Làm việc với bụi và hóa chất: Làm thế nào để đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khỏe của người lao động ngành vệ sinh công nghiệp?

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:48(GMT +7)

Ngành dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp tại Châu Âu sử dụng trên 4 triệu lao động với khoảng 277.000 công ty, trong đó có rất nhiều công ty ở quy mô vừa và nhỏ. Tính chất của công việc dọn dẹp vệ sinh khiến phần lớn – nếu không phải toàn bộ – người lao động (NLĐ) thuộc ngành này phải thường xuyên tiếp xúc ở khoảng cách gần với các chất nguy hiểm mỗi ngày. Vậy các cơ sở cung cấp dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp cần làm gì để giảm thiểu rủi ro mà NLĐ có thể gặp phải?

Rủi ro tiếp xúc với các chất nguy hiểm ở NLĐ ngành dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp đến từ ba khía cạnh chính.

1. Rủi ro hóa chất – xuất phát từ các loại hóa chất làm sạch như các chất tẩy rửa, các axít và bazơ, các dung môi và chất khử trùng sử dụng trong công việc dọn dẹp hàng ngày. Ngoài ra, rất nhiều chất làm sạch có chứa mùi hương, có thể gây dị ứng ở NLĐ.

2. Các chất bị loại bỏ trong quá trình dọn dẹp – đặc biệt là bụi, bồ hóng và chất bẩn – cũng có thể gây hại tới NLĐ thông qua đường hô hấp. Đặc biệt, bụi có thể chứa hỗn hợp các thành phần có hại, bao gồm chất khoáng, kim loại, vi sinh vật và nấm mốc.

3. Các phản ứng hóa học – sinh ra khi sử dụng hóa chất làm sạch trong quá trình loại bỏ một số chất  khác như dầu mỡ, bụi, hoặc khi sử dụng chúng cùng lúc với các sản phẩm khác.

Hoạt động dọn dẹp, vệ sinh diễn ra tại tất cả các khu vực làm việc, điều này có nghĩa là NLĐ ngành dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp phải làm việc ở nhiều môi trường khác nhau như trong nhà ở, văn phòng, nhà máy, nhà kho, trường học, cửa hàng, trên tàu bay và tại các bệnh viện, và các loại rủi ro mà họ gặp phải cũng không chỉ giới hạn trong từng nhiệm vụ cụ thể mà còn đến từ lĩnh vực nghề nghiệp và điều kiện khu vực nơi họ làm việc.

Do nhu cầu công việc cần thực hiện tại những nơi khác nhau, NLĐ ngành dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp có thể phải làm việc cho nhiều người sử dụng lao động hoặc phải ký hợp đồng phụ, thường là các hợp đồng ngắn hạn hoặc trên cơ sở công việc bán thời gian. Việc hợp tác trao đổi thông tin một cách hiệu quả giữa các bên về những sản phẩm được sử dụng, các khía cạnh môi trường liên quan, hay mức độ đào tạo huấn luyện được trang bị cho NLĐ, đều rất cần thiết. Những công việc vệ sinh chuyên dụng, như giặt khô, vệ sinh công nghiệp, hay dọn dẹp vệ sinh ở các khu vực rủi ro cao, đều đòi hỏi những phương pháp cụ thể được truyền đạt và áp dụng.

Làm thế nào để các công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp bảo vệ NLĐ của họ?

Công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp cần biết thông tin về các chất mà NLĐ của họ tiếp xúc và các cá nhân chịu phơi nhiễm. Công ty nên lập hồ sơ các sản phẩm được NLĐ sử dụng và thực hiện đánh giá rủi ro tại nơi làm việc (bao gồm bảng kiểm kê hóa chất), xác định loại, cường độ, thời gian và tần suất tiếp xúc tiềm năng, và các phơi nhiễm khác tại nơi làm việc cụ thể. Công ty cũng cần áp dụng một quy trình toàn diện giúp lưu trữ, quản lý, nhận diện và thải bỏ an toàn các chất hóa học.

