Không gian làm việc hạn chế và những điểm cần lưu ý

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:51(GMT +7)

Hàng năm có rất nhiều tai nạn chết người xảy ra cho công nhân thi công trong phạm vi không gian bị hạn hẹp chưa được kiểm tra kỹ lưỡng về độ an toàn và thiếu các thiết bị an toàn cũng như cấp cứu. Trong nhiều trường hợp do trang thiết bị cấp cứu quá tồi đã xảy ra những thảm kịch dẩn tới cái chết cho cả người cần cấp cứu lẫn những người cứu hộ.

1. Những nguy hiểm

Những ví dụ về không gian thi công hẹp phải kể tới những thùng xi téc kín chỉ có một lố ra vào, thậm chí trong đó có thể còn có các cống rãnh, lỗ khoan, ống dẫn… Ngoài ra còn phải kể đến các tầng hầm hoặc những nơi làm việc thiếu không khí và thông gió.

Bầu không khí làm việc sẽ trở nên nguy hiểm khi thiếu ô xy hoặc có mặt những loại khí cháy. Các loại khí này có thể bị thoát ra từ các nhà máy hoặc trong quá trình vận chuyển, rò rỉ từ các ống dẫn khí, bốc hơi từ xăng dầu hoặc từ các chất phế thải của các nhà máy, khu chợ hoặc như khí CO2 sinh ra từ đá vôi. Những tác nhân này khiến cho công việc tiến hành tại các khu vực không gian hẹp trở nên nguy hiểm, ví dụ như sơn, dán nền, tẩy rửa nền bằng dung dịch.

Những tai nạn kể trên có thể ngăn chặn được nếu công nhân và đốc công được huấn luyện chu đáo, nội quy ra vào nơi làm việc được kiểm tra và tuân thủ chặt chẽ.

Người làm việc trong điều kiện không gian hẹp phải được huấn luyện chu đáo và phải có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cần thiết. Cần phải ghi nhớ rằng môi trường thiếu ô xy có thể gây ngất xỉu, khí độc hại có thể gây khó chịu và chóng mặt, còn khí đốt có thể gây cháy, nổ.

2. Những nguyên tắc bảo đảm an toàn

Những nguyên tắc sau đây cần đặt biệt chú ý trước khi bước chân vào làm việc tại nơi không gian bị hạn hẹp, không kể đó là loại công việc gì:

* Không được vào làm việc nếu chưa được phép và chưa có sự hướng dẫn của đốc công;

* Luôn phải có thiết bị để kiểm tra định kỳ không khí được người có trình độ điều khiển. Không được vào làm việc nếu người giám sát chưa kết luận chỗ đó là an toàn;

* Phải có thiết bị thông gió cưỡng bức để xua tan khí độc và cung cấp không khí trong lành;

* Luôn phải có người giám sát tại nơi làm việc; trong trường hợp cần thiết công nhân phải tuân thủ yêu cầu rời khỏi công trường ngay lập tức rời.

* Người công nhân phải được hướng dẫn và huấn lhuyện các nguyên tắc an toàn một cách chu đáo, kể cả cách sử dụng bình dưỡng khí để cấp cứu;

* Các công nhân làm việc trong phạm vi bị hạn hẹp luôn phải mang đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân và dây bảo hiểm phải được nối với khu vực bên ngoài nơi làm việc;

* Phải có ít nhất từ hai công nhân trở lên cùng làm việc trong không gian hẹp. Một người đứng bên ngoài quan sát và cấp cứu hoặc hỗ trợ khi có tai nạn. Các phương tiện cấp cứu và cứu hộ phải luôn sẳn sàng hoạt động.

* Bộ phận cấp cứu luôn phải ở trong trạng thái thường trực. Những người cứu hộ phải được phân công trách nhiệm cụ thể và hiểu rõ phần việc của mình. Ngay cả trong trường hợp tính mạng của mình bị đe dọa, nhân viên cấp cứu vẫn phải tiến hành các thủ tục cần thiết và không bỏ cuộc;

* Khi làm việc dưới cống ngầm tại các đường phố hoặc khu vực công cộng, luôn phải có người đứng gác và có các bảng báo hiệu.

* Người huấn luyện cách sử dụng trang thiết bị an toàn và cấp cứu phải là người có trình độ.

3. Thiết bị an toàn và cấp cứu

Những trang thiết bị sau đây phải được cung cấp đầy đủ khi tiến hành công việc trong không gian hạn hẹp :

– Máy đo không khí (gồm bộ phận đo đặc biệt và đèn);

– Hai bộ trang phục bảo hộ và dây chão đủ dài (so với địa điểm nơi sẽ tiến hành thi công)

– Đèn cầm tay hoặc đèn an toàn chuyên dùng trong môi trường có chứa chất khí dễ cháy;

– ít nhất là một bộ bình dưỡng khí phù hợp (bình, van và bộ lọc) và một bộ máy hô hấp cấp cứu;

– Thiết bị cấp cứu;

– Bình cứu hỏa

– Thiết bị xin cứu hộ phát tín hiệu bằng âm thanh;

– Thiết bị hồi sức;

– Phương tiện liên lạc với người bên ngoài.

Những điểm cần lưu ý :

* Không làm việc một mình ở nơi không gian hẹp.

* Không được dựa vào cảm giác chủ quan để đánh giá bầu không khí ở đó có nguy hiểm hay không.

* Không được dùng ô xy để làm tan khói hoặc các chất khí nếu tại nơi đó có các nguồn dễ gây cháy.


(Nguồn tin: Trích dẫn: An toàn, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe trên công trường xây dựng, ILO)