MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG TẠI CÔNG TY CP SECPENTIN&PHÂN BÓN THANH HOÁ VÀ CÔNG TY CP CƠ KHÍ LUYỆN KIM THÁI NGUYÊN

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:21(GMT +7)

ThS. Nguyễn Trinh Hương
KS. Trần Thanh Thuỷ và CS
Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và thông tin về các bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng” do AUSAID tài trợ, Dự án đã tiến hành điều tra về hiện trạng ô nhiễm môi trường, điều kiện làm việc và tình hình sức khoẻ của người lao động (NLĐ) tại hai công ty trong sản xuất có liên quan đến amiăng là Công ty CP Secpentin& Phân bón Thanh Hóa và Xí nghiệp Tấm lợp thuộc Công ty CP Cơ khí luyện kim Thái Nguyên.  Sau đây là một số kết quả điều tra, đánh giá về hiện trạng môi trường và sức khoẻ NLĐ tại hai đơn vị này.

A. CÔNG TY CP SECPENTIN&PHÂN BÓN THANH HOÁ

1. Hiện trạng môi trường tại Công ty CP Secpentin&Phân bón Thanh Hóa

Công ty CP Secpentin và Phân bón Thanh Hóa (tiền thân là Mỏ Secpentin Thanh Hóa) tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá có lĩnh vực hoạt động chính là khai thác và cung cấp quặng cho các nhà máy sản xuất phân lân nung chảy và sản xuất các loại phân NPK. Quặng secpentin của Công ty có chứa 36-42% SiO2, >33 – 36% MgO, ngoài ra là các thành phần khác như Fe2O3, Al2O3, H2O, v.v., trong đó có amiăng trắng.

Trong quá trình khai thác và chế biến quặng có phát sinh bụi, hơi khí độc, tiếng ồn, rung động, v.v. Bụi phát sinh ở hầu hết các công đoạn sản xuất. Bụi chủ yếu là bụi quặng có chứa amiăng và bụi đất đá lẫn trong quặng. Các số liệu khảo sát cho thấy nồng độ bụi hô hấp và bụi sợi amiăng của các mẫu đo đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, trừ nồng độ bụi hô hấp tại khu vực đóng bao máy nghiền 2.

Bảng 1. Nồng độ bụi hô hấp và bụi amiăng tại mỏ khai thác và phân xưởng nghiền

TT

Vị trí lấy mẫu

Bụi hô hấp

[mg/m3]

Bụi amiăng

[sợi/cm3]

1

Mỏ – khu vực máy khoan đục

1,584

0

2

Mỏ – khu vực máy xúc

0

3

Mỏ – khu vực đập quặng và bốc xếp

0,419

0,021

4

Mỏ – khu vực đập quặng cuối bãi

0,006

5

Nhà máy – khu vực nạp quặng máy nghiền 1*

0,409

0,052

6

Nhà máy – khu vực đóng bao máy nghiền 1*

1,140

0

7

Nhà máy – khu vực nạp quặng máy nghiền 2

1,718

0,037

8

Nhà máy – khu vực đóng bao máy nghiền 2

6,513

0,037

TCVSLĐ 3733-2002/QĐ-BYT

2**

0,5

Ghi chú: (*) Trong thời gian lấy mẫu, máy nghiền 1 hoạt động không liên tục.

(**) Lấy cho bụi hô hấp có hàm lượng SiO2 lớn hơn 20-50%, lấy mẫu theo thời điểm (Hàm lượng SiO2 trong bụi quặng có thể tạm lấy như trong quặng là 36-42%.

Hơi khí độc chủ yếu là các loại khí phát sinh khi đốt cháy nhiên liệu (CO, CO2, SO2, NOx, VOCs) cho máy xúc và các loại phương tiện giao thông vận tải, tuy nhiên mức độ phát thải của các loại khí này không nhiều, do đó mức độ ảnh hưởng không lớn. Quá trình nổ mìn gây nhiều tác động xấu, không những đến tài nguyên môi trường, các công trình xây dựng, sức khoẻ và sinh hoạt cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến NLĐ thường ở các khu vực lân cận trong thời gian nổ mìn. Hiện nay Công ty đã thay thế nổ mìn bằng các máy búa (máy đập) đối với các vỉa nhỏ, vỉa dễ khai thác để giảm thiểu tác động do nổ mìn. Tại thời điểm khảo sát không có hoạt động nổ mìn nên Dự án không xác định được các tác động cụ thể.

