Một số vấn đề về môi trường trong chế biến thủy sản ở nước ta hiện nay

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:21(GMT +7)

Ngô Quang Tú
TP. Chế biến, bảo quản Thủy sản Bộ NN và PTNT

       Ngành thủy sản Việt Nam có một vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp cho GDP cả nước khoảng 4%. Trong cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 20 – 22% tỷ trọng. Việt Nam đã đứng vào Top 10 nước xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới. Năm 2012 đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,1 tỉ USD. Để đạt được kết quả trên, ngoài việc phát triển nuôi trồng và khai thác tự nhiên thuỷ sản, trong lĩnh vực chế biến cũng đã phát triển về cả số lượng và quy mô sản xuất. Tính đến năm 2012 trên toàn quốc đã có 570 cơ sở chế biến thuỷ sản với quy mô công nghiệp và hàng nghìn cơ sở chế biến gia công nhỏ lẻ, thủ công hộ gia đình với công suất chế biến khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm /năm.

        Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và quy mô sản xuất đã ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường và đời sống người dân xung quanh các cơ sở chế biến thuỷ sản (CBTS) là điều không thể tránh khỏi. Sản xuất càng phát triển tự phát, thiếu chiều sâu thì áp lực về vấn đề ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng cao, đòi hỏi trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, nhà quản lý ngày càng lớn.

Trong quá trình sản xuất, hàng năm, CBTS sử dụng khoảng 4 triệu tấn nguyên liệu, hàng chục triệu m3 nước và hàng nghìn tấn hoá chất tẩy rửa, khử trùng, môi chất lạnh,… với khối lượng chất thải rất lớn, đặc biệt là nước thải hữu cơ.

Qua kết quả điều tra thực trạng môi trường các cơ sở CBTS trên phạm vi toàn quốc năm 2011 của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối – Bộ NN và PTNT, có thể nhận xét về hiện trạng môi trường trong các cơ sở CBTS hiện nay như sau:

Một là, phát triển sản xuất đã đi đôi với quản lý môi trường

Trong quá trình phát triển, nhìn chung, công nghiệp CBTS trong cả nước đã gắn với công tác bảo vệ môi trường, nhất là từ khi Luật Môi trường ra đời vào năm 2005. Điều này được thể hiện với tỷ lệ 95,77% số cơ sở CBTS đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường/hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 75,87% áp dụng QCVN 11: 2008/BTNMT; gần 50% DN áp dụng các QCVN, TCVN về khí thải; 52,24% áp dụng SXSH, 13 cơ sở tiên phong trong việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường ISO 14001: 2004.

Hai là, hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải) được quan tâm đầu tư, nhưng chưa hoàn chỉnh về công nghệ nên kết quả chưa thật tốt

Đến thời điểm năm 2011 có 84,08% cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải; Về công nghệ xử lý nước thải: có 240 cơ sở ứng dụng phương pháp kết hợp (Cơ học + Hóa lý + Sinh học) là phương pháp đạt hiệu quả xử lý cao hiện nay. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải còn chưa hoàn chỉnh: vẫn còn 15,92% chưa có hệ thống xử lý nước thải; 29% chưa áp quy trình công nghệ xử lý nước thải kiểu kết hợp (Cơ học + Hóa lý + Sinh học). Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải còn hạn chế (khó vận hành, thời gian xử lý dài…), công nghệ xử lý nước thải phức tạp, chưa được nghiên cứu riêng phù hợp cho từng loại hình CBTS.

Trong số các thiết bị xử lý khí thải được điều tra mà các cơ sở đang sử dụng có ảnh hưởng đến môi trường, có 70,52% số thiết bị không có bộ phận xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường; số còn lại 29,48% thiết bị có bộ phận xử lý khí thải, nhưng hầu như không được thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng, cho nên kém hiệu quả, tác dụng rất ít.

