Công tác quản lý bảo vệ môi trường làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng: Bất cập, nguyên nhân và giải pháp đề xuất
1. MỞ ĐẦU
Làng nghề Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng, bao gồm 11 tỉnh và thành phố như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, có lịch sử tồn tại từ hàng trăm năm nay và hoạt động hầu hết ở các ngành kinh tế chủ yếu. Cả vùng có hơn 2.433 làng có nghề trên tổng số 4.575 làng của cả nước, chiếm tới 53,18% [1]. Trong những năm qua, nhất là khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì hoạt động làng nghề ở vùng ĐBSH đã có bước nhảy vọt lớn, phát triển chưa từng thấy. Các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển sôi động đó thì tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) ở nhiều làng nghề đã trở thành điều bức xúc, không những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và sức khỏe của người dân mà còn làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, đặc biệt ở các làng nghề sản xuất giấy. Đã có nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu về hiện trạng ONMT làng nghề ở các tỉnh ĐBSH như các công trình của nhóm tác giả Đặng Thị Kim Chi [2,3], hay báo cáo môi trường Quốc gia 2008 [4],… Một trong những lý do dẫn tới hiện trạng ONMT ở các làng nghề và tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề đó là những bất cập trong thực thi pháp luật về BVMT làng nghề. Do đó, bài báo này sẽ tập trung đánh giá về những bất cập trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của chủ thể là Cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến các tỉnh ĐBSH, phân tích nguyên nhân của những bất cập và đề xuất một số giải pháp để cải thiện tình hình.
2. NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG THỰC THI PHÁP LUẬT BVMT LÀNG NGHỀ
Việc quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trên nhiều phương diện: pháp luật – chính sách, cán bộ, thể chế và bộ máy, đầu tư,… Có thể rút ra những hạn chế cơ bản trong công tác BVMT đối với làng nghề như sau:
– Mặc dù Luật BVMT đã đi vào cuộc sống và ý thức BVMT của cộng đồng dân cư tăng lên rõ rệt, tuy nhiên việc tuân thủ các luật định về BVMT trong hoạt động SXLN chỉ dừng lại ở mức độ rất khiêm tốn. Kết quả là vẫn còn nhiều bất cập trong việc quán triệt và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của các lực lượng cán bộ làm công tác môi trường các cấp từ trung ương đến các tỉnh ĐBSH; các đơn vị, cá nhân thi hành luật còn nhiều lúng túng, gây nên nhiều hiện tượng tiêu cực, làm ngơ trước pháp luật của một số bộ phận người dân trong làng nghề cũng như cán bộ quản lý.
– Quá trình triển khai các văn bản qui phạm pháp luật về công tác BVMT đến các cấp để thực hiện còn chậm và có nhiều hạn chế. Nhiều văn bản dưới Luật đã được ban hành rất lâu nhưng chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSH rất chậm trong triển khai thực hiện hay đưa ra những qui định điều chỉnh phù hợp cho địa phương mình.
– Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và các tỉnh ĐBSH về môi trường cũng như thanh tra việc thi hành luật tại các làng nghề chưa được thường xuyên và triệt để, tạo ra những khe hở trong luật BVMT.
– Chưa có sự thống nhất khi giải quyết vấn đề MTLN giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và các tỉnh ĐBSH. Cơ chế phối hợp giữa các bộ/ngành và giữa các ngành với địa phương thiếu gắn kết và nhiều bất cập. Ví dụ, khi xảy ra sự cố môi trường cơ quan quản lý môi trường cần khắc phục nhanh để tránh ảnh hưởng nặng nề tới môi trường, lúc này rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học. Vai trò, vị trí rất quan trọng của chính quyền địa phương các cấp ở các tỉnh ĐBSH, nhất là cấp xã, trưởng thôn trong quản lý MTLN còn bị mờ nhạt, chưa phát huy và đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý MTLN.
– Việc thực thi các qui định về BVMT nêu trong hương ước, qui ước tại các làng nghề ở các tỉnh ĐBSH rất kém hiệu quả. Chưa qui định rõ các hình thức xử phạt đối với các hộ sản xuất nghề gây ô nhiễm trong hương ước, qui ước. Một phần do các qui định chưa đầy đủ và chặt chẽ, một phần do mối quan hệ họ hàng, xóm giềng trong làng nghề dẫn đến việc dung túng, bao che của cán bộ làng nghề cũng như sự bàng quan, tránh va chạm của người dân làng nghề đối với các cơ sở sản xuất nghề vi phạm qui ước, hương ước.
