Đánh giá rủi ro an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở tài chế nhựa thủ công, gián đoạn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:49(GMT +7)

1. GIỚI THIỆU

Hiện nay, tái chế nhựa bằng phương pháp cơ học rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới, bởi tái chế cơ học dễ thực hiện và tiềm năng tái chế cao. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát cao ở các làng nghề. Mặc dù vẫn có những cơ sở có quy mô và dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại nhưng còn rất nhiều cơ sở có dây chuyền thủ công gián đoạn, máy móc cũ kỹ, lạc hậu. Một số công đoạn chính trong tái chế nhựa gián đoạn (giặt, băm sơ bộ, nghiền…) có những rủi ro cao và rất cao. Bài viết này trình bày về kết quả đánh giá rủi ro (ĐGRR) an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN) và đề xuất một số biện phạm kiểm soát trong các cơ sở tái chế nhựa thủ công, nhỏ lẻ tại Việt Nam.

2- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

– Phương pháp thu thập thông tin dữ liệu: Phương pháp khảo sát, phỏng vấn người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), đo đạc các thông số môi trường tại các cơ sở tái chế nhựa.

Phương pháp nhận diện mối nguy: Được kết hợp một số phương pháp nhận diện mối nguy như danh mục kiểm tra, phân tích an toàn công việc, kết hợp với phỏng vấn trực tiếp NLĐ cũng như NSDLĐ của các cơ sở sản xuất nguyên liệu nhựa từ nhựa tái chế.

– Phương pháp ĐGRR đối với mối nguy an toàn lao động (ATLĐ): Sử dụng phương pháp ĐGRR định tính đối với mối nguy về ATLĐ, ma trận rủi ro được trình bày ở bảng 1.

      Bảng 1. Ma trận xác định mức rủi ro an toàn lao động

Khả năng xẩy ra hậu quả

Mức nghiêm trọng của hậu quả

Rất nhẹ

Nhẹ

Trung bình

Nghiêm trọng

Rất nghiêm trọng

Không có khả năng xẩy ra

Rất thấp

Rất thấp

Thấp

Thấp

Trung bình

Khó có khả năng xẩy ra

Rất thấp

Thấp

Trung bình

Trung bình

Cao

Có khả năng xẩy ra

Thấp

Trung bình

Trung bình

Cao

Rất cao

Có thể xẩy ra

Thấp

Trung bình

Cao

Rất cao

Rất cao

Nhiều khả năng xẩy ra

Trung bình

Cao

Rất cao

Rất cao

Rất cao

– Đánh giá rủi ro đối với các mối nguy về sức khỏe nghề nghiệp (SKNN): Sử dụng phương pháp ĐGRR bán định lượng. Dựa theo “Phương pháp VNIOSH – 2017” và các QCVN/BYT về vệ sinh lao động hiện hành, ĐGRR SKNN đối với các mối nguy về sức khoẻ đặc trưng trong tái chế nhựa là: vi khí hậu (VKH), bụi, ồn, hóa chất, các thông số này được đo tại nhà máy hoặc các xưởng sản xuất hạt nhựa từ nhựa phế thải. Quá trình ĐGRR được thực hiện căn cứ vào các giá trị đo và tham chiếu với giá trị tương ứng trong phương pháp trên.

3. KẾT QUẢ ĐGRR VÀ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT

Qua khảo sát tại các cơ sở tái chế nhựa thủ công cho thấy, có rất nhiều mối nguy cần được đánh giá và kiểm soát chúng.Tuy nhiên, ở mỗi công đoạn lại tiềm ẩn nhiều mối nguy khác cần được ĐGRR cụ thể. Sau đây là kết quả ĐGRR tại một số công đoạn chính theo các bước trong quy trình sản xuất hạt nhựa tái sinh.

– Tại kho nguyên liệu: Tại đa số các cơ sở tái chế nhựa thủ công, kho nguyên liệu chung với xưởng sản xuất nên mối nguy chủ yếu là cháy nổ, chất hữu cơ còn sót lại trên bao bì, vi sinh vật, vấp ngã bầm tím chân tay, đau mỏi cơ, VKH…. Nguyên nhân là nguyên liệu được thu gom ngoài thị trường về đổ đống hỗn độn (dưới tác động của nhiệt độ mùa hè ở miền Bắc, nguyên liệu bốc mùi hôi thối), dây điện chạy trên nền xưởng, ẩm ướt, chập điện và dẫn đến cháy nổ…. Kết quả ĐGRR cho thấy, nguy cơ cháy nổ, khó chịu, dị ứng, mẩn ngứa do vi sinh vật nấm mốc/chất hữu cơ, nhiệt độ cao là những mối nguy được đánh giá là có rủi ro cao. Những mối nguy về đau mỏi cơ, vấp ngã có rủi ro trung bình.

