Môi trường lao động của nhân viên y tế chuyên ngành huyết học

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:24(GMT +7)

Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá môi trường lao động của nhân viên y tế (NVYT) tại một bệnh viện chuyên ngành huyết học. Một số yếu tố trong môi trường lao động (yếu tố vật lý, bụi, hóa học, vi sinh vật) được đo đạc và phân tích đặc điểm yêu cầu công việc để đánh giá gánh nặng lao động ở nhân viên y tế.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Môi trường lao động của NVYT tại hầu hết các khoa đều nằm trong giới hạn cho phép ngoại trừ tại một số ít vị trí đo có nhiệt độ, hàm lượng khí CO2, Formaldehyt và yếu tố vi sinh vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TTCP). Cường độ làm việc cao; thời gian làm việc kéo dài, không ổn định; phải trực đêm, trách nhiệm công việc lớn; tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân; tiếp xúc với nhiều loại hóa chất có hại trong quá trình pha chế thuốc, làm xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân; nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu (Viêm gan B, Viêm gan C, HIV…)  …  là các yếu tố đặc thù nghề nghiệp của NVYT.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhân viên y tế (NVYT) là dạng lao động đặc thù, mỗi chuyên ngành có một đặc điểm riêng biệt về điều kiện lao động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những nguy cơ đặc thù của nhân viên y tế là nguy cơ cao lây các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, viêm gan vi rút B, C, HIV, vv…;  nguy cơ tiếp xúc với các tác hại không truyền nhiễm như tiếp xúc với các hóa chất tiệt trùng, tiếp xúc với tiếng ồn, nguy hiểm do tiếp xúc với bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, điện từ trường tần số cao và các chất độc hại cũng như các chất gây dị ứng như các chất khử trùng, khí gây mê, các thuốc độc tố tế bào và các khí dùng trong y học (như pentamidine, ribavirin), các chất thải trong bệnh viện và ngoài ra là stress thể lực và tâm thần khi phải chăm sóc bệnh nhân (Brandenburg, 2002, Eickman 2002) [1], [2].

II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Đánh giá môi trường lao động của nhân viên y tế tại một bệnh viện chuyên ngành huyết học

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

Môi trường lao động của nhân viên y tế tại một bệnh viện chuyên ngành huyết học

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Nghiên cứu cắt ngang mô tả

2.2. Phương pháp thực hiện: Phương pháp đo, lấy mẫu, xét nghiệm theo “Th­ường quy kỹ thuật của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường năm 2002 ”.

2.2.1. Đo các yếu tố môi trường lao động:

– Các yếu tố vật lý:

+ Đo vi khí hậu (Nhiệt độ; Độ ẩm; Vận tốc gió) bằng máy Kestrel – Mỹ

+ Đo ánh sáng bằng máy Extech

+ Đo tiếng ồn có phân tích dải tần số bằng máy NA-21 hãng Rion, Nhật

+ Đo bức xạ ion hóa bằng máy Inpector của Mỹ 

+ Đo điện từ trường tần số cao bằng máy CA-43 của Pháp.

– Yếu tố bụi: Đo bụi toàn phần bằng phương pháp cân trọng lượng sử dụng máy lấy mẫu SKC kết hợp với máy đo bụi điện tử Micro Dust Pro- Mỹ. Kết quả biểu thị bằng nồng độ bụi toàn phần, mg/m3

– Hơi khí độc: Sử dụng máy quang phổ hấp thụ nguyên tử Perkin Elmer – Analyst 700 – Mỹ; máy sắc ký khí GC/FID/MS Thermo Finigan – Trace – Nhật Bản; máy quang phổ UV-VIS Helios α của Anh; máy Quest EVM7 – Mỹ; máy lấy mẫu không khí KIMOTO HS-7 của Nhật;

* Tiêu chuẩn đánh giá: Tiêu chuẩn cho phép (TCCP) TCVN 5508 -2009; TCVN 3718-1:2005; QCVN 26: 2010/BTNMT; TCVN 6561-1999, Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT; TCVN 3985 – 1999;

– Yếu tố Vi sinh vật

* Phương pháp xét nghiệm:

– Môi trường Nutrien agar: xác định tổng số vi khuẩn hiếu khí ở nhiệt độ nuôi cấy 370C/48 giờ.

– Môi trường Sabouraud agar: xác định tổng số nấm mốc ở nhiệt độ 280C/ 7-10 ngày.

