QCVN 23: 2014/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hệ thống chống rơi ngã cá nhân

Thứ Hai, 25/12/2023, 11:51(GMT +7)

QCVN 23:2014/BLĐTBXH do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 36/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2014, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHỐNG RƠI NGÃ CÁ NHÂN

National technical regulation for Personal fall-arrest systems

 Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn, phương pháp thử, ghi nhãn, đóng gói, bảo quản và sử dụng đối với:

– Dây đỡ cả người được giới hạn để sử dụng cho một người với khối lượng tổng không vượt quá 100 kg.

– Dây treo và thiết bị hấp thụ năng lượng gồm hai loại thiết bị hấp thụ năng lượng sau:

+ Loại 1 được sử dụng trong hệ thống chống rơi ngã cá nhân khi lắp đặt ở khoảng cách rơi tự do được giới hạn tối đa là 1,8 m và nếu xảy ra rơi, xung lực giới hạn tối đa là 4,0 kN.

+ Loại 2 được sử dụng trong hệ thống chống rơi ngã cá nhân được lắp đặt ở khoảng cách rơi tự do được giới hạn tối đa là 4,0 m và nếu xảy ra rơi, xung lực giới hạn tối đa là 6,0 kN. Dây treo và thiết bị hấp thụ năng lượng được giới hạn để sử dụng cho một người với khối lượng tổng không vượt quá 100 kg.

– Dây cứu sinh tự co, bao gồm cả dây cứu sinh tự co có một thiết bị cứu hoàn chỉnh được giới hạn để sử dụng cho một người với khối lượng tổng không vượt quá 100 kg.

– Đường ray thẳng đứng và dây cứu sinh thẳng đứng kết hợp với bộ hãm rơi ngã kiểu trượt được giới hạn để sử dụng cho một người với khối lượng tổng không vượt quá 100 kg.

– Các bộ phận nối có cổng tự đóng và tự khóa được làm từ các vật liệu bằng kim loại được giới hạn để sử dụng cho một người với khối lượng tổng không vượt quá 100 kg.

Đối với các loại dây, thiết bị và các bộ phận trong hệ thống chống rơi ngã cá nhân nêu trên được sử dụng ở điều kiện làm việc đặc biệt (như ở những nơi tồn tại những hạn chế khác thường có liên quan đến việc đi vào nơi làm việc hoặc những yếu tố môi trường đặc biệt), ngoài việc tuân theo các quy định của quy chuẩn này, còn phải tuân theo các quy định khác có liên quan.

2. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu, các phương pháp thử đối với các hệ thống chống rơi ngã cá nhân hoàn chỉnh được giới hạn để sử dụng cho một người với khối lượng tổng không vượt quá 100 kg, khi hoạt động, nó sẽ giữ người bị rơi và hạn chế xung lực tối đa là 6 kN.

3. Quy chuẩn này không áp dụng đối với từng loại dây, thiết bị và các bộ phận trong hệ thống sau:

* Đối với dây đỡ cả người:

– Dây bụng hoặc dây ngực.

– Tất cả những kiểu dây khác không được thiết kế để sử dụng trong hệ thống chống rơi ngã cá nhân.

– Những quy định đặc biệt khác cho dây đỡ cả người, sử dụng riêng trong hệ thống điều khiển lên xuống hoặc hệ thống dẫn trong không gian hạn chế.

*  Đối với dây treo và thiết bị hấp thụ năng lượng:

– Hệ thống chống rơi ngã cá nhân kết hợp với dây treo không có thiết bị hấp thụ năng lượng hoặc không có biện pháp tiêu tán năng lượng.

– Dây treo đặc biệt và thiết bị hấp thụ năng lượng là một tập hợp không thể thiếu đối với các bộ phận của hệ thống chống rơi ngã cá nhân (nghĩa là chỉ có thể tách bằng cách cắt hoặc bằng công cụ đặc biệt)

*  Đối với đường ray thẳng đứng và dây cứu sinh thẳng đứng kết hợp với bộ hãm rơi ngã kiểu trượt:

– Các đường ray và dây cứu sinh nghiêng (nghĩa là chúng được lắp đặt sao cho góc tạo thành giữa trục thẳng đứng và dây cứu sinh hoặc đường ray lớn hơn 15° khi nhìn từ hình chiếu cạnh).

– Các bộ phận được lắp nằm ngang của các đường ray hoặc dây cứu sinh hỗn hợp (nghĩa là các đường ray hoặc dây có cả bộ phận được lắp nằm ngang và thẳng đứng được liên kết với nhau bằng các mối nối).

*  Đối với các bộ phận nối có cổng tự đóng và tự khóa:

– Các chi tiết liên kết, các khóa chốt, các khóa điều chỉnh và các phụ kiện bằng kim loại khác được sử dụng trong sản xuất các dây đỡ cả người được quy định trong TCVN 7802-6: 2008 (ISO 10333-6) Hệ thống chống rơi ngã cá nhân – Các phép thử tính năng của hệ thống.

– Các bộ phận nối được sử dụng cho mục đích nâng vật liệu.

– Các bộ phận nối được sử dụng trong các tình huống đặc biệt, chẳng hạn để giải cứu hoặc dẫn dây.

* Hệ thống chống rơi ngã cá nhân hoàn chỉnh:

– Hệ thống chống rơi ngã cá nhân có sử dụng dây lưng hoặc dây ngực là bộ phận giữ người duy nhất.

– Hệ thống chống rơi ngã cá nhân kết hợp với các dây treo mà không có các thiết bị hấp thụ năng lượng hoặc các biện pháp tiêu tán năng lượng.

– Các hệ thống phụ và các bộ phận không thuộc phạm vi áp dụng của bộ tiêu chuẩn TCVN 7802.

– Thiết bị được sử dụng với mục đích nâng vật liệu.

Đối tượng áp dụng

–  Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng đối với từng loại dây, thiết bị và các bộ phận trong hệ thống chống rơi ngã cá nhân như đã nêu

–  Các tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

QCVN 23:2014/BLĐTBXH được ban hành theo Thông tư số 36/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2014 có hiệu lực từ 30/6/2015.


(Nguồn tin: Trích dẫn QCVN 23:2014/BLĐTBXH)