Gánh nặng lao động và nhu cầu dinh dưỡng của công nhân ngành Dệt May, Da Giầy ở Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:27(GMT +7)

Vì mục tiêu “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực”, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã tiến hành nghiên cứu đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng cho người lao động làm việc tại các cơ sở Dệt May và Da Giầy.

Thực phẩm tại nơi làm việc được xem là một vấn đề phải quan tâm chặt chẽ trong các chương trình nghị sự về việc làm bền vững của ILO (ILO’s Decent Work Agenda). Đó không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, thực phẩm an toàn đơn thuần mà nó động tới các điều kiện khác của việc làm như tiền lương và thu nhập; thời gian làm việc và nghỉ ngơi (thời gian nghỉ ăn ca quá ngắn, làm ca kíp…..), cơ sở vật chất nơi làm việc, sức khỏe người lao động (có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng bữa ăn, hóa chất nơi làm việc và các mối nguy hiểm khác…v.v…).

Các báo cáo nghiên cứu của ILO đã chỉ ra cho thấy bữa ăn của công nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng, trước hết là tốt cho sức khỏe của công nhân, sau đó là tốt cho doanh nghiệp và tốt cho quốc gia.

Trên thế giới, các doanh nghiệp lớn thường xuyên có biện pháp để thực hiện một số cải tiến bữa ăn với chi phí ít, chẳng hạn như đàm phán với các nhà cung cấp thức ăn cho an toàn hơn, thực phẩm lành mạnh hơn hay cung cấp phòng ăn tốt hơn để làm cho bữa ăn ngon và thú vị hơn. Các doanh nghiệp nhỏ, cũng có thể có các tùy chọn với chi phí thấp hơn, tùy thuộc vào khả năng và điều kiện tại chỗ. Dù bằng hình thức nào, việc cần cung cấp một bữa ăn với thực phẩm sạch, an toàn, đủ chất dinh dưỡng và chi phí hợp lý vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Bên cạnh mối quan tâm đến chất lượng và thành phần khẩu phần, nhìn chung một số nước nêu trên còn quan tâm đến khoảng thời gian cần cho một bữa ăn của người lao động sao cho hợp lý.

Tại Việt Nam, việc đánh giá chất lượng dinh dưỡng và ATTP bữa ăn ca là một vấn đề không đơn giản do sự đa dạng của các bữa ca, do đặc thù vùng miền, do khả năng cung ứng của doanh nghiệp (phụ thuộc vào khả năng tài chính). Ngoài ra, việc nghiên cứu còn đòi hỏi sự tham gia của đa ngành, đa lĩnh vực và của các chuyên gia y học, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia độc chất học môi trường, các nhà quản lý…..

Vì mục tiêu “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực”, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã tiến hành nghiên cứu đề tài độc lập cấp nhà nước: “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động một số ngành nghềNghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng cho người lao động làm việc tại 48 cơ sở Dệt May và Da Giầy.

Hội thảo nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động một số ngành nghề

Các phương pháp sử dụng để đánh giá GNLĐ và sức khỏe dinh dưỡng bao gồm: bấm thời gian lao động và phân tích đặc điểm lao động; đánh giá khẩu phần ăn bữa ăn trưa bằng phương pháp định tính (phỏng vấn) và định lượng; thăm khám và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng.

Kết quả nghiên cứu về gánh nặng lao động, sức khỏe, nhu cầu dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn ở hai ngành Dệt May và Da Giầycho thấy:

– Môi trường làm việc có nhiều yếu tố bất lợi như: nóng, thiếu sáng, bụi, ồn, hơi khí độc (nhất là các cơ sở dệt nhuộm). Bên cạnh đó, tính chất công việc đơn điệu, thao tác lặp đi lặp lại, tư thế làm việc gò bò (ngồi nhiều hoặc đứng nhiều) không thuận lợi…. đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tâm sinh lý của người lao động, dẫn đến mắc các bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến nghề nghiệp.

