Công nghệ môi trường: cơ hội và thách thức. Tổng quan, đánh giá một số công nghệ xử lý nước thải phù hợp cho một số nghành công nghiệp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:22(GMT +7)

TÓM TẮT
Tại Việt Nam, công nghệ môi trường chỉ mới bắt đầu từ 15 – 20 năm trở lại đây và cho đến nay nhiều loại hình công nghệ xử lý nước thải đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều loại nước thải khác nhau. Nhưng trong thực tế các công nghệ xử lý nước thải đang được áp dụng vừa “thừa” lại vừa “thiếu”, hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nước thải sau xử lý theo quy chuẩn hiện hành. Vì thế, việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng các công nghệ xử lý nước thải với việc sử dụng phương pháp đa tiêu chí được thực hiện nhằm lựa chọn các công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từ kết quả đánh giá đưa ra các giải pháp cho công nghệ xử lý nước thải trong hiện tại và tương lai với mục tiêu cân bằng giữa phát sinh chất thải và tạo ra sản phẩm từ chất thải. 

 I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Môi trường (TCMT, 2012) cả nước có khoảng 289 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có hơn 179 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và có khoảng 143 khu công nghiệp đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh (quy mô vừa và nhỏ) nằm ngoài khu công nghiệp là rất lớn với khoảng 300.000 doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu xử lý chất thải, đặc biệt nước thải là rất lớn. Với sự ra đời của Luật bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật, bắt buộc các cơ sở sản xuất, dịch vụ phải xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và đặc biệt là nghị định về xử lý vi phạm trong bảo vệ môi trường đã có tác động rất lớn đến việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đầu tư xây dựng các trạm/nhà máy xử lý nước thải. Mặc dù số lượng các nhà máy, KCN đã xây dựng trạm/nhà máy xử lý nước thải tăng lên trong những năm gần đây nhưng hiện trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Tại Việt Nam, công nghệ môi trường chỉ mới bắt đầu từ 15 – 20 năm trở lại đây năm, cho tới nay đã có hơn một ngàn Công ty môi trường đã được thành lập cùng với nhiều loại hình công nghệ đã được áp dụng trong xử lý nước thải. Tuy nhiên cho đến nay có rất ít đơn vị trong nước đáp ứng được năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để có thể trở thành đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực xử lý nước thải công nghiệp. Các nhà nghiên cứu thường chưa đủ kinh nghiệm thực tế về xử lý nước thải công nghiệp vốn dĩ rất phức tạp và đa dạng về ngành nghề sản xuất, trong khi đó các đơn vị có kinh nghiệm thực tế trong việc thi công, lắp đặt và vận hành trạm/nhà máy xử lý nước thải thì không đủ điều kiện để nghiên cứu và cải tiến công nghệ (vốn dĩ là quá trình cần sự kết hợp giữa kiến thức và kinh nghiệm thực tế) và điều này dẫn đến việc đưa ra công nghệ và thiết kế không phù hợp. Ngoài ra các nhà cung ứng công nghệ trong nước hầu như chỉ áp dụng các công nghệ xử lý truyền thống, thiếu các nghiên cứu cải tiến công nghệ và phát triển công nghệ mới dẫn đến chi phí xử cao, không tận dụng được nguồn tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải. Trong khi đó, các công nghệ của các công ty xử lý nước ngoài cũng không đảm bảo được quy chuẩn xả thải của Việt Nam vì không lường trước sự thay đổi rất lớn trong thành phần nước thải, cũng như quy chuẩn xả thải nghiêm ngặt được áp dụng tại Việt Nam.

Với mức độ hiện tại của khoa học và công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới chúng ta có tất cả các công cụ để phát triển công nghệ bền vững nhưng thách thức đối với việc triển khai các công nghệ này là thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và chỉ có đổi mới chương trình giáo dục đại học, chương trình nghiên cứu công nghệ mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Nhằm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có thể lựa chọn được công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, việc đánh giá sự phù hợp của công nghệ xử lý nước thải của một số ngành công nghiệp được thực hiện. Cơ cấu công nghiệp của nước ta nổi lên một số ngành công nghiệp trọng điểm như công nghiệp dệt may, giấy, chế biến thủy sản, thực phẩm, cao su, chế biến lương thực – thực phẩm, … Trong đó ngành công nghiệp trọng điểm là ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao và có tác động mạnh mẽ đối với các ngành kinh tế khác.