Kết quả phân tích nước thải và khí thải sau xử lý tuy có kết quả đạt cao nhưng vẫn còn tỷ lệ lớn chưa đạt yêu cầu cụ thể là: kết quả phân tích nước thải các cơ sở CBTS theo QCVN 11: 2008 bao gồm 9 chỉ tiêu (pH, BOD5,CO, TSS, Amoni, Nitơ tổng, Dầu mỡ, Clo dư, Coliform) và kết quả phân tích khí thải các cơ sở CBTS với 7 chỉ tiêu (bụi, SO2, CO, NO2, SO3, NH3, H2S) theo TCVN 5939:2005 (tương ứng QCVN 19: 2009) cho thấy mức ô nhiễm của các loại hình chế biến là khác nhau, ô nhiễm mức cao tập trung ở các cơ sở bột cá, đông lạnh, chế biến tổng hợp và hàng khô các cơ sở nước mắm và hàng khô sơ chế mức ô nhiễm rất thấp và chấp nhận được.

Kết quả phân tích nước thải và khí thải sau xử lý cũng cho thấy, tuy tỷ lệ số doanh nghiệp có giá trị C đạt mức Ê A và mức B gần 79% đối với nước thải và 80 % đối với khí thải, nhưng tỷ lệ số doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu vẫn còn cao với mức >A và B là 21 % đối với nước thải và 20 % đối với khí thải. Điều đó chứng tỏ rằng công nghệ xử lý nước thải vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực tế hoặc doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành đối với hệ thống xử lý hiện có.

Ba là, chất thải nguy hại tồn đọng ngày càng nhiều trong cơ sở CBTS, việc sử dụng chất tẩy rửa khử trùng trong CBTS ngày càng tăng

Tổng cộng hàng năm lượng chất thải nguy hại bình quân khoảng 500 tấn/năm; nhưng hiện nay các cơ sở đang tồn đọng số lượng ngày càng lớn hơn (hàng nghìn tấn) chưa được bảo quản, xử lý; vì nhiều địa phương chưa có cơ quan thu gom và xử lý chất thải nguy hại.

Tổng số chất tẩy rửa và khử trùng của các cơ sở CBTS sử dụng hàng năm là 5.475.063 kg; lượng sử dụng trung bình của một cơ sở là 13.619 kg/năm (so với năm 2007, tổng lượng sử dụng hàng năm đã tăng lên 2,45 lần); lượng sử dụng của một cơ sở tăng lên 1,9 lần. Đây cũng là một yếu tố góp phần tăng mức độ ô nhiễm của nước thải của các cơ sở CBTS.

– Các cơ sở CBTS vẫn còn sử dụng nhiều môi chất lạnh HCFC mà Việt Nam cần có kế hoạch giảm dần và không còn được sử dụng vào năm 2030.

Bốn là, chi phí môi trường chiếm tỷ lệ tương đối cao  trong giá thành sản phẩm

Qua khảo sát cho thấy chi phí cho hệ thống xử lý nước thải cao, đắt đỏ, cụ thể: Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt mức A  (theo QCVN 11: 2008) từ 10-15 triệu đồng/m3 (mức B từ 7-10 triệu đồng/m3); sơ bộ tính toán, chi phí cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải chiếm 4-6% tổng chi phí xây dựng 1 cơ sở chế biến thủy sản (đông lạnh, tổng hợp, bột cá).

Khi đi vào hoạt động chi phí vận hành cho xử lý nước thải từ 2.000đ/m3 – 3.500 đ/m3. Tất cả các chi phí có liên quan đến môi trường được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Hiện chi phí này khoảng 100.000 đồng đến trên 500.000 đồng/tấn sản phẩm. Trong cơ chế cạnh tranh như hiện nay thì rõ ràng để giảm giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp đều tính đến việc phải giảm chi phí về môi trường.