– Gánh nặng thể lực ở cả hai ngành Dệt May và Da Giầyđều ở mức nặng đến rất nặng. Gánh nặng căng thẳng ở mức căng thẳng cao đến rất cao. Công việc nặng nhọc và tiêu tốn nhiều calo tập trung vào các nhóm: xếp bông, vận hành máy sợi, nối sợi, vệ sinh ống sợi… (cơ sở Dệt); cắt, là, hoàn thiện… (cơ sở May); cắt-chặt mẫu giày, cắt đế; ép-dán keo đế, may chi tiết… (cơ sở Da Giầy). Đây là những công việc nặng đòi hỏi thể lực tốt và có liên quan đến các yếu tố có hại như nóng, thiếu sáng, bụi, ồn, hơi khí độc…

– Tiêu hao năng lượng của người lao động thay đổi tùy theo cường độ lao động, thời gian lao động, tính chất cơ giới hóa và tự động hóa quá trình sản xuất. Dinh dưỡng hợp lý ở người lao động cần:(i) đáp ứng nhu cầu năng lượng theo từng loại lao động; (ii) đáp ứng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng; và (iii) thực hiện một chế độ ăn hợp lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiêu hao năng lượng trung bình của cả hai ngành đều ở mức vừa. Dệt May TB là 1087±323kcal/8hvà ngành Da Giầy là 990±320 kcal/8h và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0.05) giữa 2 ngành và giữa các nhóm công việc trong từng ngành.

– Kết quả đánh giá bữa ăn ca thực tế các cơ sở hiện cấp cho NLĐ ở cả hai ngành sản xuấtđều chưa bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu, chưa cân đối giữa các thành phần thức ăn và nhất là chưa đáp ứng đủ về Vitamine và vi lượng. Khẩu phần ăn trung bình của NLĐ (677±218kcal) và ở cả 2 ngành nói riêng đều chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng thực tế bữa ăn ca của NLĐ (trung bình 857±172 kcal).

– Tỷ lệ NLĐ mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng khá cao: thiếu năng lượng trường diễn (19,5%); thiếu máu (17,3%); 15,7% có chỉ số ferritin huyết thanh giảm (thiếu sắt), trong đó 34,4 % đối tượng có dự trữ sắt cạn kiệt;  giảm Protein máu (9.3%); đường huyết tăng (7,9%); mắc bệnh chuyển hóa (29,1% tỷ lệ CN bị giảm cholesterol và 20,3% có lượng cholesterol tăng) cho thấy có liên quan đến mất cân bằng dinh dưỡng…

– Chất lượng môi trường bếp ăn còn nhiều hạn chế: 68,7% vi phạm TCVS về VKH; 77,8% có tổng nấm và 79,5% có tổng VKHK vượt TCCP; Tại các cơ sở chế biến bữa ăn ca 18,8% cơ sở bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường xung quanh; Chỉ có 19,6% bếp ăn có đủ thiết bị dụng cụ giám sát chất lượng an toàn sản phẩm và đánh giá được chỉ tiêu chất lượng an toàn sản phẩm chủ yếu của thực phẩm; tỷ lệ các cơ sở, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất ở các bếp ăn được tập huấn, khám sức khỏe (đã được cấp chứng nhận) đạt khá cao trên dưới 95%; Số cơ sở có nơi chế biến thức ăn đảm bảo theo nguyên tắc một chiều chung cho cả 2 ngành là 55,6%.

Trên cơ sở các kết quả khảo sát, Viện đã xây dựng được 36 bộ thực đơn và đánh giá thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy Bộ thực đơn là khả thi, dễ áp dụng, đáp ứng nhu cầu năng  lượng tối thiểu, cho thấy bước đầu cân nặng của NLĐ được cải thiện tăng (TB 0,63kg); tỷ lệ NLĐ thiếu năng lượng trường diến giảm khoảng 3% và tỷ lệ NLĐ bị thiếu máu giảm gần 10%. Bên cạnh đó, Viện cũng xây dựng và đề xuất được một số giải pháp cải thiện ĐKLĐ, bộ tiêu chí về sức khỏe dinh dưỡng và bộ tiêu chí về ATVSTP, trong đó có đề xuất về nhu cầu khuyến nghị năng lượng bữa ăn ca cho NLĐ 2 ngành Dệt May và Da Giầy./.

Xem chi tiết bài báo nghiên cứu tại đây.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)