Ba (03) ngành công nghiệp có mức độ ô nhiễm cao như thủy sản, dệt may, giấy và bột giấy là các ngành công nghiệp tiêu thụ một lượng rất lớn nguồn tài nguyên cũng như thải ra môi trường một lượng chất thải rất lớn, đặc biệt là nước thải với nồng độ cao và khó xử lý.  Do đó, đánh giá sự phù hợp của công nghệ xử lý nước thải được thực hiện đối với 03 ngành công nghiệp được lựa chọn ở trên và kết quả của nghiên cứu là đưa ra một số công nghệ xử lý phù hợp để xử lý từng loại nước thải đạt quy chuẩn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong tương lai, mục tiêu của công nghệ môi trường được chuyển từ xử lý với tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra khối lượng sản phẩm phụ lớn sang thu hồi năng lượng và các thành phần có giá trị trong nước thải, tái sử dụng nước thải sau xử lý với mục tiêu cân bằng giữa phát thải và tạo ra sản phẩm từ chất thải.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Ngành chế biến thủy sản

Công nghệ sản xuất

Công nghệ chế biến của mỗi nhà máy khác nhau, tuỳ theo loại nguyên liệu, mặt hàng sản xuất, và yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Qui trình tổng quát chế biến cá tra và basa fillet đông bao gồm các bước: nguyên liệu sau khi được tiếp nhận qua công đoạn rửa sơ bộ để loại bỏ các tạp chất bám bên ngoài, sau đó nguyên liệu được chuyển sang công đoạn sơ chế (cắt đầu, bỏ vây, mang, nội tạng), rửa nhiều lần (5 lần), nguyên liệu sau khi rửa sạch sẽ được muối đá, phân cỡ và xác định đúng trọng lượng, sắp xếp vào khuôn và đóng gói, sản phẩm sau khi đóng gói được chuyển qua khu vực cấp đông và bảo quản.

Lưu lượng và thành phần nước thải 

Nước thải sản xuất phát sinh chiếm 85 – 90% tổng lượng nước thải và nước thải phát sinh từ các công đoạn: rửa trong xử lý nguyên liệu, chế biến, hoàn tất sản phẩm, vệ sinh nhà xưởng, dụng cụ và thiết bị. Trong quá trình chế biến thủy sản, mức độ tiêu thụ nước khác nhau giữa các sản phẩm (cá da trơn: 5 – 7 m3/tấn sản phẩm; tôm đông lạnh: 4 – 6 m3/tấn sản phẩm; surimi: 20 – 25 m3/tấn sản phẩm; thuỷ sản đông lạnh hỗn hợp: 4-6 m3/tấn sản phẩm).

Đặc tính của nước thải chế biến thủy sản là có nồng độ cặn lơ lửng cao (SS) dao động trong khoảng từ 200 – 1.000 mg/l, nồng độ các chất ô nhiễm cao như BOD5 dao động trong khoảng 500 – 2.000 mg/l (phổ biến ở mức 1.000 mg O2/l), COD trong khoảng từ  800 – 3.000 mg/l (phổ biến ở mức 1.500 mg O2/l), và các chất dinh dưỡng như tổng nitơ có nồng độ dao động trong khoảng 50 – 200 mg/L; tổng photpho là 10 – 120 mg/l và nồng độ photpho cao thường phát sinh từ nước thải của quá trình chế biến tôm (có thể lên đến 120 mg/l) và đặc biệt đối với nước thải phát sinh từ chế biến cá da trơn có nồng độ dầu & mỡ rất cao.

