Môi trường làm việc và tình trạng sức khỏe công nhân tái sinh nhựa ở phía Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:22(GMT +7)

Nghiên cứu tập trung tìm hiểu về sự phát thải hơi khí độc trong môi trường của các cơ sở có qui trình tái sinh nhựa hoàn toàn và của các doanh nghiệp nhựa có quá trình tái sinh nhựa là một phần của qui trình sản xuất (chủ yếu là nhựa bao bì LDPE, HDPE và nhựa PP) và bước đầu khảo sát tình trạng sức khỏe của công nhân tái sinh nhựa.

1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

– Hơi khí độc trong môi trường lao động tại 07 doanh nghiệp sản xuất nhựa, hạt nhựa (chủ yếu là bao bì LDPE, HDPE) và PP tại Tp. Hồ Chí Minh và Long An.

– Công nhân: 40 công nhân (34 nam, 6 nữ) tại 04 cơ sở nhựa tái sinh nhựa.

2.2. Phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật áp dụng.

Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp cắt ngang mô tả.

2. Kết quả và bàn luận

2.1. Kết quả khảo sát về hơi khí độc trong môi trường làm việc

Hơi khí độc được khảo sát trong môi trường làm việc gồm các khí thông thường và một số loại hơi khí độc đặc trưng cho ngành nhựa. Việc khảo sát về hơi khí độc được tiến hành trên diện rộng với nhiều chỉ tiêu nhằm mục đích sàng lọc những loại hơi khí độc phổ biến trong các cơ sở nhựa và được chia vào 3 nhóm chất lớn là các chất VOC, các hơi khí độc thông thường và các chất phụ gia dùng trong ngành nhựa phát tán vào môi trường được thể hiện trong bảng 1 như sau:

Kết quả cho thấy:

– Tại các công đoạn gia nhiệt chuyển nhựa về trạng thái nóng chảy, công đoạn ép màng nhựa … thường phát sinh mùi nhựa có lẫn với các mùi của một số chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Đề tài tiến hành khảo sát thành phần VOC thải ra tại các khu vực này cho thấy thành phần của các hữu cơ dễ bay hơi có nhiều chất khác nhau. Trong 27 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi được khảo sát tại một số cơ sở tái sinh nhựa thì các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phổ biến và đặc trưng trong các cơ sở nhựa (kể cả nhựa tái sinh hoàn toàn và nhựa tái sinh một phần trong qui trình sản xuất) là các hơi dung môi Benzen, Toluen, Styrene, Xylene, Vinyl clorua… nhưng tất cả đều với nồng độ thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn vệ sinh lao động 3733/2002/QĐ-BYT [5].

– Các loại khí độc như CO, NOx, SO2 là các loại khí độc được yêu cầu quan trắc ở nhiều ngành nghề vì sự phát tán phổ biến trong môi trường làm việc. So với những kết quả quan trắc ở nhiều ngành nghề khác như ở các cơ sở làm giấy, cao su … thì các chỉ tiêu đo được cũng nằm trong giới hạn cho phép so với tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT, tương tự như trong nghiên cứu này đã khảo sát được.

– Đối với các chất phụ gia đặc trưng sử dụng trong ngành nhựa, đây là một trong rất ít nghiên cứu có khảo sát về thành phần của các chất phụ gia dùng trong ngành nhựa phát tán vào trong không khí. Ngành nhựa sử dụng nhiều chất phụ gia khác nhau trong đó có nhóm chất Phthalate được sử dụng phổ biến để làm tăng độ cứng, độ dẻo dai và trong suốt của nhựa. Tuy nhiên, các chất này là những tác nhân gây rối loạn nội tiết tố đang được thế giới quan tâm nghiên cứu nhiều hiện nay [4]. Trong nghiên cứu này, một số chất của nhóm phthalate ester đã được khảo sát, mặc dù TCVN hiện tại chỉ có tiêu chuẩn của Dibutyl phthalate trong 8 giờ làm việc là 2 mg/m3, trong một lần đo ngẫu nhiên là 4 mg/m(không khảo sát trong đề tài), tham khảo những tài liệu của OSHA Hoa Kỳ cho thấy, giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp được đề xuất đối với DEHP, DBP trong môi trường làm việc là 5ppm [1]. Như vậy, với nồng độ của các phthalate ester hiện nay khảo sát được thì nồng độ của các chất này trong môi trường nhà xưởng của các cơ sở nhựa vẫn đạt tiêu chuẩn cho phép.