– Môi trường thạch máu: xác định tổng số cầu khuẩn tan máu ở nhiệt độ nuôi cấy 370C/24 giờ.

* Tiêu chuẩn đánh giá:

– Tiêu chuẩn của WHO: dành cho bệnh viện

– Tiêu chuẩn Safir: áp dụng đối với không khí trong nhà

2.2.2. Đánh giá gánh nặng lao động theo đặc điểm yêu cầu của công việc bằng phương pháp quan sát, phỏng vấn và bấm thời gian lao động

2.3 Xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y học.

IV. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Môi trường lao động của nhân viên y tế

1.1. Yếu tố vật lý

Nhận xét:

– Nhiệt độ không khí tại các vị trí khảo sát dao động từ 24,00C – 33,50C. So với TCCP, đa số các vị trí đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (TCVSCP) (TCVN 5508-2009), có 2 vị trí nhiệt độ cao hơn TCCP (bếp ăn và khu tiệt khuẩn trung tâm) do tại thời điểm đo nhiệt độ không khí ngoài trời cao; các phòng không sử dụng điều hòa cục bộ, chỉ sử dụng điều hòa trung tâm và quạt trần hoặc quạt treo tường; số lượng người (cán bộ, bệnh nhân và người nhà) trong phòng đông. Độ ẩm dao động từ 45,8% – 71,5%. So với TCVSCP, các vị trí đều có độ ẩm không khí đạt (TCVN 5508-2009).Tốc độ gió tại các vị trí khảo sát dao động từ 0,20 m/s – 1,25m/s và đều đạt TCVSCP (TCVN 5508-2009).

– Cường độ chiếu sáng đo được tại các vị trí dao động từ 46 Lux-482 Lux. Hầu hết tất cả các vị trí, cường độ chiếu sáng đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (TCVSCP) theo Quyết định số: 3733/2002/QĐ – BYT). Do đặc thù của công việc, phòng phân tích nhiễm sắc thể có cường độ chiếu sáng thấp hơn TCVSCP theo Quyết định số: 3733/2002/QĐ – BYT.

– Tiếng ồn tại các vị trí đo được dao động từ 52dBA – 76 dBA. So với TCCP (TCVN 5949 : 1998 ; TCVN 3985 – 1999) tất cả các vị trí cường độ tiếng ồn đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

– Điện từ trường tần số cao tại các vị trí đo dao động từ 8,7 – 43,5V/m. So với TCCP (TCVN 3718-1:2005) tất cả các vị trí có điện từ trường đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

– Liều xuất phóng xạ đo đ­ược ở các vị trí thuộc hai phòng dao động từ  0,18- 0,29 msv/h và 0,19- 0,25msv/h. So với TCCP (TCVN 6561/1999), tất cả các vị trí liều suất phóng xạ đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

1.2. Bụi các loại

Nhận xét: Nồng độ bụi tại các vị trí đo dao động từ 0,11 – 0,58 mg/m3. So với TCVSCP (theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT), tất cả các vị trí nồng độ bụi đều nằm ở mức giới hạn cho phép.

1.3. Yếu tố hóa học, hơi khí độc

Nhận xét: Tại thời điểm đo, nồng độ các chất hoá học, hơi khí độc đo được tại các vị trí hầu hết đều nằm ở mức giới hạn cho phép ngoại trừ hàm lượng CO2 tại 10 vị trí trong Viện cao hơn TCVSCP và nồng độ Formaldehyde (phòng nhuộm tế bào) cao hơn TCVSCP (theo QĐ số 3733/2002/QĐ-BYT).

1.4. Yếu tố vi sinh vật

Nhận xét: Tại các vị trí lấy mẫu vi sinh vật trong không khí môi trường lao động cho thấy:

Không khí tại khu xử lý dụng cụ (khoa chống nhiễm khuẩn) đạt tiêu chuẩn của Safir áp dụng đối với không khí trong nhà.

Không khí tại phòng nhận máu, phòng ly tâm (khoa Điều chế thành phần máu), phòng nhận máu (khoa Sinh hóa) đạt tiêu chuẩn không khí của WHO dành cho bệnh viện.

– Không khí tại hầu hết các vị trí lấy mẫu khác (khoa Khám bệnh, phòng Cấp cứu, phòng Tiếp đón…) vượt quá giới hạn khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về chất lượng không khí bệnh viện.

