Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải thủy sản của mô hình giá thể di động (MBBR) sử dụng giá thể biochip M

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

MỞ ĐẦU
MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) là một dạng của quá trình xử lý nước thải bằng bùn hoạt tính bởi lớp màng sinh học (biofilm). Trong quá trình MBBR, lớp màng sinh học phát triển trên giá thể lơ lửng trong lớp chất lỏng của bể phản ứng. Những giá thể này chuyển động được trong chất lỏng nhờ hệ thống sục khí cung cấp oxy cho nước thải hoặc thiết bị khuấy trộn [5].
Tại Việt Nam, đã có một số tác giả nghiên cứu: Phạm và cộng sự (2012), đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ MBBR xử lý nước thải sinh hoạt sử dụng giá thể K3 với chất liệu là PE (polyetylen), kích thước (D x L) là 25mm x 10mm, diện tích bề mặt là 500 m2/m3 và được sản xuất tại Việt Nam [3]; Nguyễn và cộng sự (2012), đã nghiên cứu hiệu quả xử lý nước thải ao nuôi thủy sản bằng công nghệ MBBR cũng với giá thể K3; Sau đó Nguyễn (2012) đã tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ MBBR để xử lý nước thải sản xuất bia với hai giá thể K3 và F10 – 4, trong đó giá thể K3 cũng có các thông số như trên nhưng đươc sản xuất tại Hàn Quốc, còn giá thể F10 – 4 với chất liệu là PE, kích thước (D x L) là 10mm x 10mm, diện tích bề mặt là 1200 m2/m3 và được sản xuất tại Trung Quốc [1]… Các kết quả nghiên cứu này đã cho thấy được hiệu quả xử lý cao của công nghệ đối với các loại nước thải có chứa các chất dễ phân huỷ sinh học.
Hiện nay, nước thải thủy sản thường có các thành phần ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần do đó vấn đề ô nhiễm môi trường do ngành này gây ra đang rất đáng lo ngại. Chính vì vậy việc đánh giá hiệu quả xử lý nước thải của mô hình MBBR sử dụng giá thể Biochip M nhằm tìm ra một công nghệ đáp ứng tốt yêu cầu xử lý nước thải

1. THỰC NGHIỆM

1.1. Đối tượng nghiên cứu

1.1.1. Nước thải nghiên cứu

1.1.2. Giá thể nghiên cứu

Giá thể Biochip M sử dụng trong bể MBBR có các thông số đặc trưng như sau:

– Tải trọng xử lý 200 kgCOD/m3/ngày.

– Độ dày: 0,8 – 1,2 mm

– Diện tích bề mặt: 1200 m2/m3

– Vật liệu PE nguyên chất

– Trọng lượng: 170 kg/m3

– Hình dạng: tròn, paraboloid

– Đường kính: 22 mm

– Màu: trắng hoặc màu khác

– Ứng dụng: xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp.

1.2. Mô hình nghiên cứu

Hình 2. Mô hình nghiên cứu [2]

Nước thải thủy sản từ thùng chứa được đưa vào bể MBBR bằng máy bơm với lưu lượng xác định. Tại bể MBBR nước thải được tiếp xúc với giá thể di động MBBR và được xáo trộn khí bởi hệ thống sục khí. Khí được phân phối đều trong bể qua các viên đá bọt; lưu lượng thổi khí trong bể MBBR được điều chỉnh sao cho nồng độ DO (oxy hòa tan) trong bể dao động trong khoảng 2,5 – 3,5 mg/l nhằm cung cấp đủ oxy và độ xáo trộn vừa phải tránh làm bong tróc vi sinh vật bám trên giá thể MBBR để đạt được hiệu quả xử lý cao nhất.

Nước thải trong bể MBBR, sau thời gian lưu cần thiết; sẽ chảy tràn sang ngăn lắng. Tại ngăn lắng, bùn sẽ được lắng xuống đáy và phần nước trong sẽ chảy tràn qua ống thu nước sạch sau xử lý và cho ra nguồn tiếp nhận.

1.3. Vị trí lấy mẫu và phương pháp phân tích

1.3.1. Vị trí lấy mẫu

1.3.2. Phương pháp phân tích mẫu

Bảng 3. Các phương pháp phân tích mẫu [2]

1.4. Phương pháp tính toán kết quả

Công thức tính tải trọng hữu cơ [4]:

Trong đó:

Q: lưu lượng nước thải, (m3/ngày).

V: thể tích bể xử lý, (m3).

COD: nồng độ COD đầu vào, (mg/l).