Nhận xét và bàn luận:

Như vậy, thành phần VOC phát thải trong khu vực tái sinh nhựa một phần của các doanh nghiệp nhựa lớn cũng như các cơ sở tái sinh nhựa vừa và nhỏ là như nhau, bao gồm các hơi dung môi Benzene, Toluen, Styren, Xylen, Vynyl chlorua và hàm lượng phát thải với hàm lượng tương đương nhau tại thời điểm đo đạc.

Tuy nhiên, về hàm lượng phát thải Phthalate vào không khí thì thấy rõ sự khác biệt, so sánh về giá trị trung bình cho thấy, hàm lượng phthalate tổng số (bao gồm cả DEHP, DEP và DBP) ở các cơ sở tái sinh nhựa hoàn toàn cao gấp 9,6 lần so với hàm lượng phthlate tổng số phát thải ra ở các khu vực tái sinh nhựa một phần trong qui trình sản xuất ở các doanh nghiệp nhựa lớn.

Ngoài ra, còn có một sự khác biệt đáng lưu ý khác là tại các doanh nghiệp nhựa lớn mà qui trình tái sinh nhựa chỉ có một phần thì không phát hiện thấy có sự phát thải của DEHP trong môi trường không khí nhà xưởng nhưng DEHP lại là loại phthalate phát thải ra với hàm lượng cao nhất trong 3 loại phthalate được khảo sát ở các cơ sở nhựa tái sinh hoàn toàn. 

2.2. Kết quả khám sức khỏe công nhân tái sinh nhựa.

Tổng số người khám: 40 người. Trong đó: Nam: 31 người; Nữ: 06 người và 03 hồ sơ khám không có thông tin đầy đủ. Do đó, thống kê tình hình sức khỏe của công nhân nhựa dựa trên những kết quả có hồ sơ đầy đủ.

Kết quả khám sức khỏe của công nhân tái sinh nhựa cho thấy, công nhân bị các bệnh về mắt chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm tới 43,25% số người được khám. Hiện số liệu khảo sát chưa thực sự đầy đủ để có thể kết luận hay đưa ra những giả thiết về sự liên quan giữa môi trường làm việc và các bệnh về mắt cao như hiện nay, chiếm tới gần một nửa số công nhân được khám. Tuy nhiên trong khảo sát của đề tài đã xác định được nhiều cơ sở tái sinh nhựa có cường độ chiếu sáng kém, nơi làm việc khá tối và độ chiếu sáng thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn vệ sinh lao động, đây có thể là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng các bệnh về mắt cho công nhân tái sinh nhựa.

Ngoài các bệnh về mắt, số công nhân có hội chứng thắt lưng hông, đau dây thần kinh, đau mỏi xương khớp chiếm 18,92% cũng cần chú ý đến. Theo như khảo sát cho thấy, hạt nhựa sau khi tái sinh được đóng bao với trọng lượng từ 30 – 50 kg và công nhân sẽ vận chuyển thủ công bằng tay hoặc vác lên vai về kho hoặc lên xe khi giao hàng mà không có phương tiện hỗ trợ giảm tải trọng. Công việc được thực hiện hàng ngày có thể là một trong những nguyên nhân làm cho công nhân có các hội chứng thắt lưng hông, đau dây thần kinh, đau mỏi xương khớp.

Số công nhân mắc các bệnh nội khoa (dạ dày, tá tràng, tiết niệu…) chiếm tổng tỷ lệ là 13,51%. Theo nghiên cứu trước đây của cùng nhóm tác giả về đánh giá điều kiện vi khí hậu tại các cơ sở nhựa tái sinh ở phía Nam [6] thì yếu tố nhiệt độ rất cao trong môi trường làm việc đã ảnh hưởng nhiều đến cảm giác nhiệt của công nhân và điều kiện làm việc nóng có thể là một trong những nguyên nhân có thể góp phần làm gia tăng tỷ lệ về các bệnh này. Theo như tài liệu Vệ sinh lao động của GS. TS. Hoàng Văn Bính thì điều kiện lao động nóng trong các nhà xưởng công nghiệp có thể là nhân tố cộng hưởng gây một số bệnh cho công nhân như thận, tiết niệu và các bệnh về đường tiêu hóa. [2].        