2. Đặc điểm điều kiện lao động của nhân viên y tế chuyên ngành huyết học

Điều kiện lao động của các NVYT chuyên ngành huyết học khá đặc thù và có nhiều yếu tố công việc gây căng thẳng thần kinh tâm lý :

– Chế độ làm việc tại hầu hết các khoa phòng theo giờ hành chính. Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu công việc đặc thù, thời gian làm việc của nhân viên y tế tại một số khoa phòng không ổn định do không chủ động được khối lượng mẫu (như khoa Xét nghiệm sàng lọc máu, khoa Điều chế các chế phẩm máu…) hoặc phải đi sớm, về muộn khi làm việc tại cộng đồng (Khoa hiến máu; vận động và tổ chức hiến máu…).

– Công việc có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu (Viêm gan B, Viêm gan C, HIV…) do hầu hết các nhân viên chuyên ngành huyết học của các khoa phòng phải tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân (nhất là khi chưa có kết quả xét nghiệm) như Khoa hiến máu, Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu; Khoa Khám bệnh và điều trị ngoại trú và cấp cứu…; tiếp xúc với các Virus lây bệnh tối nguy hiểm (Virus HBV, HCV, CMV, EBV) (Khoa di truyền và sinh học phân tử).

– Ngoài ra, cán bộ nhân viên chuyên ngành huyết học còn phải tiếp xúc với nhiều hóa chất (Bleomycin, Cisplastin, Cisplastin, Cyclophosphamid, ArsenicTroxid, Cytarabin, Daunorubicin, Etoposide, L-Asparaginase erwinase, Fludarabin, Ifosfamid, L-Asparaginase, Melphalan, Busulfan, Methotrexate, Rituximab, Mitoxantrone,Vinblastin…) trong quá trình pha chế thuốc (Khoa Dược); trong quá trình điều trị cho bệnh nhân (các khoa Khối lâm sàng); tiếp xúc xylen, Toluen, cồn etylic, formaldehyt, benzene… trong quá trình sinh thiết tủy xương, cắt nhuộm (Khoa Tế bào tổ chức học); tiếp xúc với javen, các chất tẩy (Khoa chống nhiễm khuẩn).

– Cũng như các NVYT chuyên ngành khác, nhân viên y tế chuyên ngành huyết học còn phải trực đêm, trung bình 1-2 buổi/tuần.

– Yêu cầu mức độ trách nhiệm rất cao của NVYT trong công việc; đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối, không cho phép sai sót (do gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng con người) cũng là một trong những đặc điểm lao động đặc thù trong ngành y.

V. BÀN LUẬN

Điều kiện lao động của các NVYT trong nghiên cứu của chúng tôi cũng có những nguy cơ tương tự như nhiều nghiên cứu khác.

Mệt mỏi ở y tá liên quan rõ rệt tới thời gian làm việc khi thay đổi từ 8h làm việc và 12h làm việc/ca [3]. Ở các khoa điều trị nội trú, nghiên cứu trên các bác sỹ tập sự cho thấy: mối liên quan giữa căng thẳng tại nơi làm việc và chất lượng giấc ngủ kém [8]. Sự cần thiết phải có các chính sách bổ sung, quy định và chuẩn bị phù hợp cho các y tá khi thay đổi môi trường lao động, thay đổi công việc như chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV… [7].

Pérez-Diaz C[4] phân tích cắt ngang trên NVYT tiếp xúc nghề nghiệp với máu tại cơ quan bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp từ năm 2009 và 2014 tại Colombia và được đánh giá giữa các nhóm theo mức độ phơi nhiễm (nhẹ, trung bình và nặng). Trong số 2403 báo cáo được phân loại: phơi nhiễm là nhẹ 2,7%; trung bình 74,8%; nặng 21,9%.