Vận hành mô hình với các tải trọng là 1,0 kgCOD/m3.ngày, 1,5 kgCOD/m3.ngày, 2,0 kgCOD/m3.ngày; lưu lượng Q = 1,5 l/h; V = 12,5 l; nồng độ COD đầu vào tương ứng là 347 mg/l, 520 mg/l, 694 mg/l.

Hiệu quả xử lý các thông số được tính bằng công thức:

2. KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM

2.1. Xác định lượng giá thể phù hợp và thời gian lưu cho mô hình MBBR vận hành gián đoạn đối với nước thải thủy sản

Thí nghiệm về việc xác định lượng giá thể phù hợp cho mô hình MBBR được thể hiện theo hình 3

Từ hình 3, ta thấy nồng độ COD giảm dần theo thời gian trong 5 bình đặc biệt là ở trong khoảng thời gian 6h – 10h. So với bình đối chứng (bình không có lượng giá thể cho vào) thì các bình khác có nồng độ COD giảm nhiều hơn và đến 10h tất cả các bình đều nhỏ hơn QCVN 11–MT:2015/BTNMT, cột B. Trong khoảng thời gian 8h – 10h các bình có tỉ lệ phần trăm giá thể lần lượt là 20%, 30%, 50% có nồng độ COD giảm gần tương tự nhau đặc biệt tại bình có tỉ lệ phần trăm giá thể là 50% thì từ 8h – 10h nồng độ COD không giảm. Còn bình có tỉ lệ phần trăm giá thể 40% thì có nồng độ COD giảm cao nhất trong khoảng thời gian này và đến 10h thì COD còn lại là 80mg/l. Như vậy ta chọn tỷ lệ giá thể phù hợp cho các thí nghiệm tiếp theo là 40%. Kết quả này cũng phù hợp với một số nghiên cứu là lượng giá thể cho vào bể xử lý phải nhỏ hơn 70%, đặc trưng là 67% và giá trị nhỏ hơn 67% thường được sử dụng tuỳ vào từng loại nước thải và nhu cầu xử lý [3].

Thí nghiệm về việc xác định thời gian lưu phù hợp cho mô hình MBBR được thể hiện theo hình 4.

Hình 4. Diễn biến hiệu suất xử lý nồng độ COD trong quá trình xác định thời gian lưu phù hợp [2]

Từ hình 4, ta thấy hiệu suất xử lý COD của 5 bình tăng dần theo thời gian. Trong khoảng thời gian là 8h và 10h thì hiệu quả xử lý COD đạt cao nhất với các giá trị lần lượt là 76%, 80% ở bình có tỷ lệ giá thể 40%. Xét khả năng xử lý COD theo thời gian của 5 bình ta thấy trong khoảng thời gian 6h đến 8h hiệu suất tăng nhanh hơn trong khoảng thời gian từ từ 8h đến 10h cụ thể với bình có tỷ lệ giá thể 40% ta thấy khoảng thời gian 6h đến 8h hiệu suất tăng khoảng 14,7% nhưng trong khoảng thời gian từ từ 8h đến 10h thì hiệu quả xử lý COD vẫn tăng nhưng tăng ít hơn khoảng 4%. Theo kết quả tại phòng thí nghiệm ta chọn thời gian lưu nước 8h để tiến hành vận hành mô hình MBBR với giá thể Biochip M để tiết kiệm chi phí vận hành. Kết quả này phù hợp với thời gian lưu trong bể bùn hoạt tính (6 – 8h) [8].

Như vậy ta chọn thời gian lưu 8h với tỷ lệ giá thể là 40% giá thể/1 lít thể tích để vận hành mô hình MBBR đối với nước thải thủy sản đang nghiên cứu.

2.2. Đánh giá hiệu quả xử lý của mô hình MBBR sử dụng giá thể Biochip M đối với nước thải thủy sản

Sau khi xác định được lượng giá thể thích hợp ta tiến hành vận hành mô hình MBBR với giá thể Biochip M ở giai đoạn thích nghi. Sau khi hiệu quả xử lý không đổi, vi sinh vật đã thích nghi với môi trường nước thải và mô hình hoạt động hiệu quả ta tiến hành vận hành hệ thống ở ba tải trọng và kết quả xử lý các thành phần dễ phân hủy sinh học của mô hình như sau:

2.2.1. pH

Kết quả phân tích giá trị pH ở 3 tải trọng vận hành 1,0 kgCOD/m3.ngày (tải trọng 1); 1,5 kgCOD/m3.ngày (tải trọng 2) và 2,0 kgCOD/m3.ngày (tải trọng 3) được thể hiện ở hình 5

Nhìn vào hình 5, ta thấy ở 3 tải trọng giá trị pH đầu vào duy trì trong khoảng 7,065 – 7,159 và cao hơn đầu ra (6,207 – 6,690). Nguyên nhân làm pH đầu ra thấp hơn là do quá trình nitrat hóa tạo ra H+ và một phần các chất hữu cơ trong quá trình phân huỷ tạo ra hai axit là humic và fulvic. Giá trị pH đầu ra  là 6,433 0,383 phù hợp với QCVN 11–MT:2015/BTNMT.

