Đánh giá tác động của điều kiện lao động lên thính lực biên tập viên tại trung tâm VAS Tổng công ty Viễn thông Viettel

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

Tóm tắt: Đánh giá tình trạng giảm thính lực của các biên tập viên và ảnh hưởng của tiếng ồn phát ra từ tai nghe lên thính lực của họ.

Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang trên 3 nhóm: 22 biên tập viên, làm việc thường xuyên với tai nghe; 22 nhân viên văn phòng không làm việc với tai nghe và 23 điện thoại viên tại Tổng công ty Viễn thông Viettel. Đo tiếng ồn môi trường và tại tai nghe, khám thính lực các đối tượng: đo thính lực đơn âm, nội soi tai mũi họng, đo nhĩ lượng, đo đáp ứng điện thính giác thân não bền vững (ASSR).

Kết quả nghiên cứu: Tỉ lệ giảm thính lực chung ở 3 nhóm lần lượt là 36,4 %; 0%; 34,8%; tai trái: 27,3%; 0%; 26,1%; tai phải: 27,3%; 0%; 34,8%. Sự khác biệt giữa nhóm biên tập viên và nhóm nhân viên văn phòng có ý nghĩa (p<0,05), giữa nhóm biên tập viên và nhóm chứng 2 không có ý nghĩa (p>0,05). Giảm thính lực ở tần số 4000Hz là chủ yếu. Mức chênh thính lực giữa đường khí và đường xương ở các biên tập viên chủ yếu ở mức từ 0-5 dB. Có mối tương quan thuận giữa thính lực ở tần số 4000Hz và mức cường độ tiếng ồn tại tai nghe của các Biên tập viên (p<0,05).. Có mối tương quan thuận giữa thính lực và cường độ tiếng ồn tại tai nghe.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của  lĩnh vực thông tin, truyền thông, giải trí và công nghệ điện tử, biên tập viên là một nghề đang phát triển nhanh và thu hút ngày càng nhiều nhân lực, đặc biệt là biên tập viên truyền thông. Các lao động thường làm việc trong phòng làm việc chung, đóng kín và sử dụng điều hòa không khí. Trên thế giới đã có những nghiên cứu về tình trạng giảm thính lực do sử dụng tai nghe thường xuyên. Tại tổng công ty viễn thông Viettel, đã có những biên tập viên phàn nàn về tình trạng giảm khả năng nghe

Đề tài nghiên cứu nhằm đáp ứng 2 mục tiêu:

– Đánh giá thực trạng thính lực tại trung tâm VAS – Viettel Telecom.

– Tìm hiểu mối liên quan giữa tình trạng thính lực và các yếu tố nghề nghiệp.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.  Địa điểm và thời gian nghiên cứu

+ Địa điểm: tại trung tâm VAS và trung tâm Chăm sóc khách hàng Hà Nội thuộc Tổng công ty Viễn thông Viettel.

+ Thời gian nghiên cứu: từ tháng 10 – 12/2017

2.2. Đối tượng nghiên cứu: chia làm 3 nhóm

+ Nhóm Biên tập (Nhóm NC): 22 Biên tập viên thuộc Phòng sản xuất nội dung, trung tâm VAS.

+ Nhóm lao động khác (Nhóm 1): 22 người lao động tại các vị trí khác trong trung tâm VAS, không làm việc với tai nghe.

+ Nhóm chăm sóc khách hàng (Nhóm 2): 23 người lao động tại trung tâm Chăm sóc Khách hàng Hà Nội, thường xuyên làm việc với tai nghe.

2.3. Phương pháp nghiên cứu: mô tả theo thiết kế cắt ngang.

2.3.1. Phương pháp thu thập số liệu

+ Khảo sát môi trường lao động: Theo thường qui kĩ thuật của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường.

+ Khảo sát thính lực: Khám nội soi tai – mũi – họng, đo nhĩ lượng để đánh giá bệnh lý.

