Nghiên cứu ảnh hưởng của Sắt-Pyrit đến sự tăng entanpi của than mỡ, than bùn
Tóm tắt:
Hiện nay, Than đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt trên thế giới. Nhu cầu tiêu thụ than đang rất cao và vẫn không ngừng tăng lên trong tương lai, điều đó giúp cho ngành công nghiệp khai thác than ngày càng phát triển. Tuy nhiên quá trình khai thác than vẫn còn một số nguy cơ, một trong số đó là hiện tượng tự nóng dẫn đến tự cháy gây mất an toàn trong hoạt động sản xuất cũng như ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.Trong mấy năm quai Viện KHKT Bảo Hộ Lao Động đã tiếp cận và thực hiệnđề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của Sắt-Pyrit đến sự tăng entanpi của than mỡ, than bùn” nhằm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại về con người, kinh tế và môi trường.
I. Mở đầu
Toàn thế giới hiện tiêu thụ khoảng 4 tỷ tấn than hàng năm. Một số ngành sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào như: sản xuất điện, thép và kim loại, xi măng và các loại chất đốt hóa lỏng. Than đóng vai trò chính trong sản xuất ra điện (than đá và than non), các sản phẩm thép và kim loại (than cốc).Hàng năm có khoảng hơn 4,030 triệu tấn than được khai thác, con số này đã tăng 38% trong vòng 20 năm qua. Sản lượng khai thác tăng nhanh nhất ở châu Á, trong khi đó châu Âu khai thác với tốc độ giảm dần. Các nước khai thác nhiều nhất không tập trung trên một châu lục mà nằm rải rác trên thế giới, năm nước khai thác lớn nhất hiện nay là: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nam Phi. Hầu hết các nước khai thác than cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, chỉ có khoảng 18% than cung ứng dành cho thị trường xuất khẩu. Lượng than khai thác được dự báo tới năm 2030 vào khoảng 7 tỷ tấn, với Trung Quốc chiếm khoảng hơn một nửa sản lượng.
Tại Việt Nam theo thống kê giai đoạn 2003 – 2007, sản lượng tiêu thụ than tăng 119,89%. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ than của Việt Nam được dự đoán tăng trong những năm tiếp theo. Hiện tại than Việt Nam phục vụ cho các hộ sản xuất chính là điện, xi măng, giấy, phân bón và phục vụ xuất khẩu. Điện hiện tiêu thụ tới 32% sản lượng tính hết 7 tháng đầu năm 2009.
Cùng với sự bùng nổ trong khai thác than thì con số các vụ tai nạn trong hầm mỏ cũng tăng lên. Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về khai thác than thì cũng là nước có số vụ tai nạn hầm mỏ lớn nhất thế giới. Trong năm 2010, 2.433 người đã chết trong các tai nạn mỏ than ở Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tai nạn trên, trong đó có tác động của sự oxy hóa dẫn tới sự tự nóng dẫn đến cháy của than. Hiện nay, ở Việt nam một số khu vực mỏ như Khe Chuối… đã xác định có hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy của than.
Hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy của than là vấn đề nhức nhối trong công nghiệp khai thác than đe dọa đến tính mạng, tài sản của những người làm việc ở mỏ than. Nó cũng gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Mặc dù hàm lượng của các kim loại chuyển tiếp (sắt – pyrit, …) và chất khoáng, vi khuẩn … trong than là rất nhỏ, nhưng khi kết hợp với một số yếu tố khác đã gây nên hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy trong quá trình khai thác than.
Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của Sắt-Pyrit đến sự tăng entanpi của than mỡ, than bùn” được triển khai với các mục tiêu và nội dung cụ thể như sau:
II. Mục tiêu nghiên cứu:
Xác định được ảnh hưởng của Sắt-Pyrit đến sự tăng entanpi của than mỡ và than bùn ở Việt Nam.
III. Nội dung nghiên cứu:
Phân tích thành phần của một số loại than mỡ, than bùn ở Việt Nam: kim loại chuyển tiếp (Sắt –pyrit), lưu huỳnh, …;
Xác định ảnh hưởng của Sắt-Pyrit trong than dẫn đến sự tăng entanpi của than chọn nghiên cứu.
IV. Phương pháp nghiên cứu:
– Hồi cứu và thu thập tư liệu về các loại than có khả năng tự cháy ở Việt Nam.
