Khái niệm về điều kiện lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:49(GMT +7)

Điều kiện lao động được hiểu là tổng thể các yếu tố về tự nhiên, xã hội, kinh tế, kỹ thuật được biểu hiện thông qua các công cụ và phương tiện lao động, đối tượng lao động, quá trình công nghệ, môi trường lao động và sự sắp xếp, bố trí chúng trong không gian và thời gian, sự tác động qua lại của chúng trong mối quan hệ với người lao động tại chỗ làm việc, tạo nên một điều kiện nhất định cho con người trong quá trình lao động. Tình trạng tâm sinh lý của con người trong khi lao động tại chỗ làm việc cũng được coi như một yếu tố gắn liền với điều kiện lao động.

Với cách hiểu như vậy, khi đánh giá ĐKLĐ, chúng ta phải đi sâu phân tích các yếu tố biểu hiện của ĐKLĐ, xem nó có ảnh hưởng và tác động như thế nào đối với người lao động.

Nói đến công cụ và phương tiện lao động, chúng ta hiểu nó bao gồm từ các công cụ đơn giản đến các máy móc, thiết bị tinh vi, hiện đại, từ một chỗ làm việc đơn sơ, thậm chí không có mái che đến những nơi làm việc trong nhà xưởng với đầy đủ tiện nghi. Chúng ta cần đánh giá xem tình trạng của các công cụ, thiết bị máy móc, nhà xưởng đó ra sao, mới, cũ, tốt, xấu hư hỏng thế nào, có tiện nghi, thuận lợi hoặc có nguy cơ gây ra ảnh hưởng xấu, nguy hiểm đối với tính mạng, sức khoẻ con người hay không?

Đối tượng lao động của con người được hiểu là đối tượng vật chất mà con người tác động vào nó trong quá trình sản xuất để tạo thành sản phẩm. Nó rất đa dạng, phong phú, từ những loại rất đơn giản, không gây nên ảnh hưởng hoặc tác hại xấu đối với con người, đến những loại rất phức tạp, độc hại, nguy hiểm, thậm chí rất nguy hiểm đối với con người (dòng điện, hoá chất, vật liệu phóng xạ, vật liệu nổ…). Rất nhiều đối tượng sản xuất, khi đã tạo thành sản phẩm thì tính chất nguy hiểm, độc hại đã bớt đi, có lợi cho con người, song cũng không ít đối tượng lao động vẫn giữ nguyên, thậm chí còn làm tăng hoặc lưu giữ tiềm tàng tính chất nguy hiểm, độc hại đó.

Quá trình công nghệ trong sản xuất được hiểu là cách thức mà con người tác động vào đối tượng lao động để tạo thành sản phẩm. Nó có thể hết sức thủ công, thô sơ, do đó mà người lao động phải làm việc nặng nhọc, phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố độc hại, nguy hiểm dễ gây nên TNLĐ, BNN. Quá trình công nghệ cũng có thể rất hiện đại, có trình độ cơ khí hoá, tự động hoá cao, do đó làm giảm nhẹ mức độ nặng nhọc, bảo vệ tốt sức khoẻ tính mạng con người.

Môi trường lao động là nơi tập hợp các thành phần vật chất, xã hội mà ở đó con người tiến hành các hoạt động sản xuất, công tác. Tại đây thường xuất hiện rất nhiều yếu tố, có thể rất tiện nghi, thuận lợi cho người lao động, song cũng có thể rất xấu, khắc nghiệt đối với con người, (Ví dụ: Nhiệt độ cao hoặc quá thấp, độ ẩm lớn, nồng độ bụi và hơi khí độc cao, độ ồn lớn, ánh sáng thiếu…). Các yếu tố xuất hiện trong môi trường lao động là do quá trình hoạt động của các máy móc, thiết bị, do tác động và sự thay đổi của đối tượng lao động, tác động của con người trong khi thực hiện quá trình công nghệ gây ra, đồng thời cũng còn do các yếu tố của điều kiện khí hậu, thiên nhiên gây nên. 

Tình trạng tâm sinh lý của người lao động trong khi làm việc là yếu tố chủ quan rất quan trọng, đôi khi lại chính là nguyên nhân để xảy ra sự cố dẫn đến TNLĐ và BNN cho chính bản thân họ và người khác.

Tổng hoà các biểu hiện đó tạo nên một ĐKLĐ cụ thể, có thể rất tiện nghi, thuận lợi, song cũng có thể rất xấu và là nguyên nhân của các TNLĐ và BNN cho người lao động. Đánh giá ĐKLĐ của bất kỳ một cơ sở, một ngành nào là phải nhìn một cách tổng thể tất cả các biểu hiện nói trên, không thể chỉ nhìn vào một mặt nào đó rồi vội vàng kết luận ĐKLĐ ở đó tốt hay xấu. Đánh giá đúng thực trạng ĐKLĐ và thường xuyên chăm lo cải thiện nó là nội dung quan trọng nhất trong công tác BHLĐ.

Trong một ĐKLĐ cụ thể, bao giờ cũng xuất hiện những yếu tố vật chất có ảnh hưởng xấu, có hại và nguy hiểm, có nguy cơ gây ra TNLĐ hoặc BNN cho người lao động. Chúng ta gọi các yếu tố đó là các yếu tố nguy hiểm và có hại.

Các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong sản xuất thường đa dạng và nhiều loại, song tựu trung lại có thể phân thành các nhóm sau: 

– Các yếu tố vật lý như nhiệt độ, độ ẩm, các bức xạ có hại (ion hoá và không ion hoá), bụi, tiếng ồn, độ rung, thiếu ánh sáng…

– Các yếu tố hoá học như các chất độc, các loại hơi, khí, bụi độc, các chất phóng xạ…

– Các yếu tố sinh vật, vi sinh vật như các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn, nấm mốc, các loại ký sinh trùng, các loại côn trùng, rắn… 

– Các yếu tố bất lợi về tư thế lao động, quá tải về thể lực, không tiện nghi do không gian nhà xưởng chật hẹp, mất vệ sinh, các yếu tố không thuận lợi về tâm lý…

Việc xác định rõ nguồn gốc, mức độ và ảnh hưởng của các yếu tố nguy hiểm, có hại đối với con người để đề ra các biện pháp làm giảm, tiến đến loại trừ các yếu tố đó, hay nói một cách khác là quản lý và kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả các mối nguy nghề nghiệp đó là một trong những nội dung quan trọng nhất để cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ cho người lao động.


(Nguồn tin: Theo tài liệu: Bảo hộ lao động, 2012)