Sử dụng các cơ cấu bảo vệ hay rào chắn cố định thích hợp để ngăn ngừa tiếp xúc với những bộ phận chuyển động của máy

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:03(GMT +7)

Các cơ cấu bảo vệ và rào chắn đóng vai trò quan trọng để bảo vệ người lao động trực tiếp và người xung quanh.

TẠI SAO

Khi làm việc gần những bộ phận chuyển động của máy, người công nhân đối mặt với nguy cơ bị chấn thương có thể xảy ra từ những bộ phận chuyển động mạnh (như bánh răng, trục quay, bánh đà, ròng rọc, trục lăn, băng chuyền hay đường ống thủy lực), tại vị trí thao tác hoặc do các vật văng, bắn bay ra từ máy như dăm bào, tia lửa hay kim loại nóng. Biện pháp bảo vệ tốt nhất  khỏi mối nguy là ngăn ngừa sự tiếp xúc với những phương tiện cơ giới chứ không phải bằng cách hướng dẫn cho công nhân tìm cách tránh.

Tai nạn có thể xảy ra trong khi đang vận hành hay trong khi lau chùi hoặc bảo trì. Thường những người bên cạnh hay công nhân khác cũng có thể gặp nguy hiểm, vì họ không hiểu cơ chế hoạt động của máy như thế nào và cách để phòng ngừa. Hãy tham khảo các tiêu chuẩn quốc gia quy định về sử dụng nhữngcơ cấu bảo vệ hay rào chắn, và cải tiến chúng để bảo vệ con người.

RỦI RO / TỔN HẠI

•  Chấn thương hay tai nạn nghiêm trọng

•  Chấn thương bàn tay và ngón tay

•  Tổn thương mắt

BIỆN PHÁP

1.  Thiết kế cơ cấu bảo vệ cố định có thể lắp vào máy để bảo vệ người lao động khỏi các môi nguy hiểm từ  máy và những vật thể bay. Các cơ cấu bảo vệ phải thích hợp để sử dụng,  phải đáp ứng những yêu cầu của máy và mối nguy hiểm cụ thể.

2. Nếu cơ cấu bảo vệ gây cản trở cho các thao tác bằng tay, hoặc công nhân không nhận thấy tác dụng rõ ràng, thì gần như chắc chắn là họ sẽ tháo bỏ nó đi. Hãy thiết kế lại cơ cấu bảo vệ hoặc thay thế nó bằng những cơ cấu bảo vệ có thể điều chỉnh được để thích hợp với kích thước sản phẩm đang được gia công vào lúc đó mà vẫn bảo đảm được sự bảo vệ ở mức cao.

3. Để đảm bảo quan sát rõ sản phẩm, sử dụng cơ câu bảo vệ bằng nhựa hoặc vật liệu khác trong suốt.

4. Đặt  rào chắn cố định ở những nơi có thể tiếp xúc với những bộ phận chuyển động của máy, ngay cả khi ta không thấy rõ sự nguy hiểm. Bảo đảm rằng rào chắn này chắc chắn và đủ cao để bảo vệ.

5. Khi bộ phận chuyển động của máy móc di chuyển đến gần một bộ phận khác, “kẹp” có thể xảy ra, hãy lắp rào chắn cố định hoặc cơ cấu bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa ngón tay hay bàn tay bị kẹp ở đó.

6. Tương tự như vậy, khi hai trục lăn cùng vận hành, nguy cơ “kẹp” cũng có thể xảy ra, hãy lắp cơ cấu bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa bàn tay hay áo quần bị kẹt vào đó.

Máy ép cơ học có bộ nạp liệu kiểu máng trượt

 Cơ cấu bảo vệ an toàn có thể điều chỉnh trên một máy ép cơ học

 GỢI Ý THÊM

– Cơ cấu bảo vệ có thể lắp trực tiếp vào máy hay vào một bề mặt vững chắc như tường hay nền nhà. Chúng nên được làm bằng những vật liệu bền và đủ ngăn được các vật văng bắn từ máy.

– Cơ cấu bảo vệ cố định chỉ có thể tháo được bằng dụng cụ.

– Các cơ cấu bảo vệ cố định ở ngay điểm thao tác phải được đi kèm cùng với những thiết bị cơ để nạp phôi và đưa phôi ra, giúp thao tác an toàn và nâng cao hiệu quả. Một số dụng cụ cầm tay có thể được sử dụng để đưa vào khu vực vận hành và thao tác sản phẩm đang gia công (ví dụ kìm, nhíp có gắn bộ hút chân không hay bộ hút nam châm ở đầu dụng cụ).

– Các nhà sản xuất máy thường cung cấp cơ cấu bảo vệ cho máy. Đôi khi các cơ cấu bảo vệ được cung cấp không phù hợp và cạn cần phải thiết kế cơ cấu bảo vệ cho chính bạn.

ĐIỂM CẦN NHỚ

Các cơ cấu bảo vệ và rào chắn đóng vai trò quan trọng để bảo vệ người lao động trực tiếp và người xung quanh. Nếu bạn thấy chúng không có tác dụng, hãy tìm kiếm ngay một giải pháp phù hợp bằng cách thiết kế và lắp lại cơ cấu bảo vệ.


(Nguồn tin: Ergonomic checkpoints, ILO)