2.2.2. Hiệu suất xử lý COD

Nhìn vào hình 6, ta thấy hiệu suất xử lý COD trung bình của tải trọng 1, tải trọng 2, tải trọng 3, lần lượt là 92,9  2,1%; 88,9  1,6%; 85,7  1,6% (tương ứng với giá trị COD đầu vào được phân tích ở tải trọng 1 dao động trong khoảng 320 – 384 mg/l; ở tải trọng 2 dao động trong khoảng 480 – 544 mg/l; ở tải trọng 3 dao động trong khoảng 640 – 720 mg/l). Có thể nhận thấy rằng, tải trọng 1 đạt hiệu quả xử lý cao nhất trong 3 tải trọng nghiên cứu và hiệu quả xử lý COD giảm dần khi tiến hành tăng tải trọng. Điều này có thể được giải thích như sau: Ở tải trọng 1 hiệu suất xử lý COD cao nhất là vì ở quá trình thích nghi vi sinh vật đã được thích nghi với môi trường nước thải nên khi tăng tải trọng lên 1,0 kgCOD/m3.ngày vi sinh vật tiếp tục hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước thải để phát triển cả về số lượng và sinh khối, số lượng vi sinh vật sinh ra càng nhiều đồng thời lượng cơ chất cho vào phù hợp dẫn đến khả năng xử lý COD cao nhất. Còn khi tăng tải trọng lên thì vi sinh vật tăng hơn cả về số lượng và sinh khối làm lớp màng vi sinh dày lên, làm giảm khả năng vận chuyển cơ chất đi qua màng do đó hiệu suất xử lý giảm; ngoài ra khi tăng tải trọng thì thời gian lưu cũng giảm làm vi sinh vật không đủ thời gian để xử lý các chất ô nhiễm như tải trọng 1. Kết quả xử lý COD ở ba tải trọng đều đạt QCVN 11–MT:2015/BTNMT, cột B.

2.2.3. Hiệu suất xử lý Tổng Nitơ (TKN)

Qua hình 7, ta thấy hiệu suất xử lý TKN ở 3 tải trọng lần lượt là 62,5  1,4%; 58,4  2,4%; 49,9  2,6%. Hiệu quả xử lý TKN cao nhất ở tải trọng 1, hai tải trọng còn lại hiệu quả xử lý thấp hơn do quá trình tăng tải trọng gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của vi sinh vật, làm giảm hiệu quả xử lý TKN. Vì mô hình chỉ dùng một bể MBBR không có bể thiếu khí để xử lý Nitơ cho nên chỉ có nồng độ TKN sau xử lý ở tải trọng 1 đạt QCVN 11–MT:2015/BTNMT. Như vậy để xử lý Nitơ hiệu quả cho các trường hợp có tải trọng lớn hơn tải trọng 1 chúng ta cần bổ sung thêm bể thiếu khí.

2.2.3. Hiệu suất xử lý Tổng Phốt pho (TP)

Qua hình 8, ta thấy hiệu quả xử lý TP của mô hình nghiên cứu thấp chưa tới 50%. Hiệu suất xử lý ở các tải trọng lần lượt là  33,3  1,8%; 29,9  2,5%; 40,9  4,1%. Tuy nhiên, nồng độ TP đầu vào trong nghiên cứu này thấp hơn QCVN 11–MT:2015/BTNMT .

Phốt pho được xử lý thông qua việc thải bỏ bùn dư trong MBBR, tại đây phốt pho được loại bỏ theo lớp màng vi sinh già chết đi, bong ra khỏi giá thể di động và đi vào bể lắng, đồng thời vi sinh vật cũng sử dụng một phần nhỏ phốt pho tham gia vào cấu tạo tế bào. Tuy nhiên, ở thời gian lưu nước dài, lớp màng vi sinh bong ra khỏi giá thể di động sẽ thực hiện quá trình hô hấp nội bào nên sẽ giải phóng một phần photpho do vậy nồng độ phốt pho sẽ dao động trong một khoảng lớn theo thời gian.

Ở tải trọng 1 và 2 hiệu quả xử lý TP thấp hơn do lớp màng bám trên giá thể còn mỏng nên rất ít xảy ra hiện tượng bong tróc màng. Khi đó thì trên lớp màng cũng chưa có sự phân chia rõ rệt của lớp kỵ khí, thiếu khí và hiếu khí nên lúc này quá trình xử lý hiếu khí chiếm ưu thế hơn. Ở tải trọng 3 hiệu quả xử lý cao nhất so với hai tải trọng còn lại vì lớp màng sinh học trên giá thể đã dày lên và thấy rõ nên xảy ra hiện tượng bong tróc do màng vi sinh sát mặt giá thể không tiếp xúc được với thức ăn.