Trong quá trình đánh giá rủi ro, công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp cũng cần cân nhắc đến các tác nhân sinh học và các tác nhận lây nhiễm khác mà NLĐ có thể tiếp xúc trong quy trình dọn dẹp hàng ngày. Chẳng hạn, NLĐ có thể bị các vết thương do kim đâm, mắc bệnh Weil (một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, do xoắn khuẩn Leptospira gây ra, lây truyền chủ yếu qua da, niêm mạc) từ nước tiểu chuột, hoặc nhiễm trực khuẩn Legionella từ các vùng nước tù đọng. Do đó, quy trình đánh giá rủi ro cần cân nhắc tới cả các yếu tố kể trên cùng những điều kiện làm việc khác của NLĐ, đồng thời, công ty cần cung cấp hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng ngừa.

Để giảm thiểu tất cả các rủi ro được nhận diện, công ty vệ sinh công nghiệp cần loại bỏ và thay thế các chất nguy hiểm nhiều nhất trong khả năng. Ví dụ, một công ty dọn dẹp tại Thụy Điển đã giảm thành công số lượng các chất nguy hiểm được sử dụng tới số lượng giới hạn các hóa chất được cho phép. Tại Đạ Mạch, Hiệp hội Người mua Công cộng (The Association of Public Purchasers – IKA) đã thay đổi các hướng dẫn mua sắm của Đan Mạch để đảm bảo rằng các chất làm sạch được mua không có chứa hóa chất nguy hiểm.

Trong một ví dụ khác, việc sử dụng nước tinh khiết là một lựa chọn an hoàn hơn so với các chất tẩy rửa độc hại. Trong trường hợp không thể loại bỏ hoặc thay thế các hóa chất nguy hiểm, người sử dụng lao động cần đảm bảo rằng các chất được sử dụng đã được pha loãng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, và chúng không bị trộn lẫn với các sản phẩm khác. Các công ty cũng nên thông tin, khuyến cáo cho NLĐ và đảm bảo rằng công việc dọn dẹp được giám sát và diễn ra trong khu vực thoáng khí.

Các biện pháp khác bao gồm:

  • Cung cấp quần áo và phương tiện bảo hộ cá nhân miễn phí cho NLĐ;
  • Đưa ra kế hoạch bảo vệ da;
  • Giám sát sức khỏe của NLĐ làm việc với hóa chất, hoặc những người làm việc trong môi trường đặc biệt bẩn, bụi, nhiều bồ hóng.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp nêu trên, các công ty nên tổ chức huấn luyện cho toàn bộ NLĐ về phương pháp làm việc an toàn. Hoạt động đào tạo này nên cung cấp các thông tin rõ ràng, dễ hiểu và trực tiếp, và được cập nhật thường xuyên khi có thay đổi.

Làm cách nào để NLĐ tự bảo vệ bản thân?

NLĐ ngành dọn dẹp và vệ sinh công nghiệp cũng phải có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc, hướng dẫn an toàn, và tự phòng tránh rủi ro cho bản thân và đồng nghiệp xung quanh. NLĐ nên tham gia vào tất cả các khóa tập huấn do người sử dụng lao động tổ chức, hoặc yêu cầu tập huấn nếu công ty không tổ chức các hoạt động này. NLĐ cũng cần sử dụng tất cả các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát cho từng nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là găng tay và kính mắt, và đảm bảo rằng các hóa chất tẩy rửa được sử dụng, lưu trữ và bảo quản đúng cách trong bao gói hay chai đựng nguyên bản của chúng để tránh nguy cơ bị thương hay nuốt phải. Khi có nghi vấn, NLĐ cần tham khảo ý kiến của chuyên viên an toàn.

Trong trường hợp NLĐ có phản ứng với chất hóa học mà họ sử dụng trong công việc – như khô da, viêm da, hay các vấn đề về hô hấp – hoặc gặp bất kỳ sự cố gì, NLĐ cần báo cáo chi tiết cho người sử dụng lao động.

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)