– Chủ trương quy hoạch các khu/cụm công nghiệp tập trung tại các tỉnh ĐBSH cho làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào một khu vực tập trung để quản lý là đúng, tuy nhiên, khi thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, dẫn tới kết quả và hiệu quả hạn chế: Ví dụ như quy hoạch cụm công nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh; mây tre đan Trường Yên, Hà Nội đã trở thành khu vực sinh hoạt và sản xuất mới. Hầu hết các khu/cụm công nghiệp loại này không có công trình xử lý nước thải tập trung, cơ sở hạ tầng nói chung và BVMT nói riêng rất yếu kém,…dẫn tới việc gây ONMT bởi các chất thải phát sinh và xu hướng này sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu ngay bây giờ không có các giải pháp kiểm soát ô nhiễm hữu hiệu.
3. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG THỰC THI PHÁP LUẬT BVMT LÀNG NGHỀ
Đi tìm nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện pháp luật BVMT làng nghề có thể thấy được có rất nhiều lý do, nhưng tựu trung lại có một số lý do chính như sau:
* Một là: Quy định pháp luật BVMT làng nghề ở Trung ương và ở các tỉnh ĐBSH chưa hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót.
– Mặc dù Điều 70 Luật BVMT năm 2014 sửa đổi đã nêu rõ về công tác BVMT làng nghề và chính phủ mới ban hành Nghị Định 19/2015/NĐ-CP, tuy nhiên các văn bản này vẫn chưa có những hướng dẫn thực hiện cụ thể các nội dung về BVMT làng nghề, gây lúng túng cho đơn vị, cá nhân thi hành luật. Chính vấn đề này gây nên những bất cập trong việc tuân thủ pháp luật đó là nhiều hiện tượng tiêu cực, làm ngơ trước pháp luật của một số bộ phận người dân trong làng nghề cũng như cán bộ quản lý. Các văn bản dưới Luật được nêu ở trên mặc dù có đề cập đến vấn đề ONMT làng nghề nhưng chỉ dừng lại ở việc coi ONMT trong SXLN là một vấn đề cần quan tâm chứ chưa có các qui định cụ thể. Nhiều cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không phù hợp nếu áp dụng cho SXLN trong cả nước nói chung, ở các tỉnh ĐBSH nói riêng. Cụ thể:
+ Nghị định 66/2006/NĐ-CP mới dừng lại ở mức độ coi BVMT là nội dung cần quan tâm trong phát triển ngành nghề nông thôn chứ chưa có các quy định cụ thể về việc các làng nghề thì phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, phải có các biện pháp giảm thiểu phát sinh khí thải.
+ Các nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2005 (Nghị định 80/2006/NĐ-CP, Nghị định 21/2008/NĐ-CP) được quy định đối với mọi nhóm đối tượng, tuy nhiên để áp dụng được đối với làng nghề đôi khi không phù hợp. Theo Nghị định 80 và Nghị định 21, mọi đối tượng sản xuất kinh doanh đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT (đối với các dự án đầu tư mới) và lập đề án BVMT (đối với các cơ sở đang hoạt động). Tuy nhiên, hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề đều không thực hiện vấn đề này, và trên thực tế nội dung này rất khó có thể áp dụng được với đặc thù làng nghề.
+ Nghị định 81/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nếu như áp dụng đối với đối tượng hoạt động trong làng nghề là không phù hợp. Vì tất cả các hộ sản xuất của làng nghề đều gây ONMT ở mức độ khác nhau, nếu áp dụng đúng qui định của Nghị định thì tất cả các hộ sản xuất đều thuộc đối tượng bị xử phạt. Nếu áp dụng xử phạt thì hầu hết các hoạt động sản xuất nghề tại làng nghề sẽ không thể tiếp tục hoạt động do hộ sản xuất nghề không có đủ khả năng nộp tiền phạt hoặc không có khả năng tự xử lý được môi trường đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra bên ngoài. Mặt khác, mối quan hệ xã hội trong làng nghề theo tính chất dòng họ, tình làng nghĩa xóm nên rất khó để tiến hành xử lý vi phạm và các thủ tục cưỡng chế đối với hộ sản xuất nghề vi phạm.
+ Các Nghị định, Thông tư khác về thu phí BVMT đối với nước thải, chất thải rắn, áp dụng TCVN về môi trường hay phân loại, đăng ký chủ nguồn thải nguy hại hoặc hướng dẫn các qui định về BVMT rất khó triển khai trong hoạt động SXLN cũng như khuyến khích các hộ sản xuất nghề tự giác thực hiện các qui định về BVMT.
