Hiện trạng an toàn và môi trường lao động trong các trại chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp khu vực phía Nam và giải pháp giảm thiểu phơi nhiễm vi sinh vật có hại nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:22(GMT +7)

Tóm tắt:

Chăn nuôi lợn qui mô công nghiệp hiện tại đang là xu thế phát triển và chiếm tỉ trọng khá cao trong kinh tế nông nghiệp. Để tìm hiểu thực trạng an toàn và môi trường lao động trong các trại chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp khu vực phía Nam, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại 6 trại chăn nuôi có qui mô từ 1000 con đến 5000 con lợn ở các tỉnh Đồng Nai, Long an, Tiền giang để từ đó đề xuất sử dụng bức xạ UV có bước sóng 254nm nhằm giảm thiểu vi sinh vật có hại trong chuồng trại. Qua thử nghiệm đánh giá tại 3 trại, thiết bị hoạt động cho hiệu quả tốt.

1. Đặt vấn đề.

Chăn nuôi qui mô công nghiệp hay chăn nuôi công nghiệp (CNCN) là chăn nuôi theo một quy trình khép kín, quay vòng nhanh. CNCN thường gắn với các chuồng  trại thâm canh, cơ giới hóa và được gọi là  “trại” (farm)  hay một số nước người ta kết hợp “trang trại nhà máy” (factory farm).

Hiện nay tỷ trọng chăn nuôi lợn trong nông nghiệp đang chiếm trên 25% và tăng dần qua các năm. Nhiều địa phương có tỷ trọng này đạt trên 30%, trong đó Bắc Giang: 46%, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh: 39,2%, Đồng Nai, Tiền Giang cũng có tỷ trọng cao… nhìn chung nông nghiệp càng phát triển thì tỷ trọng chăn nuôi càng lớn. [1]

Chăn nuôi trang trại và công nghiệp thu hút lực lượng lao động và đóng góp một tỷ trọng đáng kể cho kinh tế của đất nước. Theo số liệu điều tra của Cục Chăn nuôi cho thấy người lao động (NLĐ) trong chăn nuôi tuy có ý thức trong phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và muốn được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) song thực tế chỉ hơn 20% có sử dụng PTBVCN và chỉ khoảng 1,5% được trang bị đầy đủ.[4-4]

Nhằm có được những số liệu ban đầu về thực trang an toàn và môi trường lao động tại các trại chăn nuôi công nghiệp khu vực phía Nam, chúng tôi chọn khảo sát tại 6 trại chăn nuôi ở các tỉnh Đông và Tây Nam bộ có qui mô từ 1000 đến 5000 lợn với dạng trại hở, trại kín và được ký hiệu từ T1 đến T6, qua đó đề xuất giải pháp cải thiện môi trường làm việc cho trại chăn nuôi lợn.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1 Kết quả khảo sát đánh giá an toàn lao động

Với mục đích có được những kết quả tính toán định lượng về một số chỉ số an toàn cho thiết bị cơ khí, điện, sử dụng hóa chất chúng tôi tiến hành điều tra thông qua phiếu theo phương pháp chuyên gia cho điểm tại 6 đơn vị theo các chỉ tiêu và mức điểm. Mức điểm của chỉ tiêu được dựa vào cách phân loại các chỉ tiêu, tình trạng của máy móc, thiết bị, công việc của NLĐ (tiếp xúc với chất có hại…) từ đó xác định được mức điểm tổng hợp để đánh giá mức độ an toàn theo một tiêu chí thống nhất.[3]

Công thức đánh giá chỉ số nguy cơ mất an toàn Sk được tính như sau:

 

Trong đó Ski  bao gồm :

– Yếu tố an toàn của đối tượng khảo sát thứ i trong nhóm yếu tố nguy hiểm k

– Yếu tố hiểu biết có liên quan đến sử dụng an toàn máy, thiết bị điện, hóa chất sử dụng của đối tượng khảo sát thứ i trong nhóm yếu tố nguy hiểm k.

Yếu tố an toàn của đối tượng khảo sát được cho theo thang điểm từ 0 – 5 tương ứng với các nhóm.

Trọng số α được xác định thông qua xác suất xuất hiện tai nạn lao động. Với xác suất càng lớn thì α càng nhỏ, với năm giá trị đánh giá từ a1 đến a5 theo thang điểm đánh giá nguy cơ mất an toàn thì α tương ứng là: 

Do chưa có được con số thông kê về tai nạn lao động đối với loại hình sản xuất này để tính giá trị α <1 nên chúng tôi chọn α = 1.

  • Đánh giá an toàn sử dụng điện.