Năm là, đội ngũ cán bộ môi trường ở cơ sở bước đầu đáp ứng được công tác quản lý môi trường, nhưng cần phải phát triển mạnh hơn

Đến thời điểm năm 2011 có 73,38% cơ sở CBTS có cán bộ quản lý về MT, trong đó 31% cán bộ chuyên trách, 69% cán bộ kiêm nhiệm. Trình độ cán bộ quản lý môi trường có 0,34% thạc sỹ về môi trường; 19,66% kỹ sư môi trường; 10,51% cao đẳng MT; 6,1% trung cấp môi trường;18,99% có chứng chỉ môi trường; 44,41%  đại học ngành khác. Như vậy, đội ngũ cán bộ môi trường tại cơ sở sản xuất ngày càng lớn mạnh, bước đầu đáp ứng được công tác quản lý môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn 26,61% số cơ sở CBTS chưa có cán bộ quản lý môi trường chuyên trách. Đây là vấn đề mà các cơ sở cần phải quan tâm.

Sáu là, ý thức chấp hành các quy định về môi trường của cơ sở CBTS chưa cao, các vi phạm có chiều hướng gia tăng

Nhiều cơ sở CBTS ý thức tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao; chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, chưa có kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường; chưa thực sự hợp tác với cơ quan nhà nước khi làm nhiệm vụ. Điều này được thể hiện qua kết quả giám sát, thanh tra 402 cơ sở (giai đoạn 2008-2011) thì có là 211 lần vi phạm về môi trường, nhiều nhất là vi phạm về nước thải 108 lần (51,18%), khí thải 13 lần (6,16%); chất thải nguy hại 14 lần (6,64%), vi phạm khác 76 lần (36,02%); số lần vi phạm ngày càng tăng theo thời gian (năm sau cao hơn năm trước). Còn kết quả giám sát, thanh tra 1.015 cơ sở CBTS (giai đoạn 2008-2011) trong toàn quốc có 571 lần xử lý vi phạm, trong đó nhắc nhở 354 lần (tỷ lệ 62%), cảnh cáo 56 lần (tỷ lệ 9,81%), phạt tiền 149 lần (tỷ lệ 26,09%), tạm đình chỉ sản xuất 12 lần (tỷ lệ 2,1%).

Có thể thấy mức độ vi phạm nặng có chiều hướng gia tăng, thậm chí có cơ sở phải áp dụng biện pháp tạm đình chỉ sản xuất.

Bảy là, còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ môi trường hiện nay tại các cơ sở CBTS

Trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp CBTS hiện nay thường gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chính trong đó: 42,29%  số cơ sở khó khăn về tài chính; 20,15% về mặt bằng; 18,91% về công nghệ; 14,43% về nhân lực và có 8,96% số cơ sở vướng mắc về thực thi pháp luật ; 2,74% khác.

Để các cơ sở CBTS tuân thủ pháp luật môi trường, rõ ràng Nhà nước cần có chính sách phù hợp giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên.


Phân loại sản phẩm đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu.

Từ kết quả điều tra, chúng tôi đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian tới tại các cơ sở CBTS như sau:

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đặc thù về môi trường CBTS

Các cơ sở CBTS nằm ngoài hoặc trong các KCN đều áp dụng QCVN 11:2008/BTNMT về nước thải công nghiệp chế biến thuỷ sản, thay vì áp dụng QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp. Sửa đổi QCVN 11:2008/BTNMT cho phù hợp hơn  và tương đồng với tiêu chuẩn các nước trong khu vực; cụ thể giữ nguyên 9 chỉ tiêu đặc thù (pH, BOD5,CO, TSS, Amoni, Nitơ tổng, Dầu mỡ, Clo dư, Coliform); không nên đưa thêm chỉ tiêu tổng phốt pho.

