng vật liệu hạt nano đồng.

Chiều dày lớp màng composite cũng là một trong những thông số ảnh hưởng đến hiệu quả che chắn sóng điện từ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chiều dày của lớp màng vật liệu chắn sóng càng tăng, thì khả năng che chắn sóng điện tử của vật liệu đó càng tốt do hiện tượng hấp thụ mạnh sóng điện từ vào trong lớp màng vật liệu [5, 6]. Hình 7 chỉ ra hiệu quả che chắn sóng điện từ của vật liệu composite trong giới hạn từ 8-12 GHz như là một hàm của chiều dầy màng composite.

Hình 7. Hiệu quả che chắn sóng điện từ phụ thuộc chiều dầy lớp màng vật liệu trong giới hạn tần số từ 8-12 GHz

Như được biểu diễn trong hình 7, hiệu quả che chắn sóng điện từ được tăng lên khi chiều dầy lớp màng tăng. Khi chiều dầy lớp màng là ~535 mm thì hiệu quả che chắn đạt được là ~ 5 dB, khi tiếp tục tăng chiều dầy lên đến ~2011 mm thì hiệu qủa che chắn sóng điện từ đạt ~ 25dB. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, khả năng chắn sóng điện từ của vật liệu phụ thuộc mạnh vào chiều dầy màng. Như đã được đề cập, cơ chế chắn sóng điện từ của vật liệu, ngoài việc phụ thuộc vào độ dẫn của vật liệu chế tạo màng nó còn phụ thuộc vào sự phản xạ của sóng điện từ trong lớp màng vật liệu. Khi sự phản xạ trong lớp vật liệu càng nhiều, thì hiệu quả che chắn sóng càng tăng lên. Muốn cho sự phản xạ sóng điện từ càng nhiều thì chiều dầy lớp màng chắn sóng cần được tăng lên.

IV. KẾT LUẬN

Các màng compozit trên cơ sở polymer pha trộn bột nano carbon và bột đồng đã được chế tạo và được sử dụng phun phủ để tạo ra các màng composite epoxy/cacbon đen/bột Cu. Sau khi được đóng rắn hoàn toàn các màng có khả năng che chắn sóng điện từ trường lên đến 25 dB khi hàm lượng đồng và hàm lượng các bon là 10 Wt %.

Các màng chắn sóng điện từ bằng vật liệu vật composite epoxy/cacbon đen/bột Cu là các vật liệu nhẹ, mềm dẻo thích hợp cho việc thiết kế, có độ kháng ăn mòn cao và thích hợp với việc sản xuất hàng loạt, vượt xa các công nghệ chế tạo thông dụng, hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn về kinh tế khi triển khai ứng dụng chế tạo các màng che chắn sóng điện từ trường, bảo vệ an toàn cho con người, máy thiết bị và môi trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Li-Li Wang, Beng-Kang Tay, Kye-Yak See, Zhuo Sun, Lin-Kin Tan, Darren L, Electromagnetic interference shielding effectiveness of carbon-based materials prepared by screen printing, Carbon, 47, 1905 –1910 (2009).
  2. A.A. Al-Ghamdi, Farid El-Tantawy, New electromagnetic wave shielding effectiveness at microwave frequency of polyvinyl chloride reinforced graphite/copper nanoparticles, Composites: Part A, 41, 1693–1701 (2010) .
  3. Ho Chang, Yun-Min Yeh, Kouhsiu-David Huang, Electromagnetic Shielding by Composite Films Prepared with Carbon Fiber, Ni Nanoparticles, and Multi-Walled Carbon Nanotubes in Polyurethane, Materials Transactions, 51, 1145 -1149 (2010).
  4. I.W. Nam, H.K. Lee, J.H. Jang, Electromagnetic interference shielding / absorbing characteristics of CNT-embedded epoxy composites, Composites: Part A, 42, 1110–1118 (2011).
  5. Mohammed H. Al-Saleh, Walaa H. Saadeh, Uttandaraman Sundararaj, EMI shielding effectiveness of carbon based nanostructured polymeric materials: A comparative study, Carbon, 60, 146 –156 (2013).
  6. Xingmin Liu, Xiaowei Yin, Luo Kong, Quan Li, Ye Liu, Wenyan Duan, Litong Zhang, Laifei Cheng, Fabrication and electromagnetic interference shielding effectiveness of carbon nanotube reinforced carbon fiber/pyrolytic carbon composites, Carbon,  68, 501 – 510 (2014).
  7. Renata Redondo Bonaldi, Elias Siores, Tahir Shah, Characterization of electromagnetic shielding fabrics obtained from carbon nanotube composite coatings, Synthetic Metals, 187, 1– 8 (2014).

TS. Vũ Văn Thú,

ThS. Đào Bằng Giang, ThS. Vũ Thị Phương Thúy

 Khoa kỹ thuật Bảo hộ lao động – ĐH Công đoàn


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)