Kết quả đánh giá các chỉ tiêu an toàn của hệ thống điện và thiết bị sử dụng điện theo điều tra ở các chuồng trại và kết quả đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu cho thấy các biện pháp an toàn về điện và trình độ người sử dụng hiểu biết an toàn về điện còn rất thấp và điểm đánh giá tổng hợp sau khi tính toán là: a3

  • Đánh giá an toàn sử dụng máy móc

Trên cơ sở mức điểm các chỉ tiêu, dựa vào cách phân loại các chỉ tiêu, kết quả chấm điểm cho từng loại yếu tố và kết quả tổng hợp ta có thể nhận thấy:
–    Tình trạng kỹ thuật máy móc đưa vào sử dụng: tương đối an toàn
–    Thiết bị sử dụng lâu chưa được thay thế.
–    Máy thiếu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu cơ cấu an toàn.
–    Người vận hành chưa nắm vững qui trình vận hành an toàn.
Kết quả đánh giá tổng hợp cho tình hình sử dụng an toàn máy thiết bị cơ khí đang cần phải xem xét nhiều. Điểm đánh giá tổng hợp sau khi tính toán là: a2

  • Đánh giá an toàn tiếp xúc với hóa chất sử dụng trong chuồng trại

Hóa chất sử dụng trong chuồng trại chủ yếu là các chất tẩy rửa, sát trùng, các loại thuốc sử dụng cho phòng và chửa bệnh cho vật nuôi tuy nhiên việc tiếp xúc lâu dài và nếu không có những biện pháp phòng ngừa phù hợp sẽ dẫn đến những nguy cơ không thể lường trước được. Kết quả dẫn ra ở bảng đánh giá cho thấy các giải pháp an toàn khi sử dụng hóa chất còn rất hạn chế (điểm tổng hợp 1,65 và 1,53) và điểm đánh giá tổng hợp chung : a3

Trong 3 yếu tố nghiên cứu ở trên, nguy cơ không an toàn do sử dụng máy móc, thiết bị là phải quan tâm đặc biệt, cần phải có biện pháp khắc phục để có thể nâng điểm các chỉ tiêu và cùng với các yếu tố khác để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho NLĐ trong các trại chăn nuôi lợn công nghiệp.

2.2.    Kết quả đo đạc môi trường lao động
Tiến hành khảo sát môi trường lao động tại 06 trại heo tại Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.  

  • Vi khí hậu 

–    Đối với độ ẩm: hầu hết các quá trình sống của vi khuẩn có liên quan đến nuớc do đó độ ẩm là một yếu tố quan trọng với môi trường. Đa số vi khuẩn thuộc các sinh vật ưa nước, nghĩa là chúng cần nước ở dạng tự do, dễ hấp thụ. Tại 6 trại heo được khảo sát, độ ẩm dao động từ 58% đến 77%, đây là độ ẩm khá tốt cho vi sinh vật phát triển
–    Tốc độ gió tại tất cả vị trí đo tại 3 trại nuôi heo với loại hình chăn nuôi hở (Trại 1,2, 4) khá thấp (dao động từ 0,2 m/s đến 0,8 m/s). Tuy nhiên, tốc độ gió tại 3 trại lạnh (T 3,5,6) thì lại cao, vượt tiêu chuẩn vệ sinh lao động (Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT). Vì vậy khả năng lan truyền của các vi sinh vật tại các trại này cao.
–    Nhiệt độ không khí: : Hoạt động trao đổi chất của vi sinh vật phụ thuộc chặt chẽ vào nhiệt độ nên yếu tố nhiệt độ có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình sống của tế bào. Tất cả các điểm đo nhiệt độ đều nằm trong giới hạn tiêu chuẩn vệ sinh lao động (Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT), dao động từ 29 oC đến 31oC tuy nhiên đây lại là nhiệt độ sinh trưởng tốt của nhóm vi khuẩn ưa ấm. Các vi sinh vật trong nhóm này thường gây bệnh cho người và sinh vật, chúng sinh trưởng tốt nhất ở 37 oC ứng với cơ thể người và động vật.

  • Ánh sáng

Ánh sáng mặt trời là nguồn tia chiếu tự nhiên nhất có tác dụng phá hủy tế bào vi khuẩn (trừ các vi khuẩn quang hợp sử dụng ánh sáng mặt trời làm nguồn năng lượng). Thường các vi sinh vật bị tiêu diệt rất nhanh trong vài phút đến 1 giờ. 
Vào thời điểm khảo tất cả các khu vực lấy mẫu vi sinh vật trong không khí tại 3 trại lạnh (T1, T2, T4) đều có ánh sáng điện. Tuy nhiên, không có điểm đo ánh sáng nào đạt yêu cầu vệ sinh lao động (Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT); cường độ ánh sáng tại những nơi này quá thấp nên vi sinh vật khó bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời.
Đối với các khu vực lấy mẫu vi sinh vật (VSV) trong không khí tại 3 trại hở (T3, T5, T6) đều sử dụng ánh sáng tự nhiên và đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động (Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT). Cường độ ánh sáng tự nhiên tại 3 trại này khá cao nên sinh vật có thể bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời.