Nhiễm HBV là rủi ro nghề nghiệp cho NVYT. Một nghiên cứu của Quddus M [5] đánh giá tình trạng tiêm chủng viêm gan B của nhóm có nguy cơ cao và thái độ kiến ​​thức và thực hành về cách ly cơ thể. 400 NVYT gồm 55% nam và 45% nữ, 100 người cho mỗi nhóm bao gồm: bác sĩ, y tá, nhân viên phòng mổ và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm làm việc tại Karachi Pakistan. 28% các bác sĩ, 20% y tá, 64% nhân viên phòng mổ và 68% kỹ thuật viên phòng thí nghiệm được tiêm chủng đầy đủ. Trong số còn lại 31% là không biết về vắc xin, 45% không cho rằng mình trong nhóm nguy cơ cao, 15% thấy có thể tiêm chủng, 9% cho rằng tốn kém. Thực hành an toàn sinh học đã được thực hiện một cách chính xác là 42%. 29% thực hiện tiêm an toàn, 10% đảm bảo quy tắc vô trùng và 19% thiết bị tiệt trùng đúng cách. Khi tràn máu ngay lập tức được làm sạch là 80%, trong số đó 48% được áp dụng chất khử trùng, 40% làm sạch bằng nước và chất tẩy rửa, 12% làm sạch và khử trùng. Các mẫu máu xử lý là 52% trong hộp đựng có sẵn, 17% trong thùng rác và 30% trong các túi nguy cơ sinh học. Trong 62 trường hợp vô tình tiếp xúc với  máu, các biện pháp xử lý bao gồm: 19% sử dụng rượu, 11% rửa bằng nước, 8% chờ đợi sự giúp đỡ y tế.

Shoaei P [6] nghiên cứu tỷ lệ hiện nhiễm của virus viêm gan B và tình trạng kháng thể bề mặt viêm gan B trong NVYT phòng thí nghiệm ở Isfahan, Iran. Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 203 người thuộc các phòng xét nghiệm được điều tra và xét nghiệm miễn dịch liên kết enzyme (ELISA) về mức độ kháng nguyên và kháng thể. Kết quả cho thấy: tất cả các đối tượng đều âm tính với nhiễm HBV. 47 (23,2%) là không miễn dịch, 126 (62,0%) là tương đối miễn dịch, và 30 (14,8%) là cao miễn dịch. Như vậy, viêm gan B là không thường xuyên trong NVYT phòng thí nghiệm ở Isfahan.

VI. KẾT LUẬN

– Môi trường lao động của NVYT tại hầu hết các khoa đều nằm trong giới hạn cho phép ngoại trừ tại một số ít vị trí đo có nhiệt độ, hàm lượng khí CO2, Formaldehyt và yếu tố vi sinh vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TTCP).

– Cường độ làm việc cao; thời gian làm việc kéo dài, không ổn định; phải trực đêm, trách nhiệm công việc lớn; tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân; tiếp xúc với nhiều loại hóa chất có hại trong quá trình pha chế thuốc, làm xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân; nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu (Viêm gan B, Viêm gan C, HIV…)…  là các yếu tố đặc thù nghề nghiệp của NVYT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Brandenburg, S. (2003) Overview of the activities of the health service sector. Book Abstract of 27th ICOH in Brazil. SPS 24.2.    

2. Eickmann, U. (2003). Chemical risks to health care workers. Book Abstract of 27th ICOH in Brazil. SPS 24.4. 

3. Martin DM (2015), “Nurse Fatigue and Shift Length: A Pilot Study”,  Nurs Econ. 2015 Mar-Apr;33(2):81-7.

4. Pérez-Diaz C, Calixto OJ, Facini-Martinez ÁA et al (2015), “Occupational exposure to blood borne pathogens among healthcare workers: a cross-sectional study of a registry in Colombia”, J Occup Med Toxicol.  2015 Dec 16;10:45.

5. Quddus M, Jehan M, Ali NH (2015), “ hepatitis-B vaccination status and knowledge, attitude and practice of high risk Health Care Worker about body substance isolation”, J Ayub Med Coll Abbottabad  2015 Jul-Sep;27(3):664-8.

6. Shoaei P, Najafi S, Lotfi N et al (2015), “Seroprevalence of hepatitis B virus infection and hepatitis B surface antibody status among laboratory health care workers in Isfahan, Iran”, Asian J Transfus Sci  2015 Jul-Dec;9(2):138-40.

7.  Spies LA, Gray J, Opollo J (2015), “HIV and Nurses: A Focus Group on Task Shifting in Uganda”, J Assoc Nurses AIDS Care  2015 Dec 29. pii: S1055-3290(15)00291-5.

8. Stucky ER, Dresselhaus TR, Dollarhide A et al  (2009), “Intern to attending: assessing stress among physicians”,   Acad Med 2009 Feb;84(2):251-7.

                                    Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thu Hà

                                      Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường


(Nguồn tin: Nilp.vn)