+ Đo thính lực đơn âm bằng thính lực kế audiometer.

2.4. Xử lý số liệu: bằng phương pháp thống kê y học, sử dụng phần mềm SPSS 22.0

III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Bảng 3.1. Kết quả khảo sát tiếng ồn môi trường làm việc

Có 23/37 chiếm 62,2% mẫu đo tiếng ồn không đạt QCVN;

Các mẫu đo không đạt đều ở Trung tâm VAS, cường độ tiếng ồn vượt ngưỡng dao động từ 55,3 đến 62,0dBA, với cường độ tiếng ồn này không gây bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.

Bảng 3.2. Kết quả khảo sát cường độ âm thanh tại tai nghe của Biên tập viên

Tất cả 19/19 mẫu đo đều không đạt QCVN, Các mẫu đo đều ở Trung tâm VAS, cường độ tiếng ồn dao động từ 59,1 đến 86,2 dBA.

Bảng 3.3. Tuổi đời, tuổi nghề của đối tượng nghiên cứu

Tuổi đời trung bình của nhóm biên tập (Nhóm NC) và nhóm I là tương đương nhau và thấp hơn nhóm II. Tuổi đời trung bình ở cả 3 nhóm đều trẻ, dao động từ 23 – 40 tuổi, đây là độ tuổi ít có suy giảm thính lực do quá trình lão hóa theo tuổi tác.

Tuổi nghề trung bình của nhóm NC là nhỏ nhất, nhóm II cao nhất.

Bảng 3.4. Kết quả nội soi tai – mũi – họng

Tất cả các đối tượng ở nhóm NC không có bệnh lí tai giữa và tai ngoài, ở nhóm I và II có tỉ lệ nhỏ có bệnh lí tai ngoài 4,55 – 8,7% và tai giữa 0 – 4,35% chỉ có 1 trường hợp có sẹo cũ màng nhĩ tai phải đồng thời có giảm nhẹ thính lực tai phải.

Bảng 3.5. Kết quả đo nhĩ lượng

Kết quả đo nhĩ lượng ở cả 3 nhóm sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Hầu hết các đối tượng nghiên cứu đều có nhĩ lượng bình thường (loại A). Điều này phù hợp với kết quả khám nội soi tai – mũi – họng, hầu hết các đối tượng nghiên cứu không có bệnh lí tai giữa.

Bảng 3.6. Kết quả khảo sát thính lực

– Tỉ lệ giảm thính lực ở các nhóm lần lượt là 8/22, 0/22, 8/23.

– Tỉ lệ giảm thính lực ở nhóm NC cao hơn nhóm I không đeo tai nghe làm  việc(p < 0,05), trong khi đó tuổi đời 2 nhóm này là tương đương và tuổi nghề nhóm I cao hơn nhóm NC. Điều này cho thấy giảm thính lực ở nhóm NC có thể do yếu tố nghề nghiệp.

– Giữa nhóm NC và nhóm II đều sử dụng tai nghe làm việc tỉ lệ giảm thính lực chung, giảm thính lực từng tai khác biệt không có ý nghĩa (p > 0,05). Nghiên cứu cũng cho thấy thời gian nghe của nhóm NC trong 1 ngày thường rất cao, đặc biệt ở các thời điểm cần hoàn thành công việc có thể lên đến 11-12 giờ/ngày.

Kết quả của chúng tôi tương tự như trong nghiên cứu của El-Besta và CS (2010) khảo sát 58 điện thoại viên tại công ty viễn thông Mansoura ở Ả Rập thấy tỉ lệ giảm thính lực là 37,9%. Kết quả này cao hơn so với tỉ lệ giảm thính lực 25/118 (21,2%) ở nghiên cứu của R. Mazlan và CS (2002) khi nghiên cứu nhóm nhân viên tại trung tâm dịch vụ khách hàng của Celcom (Malaysia) độ tuổi từ 18-35, đeo headphone liên tục 7h/ngày.

