Một vài bàn luận về vấn đề ô nhiễm môi trường lao động và các thiệt hại kinh tế liên quan đến sức khỏe người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:23(GMT +7)

Với sự phát triển kinh tế, quá trình sản xuất tạo ra nhiều chất thải hơn và với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp còn khiêm tốn nên ô nhiễm MTLĐ tất yếu xảy ra tại các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi của cộng đồng và sức khỏe của người lao động (SKNLĐ). Việc tính toán thiệt hại SKNLĐ do ô nhiễm không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là bài toán quản lý vì nó cung cấp thông tin đầu vào cho nhiều ứng dụng quản lý khác nhau như (i) đền bù thiệt hại người lao động (ii) đầu tư giảm thiểu ô nhiễm để giảm rủi ro thiệt hại (iii) xây dựng các chương trình phòng ngừa ô nhiễm cho doanh nghiệp (iv) điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội và (v) hoàn thiện chính sách doanh nghiệp đối với người lao động khi có ô nhiễm xảy ra. Nhóm tác giả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện một phần phương pháp lượng giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường lao động” mã số 214/05/VBH đã lựa chọn việc hoàn thiện lượng hóa các thiệt hại kinh tế liên quan đến sức khỏe người lao động do ô nhiễm môi trường lao động là cấp thiết và mang tính thực tế.

Trên thế giới đã có rất nhiều những nghiên cứu để đánh giá những thiệt hại kinh tế đến sức khỏe con người. Tổ chức y tế thế giới (WHO), Mỹ, Ai Cập, Trung Quốc hay Thái Lan sử dụng những phương pháp lượng giá thiệt hại kinh tế  như sự sẵn lòng chi trả (WTP = Willing to pay); sẵn lòng chấp nhận (WTA = Willing to accept) hay Chi phí của bệnh tật (COI = cost of illness) để tính toán thiệt hại cho số năm điều chỉnh cuộc sống-khuyết tật (DALY = Disability – Adjusted Life Years). Đây là một cách tiếp cận phi tài chính, họ đặt giá trị bằng tiền cho 1 năm cuộc sống của con người và những đau đớn, đau khổ và tử vong sớm cũng được xem xét đến. Một phương pháp tiếp cận khác cũng được rất nhiều các nhà nghiên cứu ở các nước trên thế giới xem xét đến đó là phương pháp tính toán, lượng giá dựa trên những tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe là chính. Ví dụ như: Chi phí cho các loại bệnh tật do công việc ở Úc, Tây Ban Nha; gánh nặng kinh tế của bệnh hen suyễn nghề nghiệp tại Châu Âu; Chi phí y tế cho mười bốn bệnh nghề nghiệp tại Hoa Kỳ. Họ đánh giá, xem xét dựa trên việc những Chi phí của một trường hợp sau khi nó đã xảy ra, ước tính các Chi phí ảnh hưởng đến các chủ thể kinh tế chính của xự việc. Những nghiên cứu này thường dựa trên các dữ liệu Chi phí y tế quốc gia, hay những Chi phí trung bình liên quan đến từng loại bệnh tật. Những nghiên cứu này cũng xem xét những Chi phí trực tiếp và Chi phí gián tiếp (Chi phí suy giảm chất lượng cuộc sống, Chi phí đau đớn và đau khổ). Tuy vậy, các nghiên cứu đều đưa ra nhận đinh về việc rất khó để tính được các Chi phí này và chúng thường được tích hợp trong các phép tính bằng một tỷ lệ nhất định hay trong một mô hình tính toán nhất định.

Ở Việt Nam, một số nghiên cứu về thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, hay các nghiên cứu của viện Bảo Hộ lao động về thiệt hại kinh tế trong MTLĐ của TSKH Phạm Quốc Quân, GS.TS Lê Vân Trình, KS Đỗ Minh Nghĩa cũng dựa trên phương pháp tiếp cận thứ hai này. Nhóm tác giả nghiên cứu cũng dựa trên những phân tích, đánh giá của phương pháp tiếp cận thứ 2 để đưa ra được cách thức đánh giá và phương pháp lượng giá thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường lao động đến sức khỏe của người lao động trong doanh nghiệp.

Thiệt hại sức khỏe do ô nhiễm môi trường lao động gây ra liên quan đến nhiều yếu tố như: phương thức tác động của ô nhiễm, mức độ của ô nhiễm, ô nhiễm do một hay một số yếu tố gây ra hay nhiều yếu tố cùng tác động – tác động tổng hợp trên phương diện cộng hưởng hay bù trừ triệt tiêu nhau, cơ chế sinh bệnh v.v. Do vậy bản thân việc xác định các ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lao động đến sức khỏe của người lao động mới chỉ dừng ở việc xác định các yếu tố tác động chính, tác động theo một chiều, một hướng chính, nhóm nghiên cứu đã xác định tác động dựa trên việc chia các mức ô nhiễm thành 6 mức theo công thức NILP 93 của Viện Bảo Hộ Lao Động (mỗi mức đều có các tính toán đo đạc của từng yếu tố ảnh hưởng đến MTLĐ và 6 mức tác động đến sức khỏe của NLĐ như sau:

Qua hình 1 có thể thấy những tác động của các mức ô nhiễm là hết sức phức tạp và có tính liên tục. Tuy nhiên trong hạn chế của nghiên cứu, đề tài chỉ xác định đến các tác động chính từ các mức ô nhiễm tác động đến sức khỏe của người lao động.

