Nghiên cứu xây dựng thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo tiêu chuẩn TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000)

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:24(GMT +7)

Tóm tắt: Báo cáo giới thiệu kết quả nghiên cứu về thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025: 2000). Những kết quả đạt được của nhiệm vụ đóng góp đáng kể vào việc quản lý hiệu quả chất lượng quần áo chống nóng và chống cháy, bảo đảm công bằng thương mại và bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động.

1.    MỞ ĐẦU

    Nhân viên cứu hỏa, người lao động làm việc các khu công nghiệp luyện kim (luyện thép, luyện nhôm và các loại kim loại khác) luôn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm như tiếp xúc với đám cháy, tàn lửa, nhiệt bức xạ, kim loại nặng nóng chảy văng bắn…Những mối nguy hiểm trên có thể gây ra các đám cháy bỏng, thậm chí chết người.
    Để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác động của ngọn lửa hoặc nhiệt đối với người lao động, không có biện pháp nào tiện lợi và hiệu quả hơn là dùng các loại quần áo chống nóng và chống cháy. Quần áo chống nóng và chống cháy là loại phương tiện bảo vệ cá nhân (phương tiện BVCN) có công dụng đặc biệt liên quan trực tiếp tới sức khỏe và an toàn của người lao động nên theo luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006) và luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (số 05/2007/QH12, ngày 21/11/2007) phải được công bố hợp chuẩn, thử nghiệm chứng nhận hợp chuẩn hoặc giám định hợp chuẩn (đối với hàng hóa nhập khẩu). Để thực hiện được các công việc trên (các mặt hoạt động giám sát chất lượng), cần phải có đủ các tiêu chuẩn và hệ thống thiết bị thử nghiệm.
    Việt Nam đã có đủ các tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn quy định tính chất nhiệt của quần áo chống nóng và chống cháy, gồm chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn, độ truyền nhiệt (đối với nhiệt bức xạ, nhiệt đối lưu và nhiệt tiếp xúc) và độ chịu nhiệt. Các chỉ tiêu nhiệt trên quy định tính chất đặc thù của quần áo chống nóng và chống cháy. Song các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành như Viện NC KHKT Bảo hộ lao động, Viện nghiên cứu Dệt May Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội…lại chưa được trang bị hệ thống thiết bị thử nghiệm các chỉ tiêu nhiệt, đặc biệt là chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn. Vì thế việc quản lý chất lượng quần áo chống nóng và chống cháy chưa có hiệu quả. Trong bối cảnh như trên, Viện NC KHKT Bảo hộ lao động đã giao Trung tâm An toàn lao động thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu xây dựng thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo tiêu chuẩn TCVN 7205: 2002 (ISO 15025: 2000).” Mã số 215/04/VBH.
2.    MỤC TIÊU, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1.      Mục tiêu.
    Chế tạo được thiết bị đủ điều kiện đăng ký đánh giá hợp chuẩn chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000). 
2.2.    Nội dung nghiên cứu.
*    Nghiên cứu tổng quan xây dựng thiết bị thử nghiệm chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy.
*    Nghiên cứu xây dựng thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000).
–    Đề xuất sơ đồ nguyên lý hoạt động của thiết bị.
–    Xác định các danh mục và yêu cầu kỹ thuật các thiết bị, bộ phận chi tiết của thiết bị.
–    Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, mua sắm  các thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn.
–    Lắp đặt thiết bị và chạy thử.
*    Xác định độ ổn định và chính xác của thiết bị
–    Thực hiện việc hiệu chuẩn các thiết bị, dụng cụ đo
–    Đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của một số loại quần áo chống nóng và chống cháy của nước ngoài và trong nước để xác định độ ổn định và chính xác của thiết bị.
*    Xây dựng các quy trình hướng dẫn thử nghiệm đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 ( ISO 15025:2000).
*    Xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp chuẩn cho thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và cháy phù hợp với ISO 17025:2005.
2.3.    Phương pháp nghiên cứu.
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng để thực hiện nội dung nghiên cứu của đề tài:
–    Phương pháp hồi cứu: hồi cứu tài liệu tiêu chuẩn liên quan về chỉ tiêu chất lượng, các phương pháp và công cụ đánh giá, thử nghiệm lan truyền cháy có giới hạn. 
–    Phương pháp thực nghiệm: thiết kế và chế tạo thiết bị, đánh giá và kiểm định thiết bị, đánh giá thử nghiệm chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm, xây dựng quy trình, xử lý số liệu thực nghiệm.
3.    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.
3.1. Thiết kế, chế tạo lắp đặt thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000).
3.1.1.  Đề xuất sơ đồ nguyên lý hoạt động của thiết bị (xem hình 1)
Dựa vào tiêu chuẩn TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000) và tham khảo các thiết bị cùng loại của nước ngoài, sơ đồ nguyên lý hoạt động của thiết bị được đề xuất dưới đây:

3.1.2.    Xác định danh mục và yêu cầu kỹ thuật các thiết bị, bộ phận chi tiết của thiết bị.
Sau khi đưa ra sơ đồ nguyên lý hoạt động của thiết bị, nhiệm vụ đã xác định  danh  mục và yêu cầu kỹ thuật các thiết bị, bộ phận chi tiết của thiết bị cần mua sắm và chế tạo. Các thiết bị, dụng cụ cần mua sắm gồm 16 thiết bị. Các thiết bị, dụng cụ cần thiết kế, chế tạo gồm 20 thiết bị, dụng cụ. Yêu cầu kỹ thuật các thiết bị, bộ phận chi tiết của thiết bị phải đảm bảo đúng theo TCVN 7205:2002.
3.1.3.    Kết quả mua sắm, thiết kế chế tạo và lắp đặt.
    Sau khi xác định danh mục các trang thiết bị cần mua sắm, thiết kế, chế tạo. Nhiệm vụ tiến hành mua sắm, thiết kế, chế tạo, gia công và lắp đặt. Dưới đây là một vài hình ảnh thiết kế trong nhiệm vụ.
* Đèn xì: được gia công tại Viện cơ khí của trường đại học Bách khoa Hà Nội, lỗ đầu phun có kích thước nhỏ 0.19mm±0.02 mm được bắn tia laze để đảm bảo kích thước đầu phun.

      

    Kết quả lắp đặt thiết bị và chạy thử.
 

Ảnh 1: Thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy 

3.2.     Xác định độ ổn định và chính xác của thiết bị:
3.2.1.    Hiệu chuẩn các thiết bị dụng cụ đo.
    Tất cả các thông số ảnh hưởng đến kết quả thử, các thiết bị để kiểm tra môi trường thử, thiết bị đánh giá đều được kiểm tra, hiệu chuẩn tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 1 và Viện đo lường Việt Nam. Các kết quả đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn. 
3.2.2. Đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000) để xác định độ ổn định và chính xác của toàn thiết bị.
3.2.2.1.    Quy trình đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000) phù hợp với thiết bị.
Trên cơ sở quy trình cơ bản nêu trong tiêu chuẩn TCVN 7205:2002, nhiệm vụ đã đề xuất quy trình đánh giá với một vài bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thiết bị đã chế tạo.

3.2.2.2.    Kết quả đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của một số loại quần áo chống nóng và chống cháy của nước ngoài và trong nước để xác định độ ổn định và chính xác của thiết bị.
Nhiệm vụ tiến hành thử nghiệm theo hai quy trình trong tiêu chuẩn.
Nhiệm vụ đã chọn 3 loại quần áo chống cháy của nước ngoài: Đức, Pháp, Trung Quốc và 1 bộ quần áo trong nước để đánh giá thử nghiệm. Các bộ quần áo chống cháy của nước ngoài đã được các nhà sản xuất đánh giá theo tiêu chuẩn EN 469, trong đó chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo được đánh giá theo phương pháp thử trong EN15025 (ISO 15025:2000). Bộ quần áo chống cháy trong nước chưa được kiểm nghiệm.

Hình ảnh thử nghiệm trong phòng thử nghiệm PTBVCN 

Kết quả đánh giá thử nghiệm:
Bảng 1. Kết quả thử nghiệm chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của một số loại quần áo chống nóng và chống cháy theo quy trình A trong tiêu chuẩn TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000).

Bảng 2. Kết quả thử nghiệm chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của một số loại quần áo chống nóng và chống cháy theo quy trình B trong tiêu chuẩn TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000).