Công nghệ xử lý nước thải 

Các công nghệ xử lý nước thải đang được áp dụng đối với các nhà máy chế biến thủy sản từ đơn giản đến hoàn chỉnh bao gồm: (1) Bể điều hòa, sinh học kỵ khí (lọc yếm khí), hồ sinh học; (2) Bể điều hòa, sinh học hiếu khí (với áp dụng bùn hoạt tính lơ lửng), lắng, khử trùng và (3) Bể điều hòa, kết hợp sinh học kỵ khí (quá trình kỵ khí có khuấy trộn) và sinh học hiếu khí (với bùn hoạt tính lơ lửng), lắng, khử trùng.

Đối nước thải có nồng độ dầu và mỡ cao, công nghệ xử lý bao gồm: bể điều hòa, hóa lý (keo tụ/tạo bông hay tuyển nổi kết hợp keo tụ), sinh học kị khí (UASB), sinh học hiếu khí (bùn hoạt tính lơ lửng) hay chỉ 01 bước sinh học hiếu khí (với một trong các quá trình bùn hoạt tính lơ lửng, bùn hoạt tính với vật liệu dính bám, và  mương oxy hóa), lắng, khử trùng.

Ngoài ra để xử lý nước thải đạt loại A, công trình bể lọc áp lực được bổ sung trong công nghệ trên, với nồng độ cao của nitơ trong nước thải, chỉ có một  trong số 40 nhà máy chế biến thủy sản được khảo sát có công trình khử nitrate bằng quá trình anoxic.  

Tất cả các công nghệ sinh học đang được áp dụng hiện nay, quá trình sinh học hiếu khí với bùn hoạt tính lơ lửng chiếm tỉ lệ hơn 90%, quá trình kị khí chỉ chiếm khoảng 10%. 

Kết quả khảo sát các trạm xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản hầu hết nước thải sau xử lý không đạt QCVN 11:2008/BTNMT, cột B đối với chỉ tiêu nitơ amoni và QCVN 40:2008/BTNMT, cột B với chỉ tiêu tổng photpho. 

3.2. Ngành Dệt may

Công nghệ sản xuất 

Tùy theo quy mô của các nhà máy dệt may, tính chất của nguyên liệu thô, yêu cầu của sản phẩm, trình độ công nghệ mà công nghệ sản xuất của các nhà máy là khác nhau. Nhìn chung một công nghệ sản xuất khép kín bao gồm bốn công đoạn chính: sợi, dệt, nhuộm/hoàn tất, và may. Trong 4 công đoạn của ngành dệt may, công đoạn nhuộm/hoàn tất thường được tách riêng trong quá trình sản xuất. Đối với các nhà máy lớn thường bao gồm cả bốn công đoạn, còn đối với các nhà máy vừa và nhỏ chỉ có hai hoặc một công đoạn (dệt và nhuộm hay nhuộm). 

Lưu lượng và thành phần nước thải

Công đoạn nhuộm/hoàn tất là công đoạn phát sinh nước thải với lưu lượng lớn và đặc trưng của nước thải dệt nhuộm là có nhiệt độ và độ màu cao, thành phần nước thải dệt nhuộm cũng rất khác nhau tùy theo loại hình dệt nhuộm, loại phẩm nhuộm, phụ gia, và hóa chất sử dụng. 

Công nghệ xử lý nước thải

Các công nghệ xử lý đang áp dụng tại các nhà máy dệt may bao gồm bốn loại chính: (1) kết hợp quá trình hoá lý (keo tụ/tạo bông) và lọc; (2) kết hợp quá trình hoá lý và sinh học hiếu khí  hay ngược lại; (3) kết hợp quá trình hoá lý hai bậc và hiếu khí; (4) kết hợp quá trình hoá lý, hiếu khí và lọc, và (5) kết hợp quá trình hoá lý, hiếu khí và điện phân/ oxy hóa bậc cao (với mục đích tái sử dụng nước thải). Ngoài những công nghệ trên, các doanh nghiệp tại Miền Bắc và Miền Trung còn sử dụng một số công nghệ khác bao gồm: (7) kết hợp quá trình sinh học kỵ khí, hiếu khí và lọc, (8) kết hợp quá trình lọc sinh học và hồ sinh học.