Cần xây dựng, ban hành QCVN về khí thải các cơ sở chế biến bột cá, cơ sở hàng khô; thay vì phải áp dụng các QC (QCVN 19:2009/BTNMT; QCVN 20:2009/BTNMT; QCVN 05:2009/BTNMT; QCVN 06:2009/BTNMT; QCVN 26:2010/BTNMT) với hàng chục chỉ tiêu, cần xây dựng, ban hành QCVN về khí thải các CS chế biến thủy sản theo hướng giảm bớt các chỉ tiêu, chẳng hạn chỉ nên 07 chỉ tiêu đặc thù (bụi, NH3, H2S, SO2, CO, NO2, SO3,). Bên cạnh đó cần xây dựng mới QCVN về quản lý chất thải nguy hại.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

Các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp tốt hơn nữa trong công tác quản lý môi trường chế biến thủy sản; nhất là nâng cao sự phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT (Vụ KHCN&MT, Tổng cục Thủy sản, Cục CBTMNLTS & Nghề muối …) với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường (Tổng cục Môi trường, Cục kiểm soát ô nhiễm, Vụ KH&CN, Vụ pháp chế…); Cục CSMT (Bộ Công An) kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính và đất đai, tập trung vào việc: Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ sở CBTS, nhất là đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo hướng hiện đại. Dành riêng nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải (nước thải, khí thải) với thời gian cho vay dài hạn, mức lãi thấp (hoặc không tính lãi). 

Đối với các cơ sở CBTS (độc lập) nằm ngoài Khu công nghiệp, Khu CBTS tập trung được thành lập trước khi có luật bảo vệ môi trường ra đời (2005), Nhà nước cần ưu tiên cấp thêm đất để cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải; đồng thời giải quyết hợp lý một số tranh chấp đất đai giữa cơ sở với tổ chức/cá nhân khác hoặc cấp kinh phí di dời vào khu tập trung.

4. Giải pháp về quy hoạch

Nhà nước cần tập trung các cơ sở CBTS vào một khu vực riêng (khu chế biến thủy sản; ví dụ như Khu Tắc Cậu – Kiên Giang, Khu Thọ Quang – Đà Nẵng…) để dễ quản lý về môi trường, nhất là việc áp dụng các QCVN,TCVN; đồng thời hệ thống xử lý nước thải chung của Khu CBTS thuận lợi hơn trong việc kiểm soát các chỉ tiêu đặc thù dành riêng cho cơ sở chế biến thủy sản.

– Nhà nước cũng cần quy hoạch, đầu tư, xây dựng thêm các cơ sở thu gom, xử lý chất thải nguy hại tại các địa phương, địa bàn, khu công nghiệp… phù hợp để giúp các cơ sở CBTS xử lý dứt điểm chất thải nguy hại, không để tồn đọng lâu dài.

5. Các giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo

Cần nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh hơn nước thải chế biến thủy sản phù hợp từng loại hình (nhất là nước thải cơ sở chế biến cá tra, surimi..) với giá thành hợp lý, thuận lợi trong sử dụng; đây là một trong những cơ sở để rút ngắn thời gian xử lý nước thải; nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải phù hợp hơn cho từng loại hình chế biến nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải; nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị lọc khí thải cho cơ sở chế biến bột cá, cơ sở hàng thủy sản khô (nguyên tắc tháo rời để thuận lợi trong việc bảo dưỡng thay thế). Bên cạnh đó cần nâng cao trình độ KHKT cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường cơ sở.

6. Giải pháp về giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

Cần tăng cường nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ tổ chức/cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là các cơ sở CBTS để từng cơ sở tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường để phát triển sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế một cách bền vững.

Chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho nhân dân địa phương theo dõi giám sát việc xả thải của các cơ sở sản xuất, nếu phát hiện cơ sở nào xả nước thải chưa xử lý ra môi trường kịp thời thông báo đến cơ quan quản lý môi trường. Các biện pháp tuyên truyền bảo vệ môi trường (tờ rơi, báo chí, truyền thông…) cũng cần được đa dạng hóa cho phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ.