– Các quy định, văn bản, chính sách, còn chồng chéo nhau, không phân biệt được cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, cá nhân về trách nhiệm quản lý MTLN và giữa các đơn vị này chưa có sự thống nhất khi giải quyết vấn đề MTLN; thiếu một cơ quan “đầu mối”. Đây là nguyên nhân dẫn đến cơ chế phối hợp giữa các bộ/ngành và giữa các ngành ở các tỉnh ĐBSH thiếu gắn kết và nhiều bất cập.
– Thủ tục đăng kí kinh doanh chưa thuận lợi, các doanh nghiệp muốn đăng kí kinh doanh phải đi qua hai cấp xã và huyện là nguyên nhân các doanh nghiệp tại làng nghề thường không muốn đăng ký kinh doanh để lẩn tránh quản lý, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
– Hầu hết các làng nghề ở các tỉnh ĐBSH đều có hương ước, qui ước chung của làng, trong đó đều có những khoản mục về BVMT, cho dù những qui định này vẫn ở mức độ đơn giản. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương ở các tỉnh ĐBSH có làng nghề cũng ban hành những qui định riêng về BVMT đối với địa phương nói chung và đối với các hoạt động sản xuất nghề nói riêng. Tuy nhiên, các qui định này thường không được thực thi một cách hiệu quả. Điều này góp phần làm giảm năng lực quản lý của chính quyền địa phương tại các tỉnh ĐBSH cũng như không có tác dụng lớn trong cố gắng giảm thiểu ONMT làng nghề. Hầu hết các làng nghề xây dựng hương ước, qui ước mang tính chất phong trào, năng lực soạn thảo hương ước, qui ước còn hạn chế. Nội dung BVMT của hương ước, qui ước còn rất đơn giản, chủ yếu tập trung vào vấn đề vệ sinh môi trường. Chưa có các qui định rõ ràng đối với các hộ sản xuất nghề trong việc hạn chế gây ONMT. Chính vì thế nội dung của các hương ước, qui ước còn nặng tính hình thức, dẫn đến các qui định về BVMT làng nghề còn thiếu thực tiễn.
– Rất nhiều làng nghề ở các tỉnh ĐBSH không phổ biến rộng rãi hương ước, qui ước cho người dân làng nghề nói chung và các hộ sản xuất nghề nói riêng. Chính vì vậy tại nhiều làng nghề người dân không nắm được các qui định về công tác BVMT nêu trong các hương ước, qui ước. Mặt khác, hương ước, qui ước được đề xuất của các làng nghề nên không có tính chất pháp lý. Vì thế chưa phải là chế tài pháp lý để hạn chế hành vi gây ONMT của các hộ sản xuất nghề.
* Hai là: Thiếu sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và sự quản lý của Nhà nước ở các tỉnh ĐBSH đối với thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề.
– Sự quan tâm trong chỉ đạo, điều hành của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về BVMT làng nghề ở nhiều địa phương còn thiếu thường xuyên, kịp thời và “đủ độ” do các địa phương này chưa xác định BVMTLN là vấn đề ưu tiên để chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục tình trạng ONMT tại làng nghề, mặc dù trên thực tế, vấn đề ONMT làng nghề đã trở nên bức xúc.
– Các kết quả điều tra cho thấy chính quyền địa phương (cấp thôn, xã) còn thiếu sự quan tâm đến tình trạng ONMT làng nghề cũng như hạn chế hành vi gây ONMT của các hộ sản xuất nghề. Vấn đề BVMT chưa được chính quyền địa phương xem xét như một mục tiêu quan trọng trong công tác quản lý. Chính vì thế, việc đầu tư thời gian và các nguồn lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất của làng nghề bị xem nhẹ.
– Công tác BVMT tại các làng nghề chưa được các cơ quan quản lý môi trường quan tâm đúng mức. Trừ một số làng nghề gây ONMT nghiêm trọng, còn hầu hết các làng nghề chưa được có hoặc không thường xuyên có các cán bộ quản lý môi trường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường hoặc hỗ trợ các hộ SXLN thực hiện công tác BVMT. Nhiều lý do được nêu ra như lực lượng cán bộ quá mỏng, nhiều làng nghề vấn đề môi trường chưa đến mức bức xúc,… Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự quan tâm của các cơ quan quản lý môi trường tới các làng nghề còn rất hạn chế.