Các công nghệ xử lý đang áp dụng tại các nhà máy dệt may bao gồm bốn loại chính: (1) kết hợp quá trình hoá lý (keo tụ/tạo bông) và lọc; (2) kết hợp quá trình hoá lý và sinh học hiếu khí  hay ngược lại; (3) kết hợp quá trình hoá lý hai bậc và hiếu khí; (4) kết hợp quá trình hoá lý, hiếu khí và lọc, và (5) kết hợp quá trình hoá lý, hiếu khí và điện phân/ oxy hóa bậc cao (với mục đích tái sử dụng nước thải). Ngoài những công nghệ trên, các doanh nghiệp tại Miền Bắc và Miền Trung còn sử dụng một số công nghệ khác bao gồm: (7) kết hợp quá trình sinh học kỵ khí, hiếu khí và lọc, (8) kết hợp quá trình lọc sinh học và hồ sinh học.

Kết quả khảo sát các trạm/nhà máy xử lý cũng cho thấy đối với loại hình dệt may, việc sử dụng các công nghệ đơn giản như: quá trình hóa lý một bậc hoặc/và kết hợp quá trình lọc, quá trình lọc sinh học kết hợp hồ sinh học có hiệu quả xử lý thấp và nước thải sau xử lý thường không đạt QCVN 13:2008/BTNMT, cột B. Nguyên nhân là do quá trình xử lý hóa lý (keo tụ, tạo bông) được sử dụng với chức năng loại bỏ chất rắn lơ lửng là chủ yếu, trong khi đó hiệu quả loại bỏ chất hữu cơ hòa tan không cao (15 – 45%), và quá trình lọc sinh học với quá trình bùn hoạt tính dạng dính bám thích nghi rất kém với nồng độ nước thải hay dao động, một trong các quá trình sinh học hiếu khí sử dụng trong công nghệ xử lý nước thải dệt may là bùn hoạt tính lơ lửng chiếm hơn 90%.  

3.3. Ngành sản xuất Giấy và bột giấy

Công nghệ sản xuất

Hiện nay ở Việt Nam có 3 phương pháp sản xuất bột giấy là phương pháp sử dụng hóa chất, phương pháp cơ lý, và phương pháp sử dụng giấy thải. 
Phương pháp sử dụng hóa chất là sử dụng hóa chất để hòa tan các thành phần không phải sợi xellulô trong nguyên liệu, giải phóng xellulô dưới dạng bột (sợi). Có hai công nghệ sử dụng hóa chất chính: (1) Công nghệ Kraft: là công nghệ nấu bột bằng kiềm (hỗn hợp NaOH và Na2S). Quy trình công nghệ Kraft bao gồm các công đoạn: Chuẩn bị nguyên liệu, sau đó qua các công đoạn nấu, sàng (loại bỏ mấu, mảnh chưa chín), rửa, tẩy bằng oxy, rửa trước khi sang công đoạn tẩy trắng bằng hóa chất. Cuối cùng là công đoạn sấy cho ra thành phẩm và (2) Công nghệ sunphit: sử dụng các muối sunphit, nấu ở môi trường axit. Công nghệ này ảnh hưởng mạnh hơn Kraft đến độ bền của sợi xellulô, tuy nhiên sản phẩm có độ trắng cao hơn, công nghệ này không phổ biến ở Việt Nam.      
Công nghệ sản xuất giấy và bột giấy từ nguyên liệu là giấy thải và bột giấy: công nghệ sản xuất bao gồm nhiên liệu (bột nhập, bột thô, giấy vụn) được đánh rã, nghiền, phối chế, xeo giấy, cắt cuộn, sau đó thành giấy thành phẩm. 

Lưu lượng và thành phần nước thải 

Nước thải phát sinh từ sản xuất bột giấy từ nguyên liệu là tre, gỗ, bã mía dao động trong khoảng 20 – 100 m3/tấn sản phẩm, sản xuất giấy từ nguyên liệu là giấy thải dao động trong khoảng 3 – 47 m3/tấn và nguyên liệu sản xuất là bột giấy dao động trong khoảng 3 – 25 m3/tấn và đối với các làng nghề giấy thủ công thì lượng nước thải phát sinh dao động từ 10 – 20 m3/tấn. 

