Máy có năng suất và an toàn – Phần 2

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:54(GMT +7)

Các máy có những kiểu hoạt động và yêu cầu sản xuất khác nhau. Các nguy hiểm do chúng gây ra cũng rất khác nhau.

Các bộ phận truyền động quay như bánh xe, trục cán, cu roa… có thể chạm vào da, tóc, quần áo của công nhân và kéo họ vào máy. Khi 2 trục xoay ngược chiều nhau, sẽ hình thành một “điểm nghiền” và khi đó nó có thể cuốn tóc, quần áo, tay chân của công nhân vào đó (Hình 6).

Hình 6. Các điểm nghiền.

Chuyển động qua lại của máy có thể chèn ép người thợ đứng giữa các máy hoặc các sản phẩm đang chuyển động hay đứng giữa một người hoặc vật đứng yên. Khi thực hiện các động tác cắt, uốn, dập… cũng có thể dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải biết dung hoà hợp lý các thiết bị bảo vệ và những yêu cầu của máy với chính các nguy hiểm đặc thù của máy.

Các kiểu bảo vệ máy

Các thiết bị bảo vệ cố định – là những thiết bị đơn giản, gắn liền trên máy hoặc lắp vào các bề mặt cố định như sàn, tường. Các thiết bị này cần được chế tạo từ vật liệu bền chắc, chịu được sự va đập của các mẩu vật rắn bắn vào. Các thiết bị bảo vệ cố định tại điểm thao tác nên được sử dụng kết hợp cùng các hệ thống cấp – dỡ, sao cho không làm hạn chế năng suất. Các thiết bị cố định này nên thiết kế sao cho khó tháo dỡ nếu không dùng dụng cụ.

Các thiết bị bảo vệ liên động đôi khi được dùng kết hợp với tấm chắn hoặc thiết bị bảo vệ cố định. Các thiết bị này có thể ngắt điện hoặc ngừng chu trình hoạt động của máy nếu thiết bị bảo vệ hoặc tấm chắn bị hở hoặc bị tháo dỡ (hình 7). Chúng cũng có thể ngăn chặn tiếp xúc trực tiếp tới vùng nguy hiểm ngay trước khi máy bắt đầu hoạt động (Hình 8). Cần kiểm tra kỹ lưỡng khi thiết bị bảo vệ làm máy ngừng làm việc. Thời gian cần thiết để mở thiết bị bảo vệ thường tốn nhiều hơn thời gian nó tác động làm máy dừng hoạt động.

Các thiết bị bảo vệ điều chỉnh được – là các thiết bị có thể điều chỉnh được cho phù hợp với kích thước của vật đưa vào vị trí thao tác, mà vẫn bảo đảm được mức bảo vệ cao (Các hình 9 và 10).

Hình 7. Thiết bị bảo vệ liên động có thiết bị ngắt.

Hình 8. Bàn đạp chân của một thiết bị bảo vệ liên động.

Hình 9. Thiết bị bảo vệ điều chỉnh được cho máy cưa bàn.

Hình 10. Thiết bị bảo vệ điều chỉnh được cho máy nén áp lực.

Thiết bị điều khiển bằng 2 tay. Các tai nạn thường xảy ra do người công nhân phải đưa vật vào máy bằng một tay, còn tay kia phải điều khiển máy; và nếu như sự tính toán thời gian thao tác của người thợ kém, thì sẽ có nguy cơ bị máy cuốn tay. Một giải pháp có thể làm được, đó là chế tạo núm điều khiển sao cho 2 tay người thợ không tới gần điểm thao tác mà phải điều khiển từ bên ngoài.

Tuy nhiên, không dễ thiết kế một cơ cấu điều khiển đảm bảo không thể vận hành được bằng một tay, bằng ấn tỳ đầu gối hay bằng những cách tinh quái khác. Điều trước nhất là cần phải thu xếp sao cho các thiết bị được sử dụng chính xác và hợp lý.

Hình 11. Máy có thiết bị điều khiển bằng hai tay.

Các kiểu bảo vệ máy

Dưới đây là một vài gợi ý có ích cho việc thiết kế và chế tạo thiết bị bảo vệ máy. Các thiết bị bảo vệ thường có thể được chế tạo tại chỗ với giá rẻ.