Tiếng ồn và rung động phát sinh từ các máy công nghệ, các phương tiện giao thông vận tải và khi nổ mìn. Các số liệu khảo sát tiếng ồn của Dự án tại Công ty CP Secpentin& Phân bón Thanh Hoá đã cho thấy các khu vực cạnh các máy nghiền quặng có tiếng ồn rất cao, vượt TCCP từ 16dBA đến gần 20dBA (Tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT là 85dBA); trên mỏ chỉ có tại khu vực khoan tay có tiếng ồn cao, vượt TCCP 14dBA. Tất cả các giá trị rung động đo tại Công ty đều đạt TCCP.

Tại mỏ vẫn còn tồn tại một lực lượng lao động thủ công lớn, chủ yếu làm công việc nhặt và gánh những viên đá đã đạt tiêu chuẩn gom về từng đống ngay trên mỏ. Những công nhân này, ngoài việc phải chịu ảnh hưởng của những yếu tố độc hại kể trên, còn phải chịu một gánh nặng lao động lớn và những khắc nghiệt của điều kiện lao động ngoài trời. Ngoài ra, tại đây và tại khu vực đóng bao, tư thế lao động của họ có nhiều bất hợp lý như thường xuyên phải đứng, phải cúi xuống lấy bao, khênh hoặc kéo ra chỗ đổ bao, nâng lên và rũ bao. 



Sử dụng các máy búa (máy đập) để giảm thiểu tác động do nổ mìn

Cúi hoặc ngồi xổm để nạp liệu từ máy nghiền

2. Đánh giá tình hình sức khỏe bệnh tật của NLĐ – Công ty CP Secpentin và Phân bón Thanh Hóa

a. Sức khoẻ của NLĐ đánh giá thông qua hồi cứu số liệu

Phân loại sức khỏe

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Loại I

56

56

37

Loại II

181

166

106

Loại III

23

39

39

Loại IV

3

2

3

Loại V

0

0

1

Tổng

263

263

186


Bảng 2: Kết quả phân loại sức khỏe NLĐ  qua 3 năm (Đơn vị: người)

Biểu đồ 1: Kết quả phân loại sức khỏe NLĐ qua 3 năm

Kết quả phân loại sức khỏe trong 3 năm cho thấy NLĐ chủ yếu có sức khỏe loại II (loại tốt) chiếm > 50%, sau đó đến sức khỏe loại I (loại rất tốt) khoảng 20-21%. Sức khỏe loại V là loại rất yếu trong Công ty hầu như không có. Tuy nhiên, sức khỏe NLĐ trong Công ty đã có sự giảm sút. Tỷ lệ sức khỏe loại I, II giảm trong khi tỉ lệ sức khỏe loại III, IV và cả loại V tăng. Đặc biệt, năm 2009 có 1 NLĐ sức khỏe loại V trong khi năm 2007 và 2008 không có trường hợp nào.   

Biểu đồ 2: Tỉ lệ mắc bệnh của NLĐ qua kết quả khám lâm sàng

Kết quả khám lâm sàng từ năm 2007 đến năm 2009 cho thấy loại bệnh mà các cán bộ công nhân viên trong Công ty bị mắc nhiều nhất là các bệnh về mắt, tiếp đó là các bệnh về răng hàm mặt, bệnh huyết áp và các bệnh tai mũi họng. Bệnh ngoại khoa và bệnh về thần kinh mặc dù cũng có người bị mắc nhưng tỉ lệ mắc rất thấp chỉ từ 1-2%.

Biểu đồ 2 cho thấy tỷ lệ NLĐ bị mắc các bệnh ngày càng tăng. Ví dụ, các bệnh về mắt năm 2007 chỉ có 9% NLĐ khám bị mắc thì năm 2008 tăng lên 21% và năm 2009 tăng lên 23%. Hoặc các bệnh răng hàm mặt, năm 2007 mới chỉ có 3% số người đến khám bị mắc, nhưng đến năm 2008 tăng gấp hơn 4 lần lên 14% và năm 2009 tăng lên 19%. Trong tất cả các bệnh, chỉ có bệnh da liễu có tỷ lệ người bị mắc so với tổng số người đến khám trong năm 2009 giảm so với 2 năm trước, còn lại các bệnh khác năm 2009 đều có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với hai năm trước.

b. Sức khoẻ của NLĐ đánh giá thông qua điều tra xã hội học

Dự án đã tiến hành phỏng vấn 178 NLĐ, trong đó có 154 NLĐ trực tiếp tiếp xúc với bụi và 24 NLĐ gián tiếp.