– Giặt/rửa sơ bộ nguyên liệu: Mối nguy như chấn thương do cuốn kẹp vào máy, vật sắc nhọn đâm vào tay, trơn tượt, vấp ngã, dị ứng, mẩn ngứa, ăn da tay, chân do vi sinh vật, nấm mốc, chất hữu cơ còn sót trong bao bì kết hợp với ẩm ướt gây cảm giác rất khó chịu, dây điện chạy trên nền ẩm ướt dễ bị điện giật là những mối nguy được đánh giá có rủi ro cao. Bên cạnh đó, máy giặt là một chiếc máy đơn lẻ, NLĐ bê nguyên liệu nhét vào máy và công việc này được thực hiện theo từng mẻ nên có hiện tượng đau cơ, bắp, mối nguy này được đánh giá có rủi ro trung bình.

– Phơi nguyên liệu ngoài trời: NLĐ phải bê nguyên liệu sau khi giặt ra phơi ngoài trời và phải gẩy (hong) cho nguyên liệu khô giữa nhiệt độ oi, bức của mùa hè, NLĐ dễ bị say nóng, say nắng và được đánh giá có rủi ro cao. Công đoạn này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, những mối nguy về vi khí hậu, egonomi… được đánh giá có rủi ro cao.

– Băm sơ bộ nguyên liệu: Công đoạn này xuất hiện ở những cơ sở mua nguyên liệu là dạng bạt phủ, hay những bavia từ các nhà máy sản xuất bạt… có kích thước lớn nên cần băm sơ bộ. Mối nguy chủ yếu là cuốn, kẹp, cắt vào tay được đánh giá là có rủi ro rất cao. Mối nguy về điện giật, tư thế làm việc cũng có rủi ro cao trong công đoạn này.

– Nạp nguyên liệu vào máy xay/máy nghiền: Mối nguy phổ biến là cuốn kẹp, rơi vào máy xay/máy nghiền. Nguyên nhân chủ yếu do bố trí nguyên vật liệu, thiết bị trong nhà xưởng không hợp lý. Nguyên liệu xếp chồng chất cao, gập ghềnh, cao hơn vị trí đặt máy xay/máy nghiền, NLĐ đứng trên đống nguyên liệu lấy cho vào máy xay/máy nghiền và nhiều khi còn bất cẩn, chủ quan dùng chân đạp nguyên liệu vào máy…, trượt chân rơi xuống máy xay/máy nghiền đang hoạt động…. Kết quả ĐGRR tại công đoạn này có rủi ro rất cao. Ngoài ra, tại công đoạn này còn có những mối nguy như vấp ngã, egonomi được đánh giá có rủi ro cao.

– Nạp liệu cho công đoạn gia nhiệt: Nguyên liệu sau nghiền được NLĐ đưa nạp vào máy gia nhiệt, ở công đoạn này mối nguy chủ yếu là đau cơ, xương, khớp và được đánh giá là có rủi ro trung bình.

Giám sát công đoạn gia nhiệt kéo sợi: Khi nguyên liệu được nung nóng đến nhiệt độ nhất định (tùy thuộc từng loại nhựa) nhựa sẽ chảy ra, trong quá trình gia nhiệt đùn sợi có hiện tượng nổ khí, bắn các giọt nhựa lỏng, nóng làm bỏng NLĐ xẩy ra thường xuyên. Đây cũng là mối nguy phổ biến ở cả các cơ sở sản xuất hạt nhựa tái sinh tự động. Phát hiện có hơi khí chất hữu cơ VOC trong công đoạn này. Nhà xưởng bừa bộn, dây điện chạy trên nền nhà xưởng nên NLĐ dễ bị trơn trượt, vấp ngã vào dây điện, đồ vật và cạnh của thiết bị. Kết quả ĐGRR cho các mối nguy này là có rủi ro cao. Mối nguy về VKH được đánh giá có rủi ro rất cao vào những ngày mùa hè ở miền Bắc, tiếng ồn có rủi ro trung bình.

– Giám sát công đoạn giải nhiệt định hình sợi: NLĐ bị bầm tím chân tay do bị vấp ngã vào cạnh của đế của bộ phận này, đây là mối nguy phổ biến và được đánh giá là có rủi ro cao.