* Ba là: Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và các tỉnh ĐBSH còn bất cập, chồng chéo, không rõ ràng.
Các chính sách, quy định, văn bản còn chồng chéo nhau, không phân biệt được cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, cá nhân về trách nhiệm quản lý MTLN và giữa các đơn vị này chưa có sự thống nhất khi giải quyết vấn đề MTLN; thiếu một cơ quan “đầu mối”. Vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý môi trường làng nghề giữa các Bộ, ngành và giữa các Bộ, ngành với địa phương còn bất cập, chồng chéo và không rõ ràng. Ở các tỉnh ĐBSH, vai trò của chính quyền sở tại trong công tác quản lý môi trường làng nghề còn mờ nhạt, thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý môi trường các cấp. Ví dụ, khi xảy ra sự cố môi trường cơ quan quản lý môi trường cần khắc phục nhanh để tránh ảnh hưởng nặng nề tới môi trường, lúc này rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học.Vai trò, vị trí rất quan trọng của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã, trưởng thôn trong quản lý MTLN còn bị mờ nhạt, chưa phát huy và đáp ứng được các yêu cầu của công tác quản lý MTLN.
* Bốn là: Công tác thông tin và chia sẻ thông tin còn yếu kém.
– Mặc dù còn nhiều bất cập và thiếu sót của hệ thống văn bản pháp lý trong quản lý MTLN, tuy nhiên, nếu áp dụng đầy đủ và nghiêm túc các văn bản pháp lý hiện có thì sẽ cải thiện đáng kể nhận thức về công tác BVMT của các hộ sản xuất nghề và hạn chế được các hành vi gây ô nhiễm. Qua khảo sát các làng nghề cho thấy hệ thống văn bản pháp lý chưa được cập nhật, phổ biến hoặc có rất ít tại các làng nghề. Ngay tại địa phương có làng nghề (cấp xã), các văn bản pháp lý này có rất ít và không được phổ biến đến các hộ sản xuất nghề.
– Các văn bản pháp lý từ Trung ương thường được đăng trên công báo, nhưng hầu hết chính quyền cấp xã tại các làng nghề đều không có công báo, do đó việc cập nhật thông tin không thường xuyên. Địa phương cũng thiếu sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý môi trường các cấp trong công tác truyền thông môi trường.
* Năm là: Nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường làng nghề ở các tỉnh ĐBSH còn yếu
– Lực lượng cán bộ làm công tác môi trường các cấp từ trung ương đến các tỉnh ĐBSH còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng. Hầu hết các tỉnh ĐBSH thiếu hụt cả về nhân sự, phương tiện và tài chính cho việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về BVMT đến các hộ sản xuất nghề. Nhận thức của cán bộ địa phương (cấp xã) về công tác BVMT cũng còn rất hạn chế, chính vì thế việc phổ biến kiến thức pháp luật trong lĩnh vực này tới các hộ sản xuất nghề không được thực thi.
– Đối với cấp xã, phường và thị trấn ở các tỉnh ĐBSH, là cấp liên quan trực tiếp đến công tác BVMT làng nghề, kiến thức về môi trường là rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của làng nghề. Ở cấp này không có cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường, phần lớn cử một cán bộ kiêm nhiệm, thường thì cán bộ địa chính không có chuyên môn về lĩnh vực môi trường kiêm nhiệm thực hiện công tác quản lý môi trường nên còn nhiều bất cập trong việc quán triệt và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật.
* Sáu là: Hoạt động thanh tra, kiểm tra không thường xuyên và thiếu nghiêm túc; sơ kết, tổng kết, giải quyết khiếu tố khiếu nại, xử lý vi phạm pháp luật còn mang tính hình thức; khen thưởng trong việc thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề ở các tỉnh ĐBSH chưa được quan tâm
– Quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trên nhiều phương diện: pháp luật – chính sách, cán bộ, thể chế và bộ máy, đầu tư,…Nhiều làng nghề đã xảy ra xung đột môi trường hoặc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp nhưng chưa được chính quyền và cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời và triệt để, dẫn tới các hành vi gây ô nhiễm tiếp tục gia tăng. Tại một số làng nghề còn xảy ra hiện tượng cán bộ địa phương hoặc cán bộ quản lý môi trường có hành vi bao che, dung túng cho việc gây ô nhiễm của một số hộ sản xuất nghề, không giải quyết nghiêm túc các kiến nghị, khiếu kiện của người dân làng nghề đối với các hành vi gây ô nhiễm của một số cơ sở sản xuất nghề, có hành vi trù dập đối với những người phản ánh vấn đề ô nhiễm của làng nghề.