Kết quả trả lời phỏng vấn về các triệu chứng bệnh mắc phải cho thấy có rất nhiều người bị mệt mỏi (65 người, chiếm 36,5 %), nhức đầu (67 người, chiếm 37,6%), sổ mũi (60 người, chiếm 33,7%) và đau họng. Tỷ lệ người bị đau họng chiếm cao nhất (48,9%). Ngoài ra các bệnh như ngạt mũi, đau dây thần kinh, ho có đờm, ho khan, đau vùng thắt lưng cũng có tỉ lệ NLĐ mắc cao (chiếm từ 20-30% số người được phỏng vấn), v.v.

Số lượng lao động bị mắc các bệnh mãn tính ghi trong Bảng 3. Các bệnh bị mắc nhiều là bệnh hô hấp, tiêu hóa và tim mạch, là những bệnh có liên quan nhiều đến ô nhiễm môi trường.

Bảng 3: Số lượng lao động bị mắc các bệnh mãn tính

TT

Bệnh và triệu chứng bệnh

Số người mắc

1

Bệnh về hô hấp (Ho có đờm hoặc trong đờm có máu)

10

2

Bệnh về tiêu hóa (Đau dạ dày, tá tràng, viêm đại tràng mãn tính)

10

3

Bệnh về tim mạch (Cao huyết áp, bệnh tim mãn tính)

6

4

Bệnh về thần kinh

0

5

Bệnh về tiết niệu (Nhiễm trùng tiết niệu, viêm thận mãn tính)

4

6

Bệnh về nội tiết (Bướu cổ, đái đường, gút)

5

7

Các bệnh khối u (U lành tính)

2

8

Bệnh về máu (Thiếu máu)

1

9

Bệnh sinh dục

0

10

Khác

0

Trong 5 qua đã có 56 người trong số những người phỏng vấn phải đến bệnh viện khám và điều trị một số bệnh như bệnh tiêu hóa; bệnh về tai mũi họng; bệnh về mắt; bệnh về thần kinh; bệnh về xương khớp; bệnh phụ khoa và một số tổn thương khác,…Trong số 56 người đến khám bệnh thì có 26 người phải nằm viện, chủ yếu là bệnh viện huyện và bệnh viện thành phố. Thời gian nằm viện tương đối lâu, người ít nhất khoảng 8 ngày, người nhiều nhất là 2 tháng.

3. Phương án hút lọc bụi cho máy nghiền quặng Secpentin

Để xử lý ô nhiễm bụi máy nghiền quặng Secpentin, nhà máy đã lắp đặt một hệ thống hút và lọc bụi tại 2 máy nghiền bi. Chụp hút được bố trí tại 2 vị trí cấp và xả liệu của mỗi máy nghiền. Hệ thống lọc bụi được thiết kế và lắp đặt là thiết bị lọc bụi 2 cấp. Thiết bị lọc cấp 1 là loại xiclon chùm gồm 4 chiếc, mỗi chiếc đường kính D450mm. Thiết bị lọc bụi cấp 2 là buồng phun rỗng. Lưu lượng xử lý của hệ thống là 4000-5000m3/h.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số đường ống hút bụi đã bị thủng dẫn đến hiệu quả hút bụi giảm. Thiết bị lọc bụi cấp 1 không có van xả bụi tại đáy của buồng lắng bụi dẫn đến làm giảm hiệu quả lọc bụi do ảnh hưởng của các dòng khí rò rỉ qua buồng lắng. Thiết bị lọc bụi ướt cấp 2 hiện nay không còn tác dụng lọc vì hệ thống cấp nước không hoạt động. Vì vậy hiệu quả thu bắt và lọc bụi của hệ thống giảm xuống gây ảnh hưởng đến NLĐ và làm ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.

Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động đề xuất phương án cải tạo nâng cao hiệu quả thu bắt và lọc bụi như sau:

Tổ chức làm vệ sinh đường ống hút, hàn gắn làm kín tại những vị trí như mặt bích, những chỗ thủng trên đường ống để ngăn rò rỉ. Làm vệ sinh và bảo dưỡng toàn bộ quạt và thiết bị lọc bụi. Đối với thiết bị lọc bụi cấp1, chế tạo và lắp bổ sung van xả bụi tự động liên tục kiểu van sao 5 cánh. Van xả bụi được điều khiển bởi động cơ giảm tốc có tốc độ hoạt động 30 vòng/phút, công suất 0,75kw. Phục hồi và sửa chữa thiết bị lọc bụi cấp 2 bao gồm sửa chữa hệ thống cấp nước, làm vệ sinh bể tuần hoàn, hệ thống ống cấp và thoát nước. (Xem bản vẽ)

Thông số kỹ thuật chính của hệ thống:

–         Lưu lượng hút:                 4500-5000 m3/h

–         Áp suất quạt hút:             200-250 mm H2O

–         Công suất động cơ:        5,5 kw

–         Tốc độ quay động cơ:    2850 vòng/phút

–         Kiểu thiết bị lọc:   Lọc bụi 2 cấp

Cấp 1: chùm 4 xiclon khô D450

Cấp 2: Buồng phun rỗng kích thước 900*900 mm

–         Hiệu suất lọc:                   95%

B. XÍ NGHIỆP TẤM LỢP – CÔNG TY CP CƠ KHÍ LUYỆN KIM THÁI NGUYÊN

Xí nghiệp Tấm lợp thuộc Công ty CP Cơ khí Luyện kim Thái Nguyên, có công suất 5,4 triệu m2/năm. Xí nghiệp đã nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải xử lý triệt để ô nhiễm trong giai đoạn 2003-2006. Trong những năm vừa qua, Xí nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới đi kèm các hệ thống xử lý chất thải (khí, nước và chất thải rắn) nên môi trường lao động đã được cải thiện rất nhiều, tuy nhiên khu vực máy nghiền tái chế phế liệu vẫn là công nghệ cũ, gây bụi (trong đó có amiăng) và tiếng ồn rất lớn.

1. Hiện trạng môi trường tại Xí nghiệp Tấm lợp

Trong sản xuất tấm lợp AC, bụi chủ yếu phát sinh từ các công đoạn xé bao, nghiền trộn và vận chuyển. Bụi chủ yếu là bụi amiăng, xi măng và bột giấy. Các mẫu bụi được lấy tại các khu vực làm việc của dây chuyền mới (trừ khu vực nghiền phế liệu), tuy nhiên tại khu vực nghiền sợi amiăng nguyên liệu và phối trộn, nồng độ bụi hô hấp vẫn vượt TCCP. Đối với bụi sợi amăng, chỉ có tại khu vực nghiền phế liệu có giá trị vượt TCCP. Công ty CP Cơ khí luyện kim Thái Nguyên cần có ngay giải pháp xử lý bụi tại khu vực này để đảm bảo sức khỏe NLĐ.

Bảng 4. Nồng độ bụi hô hấp và bụi amiăng tại Xí nghiệp tấm lợp

TT

Vị trí lấy mẫu

Bụi hô hấp

[mg/m3]

Bụi amiăng

[sợi/cm3]

1

Khu vực nghiền sợi amiăng nguyên liệu

3,264

0,058

2

Khu vực nghiền giấy ướt

0,222

3

Khu vực phối trộn

2,598

0,202

4

Khu vực ép tấm

1,231

0,123

5

Khu vực nghiền phế liệu

5,806

0,728

TCVSLĐ 3733-2002/QĐ-BYT

2*

0,5

            Ghi chú: (*) Đối với bụi xi măng, than, đá vôi

Các số liệu khảo sát tiếng ồn của Dự án tại Xí nghiệp sản xuất tấm lợp thuộc Công ty CP Cơ khí luyện kim Thái Nguyên cho thấy, tại hầu hết các vị trí bên trong phân xưởng sản xuất đều có mức tiếng ồn cao hơn TCCP, đặc biệt các khu vực cạnh các máy nghiền. Đáng kể nhất là khu vực nghiền phế liệu khi máy nghiền tinh hoạt động có mức áp âm tương đương vượt TCCP hơn 10dBA, các khu vực khác vượt khoảng từ 1dBA đến 6dBA.

Các kết quả đo rung động cũng cho thấy tại một số vị trí của Xí nghiệp tấm lợp, giá trị rung động do các máy tĩnh tại vượt khá cao so với TCCP  như: khu vực nghiền phế liệu, khu vực máy nghiền thuỷ lực, v.v.

Ngoài ra, tại khu vực nạp liệu, dưỡng hộ và tạo sóng, tư thế lao động của NLĐ có nhiều bất hợp lý như thường xuyên phải đứng, phải cúi xuống lấy bao hoặc nâng tấm lợp, khênh hoặc kéo ra chỗ đổ bao, nâng lên và rũ bao. 