Đối với công nghệ sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ thì phát sinh loại nước thải có nồng độ đậm đặc và khó xử lý nhất là nước thải dịch đen, lượng kiềm dư trong nước thải có thể lên tới 20 g/l và COD dao động ở mức hàng chục ngàn tới 100.000 mg/l (TCMT, 2011). Nước thải từ nhà máy giấy thuần túy (không sản xuất bột) là khá sạch, chủ yếu là nước thải từ khâu xeo giấy, tạp chất cơ bản là cặn lơ lửng (thường là xơ sợi giấy, bột độn, bột màu, phụ gia…) và nồng độ BOD5 của nước xeo thường dao động từ 150 – 350 mgO2/l. Đối với các nhà máy sản xuất giấy từ giấy thải thì thành phần ô nhiễm chủ yếu là cặn lơ lửng, COD, và BOD5 với nồng độ cao.

Công nghệ xử lý 

Ở Việt Nam hiện nay số lượng các nhà máy sản xuất bột từ nguyên liệu gỗ chiếm tỉ lệ rất thấp vì vậy trong báo cáo này chỉ đề cập đến các nhà máy sản xuất giấy hoặc sản xuất từ bột tái chế (chiếm hơn 50%). Công nghệ xử lý nước thải bao gồm các giai đoạn như sau:
– Đối với những nhà máy có công suất vừa và lớn: Đối với tất cả các trạm/nhà máy xử lý nước thải giấy và bột giấy đều có công đoạn tiền xử lý để tách cặn lơ lửng (bột giấy) khỏi nước thải với mục đích tái sử dụng nước thải và thu hồi bột giấy. Sau bước tiền xử lý, sàng nghiêng (lọc) được áp dụng để thu hồi triệt để bột giấy (SS), kế tiếp bước xử lý bậc 1 bao gồm quá trình tuyển nổi áp lực khí hoà tan kết hợp keo tụ hay keo tụ/tạo bông kết hợp lắng được áp dụng để tách triệt cặn lơ lửng và độ màu của nước thải. Sau quá trình hoá lý là bước xử lý bậc hai với các quá trình sinh học bao gồm sinh học kỵ khí (các quá trình được áp dụng là bể kỵ khí ba ngăn, UASB, EGSB và IC ) kết hợp sinh học hiếu khí hay chỉ có quá trình sinh học hiếu khí (bùn hoạt tính lơ lửng hiếu khí và bùn hoạt tính với vật liệu dính bám) để loại bỏ BOD5 và COD. Để xử lý nước thải đạt QCVN 12:2008/BTNMT, cột A một số trạm /nhà máy xử lý nước thải đã áp dụng thêm công đoạn hóa lý sau quá trình sinh học hay lọc áp lực nhằm xử lý triệt để các chất ô nhiễm.
– Đối với các nhà máy công suất nhỏ: Tiền xử lý (bể lắng trọng lực) thường được áp dụng để thu hồi bột giấy, quá trình xử lý được áp dụng sau đó là keo tụ/tạo bông và lắng để tách triệt để cặn lơ lửng hay quá trình sinh học hiếu khí với bùn hoạt tính lơ lửng. 
Qua các kết quả khảo sát thực tế, các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài có thương hiệu thường đầu tư thống xử lý nước thải với áp dụng các công nghệ hiện đại (quá trình kị khí: UASB, EGSB và IC; quá trình sinh học hiếu khí: mương oxy hóa, và các quá trình khử chất chất dinh dưỡng), đầu tư đúng mức và an toàn, vận hành nghiêm túc và chất lượng nước thải thường đạt chất lượng môi trường theo yêu cầu của quy chuẩn xả thải.