  • Đánh giá chủ quan của NLĐ về môi trường lao động (MTLĐ)

Chúng tôi tiến hành khảo sát 6 trại chăn nuôi công nghiệp tại Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và phỏng vấn 136 người lao động trực tiếp trong chuồng trại thông qua phiếu điều tra. Kết quả các nội dung được tổng hợp như sau:
–    Yếu tố có hại tiếp xúc tại nơi làm việc

Những yếu tố về môi trường lao động mà NLĐ thường xuyên tiếp xúc là: mùi (91.2%), ồn (72,4%), nóng (64,7%) và  vi sinh vật (50%) và thời gian tiếp xúc trung bình là 5 giờ trong một ngày làm việc; 40,6% NLĐ cho rằng liều lượng tiếp xúc như vậy là cao.
2.3.    Kết quả kiểm tra vi sinh vật trong môi trường không khí
Tổng số vi sinh vật trong 1 m3 không khí
Số khuẩn lạc: Số khuẩn lạc nấm mốc trung bình và tổng số vi sinh vật trong 1m3 không khí được trình bày ở bảng 2 :

Dựa vào số liệu bảng 2 ta thấy:

– Số khuẩn lạc nấm mốc trung bình hầu như vào mùa mưa (tháng 10-12/2013) cao hơn mùa nắng (tháng 6-7/2014) nhưng không nhiều, dao động từ 1-37 khuẩn lạc. Riêng trại 3, 5 số lượng khuẩn lạc nấm mốc cao hơn về mùa nắng.

– Mật độ vi sinh vật ở 5 trại ( trại 1, 2, 4, 5, 6) vào mùa mưa (tháng 10-12/2013) cao hơn mùa nắng (tháng 6-7/2014), dao động từ 57 – 953 CFU/m3. Riêng trại T3, mật độ vi sinh vật vào mùa nắng cao hơn mùa mưa.

Hiện nay tại Việt Nam chưa có tiêu chuẩn qui định chất lượng không khí dựa theo số lượng vi sinh vật trong 1m3 không khí. Sau đây là vài tiêu chuẩn mà các nhà khoa học trên thế giới đề xuất dùng để tham khảo:

– Theo Preobrane (Pháp): không khí sạch khi có số lượng vi sinh vật trong 1m3 không khí <1000 CFU/m3.

– Theo  V. Omelanski (Nga), đánh giá chất lượng không khí về mặt vi sinh vật như sau:

  • Không khí tốt có: ≤ 625 vi sinh vật trong 1m3 không khí và ≤ 2 khuẩn lạc nấm mốc.
  • Không khí vừa có: 625-1526 vi sinh vật trong 1m3 không khí và ≤ 5 khuẩn lạc nấm mốc.
  • Không khí xấu có: >1526 vi sinh vật trong 1m3 không khí và > 5 khuẩn lạc nấm mốc.

– Nếu theo đánh giá của nhà khoa học Preobrane (Pháp):  Chỉ có trại 3 được lấy mẫu vào mùa mưa (tháng 10-12/2013), có số lượng vi sinh vật trong 1m3 không khí <1000 CFU/m3.

– Theo tiêu chuẩn của nhà khoa học  V. Omelanski (Nga):

  • Tại tất cả 6 trại heo khảo sát đều có mật độ vi sinh vật lớn hơn  1526 CFU/m3
  • Số lượng khuẩn lạc nấm mốc trung bình tại những nơi này đều lớn gấp  5-40 lần so với tiêu chuẩn là 5 mà nhà khoa học đưa ra.
  • Vì vậy, tất cả các trại heo đều có chất lượng không khí xấu về vi sinh vật.