Bảng 3.7. Kết quả khảo sát thính lực ở tần số 4000 Hz

Giảm thính lực ở tần số 4000Hz là chủ yếu chủ yếu ở nhóm NC và nhóm II. Các tần số khác giảm ít hơn.  Trong nhóm NC chỉ có 7/8 trường hợp giảm thính lực ở tần số 4000Hz, điều này phù hợp với đặc điểm tổn thương điếc do yếu tố nghề nghiệp. Chỉ có 1/8 trường hợp giảm thính lực ở tần số thấp 250Hz và 500Hz.

Bảng 3.8. Mức chênh thính lực đường khí và xương ở nhóm NC giảm thính lực

Mức chênh thính lực giữa đường khí và đường xương ở các biên tập viên bị giảm thính lực ở các dải tần số dao động từ 0 -10dB, và chủ yếu đề ở mức từ 0-5 dB.

Biểu đồ 1: Tương quan giảm thính lực tần số 4000Hz và cường độ âm thanh tại tai nghe của các Biên tập viên

Có mối tương quan mức độ vừa giữa thính lực ở tần số 4000Hz và mức cường độ tiếng ồn tại tai nghe của các Biên tập viên (p < 0,05). Trong 2 nghiên cứu của R. El-Besta và CS (2010) Mazlan và CS (2002) cũng không thấy có mối tương quan giữa mức giảm thính lực và tuổi nghề.

IV. KẾT LUẬN

– Tỉ lệ giảm thính lực ở nhóm biên tập viên và các nhóm khác lần lượt là 8/22, 0/22, 8/23 chiếm tỉ lệ 36,4 %, 0%, 34,8%; trong đó giảm thính lực tai trái lần lượt là 6/22, 0/22, 6/23 chiếm tỉ lệ 27,3%, 0%, 26,1%; tai phải lần lượt là 6/22, 0/22, 8/23 chiếm tỉ lệ lần lượt là 27,3%, 0%, 34,8%. Sự khác biệt giữa nhóm NC và nhóm I có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

– Giảm thính lực ở tần số 4000Hz là chủ yếu, gặp ở nhóm NC và nhóm II, trong nhóm NC có 7/8 trường hợp. Mức chênh thính lực giữa đường khí và đường xương ở các biên tập viên bị giảm thính lực ở các dải tần số dao động từ 0-10dB, và chủ yếu đề ở mức từ 0-5 dB.

– Có mối tương quan mức độ vừa giữa thính lực ở tần số 4000Hz và mức cường độ âm thanh tại tai nghe của các Biên tập viên (p < 0,05).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ y tế (2016), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 24:2016/BYT về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc.

2. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (2015), Thường qui kĩ thuật Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. Nhà xuất bản Y học.

3. Zia S., Oza F., Matiullah S., et al (2016). “Relationship of Ear Phone Usage and Recreational Noise Induced Hearing Loss Based on Audiogram Assessment”. J Liaquat Uni Med Health Sci,15(04),191-198.

4. El-Bestar, S.F., El-Helaly, M.E. and Khashaba, E.O. (2010), “Prevalance and risk factors of sensory-neural hearing loss among telephone operators”, Egyptian Journal of Occupational Medicine, 34 (1),113-127.

5. R. Mazlan, L. Saim, B. Liyab, et al (2002), “Ear infection and hearing loss amongst headphone users”. Malaysian Journal of Medical Sciences, 9(2),17-22. PMCID: PMC3406203

6. S.E. Ogbe, M. B. Akor-Dewu, I. S. Malgwi, et al (2014), “Effects of headphones on hearing acuity of students of Ahmadu Bello University, Zaria, Nigeria”. Annals of Biological Sciences , 2 (1):7-9. ISSN: 2348-1927

CN Nguyễn Thị Thanh – Tổng Công ty Viễn thông Viettel;

BS Nguyễn Đức Thuận – Học Viện Quân y;

BS Trần Ngọc Tiến – Cục Quân y.


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 3/2018)