– Che chắn toàn bộ chắc chắn tốt hơn che chắn cục bộ. Nên tránh việc bảo vệ cục bộ.

– Các thiết bị bảo vệ nên để sát khu vực nguy hiểm với khả năng có thể. Hãy thận trọng: Dây đai chuyển động, cọ xát vào thiết bị cố định có thể không chỉ làm hỏng dây mà còn có thể là nguyên nhân gây cháy.

– Các thiết bị bảo vệ cần được kết hợp với các thiết bị cấp-dỡ nếu có thể được.

– Để không làm giảm năng suất, các thiết bị bảo vệ phải thiết kế sao cho có thể đóng-mở nhanh khi bảo dưỡng thông thường. Thiết bị bảo vệ có bản lề được thiết kế gắn liền với quy trình sản xuất, nếu mở ra để bảo dưỡng sẽ phải lắp lại trước khi vận hành.

– Các thiết bị bảo vệ nên lắp đặt sao cho dễ nhìn thấy.

– Bất kỳ thiết bị bảo vệ nào làm giảm năng suất đều phải được thay thế hoặc thiết kế lại.

Bảo dưỡng máy tốt

Mặc dầu có thiết bị bảo vệ, nhưng một chiếc máy được bảo dưỡng tồi cũng có thể gây ra nguy hiểm.

Chiếc máy đó sẽ dễ hỏng hơn và có nhiều trục trặc hơn về chất lượng. Bảo dưỡng tốt không hề làm tốn thời gian, mà đó là sự đầu tư để cho năng suất cao hơn và chi phí sửa chữa thấp hơn.

Cả các thiết bị bảo vệ cũng cần được bảo dưỡng.

Người công nhân thường hay dỡ bỏ các thiết bị bảo vệ để lau chùi máy, thay khuôn hoặc lau dầu, bảo dưỡng máy. Thiết bị bảo vệ cũng hay bị tháo ra do nó làm người thợ khó nhìn rõ, làm người thợ khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Các thiết bị bảo vệ này cần được kiểm tra lại, lau chùi, thay thế và nếu cần thì phải thiết kế lại cho hợp lý.

Chương trình bảo dưỡng máy do một chuyên gia giỏi đảm nhận sẽ làm giảm số lần phải sửa chữa máy. Chương trình bảo dưỡng này cần có cả việc dọn quang, vệ sinh hàng ngày các khu vực cần thiết cho việc kiểm tra bằng mắt.

Khi tiến hành bảo dưỡng hay sửa chữa máy, các cơ cấu điều khiển của máy phải được khoá lại và dán nhãn cảnh báo: “NGUY HIỂM, CẤM THAO TÁC”.

Nếu không còn cách bảo vệ nào khác, hãy dùng trang bị bảo vệ cá nhân

Nếu không thể gạt bỏ được nguy hiểm, và không thể bảo vệ hoàn toàn người công nhân bằng các thiết bị thích hợp, thì biện pháp cuối cùng là sử dụng các trang thiết bị bảo vệ cá nhân

Tuy nhiên, do công việc nguy hiểm nên phải thường xuyên nhắc nhở việc sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân.

Nếu như trang bị bảo vệ cá nhân là cần thiết, thì chỉ được dùng các trang bị đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn của Nhà nước. Giống như các thiết bị khác, trang bị bảo vệ cá nhân cần được bảo dưỡng theo các chỉ dẫn của nhà chế tạo, và khi bị hư hỏng hoặc han rỉ thì chúng cần được thay thế.

—————————–

Tóm tắt

Những quy tắc cơ bản làm cho máy an toàn hơn và hiệu quả hơn

– Kiểm tra năng suất máy

– Loại trừ các nguy hiểm; hoặc lắp đặt thiết bị bảo vệ; hoặc biện pháp cuối cùng là sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân – luôn tuân thủ theo trình tự này

– Đặt mua máy móc an toàn.

– Sử dụng các thiết bị cấp-dỡ để tăng năng suất và giảm nguy hiểm

– Dùng đúng kiểu thiết bị bảo vệ

– Bảo dưỡng máy móc tốt

– Nếu không còn cách nào khác, hãy sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân


(Nguồn tin: Trích ấn phẩm “Năng suất lao động cao hơn và nơi làm việc tốt hơn”, tác giả J.E.Thurman, A.E.Louzine, K.Kogi)