– Thiếu chế tài trong việc kiểm tra và xử phạt các hành vi gây ONMT của các hộ sản xuất nghề. Các qui định xử phạt các hành vi gây ONMT theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP đối với cấp xã còn quá hạn chế. Không có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở sản xuất nằm ở các cụm, khu công nghiệp liền kề địa phương gây ô nhiễm cho làng nghề.
– Tuy Nhà nước đã quan tâm và có những chính sách nhất định như: ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT nói chung và làng nghề nói riêng; nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự khuyến khích; tác dụng mang tính chất “đòn bẩy” rất hạn chế;…
4. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ
Với các nguyên nhân nêu trên, để giải quyết triệt để vấn đề ONMT làng nghề phải giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến bản chất, đặc thù của sản xuất làng nghề; phải gắn xử lý ô nhiễm làng nghề với các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển nông thôn, sản xuất làng nghề theo nguyên tắc phát triển bền vững; phải tiến hành đồng bộ các giải pháp và công cụ quản lý khác nhau; phải được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước; sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành trách nhiệm cao của các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp. Có thể kể ra một số nhóm giải pháp chính như sau :
– Một là: Hoàn thiện quy định pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề ở Trung ương và ở các tỉnh Đồng bằng sông hồng. Đây là giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề nói chung và ở các tỉnh ĐBSH nói riêng. Để thực hiện tốt giải pháp này, cần tiến hành đồng bộ theo các phương diện sau đây:
+ Thực hiện tốt việc rà soát, hệ thống hóa, tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề của Trung ương nói chung, của các tỉnh ĐBSH nói riêng
+ Xây dựng, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản bản quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề do các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề ở các tỉnh ĐBSH.
– Hai là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý của Nhà nước ở các tỉnh Đồng bằng sông hồng đối với thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một nguyên tắc hiến định, vì vậy tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề ở các tỉnh ĐBSH là một trong những giải pháp quan trọng, đặc biệt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề ở nước ta nói chung và ở các tỉnh ĐBSH nói riêng.
– Ba là: Kiện toàn và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và các tỉnh ĐBSH
Trong thời gian tới, cần tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về MTLN từ Trung ương đến cơ sở, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT làng nghề giữa các cấp, các ngành.
– Bốn là: Tuyên truyền giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường làng nghề đối với cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề và nhân dân ở các tỉnh ĐBSH.
– Năm là: Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường làng nghề ở các tỉnh ĐBSH.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường làng nghề giỏi về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trình độ tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu về công tác BVMT làng nghề trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng trong việc tạo sự ổn định và phát triển KT-XH của các tỉnh ĐBSH.
– Sáu là: Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, giải quyết khiếu tố khiếu nại, xử lý vi phạm pháp luật và khen thưởng trong việc thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề.
5. KẾT LUẬN
Môi trường làng nghề vùng ĐBSH hiện đang ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng, không những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và sức khỏe của người dân mà còn làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản pháp lý có rất ít tại các làng nghề hoặc chưa được cập nhật, phổ biến đến các cấp thực hiện; chính quyền địa phương còn thiếu sự quan tâm đến tình trạng ONMT làng nghề cũng như hạn chế hành vi gây ONMT, thiếu hụt về nhân sự, phương tiện và tài chính cho việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về BVMT đến các hộ sản xuất nghề. Một số giải pháp đề xuất là: Hoàn thiện các quy định pháp luật về BVMT làng nghề ở Trung ương và các tỉnh ĐBSH; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý của Nhà nước ở các tỉnh ĐBSH đối với thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và các tỉnh ĐBSH; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện pháp luật về BVMT làng nghề; Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về BVMT làng nghề đối với các chủ thể sản xuất làng nghề.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP, 2011.
[2]. Đặng Thị Kim Chi (chủ biên), Nguyễn Ngọc Lân, Trần Lệ Minh, Làng nghề Việt Nam và môi trường, Nxb Khoa học và Kĩ thuật, 2005.
[3]. Đặng Thị Kim Chi, “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng các chính sách và giải pháp cải thiện môi trường các làng nghề nông thôn Việt Nam” đề tài KC 08.09, 2005
[4]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo môi trường Quốc gia 2008 – Môi trường làng nghề Việt Nam, 2008.
Tác giả : ThS. Nguyễn Trần Điện, TS. Lê Thanh Sơn
Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
(Nguồn tin: Nilp.vn)