Công nghệ xử lý nước thải phù hợp

Qua khảo sát và đánh giá sự phù hợp về công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp đa tiêu chí với 4 hệ thống tiêu chí và 21 chỉ tiêu của 120 nhà máy công nghiệp thuộc 03 ngành chế biến thủy sản, dệt may và giấy và bột giấy 03 công nghệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn xả thải và phù hợp với điều kiện của Việt Nam được đưa ra tham khảo dưới đây: 
Ngành chế biến thủy sản: 
–    Chi phí đầu tư: 6.000.000 VNĐ/1 m3 nước thải.
–    Chi phí vận hành (không bao gồm chi phí khấu hao): 2.030 VNĐ/1m3  

Ghi chú: SCR: song chắn rác; Bể TNSN: Bể tuyển nổi siêu nông; Bể SHHK (VLLL&DB): Bể sinh học hiếu khí (vật liệu lơ lửng và dính bám).

3.4. Ngành Dệt may

–    Chi phí đầu tư: 8.240.000 VNĐ/1 m3 nước thải 
–    Chi phí vận hành ( không bao gồm chi phí khấu hao): 12.000 VNĐ/1m3

Ghi chú: SCR: song chắn rác; Bể SHHK (VLLL): Bể sinh học hiếu khí (vật liệu lơ lửng)

3.5. Ngành sản xuất Giấy và bột giấy

–    Chi phí đầu tư: 5.500.000VNĐ/1 m3 nước thải.
–    Chi phí vận hành (không bao gồm chi phí khấu hao): 26.000 VNĐ/1m3  

Ghi chú: SCR: song chắn rác; Bể SHHK (VLLL): Bể sinh học hiếu khí (vật liệu lơ lửng; Bể kỵ khí IC: bể kỵ khí internal circulation