3. KẾT LUẬN

Đề tài nghiên cứu xử lý nước thải chế biến thủy sản bằng công nghệ MBBR với giá thể Biochip M đã được thực hiện để khảo sát đánh giá hiệu quả xử lý qua 3 tải trọng hữu cơ là 1,0 kgCOD/m3.ngày; 1,5 kgCOD/m3.ngày; 2,0 kgCOD/m3.ngày.

Sau khi tiến hành nghiên cứu nhóm tác giả nhận thấy rằng hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ MBBR sẽ có những cải tiến hơn như: có hiệu quả cao, tăng diện tích tiếp xúc giữa vi sinh vật với các chất ô nhiễm trong nước thải, có khả năng chịu được tải trọng cao, tiết kiệm chi phí vận hành… đồng thời mang lại nhiều lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường.

Trước khi vận hành tải trọng nhóm tác giả đã tiến hành cho chạy thích nghi để đảm bảo vi sinh vật trong bùn sinh học thích nghi được với mức tăng tải trọng cũng như tiếp xúc với loại nước thải thuỷ sản. Tuy nhiên hiệu quả xử lý TP, TKN vẫn còn khá thấp, kết quả đầu ra ở tải trọng 2 và 3 vẫn chưa đạt quy chuẩn quy định. Do đó khi tăng tải trọng lớn hơn 1,0 kgCOD/m3.ngày cần thêm bể thiếu khí để đảm bảo hiệu quả xử lý TP, TKN theo QCVN 11–MT:2015/BTNMT, cột B.

Tóm lại, mô hình nghiên cứu trên xử lý tốt và ổn định ở cả 3 tải trọng nghiên cứu tương ứng với thời gian lưu 8h; Giá trị pH đầu ra của nước thải ở cả ba mô hình đều đạt QCVN 11–MT:2015/BTNMT, cột B. Tuy nhiên hiệu quả xử lý của mô hình bắt đầu giảm dần khi tăng tải trọng.  Và tải trọng 1 (1,0 kgCOD/m3.ngày) là tải trọng phù hợp với công nghệ xử lý chỉ dùng một bể MBBR với hiệu suất xử lý COD, TKN, TP lần lượt là 92,9%; 62,5% và 33,3%. Các chỉ tiêu nghiên cứu tại đầu ra tải trọng 1 đều đạt QCVN 11–MT:2015/BTNMT, cột B.

Nước thải sau xử lý của hệ thống MBBR có thể tái sử dụng cho các mục đích khác nhau như tưới cây công viên, rửa đường,… Với những kết quả nghiên cứu này, đề tài hứa hẹn sẽ có thể được ứng dụng vào thực tế nhằm xử lý nước thải thuỷ sản cũng như các loại nước thải tương tự mà không đòi hỏi quá nhiều chi phí cũng như diện tích xây dựng lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hoàng Như (2012), “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ MBBR để xử lý nước thải sản xuất bia”, Luận văn Thạc sĩ công nghệ môi trường, trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM.

2. Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, Võ Đặng Thuỳ Trang, Nghiên cứu khả năng xử lý nước thải thuỷ sản bằng công nghệ MBBR với giá thể Biochip M, Khoá luận tốt nghiệp, trường Đai học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

3. Phạm Lê Hoàng Duy (2012),  “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp giá thể sinh học di động”.

4. Trịnh Xuân Lai (2011),  Tính toán thiết kế các công trình xử lý nước thải, NXB Xây dựng Hà Nội.

5. Bo Fu et al., (April 2011). “COD removal from expanded granular sludge bed effluent using a moving bed biofilm reactor and their microbial community analysis”.

6. Haiyan wang et al., (September 2015). “Comparison of the MBBR denitrification carriers for advanced nitrogen removal of wastewater treatment plant effluent”.

7. Kristi biswas et al., (February 2014). “Successional development of biofilms in moving bed biofilm reactor (MBBR) systems treating municipal wastewater”.

8. Metcaft and Eddy., (2003). Wastewater Engineering: Treatment and Reuse, Fourth Edition, McGraw – Hill Inc.

Trần Đức Thảo1, Nguyễn Thị Cẩm Mỹ1, Võ Đặng Thuỳ Trang1, Trần Thị Thu Hiền2

1Khoa CNSH & KTMT, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

2Khoa Hoá, ĐH Quy Nhơn


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)