– Phân tích nhiễu xạ tia X (nhiễu xạ Rơnghen) để xác định thành phần sắt-pyrit trong mỗi mẫu than,
– Phân tích quang phổ phát xạ plasma để xác định hàm lượng sắt và một số kim loại (Cu, Mn…) và phi kim, từ đó dự đoán hàm lượng pyrit trong mẫu than,
– Sử dụng kỹ thuật nhiệt lượng vi sai quét DSC để tìm ra ảnh hưởng của sắt-pyrit đến sự tăng entanpi.
V. Kết quả:
1. Kết quả phân tích nhiễm xạ tia X
Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành phân tích nhiễu xạ tia X 7 mẫu than để xác định các mẫu than này có pyrit hay không trên thiết bị D8 ADVANCE-Bruker (Đức) của trường Đại học khoa học tư nhiên Hà Nội (ĐH KHTN Hà Nội).
Kết quả phân tích nhiễu xạ tia X 07 mẫu than mà nhóm nghiên cứu phối hợp với Trung tâm An toàn mỏ lấy tại Quảng Ninh và Thái Nguyên được dẫn ra trong Bảng 1 và các Hình 15, 16, 17, 18, 19, 20 và Hình 21 dưới đây. Kết quả phân tích nhiễu xạ tia X chi tiết được dẫn ra trong Phụ lục.
Kết quả phân tích cho thấy, với 03 mẫu than lấy từ các mỏ Hà Ráng – 91, mỏ Phấn Mễ và mỏ 618 là các mỏ đều có hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy thì đều có chứa pyrit. Còn các mỏ Hồng Thái, Thống Nhất, Mông Dương, Khe Chàm không có hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy và các mẫu than cũng không chứa pyrit.
Bảng 1: Kết quả xác định pyrit 07 mẫu than lấy tại Quảng Ninh và Thái Nguyên bằng thiết bị phân tích nhiễu xạ tia X D8 ADVANCE-Bruker
Hình 1: Giản đồ nhiễu xạ tia X của mẫu than mỏ Hà Ráng – 91
Nhận xét: Kết quả phân tích nhiễu xạ tia X 07 mẫu than cho thấy, bên cạnh thạch anh ghép đôi Dauphinee- SiO2 và Silicon Oxit SiO2 thì 03 mẫu than lấy từ các mỏ Hà Ráng-91, mỏ Phấn Mễ và mỏ 618 còn có chứa sắt-pyrit FeS2 với cấu trúc lập phương (cubic) và các thông số mạng lưới là a = b = c= 5,4281 Ao ; trên các giản đồ cũng có các đỉnh (peak) đặc trưng cho FeS2 tại các góc 2θ = 28,5o; 33o; 37o; 40,75o; 47,3o; 56,1o; 64,05o. Đối với các mẫu than còn lại không chứa FeS2 thì trên giản đồ nhiễu xạ tia X đều không có các đỉnh đặc trưng này.
2. Kết quả đo quang phổ phát xạ plasma
Việc đo quang phổ phát xạ plasma 7 mẫu than lấy từ Quảng Ninh và Thái Nguyên để xác định hàm lượng các nguyên tố Fe, Cu, Mn và S được thực hiện trên thiết bị quang phổ phát xạ Plasma IRIS INTREPID của TT Phân tích Thí nghiệm Địa chất – Tổng cục Địa chất Khoáng sản.
Kết quả đo quang phổ phát xạ plasma bằng thiết bị IRIS INTREPID được dẫn ra trong Bảng 2 dưới đây.
Bảng 2: Kết quả đo quang phổ phát xạ plasma 7 mẫu than bằng thiết bị IRIS INTREPID
Nhận xét: Kết quả trên Bảng 2 cho thấy cả 7 mẫu than lấy từ các mỏ Hà Ráng-91, Thống Nhất, Hồng Thái, Khe Chàm, Mông Dương, Phấn Mễ và mỏ 618 đều có chứa Fe, S, Cu và Mn với các hàm lượng không giống nhau. Các mẫu than lấy từ mỏ Hà Ráng-91, mỏ Phấn Mễ và mỏ 618 sau khi phân tích nhiễu xạ tia X đã xác định thành phần có chứa pyrit FeS2, còn trong kết quả đo định lượng Fe và S bằng quang phổ plasma đã cho thấy hàm lượng Fe trong mẫu than từ mỏ 618 là lớn nhất (6,13%), sau đó là mẫu từ mỏ Hà Ráng-91 (2,38%) và cuối cùng là mẫu từ mỏ Phấn Mễ (1,25%); tuy nhiên, hàm lượng S lại có nhiều nhất trong mẫu than từ mỏ Hà Ráng-91 (0,5%), sau đó là từ mỏ 618 (0,1%) và từ mỏ Phấn Mễ (0,005%). Có sự khác nhau trong tỷ lệ % Fe và S trong các mẫu than lấy từ 3 mỏ này là do bên cạnh FeS2, các mẫu than ở đây còn có chứa Fe và S ở nhiều dạng liên kết hóa học khác nhau.