IV. KẾT LUẬN 
Từ những đánh giá trên, có thể kết luận rằng việc xử lý nước thải không hiệu quả là do những yếu tố sau:
– Thiết kế nhà máy/trạm xử lý với công nghệ không hợp lý;                                        
– Các công trình xây dựng không đúng thiết kế;
– Giới hạn về diện tích đất xây dựng và vốn đầu tư, hệ số thiết kế dự phòng thấp;
– Vận hành thủ công hoặc bán tự động không thích hợp trong các trường hợp thành phần và lưu lượng nước thải thay đổi lớn; 
– Nhân lực vận hành thiếu, không được đào tạo đầy đủ và thường xuyên thay đổi, không tiếp nhận được công nghệ mới;
– Ý thức bảo vệ môi trường kém nên chỉ vận hành các nhà máy/trạm xử lý nước thải khi bị kiểm tra, đặc biệt là các nhà máy/trạm xử lý nước thải áp dụng công nghệ hóa lý, nhằm giảm chi phí vận hành;
– Công trình và thiết bị được xây dựng và chế tạo bằng vật liệu rẻ tiền, không đạt chất lượng nên chi phí bảo trì rất cao;
– Hệ thống kiểm tra, giám sát của Việt Nam thiếu chặt chẽ.
Tuy nhiên, vẫn có sự khác nhau giữa các công ty quy mô lớn, vốn đầu tư nước ngoài và công ty quy mô nhỏ, vốn đầu tư Việt Nam trên 4 khía cạnh sau:
– Ý thức về tuân thủ các quy định môi trường;
– Đầu tư xây dựng trạm/nhà máy xử lý nước thải với công nghệ phù hợp, thiết bị có độ bền cao, và hệ thống có khả năng vận hành tự động;
– Có khả năng chi trả chi phí xử lý nước thải, và các chi phí liên quan khác;
– Có cán bộ quản lý và vận hành chuyên trách, thậm chí có chuyên gia nước ngoài chuyển giao công nghệ và hướng dẫn vận hành.
Qua đánh giá sự phù hợp của công nghệ xử lý nước thải cho thấy lựa chọn công nghệ xử lý và vận hành công nghệ là hai mặt của một vấn đề của công nghệ môi trường – có quan hệ hữu cơ với nhau. Tại Việt Nam, hai công tác thường được thực hiện bởi hai công ty khác nhau, thiết kế thường do công ty chuyên ngành và vận hành thường do chủ đầu tư. Việt Nam chưa có tiêu chuẩn và hệ thống đánh giá các công ty thiết kế nên việc các nhà đầu tư tự lựa chọn nhà thiết kế mang lại rất nhiều rủi ro. Các giải pháp nói trên chỉ mang lại hiệu quả khi hệ thống quản lý nhà nước chặt chẽ hơn và thường xuyên hơn.
Cần phải hiểu đúng nghĩa của từ “vận hành”. Vấn đề quản lý vận hành trạm/ nhà máy xử lý nước thải liên quan đến trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý và vận hành, điều kiện vận hành của hệ thống (thường xuyên hay không thường xuyên); chế độ bảo trì bảo dưỡng công trình thiết bị và điều kiện quan trắc hệ thống cũng đóng vai trò không nhỏ đối với việc xử lý nước thải một cách hiệu quả. 
Để từng bước đạt được phát triển bền vững của công nghiệp và xã hội, trong tương lai mục tiêu của công nghệ môi trường được xác định theo thứ tự ưu tiên như sau: 
– Bước đầu các trạm/nhà máy xử lý nước thải phải được cải tạo để đạt được quy chuẩn xả thải với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
– Nghiên cứu và cải tiến công nghệ xử lý các thành chất dinh dưỡng trong nước thải.
– Thu hồi sản phẩm có giá trị từ nước thải để tái sử dụng như photpho, ammoniac, kali, kim loại nặng, các axit béo dễ bay hơi, khí sinh học (biogas), năng lượng, …
– Cải thiện chất lượng nước thải sau xử lý với mục đích tái sử dụng nước thải.
– Thu hồi năng lượng với áp dụng quá trình sinh học kị khí có thu hồi năng lượng)/ thay cho quá trình tiêu thụ nhiều năng lượng như quá trình sinh học hiếu khí truyền thống với bùn hoạt tính lơ lửng. Giảm năng lượng trong quá trình xử lý (sử dụng các thiết bị và máy bơm với ít tiêu thụ năng lượng).
– Tăng cường kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chính quyền để tăng số lượng và chất lượng của các trạm /nhà máy xử lý, các chính sách môi trường của chính phủ phải thích ứng với hiện trạng công nghệ môi trường của Việt Nam.
Đối với giáo dục: 
– Với mức độ hiện tại của khoa học và công nghệ trên thế giới chúng ta có tất cả các công cụ để phát triển công nghệ môi trường bền vững nhưng thách thức là để triển khai các công nghệ này chúng ta cần đổi mới chương trình giáo dục đại học và chương trình nghiên cứu công nghệ môi trường để tạo ra “nguồn nhân lực có trình độ cao”. 
– Ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học hay các công nghệ môi trường tốt đã được thử nghiệm vào điều kiện thực tế của Việt Nam.
-Để đạt được sự bền vững trong phát triển công nghiệp thì mục tiêu của công nghệ môi trường trong những năm tới là tạo ra sự cân bằng giữa phát sinh chất thải và tạo ra sản phẩm từ chất thải. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Centema, Sản xuất xanh trong ngành dệt may, (2008-2010).
2.    Tổng cục Môi trường, Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ: “Khảo sát, đánh giá sự phù hợp của các hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động tại một số ngành làm cơ sở cho việc lập danh mục các công nghệ khuyến khích áp dụng tại Việt Nam”, (2009). 
3.    Tổng cục Môi trường, Tài liệu kỹ thuật – Hướng dẫn đánh giá sự phù hợp của công nghệ xử lý nước thải và giới thiệu một số công nghệ xử lý nước thải đối với ngành chế biến thủy sản, dệt may, sản xuất giấy và bột giấy, (2011).
4.    Tổng cục Môi trường, Đánh giá hiện trạng môi trường ở các KCN và ở các CCN, hiện trạng nguồn thải công nghiệp và ô nhiễm môi trường nước, (2012).
5.    VINATEX, Xây dựng kế hoạch, giải pháp và tiến độ tực hiện nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường tại 21 cơ sở thuộc hệ thống ngành dệt may, (2004). 

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Loan
Khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường, 
Đại học Văn Lang, Thành phồ Hồ Chí Minh

Theo: Tài liệu hội thảo Môi trường toàn quốc lần thứ 4


(Nguồn tin: http://vea.gov.vn/)