Nhận xét kết quả thử nghiệm.
Căn cứ vào tiêu chuẩn TCVN7205:2002 và các kết quả thử nghiệm đã được thực hiện cho nhận thấy: Kết quả đánh giá thử nghiệm chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của ba bộ quần áo xuất xứ nước ngoài theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000) của phòng thử nghiệm PTBVCN đã trùng với kết quả đánh giá của nhà sản xuất. 
Để đánh giá độ ổn định của thiết bị, nhiệm vụ đã lựa chọn thêm bộ quần áo bảo hộ lao động chậm cháy bằng vải bạt sử dụng cho công nhân hàn để thử nghiệm trên 6 mẫu theo 2 quy trình thử nghiệm cho kết quả như trên. Các kết quả đo cho sai lệch so với giá trị trung bình được trình bày trong bảng 5, các sai lệch không quá 5% so với giá trị trung bình cho thấy độ ổn định của thiết bị đánh giá thử nghiệm
Bảng 3: Sai lệch so với giá trị trung bình của thời gian cháy hoàn toàn (của hai quy trình thử nghiệm trên cùng một loại vải).

Như vậy từ các kết quả đánh giá thử nghiệm trên 4 loại quần áo chống nóng và chống cháy cho thấy độ ổn định và chính xác của thiết bị là hoàn toàn có cơ sở.
3.3. Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp chuẩn cho thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy phù hợp với ISO 17025:2005.
    Theo thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 08/04/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp và Thông tư số 10/2011/TT-BKHCN ngày 30/06/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN. Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục yêu cầu trong thông tư, và đã được văn phòng công nhận BOA đánh giá lần đầu đạt yêu cầu.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

    Sau thời gian tiến hành triển khai thực hiện, đến nay nhiệm vụ đã kết thúc. Về cơ bản nhiệm vụ đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và đạt được một số kết quả, sản phẩm chủ yếu như sau:
–    Xây dựng được thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000).
–    Xác định độ ổn định và chính xác của thiết bị :
–    Hiệu chuẩn các thiết bị, dụng cụ đo
–    Đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của một số loại quần áo chống nóng và chống cháy của nước ngoài và trong nước để xác định độ ổn định và chính xác của thiết bị.
–    Xây dựng các quy trình hướng dẫn thử nghiệm đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy theo TCVN 7205:2002 (ISO 15025:2000).
–    Xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp chuẩn cho thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và cháy phù hợp với ISO 17025:2005.
          Thiết bị đánh giá chỉ tiêu lan truyền cháy có giới hạn của quần áo chống nóng và chống cháy mà đề tài nghiên cứu chế tạo có khả năng thực hiện một cách tự động, đảm bộ độ chính xác và tin cậy, đủ điều kiện để đánh giá hợp chuẩn. 
    Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở góp phần cho việc xây dựng phòng thử nghiệm phương tiện bảo vệ cá nhân phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển và đánh giá chất lượng sản phẩm phương tiện bảo vệ cá nhân.     

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Thị Mai Oanh, 1985 “ Nghiên cứu xây dựng và đưa vào sử dựng hệ thống thiết bị đánh giá một số chỉ tiêu chất lượng quần áo bảo hộ lao động”, Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động.
2.    TCVN 6689:2000. Quần áo bảo vệ. Yêu cầu chung.
3.    TCVN 6690:2007. Quần áo bảo vệ chống nhiệt và lửa. Kiến nghị chung về lựa chọn, bảo quản và sử dụng quần áo bảo vệ.
4.     TCVN 6875:2001. Quần áo bảo vệ chống nhiệt và lửa. Phương pháp thử và yêu cầu tính năng của quần áo chống nhiệt.
5.    TCVN 7205:2002. Quần áo bảo vệ. Quần áo chống nóng và chống cháy. Phương pháp thử lan truyền cháy có giới hạn.
6.    TCVN 6879: 2001 (ISO 6941)  Vải dệt- Đặc tính cháy- Xác định tính lan truyền lửa của các mẫu đặt theo phương thẳng đứng
7.    Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (số 68/2006/QH11 ngày 29/06/2006). 
8.    Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (số 05/2007/QH12, ngày 21/11/2007).

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động


(Nguồn tin: Nilp.vn)