Làm việc trong không gian kín

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:51(GMT +7)

Điều gì sẽ xảy ra khi làm việc trong không gian kín?

Cần phải có cảnh báo nguy hiểm để ngăn ngừa người không có phận sự vào trong không gian kín.

Bất kỳ ai làm việc trong không gian kín đều phải không ngừng cảnh giác đối với bất kỳ thay đổi nào trong đó. Trong trường hợp có báo động từ thiết bị giám sát hoặc cảnh báo nguy hiểm, người lao động phải lập tức rời khỏi không gian kín

Một người lao động khác đi cùng (còn được gọi là Người Giám sát An toàn hoặc Người Trực dự phòng) được bố trí ở bên ngoài không gian kín, và liên tục giám sát những người lao động bên trong không gian đó. Người Giám sát an toàn có những nhiệm vụ sau:

-. Hiểu rõ tính chất của các loại nguy hại có thể xuất hiện trong không gian kín cụ thể, và có thể nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng và tác động lên hành vi mà người lao động làm việc trong không gian kín có thể gặp phải.

-. Giám sát không gian kín và khu vực xung quanh, đồng thời đề phòng các tình huống nguy hiểm.

– Ở nguyên tại vị trí bên ngoài không gian kín và không làm bất cứ công việc gì khác có thể ảnh hưởng đến công việc chính là giám sát người lao động làm việc trong không gian kín.

– Duy trì đối thoại hai chiều liên tục với người lao động làm việc trong không gian kín

– Ra lệnh sơ tán khẩn cấp nếu phát hiện ra mối nguy hiểm tiềm tàng chưa được kiểm soát

– Gọi hỗ trợ khẩn cấp ngay khi xuất hiện tình huống khẩn cấp

– Luôn sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp mà không phải vào trong không gian kín khi cần thiết

– Có thể vào trong để ứng cứu chỉ khi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt và có ngay một Người Giám sát an toàn khác trực ở ngoài

Nếu một người lao động rời khỏi không gian kín trong một thời gian ngắn (ví dụ như nghỉ giải lao, lấy thêm vật liệu làm việc), thì không gian kín phải được kiểm tra lại trước khi người lao động này quay vào. Nếu không gian kín đó đã liên tục được giám sát bởi các thiêt bị cho thấy dữ liệu chi tiết của không khí trong đó, và dữ liệu này có thể được thấy từ bên ngoài không gian kín, thì có thể cho người lao động quay trở vào mà không cần kiểm tra lại không gian kín. Nếu không gian kín đó không được liên tục giám sát không khí, thì phải tiến hành lại các biện pháp đánh giá nguy hại.

Không được khóa kín không gian đó lại nếu chưa xác nhận được rằng trong đó không có người.

Sau khi ra khỏi không gian kín, phải ghi lại thời gian đi ra trên ghi chép.

Một số biện pháp phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp

Nếu xảy ra tình huống trong đó yếu tố nguy hại và người lao động không rời khỏi hoặc không thể rời khỏi không gian kín, thì phải lập tức tiến hành công tác cứu nạn ngay

Người Giám sát An toàn phải có đủ trình độ để thực hiện cứu nạn trong không gian kín, và phải lập tức trực sẵn bên ngoài không gian kín để ứng cứu khẩn cấp khi cần thiết. Họ cũng cần phải nắm rõ cấu trúc của không gian kín, liên tục duy trì đối thoại với người lao động trong không gian kín, và phải:

–  Có sẵn thiết bị báo động để gọi cứu nạn

– Chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị cứu nạn (như dây an toàn, thiết bị nâng, dây cứu sinh..) và đã được huấn luyện để sử dụng chúng

– Có chứng nhận sơ cứu căn bản

– Có thể hồi sức tim phổi (CPR)

Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp chi tiết đối với chấn thương hoặc các tình huống khẩn cấp khác phải được trình bày rõ trong Chương trình Kiểm soát và Đánh giá Nguy hại trong Không gian kín.

Nếu tình huống cho phép, nên giải cứu nạn nhân từ bên ngoài không gian kín. Người lao động khác không được phép vào trong không gian kín để thực hiện cứu nạn nếu không được huấn luyện đầy đủ và có trang bị bảo hộ cá nhân phù hợp. Có hơn 60% số trường hợp tử vong trong không gian kín là những người định vào thực hiện cứu nạn nhưng không được huấn luyện đầy đủ và thiếu trang bị phù hợp.

Phải bố trí một người lao động khác có đủ trình độ thực hiện cứu nạn trong không gian kín ở bên ngoài trước khi người cứu hộ đầu tiên vào trong đó. Không được dùng chung không khí với những người bị nạn ở trong, thay vào đó phải sử dụng SCBA (thiết bị thở độc lập) hoặc mặt nạ dưỡng khí cùng với bình dưỡng khí riêng

Việc huấn luyện cho người lao động có quan trọng không?

Có, để làm việc an toàn trong không gian kín, thì việc huấn luyện đúng đắn là rất quan trọng. Việc huấn luyện thực hành là một phần cốt yếu trong huấn luyện về làm việc trong không gian kín.

Bất kỳ người lao động nào khi bước vào trong không gian kín phải được huấn luyện đầy đủ về những mặt sau:

– Nhận diện và xác định các mối nguy hiểm tiềm tàng gắn với không gian kín mình sắp sửa vào làm việc

– Các biện pháp khống chế và đánh giá các mối nguy hiểm tiềm tàng hoặc đã xác định được.

– Biết cách lắp đặt, sử dụng và các hạn chế của tất cả các thiết bị sẽ được sử dụng trong không gian kín, ví dụ như thiết bị cứu hộ khẩn cấp, các thiết bị thông khí (máy quạt gió), kiểm soát năng lượng nguy hiểm, các thiết bị khóa và cô lập, các thiết bị giám sát chất lượng không khí (ví dụ như các thiết bị đo ô-xy hoặc khí dễ cháy)

– Biết cách bố trí, sử dụng và các hạn chế của các phương tiện bảo vệ cá nhân mà người lao động sẽ sử dụng trong không gian kín như đai an toàn toàn thân, mặt nạ dưỡng khí

– Tất cả các thủ tục làm việc an toàn đối với làm việc trong không gian kín phải được tóm tắt trong Chương trình đánh giá nguy hiểm trong không gian kín của người sử dụng lao động.

– Phải nắm được các biện pháp để thực hiện khi xảy ra trường hợp có thể mang lại thêm rủi ro cho người lao động, hoặc khi có tình huống khẩn cấp.

– Phải nắm được các công việc đặc thù sẽ làm khi ở trong không gian kín

– Phải làm việc theo cách thức không nguy hại đến tính mạng

Người lao động chịu trách nhiệm cứu nạn khẩn cấp phải được tiếp nhận thêm huấn luyện đặc biệt. Tất cả các khóa huấn luyện làm việc trong không gian kín phải bao gồm huấn luyện thực hành cùng với trang thiết bị an toàn, bao gồm phương tiện bảo hộ cá nhân và dây đai an toàn. Phải thường xuyên diễn tập công tác cứu nạn để có độ thành thục cao. Người sử dụng lao động phải lưu trữ tất cả những lần huấn luyện về làm việc trong không gian kín, bao gồm cả những lần huấn luyện lại.


(Nguồn tin: Nilp.vn)