2.4 Giải pháp giảm thiểu vi sinh vật trong môi trường không khí của chuồng trại chăn nuôi lợn công nghiệp

Chăn nuôi an toàn là áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Các mầm bệnh (các vi sinh vật gây bệnh) có rất nhiều trong môi trường. Chúng sống và phát triển mạnh trong những điều kiện nhất định về nhiệt độ và ẩm độ nhưng cũng dễ dàng bị tiêu diệt khi gặp điều kiện bất lợi. Vì vậy, để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn cần sát trùng chuồng nuôi (sàn, chuồng, môi trường không khí) và các dụng cụ chăn nuôi. Việc khử trùng chuồng trại từ lâu vẫn được tiến hành theo kiểu truyền thống là vệ sinh bằng nước và các chất làm sạch, chất khử trùng nhưng việc khử trùng  môi trường không khí thì thấy rất ít được đề cập. Người ta chứng minh được rằng bức xạ tử ngoại có khả năng diệt khuẩn nhưng hiệu quả diệt khuẩn tối ưu là ở bước sóng 254 nm. Ở bước sóng này với cường độ đủ lớn chúng có thể phá vỡ cấu trúc ADN của vi sinh vật làm cho chúng khó có khả năng tồn tại.

Bức xạ tử ngoại diệt khuẩn UVR 254 nm là loại đèn sinh ra bức xạ UVC có khả năng diệt khuẩn mà không cần sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, rất thân thiện với môi trường. Với giải pháp này chúng tôi chọn đèn UV có thông số kỹ thuật như sau:

  • Điện áp danh định: 96V
  • Công suất phát : 30W
  • Điện áp phát: 96V
  • Bước sóng tia phát: 254 nm
  • Chiều dài của đèn: 90 cm
  • Thời gian sống : 10.000 h

Trong thiết kế thiết bị chúng tôi kết hợp với các tính năng khác giúp người sử dụng thuận tiện như thiết bị định giờ, điều khiển từ xa…được tính hợp vào trong thiết bị có dạng như hình bên dưới.

Hình 4. Thiết bị khử vi sinh vật chuồng trại sử dụng bức xạ UV 254 nm

2.5. Kết quả khử.

Thiết bị được đưa vào thử nghiệm tại 3 trại chăn nuôi T1, T5 và T6. Quy trình lấy mẫu trước và sau khi khử được lặp lại như khi khảo sát . Mẫu được lấy trước khi khử, sau khi khử 15 phút và 30 phút. Kết quả ghi lại tại bảng 3

Ghi chú: Thời gian lấy mẫu thử UV vào tháng 11-12/2014. Thời gian thu mẫu là 10 phút

Thời gian lấy mẫu khi chiếu UV gần giống với lần khảo sát số lượng vi sinh vật lần thứ nhất vào tháng 10 – 12/2013. Vì vậy kết quả số lượng vi sinh vật gần giống nhau. 

Kết luận

Qua kết quả khảo sát và đánh giá cho thấy tình trạng an toàn cho người lao động làm việc ở các trại chăn nuôi công nghiệp cần được đầu tư cải thiện về tình trạng an toàn cũng như điều kiện làm việc. Đặc biệt đầu tư PTBVCN cho người lao động chủ yếu là tự phát chứ chưa được thực hiện bài bản. Số liệu điều tra còn phản ánh trình độ hiểu biết, kỹ năng về an toàn, vệ sinh công nghiệp chưa được hướng dẫn với đối tượng này.

Chất lượng trong không khí của theo mật độ vi sinh vật trong chuồng trại là xấu.

Với phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chủ yếu tập trung vào cải thiện môi trường không khí của chuồng trại bằng cách khử vi sinh vật trong không khí mà người lao động phải tiếp xúc hàng ngày. Đề làm việc này, một thiết bị khử khuẩn trong không khí sử dụng bức xạ cực tím được thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm bước đầu tại 3 trại chăn nuôi cho kết quả tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kết quả nghiên cứu KH và CN nông nghiệp 2006-2007 các tỉnh đồng bằng sông Cửu long và Đông Nam bộ.TP.HCM 10/2007.

[2] Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo Hộ Lao Động,  Kỷ yếu các công trình khoa học (1971-2011), Hà nội tháng  7/2011.

[3] Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo Hộ Lao Động, Cơ sở khoa học và những kiến giải để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe người lao động, góp phần xây dựng nhân cách người việt nam. Đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.07.15,1995

 [4] Một số thông tin tham khảo trên mạng.

  1. http://xttm.mard.gov.vn/Site/vi-vn/76/tapchi/141/Default.aspx
  2. http://www.agroviet.gov.vn
  3. http://www.nationalgrid.com/uk/Electricity/AboutElectricity/DistributionCompanies/ (Health and safety for pig keepers)
  4. http://www.Farm Health Planning Pigs

TS. Nguyễn Đắc Hiền, ThS. Mai Thị Thu Thảo, CN. Võ Thành Nhân

CN. Trần Minh Thông – CN. Trương Thị Túy Hòa, KS. Huỳnh Đức Thắng


(Nguồn tin: Nilp.vn)