Theo công thức NILP 93, mức 0: mức hợp vệ sinh là khi tất cả các yếu tố trong môi trường lao động đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy vậy, ở mức hợp vệ sinh cũng vẫn có những tác động gây ảnh hưởng cho sức khỏe người lao động, dù có thể có tác động nhỏ hoặc một phần nhỏ đến người lao động, đến chất lượng cuộc sống. Tại các mức tiếp theo sẽ dựa trên hoàn toàn tính toán và phân tích của công thức NILP 93 để tìm ra mức ô nhiễm môi trường trong doanh nghiệp và các ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và thiệt hại được thể hiện trong bảng 1 dưới đây.

Cũng cần được nhấn mạnh rằng, các ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động do ô nhiễm môi trường lao động ở đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong tảng băng chìm của các tác động đến sức khỏe người lao động. Một mặt nào đó, những tác động này là trực tiếp, là có thể nhìn thấy, nhưng nếu đi sâu vào mặt y học lao động, y học con người, thì những tác động đến con người sẽ không chỉ dừng lại ở đây. Ví dụ như, các tác động này có thể là khác nhau với từng đối tượng, từng độ tuổi và giới tính. Ở cùng một mức ô nhiễm, mức ảnh hưởng với người trẻ có thể ít hơn với người cao tuổi, ở nam giới khác với nữ giới ; quá trình tích lũy không chỉ gây ra các bệnh mãn tính mà còn có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh sản,  hệ lụy đến con cháu của người lao động. Là một nhà kinh tế, xem xét trên quan điểm kinh tế, nhóm thực hiện đề tài chỉ lựa chọn những phần tác động đơn giản có thể nhận thấy đối với người lao động. Những tác động này trong hiện tại có thể lượng giá được bằng nhiều biện pháp khác nhau (trực tiếp, gián tiếp, quy đổi, so sánh), nhưng cũng có thể sẽ chỉ là những chỉ dẫn ban đầu để những nghiên cứu tiếp theo có thể có những căn cứ, hoặc có đầy đủ cơ sở dữ liệu, phương pháp hoàn chỉnh hơn dể tính toán.

Qua việc phân tích và chia ra thành 5 trường hợp như ở trên chúng ta sẽ có tổng thiệt hại do ô nhiễm môi trường lao động gây ra cho người lao động sẽ là tổng thiệt hại của tất cả từng trường hợp được tính ở trên từ mức 1: ảnh hưởng nhẹ cho đến bị thiệt hại ở mức 5: chết người với các thành phần thiệt hại là : thiệt hại về năng suất lao động của người lao động (sau khi đã trừ đi các Chi phí y tế và bảo hiểm y tế nếu có), thiệt hại về năng suất lao động của những người thân của người lao động bị ảnh hưởng, thiệt hại về chất lượng cuộc sống, thiệt hại do chết sớm, thiệt hại do đau đớn và đau khổ theo công thức dưới đây:

Như vậy, sau khi phân tích, tổng hợp từ các tổng quan nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cũng như các vấn đề về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lao động, đề tài đã lựa chọn hoàn thiện các thành phần chi phí liên quan đến người lao động do ô nhiễm môi trường lao động gây ra, các giá trị lượng giá chủ yếu dựa trên cơ sở các yếu tố có sẵn, đi sâu vào các thành phần như thiệt hại liên quan đến năng suất lao động được tính toán dựa trên các thông số trực tiếp, có giá trị bằng tiền có liên quan đến người lao động và những người thân của người lao động để tính toán. Bên cạnh đó, thành phần Chi phí về đau đớn và đau khổ, hay chất lượng cuộc sống cũng được đề tài khuyến nghị cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và tính toán bằng phương pháp thích hợp hơn với điều kiện Việt Nam, và cũng cần có những hoàn thiện các thành phần Chi phí liên quan đến người sử dụng lao động và xã hội khi các vấn đề ô nhiễm môi trường lao động xẩy ra.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Quốc Quân, “Phương pháp tiếp cận lượng hóa thiệt hại rủi ro sức khỏe nghề nghiệp”.
  2. GS.TS.Lê Vân Trình, Công thức NILP 2000 (Phương pháp xác định Chi phí đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường lao động trong điều kiện Việt Nam).
  3. GS.TS. Nguyễn Thế Chinh ; Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất mô hình, quy trình lượng giá kinh tế thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra phù hợp với điều kiện Việt Nam
  4. An analysis of the costs of work-related accidents and illnesses in Catalonia 2006/2007
  5. Richard Boyd, Hilary Cowie & Fintan Hurley, Jon Ayres, The true cost of occupational asthma in Great Britain, Health and Safety Exacutive, Britain, 2006.
  6. Safe Work Australia, The cost of work-related injury and illness for Australia employers, workers, and the community:2008-09.
  7. Y X Liang et all, The economic burden of pneumoconiosis in China, Occup Environ Med. Jun 2003; 60(6): 383–384.
  8. National Occupational Health and Safety Commission (2004), The Cost of Work-related Injury and Illness for Australian Employers, Workers and the Community, Canberra.

Nguyễn Thị Hải Hà

Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)