– Tạo hạt-Đóng gói hạt nhựa: Ở công đoạn này mối nguy về VKH và egonomi, NLĐ phải bê vác bao hạt nhựa có khối lượng 25kg. Kết quả ĐGRR của các mối nguy là rủi ro cao. Mối nguy về trơn trượt có rủi ro trung bình.

– Bảo dưỡng/sửa chữa/vệ sinh máy móc: Ở công đoạn này có rất nhiều mối nguy được đánh giá có rủi ro cao như vật sắc nhọn đâm vào tay, cuốn kẹp vào thiết bị, ngã cao, hóa chất/chất hữu cơ, vi sinh vật.

Đánh giá chung và biện pháp kiểm soát

Hầu hết các công đoạn sản xuất hạt nhựa tái sinh đều có những vị trí làm việc được đánh giá có rủi ro cao. Trong các công đoạn băm sơ bộ, nạp liệu cho máy xay/máy nghiền, nhiều mối nguy như vật sắc nhọn đâm vào tay, cuốn kẹp có rủi ro rất cao. Trong quá trình gia nhiệt đùn sợi, hiện tượng nổ khí làm bắn các giọt nhựa lỏng, khiến NLĐ bị bỏng cũng xẩy ra thường xuyên.

Những mối nguy về SKNN được thể hiện qua các thông số như VKH, tiếng ồn, bụi, hơi chất hữu cơ…. Kết quả đo đạc cho thấy, hầu hết các công đoạn sản xuất ở những cơ sở này có nhiệt độ nằm trong khoảng từ 32-37oC, đều vượt qua giới hạn cho phép theo quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT, đặc biệt ở những công đoạn gia nhiệt kéo sợi, nhiệt độ lên cao từ 36-37oC và được đánh giá là có mức rủi ro cao. Tiếng ồn chủ yếu do máy móc thô thơ, cũ kỹ, lạc hậu, được đo ở nhiều công đoạn có giá trị lớn hơn 90 dB. Theo phương pháp VNIOSH – 2017, tiếng ồn được đánh giá ở mức rủi ro trung bình. Hơi khí độc VOC được phát hiện ở trong các cơ sở tái chế nhựa, đặc biệt ở khu vực tạo hạt (gia nhiệt, kéo sợi, tạo hạt) nhưng ở mức thấp và được đánh giá là có rủi ro có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có các BPKS yếu tố này vì chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, qua tiêu hóa, qua da và tích lũy trong cơ thể NLĐ đến một thời điểm nhất định, có thể phát thành các bệnh nghề…. Chất hữu cơ còn sót lại trong các bao bì cũng là mối nguy cần được kiểm soát (bốc mùi khó chịu…). 

Các mối nguy về ATLĐ cần được kiểm soát và nên thực hiện ngay những BPKS như thiết kế lại đường dây điện, bố trí lại các vị trí máy móc, nhà kho, nhà xưởng sản xuất… và biện pháp cơ bản như BPKS hành chính (tuân thủ quy tắc 5S, biển báo…). Các quy tắc làm việc an toàn, đặc biệt là quy trình thực hiện an toàn trong công đoạn nghiền/xay nguyên liệu, công đoạn gia nhiệt tạo sợi cần có những nghiên cứu tránh hiện tượng nổ khí bắn nhựa bay vào NLĐ dẫn đến bị bỏng. Các mối nguy về SKNN cần được thực hiện các biện pháp tăng cường cơ cấu thu, hút hơi khí độc, thông gió hút bụi, cơ cấu che chắn cách ly tiếng ồn…. Cần tập huấn ATVSLĐ và trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) cho NLĐ. Nghiêm cấm hiện tượng ăn, uống trong nhà xưởng sản xuất. Bên cạnh đó, những cơ sở này cần phải bổ sung hoặc củng cố bộ phận xử lý chất thải, nước thải sau quá trình tái chế.

KẾT LUẬN

Đánh giá rủi ro trong các cơ sở tái chế nhựa thủ công đã chỉ ra nhiều mối nguy về ATLĐ có rủi ro cao, rất cao. Nhà xưởng bố trí chưa hợp lý, khoa học nên phát sinh nhiều mối nguy lớn. Các mối nguy về SKNN trong đó các mối nguy về vật lý như tiếng ồn cũng ở mức rủi ro trung bình cần có biện pháp giảm thiểu. Hơi khí độc VOC mới ở mức phát hiện có nhưng cũng là mối nguy cần quan tâm và cần có kế hoạch kiểm soát vì đây là tác nhân có thể gây ung thư nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Một số BPKS như BPKS hành chính, tập huấn ATVSLĐ, PTBVCN…. dễ thực hiện và hiệu quả cần thực hiện ngay.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)