Qua việc khám sức khỏe tổng quát cho công nhân còn cho thấy một số nguy cơ trong môi trường làm việc có thể gây nên bệnh nghề nghiệp như tiếng ồn vượt quá mức cho phép ở khu vực xay nguyên liệu, trong khi đó 100% công nhân ở các cơ sở tái sinh nhựa vừa và nhỏ không mang nút chống ồn, môi trường bụi với hàm lượng cao có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp… Đề tài đã tiến hành khảo sát về bệnh điếc, thính lực và chức năng hô hấp cho công nhân qua việc khám lâm sàng. Kết quả cho thấy, 100% công nhân tái sinh nhựa chưa bị ảnh hưởng đến thính lực và có chức năng hô hấp bình thường. Trước đây, trong nghiên cứu của nhóm tác giả Phạm Thị Bích Ngân (1994) thì các công nhân ngành chất dẻo có tỷ lệ mắc đường hô hấp lên tới 75% số người được khám. Theo như kết quả nghiên cứu này thì 15/24 công nhân có bất thường về chức năng hô hấp, trong đó có 2 công nhân bị hội chứng hỗn hợp, 5 công nhân bị hội chứng tắt nghẽn và 8 công nhân bị hội chứng giới hạn [3]. Như vậy, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, hiện tại công nhân làm việc ở các cơ sở tái sinh nhựa chưa bị ảnh hưởng về chức năng hô hấp và thính lực. 

3. Kết luận

3.1.  Chưa có những bằng chứng thuyết phục về ảnh hưởng của các hơi khí độc, các chất phụ gia phát tán trong môi trường làm việc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân tái sinh nhựa.

– Thành phần VOC phát thải trong khu vực tái sinh nhựa một phần của các doanh nghiệp nhựa lớn cũng như các cơ sở tái sinh nhựa vừa và nhỏ là như nhau, bao gồm các hơi dung môi Benzene, Toluen, Styren, Xylen, Vynyl chlorua và hàm lượng phát thải tương đương nhau tại thời điểm đo đạc và vẫn nằm trong giới hạn cho phép so với tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT.

– Nồng độ phthalate tổng số trung bình (bao gồm cả DEHP, DEP và DBP) ở các cơ sở tái sinh nhựa hoàn toàn cao gấp 9,6 lần so với hàm lượng phthlate tổng số phát thải ra ở các khu vực tái sinh nhựa một phần trong qui trình sản xuất ở các doanh nghiệp nhựa lớn. Hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chuẩn vệ sinh cho các chỉ tiêu này, hàm lượng đo được vẫn thấp so với chỉ tiêu của Hoa Kì (5ppm).

– Các loại hơi khí độc thông thường CO, SO2, NOx nằm trong giới hạn cho phép về tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT.

3.2. Một số bệnh chiếm tỷ lệ cao có thể là do các yếu tố khác trong môi trường làm việc gây nên như ánh sáng kém, môi trường kém thông thoáng, nhiệt độ quá cao và do tư thế trong quá trình làm việc chưa đúng.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.osha.gov/dts/chemicalsampling/data/CH_235200.html

2. GS.TS. Hoàng Văn Bính. Vệ sinh lao động. NXB Khoa học và kỹ thuật (2010).

3. Phạm Thị Bích Ngân. Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện lao động đến công nhân ngành chất dẻo tại Tp. Hồ Chí Minh. Đề xuất giải pháp cải thiện điều kiện lao động, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho công nhân (1994).

4. WHO/PCS/EDC/02.2. Global assessment of the state-of-the-science of endocrine disruptors.

5. Quyết định số 3733/2002/QN-BYT của Bộ Y tế (2002).

6. Ngô Thị Mai. Đánh giá sự tác động tổng hợp của vi khí hậu lên cảm giác nhiệt của công nhân một số cơ sở nhựa phía Nam. Tạp chí An toàn – Sức khỏe và môi trường lao động. Số 4,5&6 (2013). 

ThS. Ngô Thị Mai & Cộng sự

Phân Viện BHLĐ & BVMT miền Nam


(Nguồn tin: Nilp.vn)