Bụi nhiều và tiếng ồn cao phát sinh từ máy nghiền phế liệu

Cúi người và nhấc tấm lợp

2. Đánh giá tình hình sức khỏe bệnh tật của NLĐ của Xí nghiệp Tấm lợp

a. Sức khoẻ của NLĐ đánh giá thông qua hồi cứu số liệu

Dự án đã tiến hành hồi cứu số liệu về tình hình sức khoẻ của NLĐ làm việc tại Xí nghiệp Tấm lợp trong 2 năm 2008 và 2009. Kết loại phân loại sức khoẻ theo tiêu chí đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ NLĐ có sức khoẻ loại II (loại tốt) luôn cao nhất trong cả 2 năm, sau đó là loại III (loại trung bình); vẫn còn NLĐ có sức khoẻ loại IV (loại yếu) và loại V (rất yếu). Đặc biệt nếu so sánh trong 2 năm 2008 và 2009, sức khoẻ NLĐ có xu thế kém đi, số lượng NLĐ có sức khoẻ loại I (loại rất tốt) và loại II giảm đi rõ rệt, trong khi số lượng NLĐ có sức khoẻ loại IV và loại V lại tăng lên.

Bảng 5: Kết quả phân loại sức khỏe NLĐ qua 2 năm (Đơn vị: người)

Phân loại sức khỏe

Năm 2008

Năm 2009

 

Số lượng

Tỷ lệ %

Số lượng

Tỷ lệ %

Loại I

54

15,6

19

5,5

Loại II

192

56,3

157

45,4

Loại III

90

26,4

141

40,7

Loại IV

01

0,3

18

5,2

Loại V

04

1,2

11

3,2

Tổng

341

100

346

100

Kết quả điều tra về bệnh nghề nghiệp cho thấy đến cuối năm 2008, tổng số lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp đang làm tại Xí nghiệp là 5 người, đều là nam giới. Tuy nhiên tỷ lệ suy giảm sức khoẻ do mắc bệnh nghề nghiệp đều dưới 31% và chưa phải nghỉ ngày công lao động nào. Năm 2009, số người bị mắc bệnh nghề nghiệp làm tại Xí nghiệp giảm còn 2 người và cũng chưa phải nghỉ ngày công lao động nào vì bệnh nghề nghiệp.

b. Sức khoẻ của NLĐ đánh giá thông qua điều tra xã hội học

Dự án đã tiến hành phỏng vấn 282 NLĐ trong tổng số 392 NLĐ của cả Xí nghiệp. Kết quả trả lời phỏng vấn về các triệu chứng bệnh mắc phải cho thấy có rất nhiều người bị mệt mỏi (93 người, chiếm 33%), đau thắt lưng (71 người, chiếm 25,2%), nhức đầu (67 người, chiếm 23,8%), đau họng (63 người, chiếm 22,3%), sổ mũi (54 người, chiếm 19,1%), bệnh ngoài da (51 người, chiếm 18,1%), v.v. Ngoài ra là các triệu chứng như đau trong các khớp, đau dây thần kinh, mất ngủ, chóng mặt, đau mắt, ù tai, v.v cũng có tỉ lệ NLĐ mắc tương đối cao (chiếm từ 8-13% số người được phỏng vấn), v.v.

Số lượng lao động bị mắc các bệnh mãn tính ghi trong Bảng 6. Các bệnh bị mắc nhiều là bệnh hô hấp và tiêu hóa, là những bệnh có liên quan nhiều đến ô nhiễm môi trường.

Bảng 6: Số lượng lao động bị mắc các bệnh mãn tính

TT

Bệnh và triệu chứng bệnh

Số người mắc

1

Bệnh về hô hấp (Ho có đờm hoặc trong đờm có máu)

11

2

Bệnh về tiêu hóa (Đau dạ dày, tá tràng, ký sinh trùng đường ruột, viêm đại tràng mãn tính)

19

3

Bệnh về tim mạch (Cao huyết áp, bệnh tuần hoàn mãn tính khác)

4

4

Bệnh về thần kinh

0

5

Bệnh về tiết niệu (Nhiễm trùng tiết niệu, viêm thận mãn tính)

0

6

Bệnh về nội tiết (Bướu cổ, đái đường)

8

7

Các bệnh khối u (U lành tính)

5

8

Bệnh về máu (Thiếu máu)

7

9

Bệnh sinh dục

0

10

Khác

0

Trong 5 qua đã có khoảng 71 người phải đến bệnh viện khám và điều trị một số bệnh như các bệnh tiêu hóa; bệnh tai mũi họng; bệnh về mắt; bệnh về thần kinh; bệnh về xương khớp; bệnh phụ khoa và một số tổn thương khác,… Trong số 71 người đến khám bệnh thì có 41 người phải nằm viện, chủ yếu là bệnh viện huyện và bệnh viện thành phố. Thời gian nằm viện tương đối lâu, người ít nhất khoảng 5 ngày, người nhiều nhất là hơn 2 tháng.