3. Kết quả phân tích nhiệt lượng vi sai quét DSC
Nhóm
thực hiện đề tài đã sử dụng thiết bị nhiệt lượng vi sai quét DSC 204 F1 Phoenix – NETZSCH của Phòng An toàn Hóa chất – Trung Tâm An toàn Lao động thuộc Viện Bảo hộ lao động để tìm ra ảnh hưởng của sắt-pyrit trong than lên sự tăng entanpi.
Kết quả phân tích nhiệt lượng vi sai quét DSC đối với các mẫu than lấy từ các mỏ 618, mỏ Hà Ráng – 91 và mỏ Phấn Mễ, những nơi có xảy ra hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy của than, đồng thời có chứa thành phần sắt-pyrit FeS2 được dẫn ra trong các Hình 8, Hình 9, Hình 10 và Bảng 3 dưới đây.
Nhận xét: Đồ thị DSC Hình 8 của mẫu than mỏ 618 cho ta thấy, trong dải nhiệt độ từ 370 – 540 oC có xuất hiện một đỉnh tỏa nhiệt ở 435 oC với biến thiên entanpi là 13,5 J/g. Đối với mẫu than mỏ Hà Ráng-91 và than Phấn Mễ, dải nhiệt độ xuất hiện đỉnh tỏa nhiệt lần lượt là 240-470 oC và 270-490 oC; với biến thiên entanpi là 13,37 J/g và 13 J/g tương ứng (Hình 9 và Hình 10. Có thể thấy rằng, với mẫu than mỏ 618 có hàm lượng % Fe cao nhất trong 3 mẫu than, đồng thời cũng có biến thiên entanpi cao hơn cả. Tuy nhiên, sự chênh lệch về biến thiên entanpi ∆H của 3 mẫu than là không đáng kể (chỉ từ 0-0,5 J/g).
Kết quả phân tích nhiệt lượng vi sai quét DSC đối với các mẫu than lấy từ mỏ Mông Dương, mỏ Hồng Thái, mỏ Khe Chàm và mỏ Thống Nhất, những nơi không xảy ra hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy của than, và không có thành phần sắt-pyrit FeS2 được dẫn ra trong các Hình 11, 12, 13 và Hình 14 dưới đây.
Đồ thị DSC của các mẫu than lấy từ mỏ Mông Dương, Hồng Thái, Khe Chàm và Thống Nhất – các mẫu than đều có chứa Fe và S nhưng không có thành phần sắt-pyrit FeS2 cho ta thấy, trong dải nhiệt độ phân tích DSC từ 30-600 oC không có sự biến thiên entanpi nào được phát hiện.
VI. Kết luận và kiến nghị
1. Kết luận
Trên cơ sở các thiết bị của phòng Thí nghiệm An toàn hóa chất – Viện BHLĐ cũng như sự phối hợp với Trung tâm An toàn Mỏ – Viện KH & CN Mỏ Vinacomin, phân tích nhiễu xạ tia X tại trường ĐH KHTN và đo quang phổ plasma tại TT Phân tích Thí nghiệm Địa chất – Tổng cục Địa chất Khoáng sản, đề tài đã hoàn thành được mục tiêu đề ra là xác định được ảnh hưởng của Sắt-Pyrit đến sự tăng entanpi của than mỡ và than bùn. Trong quá trình nghiên cứu, các cán bộ tham gia đã thực hiện được các nội dung nghiên cứu sau đây:
– Đã xác định sự có mặt của sắt-pyrit FeS2 đối với 7 loại than lấy từ mỏ 618, mỏ Hà Ráng 91, mỏ Phấn Mễ, mỏ Khe Chàm, mỏ Thống Nhất, mỏ Hồng Thái và mỏ Mông Dương tại Quảng Ninh và Thái Nguyên bằng thiết bị nhiễu xạ kế D8 ADVANCE-Bruker (Đức) của trường ĐH KHTN Hà Nội; qua đó xác định được FeS2 chỉ có mặt trong 3 loại than từ mỏ 618, mỏ Hà Ráng 91, mỏ Phấn Mễ – những nơi đã xảy ra hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy của than.