7. Các giải pháp đối với cơ sở CBTS

Đối với hệ thống xử lý nước thải:

Các cơ sở đông lạnh, hàng khô, tổng hợp, bột cá cần tiến hành xây mới hoặc nâng cấp, sữa chữa, mở rộng trên nguyên tắc áp dụng công nghệ xử lý nước thải kết hợp (cơ học – hóa lý – vi sinh); trong đó bắt buộc có 5 công đoạn quan trọng nhất là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng.

Các cơ sở chế biến nước mắm và cơ sở hàng khô sơ chế (mua bán thành phẩm về chế biến): do quy trình chế biến không tạo ra nước thải ô nhiễm, nên hệ thống XLNT chỉ cần áp dụng phương pháp cơ học (nghiã là sau khi tách rác có bể lắng lọc) là được.

Đối với hệ thống xử lý khí thải:

Các cơ sở CBTS, nhất là cơ sở bột cá, hàng khô (có thiết bị sấy): phải lắp đặt bộ phận xử lý khí thải trước khi xả ra môi trường.

Các thiết bị đã có bộ phận xử lý khí thải phải được thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng, để nâng cao hiệu quả xử lý.

Đối với lĩnh vực CBTS, lợi ích kinh tế lớn nhất do áp dụng sản xuất sạch hơn mang lại là giảm lượng tiêu thụ điện năng và nước (cả nước đá) trên một đơn vị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tối ưu hoá các quá trình sản xuất sẽ tiết kiệm được nguyên liệu và tiêu thụ nước; đây là yếu tố cơ bản làm giảm lượng lớn nước thải và tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải, giảm các chi phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Hạn chế sử dụng chất tẩy rửa khử trùng, dùng biện pháp khác thay thế chất tẩy rửa khủ trùng như điện, ozon, nước nóng, các chất thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với ý thức bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng xã hội là cần thiết; tuy nhiên, hiện tại chỉ mới 3,23% cơ sở CBTS được cấp chứng chỉ ISO 14001:2004. Các cơ sở cần chủ động và đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn này. Nhằm đạt được mục tiêu của Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã xác định: “… Đến năm 2020:80% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001…”.

KẾT LUẬN

Thực trạng môi trường các cơ sở chế biến thủy sản giai đoạn 2008-2012 có nhiều mặt tích cực: Các cơ sở CBTS đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường: Phát triển sản xuất đi đôi với áp dụng hệ thống quản lý môi trường; Hệ thống xử lý chất thải được quan tâm đầu tư, công nghệ xử lý nước thải tương đối phù hợp; đội ngũ cán bộ môi trường cơ sở bước đầu đáp ứng được công tác quản lý môi trường; chi phí cho môi trường chiếm tỷ lệ trong giá thành sản phẩm; thực hiện quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Chính phủ đạt kết quả cao; nhiều cơ sở có định hướng tốt trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, môi trường các cơ sở CBTS còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết: ÔNMT của các loại hình chế biến là khác nhau, ô nhiễm cao tập trung một số loại hình (bột cá, đông lạnh, tổng hợp và hàng khô);  hệ thống xử lý nước thải, khí thải còn chưa hoàn chỉnh, chi phí cao; chất thải nguy hại tồn đọng ngày càng nhiều; sử dụng chất tẩy rửa khử trùng ngày ngày càng tăng; áp dụng hệ thống quản lý môi trường còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn đặc thù cho CBTS còn chưa hoàn thiện; ý thức chấp hành các quy định về môi trường chưa cao, vi phạm của các cơ sở CBTS ngày càng tăng; Hoạt động hỗ trợ về môi trường cho các cơ sở CBTS chưa nhiều. 

    Để giảm thiểu ÔNMT trong thời gian tới cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý Nhà nước, về chính sách, về quy hoạch, về khoa học – công nghệ và đào tạo, về nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và nhất là các giải pháp tại các cơ sở chế biến thủy sản. Đây cũng chính là yêu cầu và đòi hỏi khách quan trong phát triển bền vững ngành chế biến thủy sản, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH đất nước.

(Theo TC BHLĐ tháng 11/2013)


(Nguồn tin: )