3. Phương án hút lọc bụi cho máy nghiền tấm lợp phế liệu

Khu vực nghiền các tấm phế liệu phát sinh rất nhiều bụi do máy sử dụng máy nghiền búa không có kết cấu bao che và chụp hút bụi. Vì vậy để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động đề xuất giải pháp bố trí chụp hút bụi và thiết bị lọc bụi kiểu túi vải để giảm thiểu nồng độ bụi tại khu vực này.

Chụp hút được bố trí phía trên của phễu cấp liệu máy nghiền. Bụi sinh ra trong quá trình làm việc của máy nghiền thoát ra ngoài qua cửa cấp liệu sẽ đi vào chụp hút, qua ống dẫn tới thiết bị lọc bụi. Chụp hút được treo ở vị trí thích hợp không làm ảnh hưởng đến thao tác của người lao động. Thiết bị lọc bụi túi vải di động có 2 túi đường kính 600mm, cao 2000mm. Hỗn hợp không khí và bụi đi vào cửa hút của quạt và chuyển động xoáy đi qua hai túi vải bố trí đối xứng hai bên quạt hút, không khí sạch lọt qua các lỗ trên bề mặt túi vải và đi ra ngoài. Bụi được giữ lại trong các túi. Bụi được tháo ra khỏi túi theo định kỳ phụ thuộc vào nồng độ bụi.

Qua một thời gian lọc, lượng bụi bám lại bên trong nhiều, khi đó hiệu quả lọc bụi cao đạt 95 ÷ 99% nhưng trở lực khi đó lớn Δp = 100 ÷ 120 mmH2O, nên sau một thời gian làm việc phải định kỳ rũ bụi bằng tay để tránh nghẽn dòng gió đi qua thiết bị. Vào những ngày không khí có độ ẩm cao, cần phải vệ sinh túi thường xuyên hơn do bụi ẩm bám dính trên bề mặt túi làm tăng trở lực. (Xem bản vẽ)

Thông số kỹ thuật chính của thiết bị:

–         Lưu lượng hút:                 1200-1500 m3/h

–         Áp suất quạt hút:             180-200 mm H2O

–         Công suất động cơ:        2,2 kw

–         Tốc độ quay động cơ:    2850 vòng/phút

–         Kiểu thiết bị lọc:   Túi vải di động loại 2 túi, kích thước túi D*H=600*2000

–         Trở lực túi vải:                 80-120 mm H2O

–         Hiệu suất lọc:                   99,9%

Ưu điểm của phương án: Di động, dễ lắp đặt, hiệu quả lọc bụi cao, chi phí đầu tư thấp

Nhược điểm: Phải thường xuyên vệ sinh túi lọc, trở lực túi khá lớn, sau một thời gian sử dụng (khoảng 2 năm) phải thay túi lọc.

́t luận

Mặc dù đã có những cố gắng trong việc cải thiện điều kiện làm việc nhưng tại 2 công ty mà Dự án khảo sát vẫn còn một số vị trí làm việc bị ô nhiễm bởi bụi và tiếng ồn như khu vực cạnh các máy nghiền quặng và nguyên liệu sản xuất tấm lợp. Đặc biệt tại khu vực nghiền phế liệu tại Xí nghiệp tấm lợp, ngoài bụi hô hấp chung và tiếng ồn vượt TCCP, tại đây còn có nồng độ sợi amiăng cao hơn 1,4 lần TCCP. Ô nhiễm môi trường đã phần nào tác động đến sức khoẻ NLĐ, khiến một số bệnh có liên quan đến ô nhiễm như bệnh đường hô hấp, tiêu hoá, tim mạch, v.v, có tỷ lệ mắc cao hơn so với những bệnh khác. Các doanh nghiệp cần phải có các biện pháp tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường lao động, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ NLĐ.


(Nguồn tin: )