– Kết quả phân tích đã cho thấy cả 7 loại than đều có chứa Cu, Mn, Fe và S với các hàm lượng khác nhau, trong đó với 3 loại than có thành phần FeS2 thì hàm lượng Fe cao nhất là than lấy từ mỏ 618, sau đó là mỏ Hà Ráng 91 và mỏ Khe Chàm.
– Đã xác định được ảnh hưởng của Sắt-Pyrit trong than dẫn đến sự tăng entanpi của các mẫu than chọn nghiên cứu bằng thiết bị nhiệt lượng vi sai quét DSC 204 F1 Phoenix – NETZSCH. Kết quả cho thấy, các mẫu than lấy từ 3 mỏ có xảy ra hiện tượng tự nóng dẫn đến cháy và có chứa FeS2 thì trong dải nhiệt độ đo DSC từ 30- 600 oC có xuất hiện các đỉnh tỏa nhiệt với biến thiên entanpi từ 13 – 13,5 J/g. Mẫu than từ mỏ 618 có hàm lượng Fe cao nhất, đồng thời cũng có biến thiên entanpi lớn nhất (13,5 J/g) so với các mẫu than từ mỏ Hà Ráng 91 và mỏ Khe Chàm có hàm lượng Fe thấp hơn. Tuy nhiên, sự tăng biến thiên entanpi của các mẫu than này là không đáng kể (chỉ từ 0 – 0,5 J/g). Các mẫu than lấy từ 4 mỏ còn lại mà không chứa FeS2 thì trong dải nhiệt độ đo DSC từ 30- 600 oC, nhóm nghiên cứu đã không phát hiện có sự biến thiên entanpi nào.
2. Kiến nghị
Trong khuôn khổ phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu ảnh hưởng của FeS2 đến sự tăng entanpi của than. Do vậy việc triển khai những đề tài tiếp theo về những ảnh hưởng khác nhằm đưa ra được cái nhìn toàn diện về nguyên nhân, cơ chế xẩy ra hiện tượng tự cháy của than từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp là rất cần thiết.
VII. Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Khánh Huyền (2011), Nghiên cứu xây dựng quy trình sử dụng máy nhiệt lượng vi sai quét DSC để xác định tính chất nhiệt động của một số hóa chất, Đề tài mã số 2010/02/VBH, Viện NC KHKT Bảo hộ Lao động, Hà Nội.
2. Bùi Việt Hưng (2006), Vấn đề an toàn tại các mỏ than, Trung tâm An toàn mỏ, Tạp chí Khoa học công nghệ mỏ.
3. Innovative Technologies for Exploration, Extinction and Monitoring of Coal Fires in North China (2000) “Understanding self-ignition of coal”, China
4 – Prof.D.S.Nimaje, Correlation analysis of spontaneous heating of some secl coals, Department of mining engineering – National Institute of technology Rourkela 2010
5 – Mahajan, O. P., Tomita, A. and Walker Jr, P.L. Differential scanning calorimetry studies on coal. Pyrolysis in an inert atmosphere, Fuel, 55. pp 63-69., 1976
6 – Rai, C. and Tran D.Q. Kinetic models of pyrolysis and hydrogassification of Hannna coal, Fuel, 59. pp 603-607., 1977
7 – Kok M. V. Temperature controlled combustion and kinetics of different rank coal samples, Journal of Thermal Analysis and Calorimetry, 79. pp175–180., 2005
8 – M. Krzesinska, U. Szeluga, S. Czajkowska, J. Muszynski, J. Zachariasz, S. Pusz, B. Kwiecinska, A.Koszorek, B. Pilawa. The thermal decomposition studies of three Polish coals of different caking ability and their blends, International Journal of Coal Geology, Accepted on 6 February 2008.
9. N. Mohalik, D. P anigrahi, V . Singh (2009), Assessment of Spontaneous Heating of Coal By Differential Scanning Calorimetric Technique – An Over view, Coal Operators’ Conference, India.
Chủ nhiệm: KS. Nguyễn Văn Lâm
(Nguồn tin: Nilp.vn)