Thiết kế hệ thống làm việc – Phần 1: Khái quát

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:51(GMT +7)

Các yếu tố về công nghệ, kinh tế, tổ chức và con người làm ảnh hưởng đến hoạt động làm việc và trạng thái thoải mái của người lao động được xem như một phần quan trọng của hệ thống làm việc.

Việc thiết kế hệ thống làm việc mục đích là nhằm cải thiện, thiết kế lại hoặc thay đổi các hệ thống làm việc. Một hệ thống làm việc bao gồm sự kết hợp của con người và thiết bị, trong một không gian và môi trường đã cho và sự tác động tương hỗ giữa các thành phần bên trong một tổ chức làm việc. 

Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7437:2010 (ISO 6385:2004) về Ecgônômi – Nguyên lý Ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc:

Thiết kế ecgônômi trong hệ thống làm việc nhằm đạt tới tối ưu hóa căng thẳng do làm việc, ngăn ngừa các hiệu ứng bất lợi và thúc đẩy các hiệu ứng thuận lợi. Hoạt động của con người không gặp bất lợi, đồng thời thường xuyên cải thiện tính hiệu quả và năng suất của hệ thống.

Việc thiết kế hệ thống làm việc cần coi con người như một yếu tố chính và là một thành phần tích hợp của hệ thống sẽ được thiết kế, bao gồm cả quá trình làm việc cũng như môi trường làm việc.

Nên sử dụng ecgônômi với chức năng phòng ngừa và được thực hiện ngay từ ban đầu hơn là sử dụng để giải quyết vấn đề sau khi hoàn tất việc thiết kế hệ thống làm việc. Tuy nhiên, ecgônômi còn được sử dụng thành công trong việc thiết kế lại hệ thống làm việc hiện có, chưa thỏa mãn yêu cầu.

Các quyết định quan trọng nhất mang lại kết quả trong thiết kế nên được thực hiện ngay từ khi bắt đầu quá trình thiết kế. Bởi vậy, các kết quả đạt được thuộc lĩnh vực ecgônômi sẽ là lớn nhất ở giai đoạn này. Sự đóng góp về ecgônômi cho thiết kế hệ thống làm việc cần được tiếp tục trong suốt quá trình thiết kế. Tuy nhiên, mức độ cung cấp thông tin có thể thay đổi từ cơ bản, bao quát trong quá trình phân tích nhu cầu của hệ thống (“thiết lập mục tiêu”) đến điều chỉnh chính xác khi hệ thống hoàn chỉnh được thực hiện (“Hiện thực hóa, thực hiện và xác nhận”). Cần chú ý thích đáng việc áp dụng các nguyên lý ecgônômi đến tận giai đoạn cuối của quy trình thiết kế nhằm ngăn ngừa các hậu quả bất lợi như: sự chậm trễ trong các dự án; chi phí phụ trội để chỉnh sửa; chất lượng thiết kế thấp và tính năng sử dụng kém.

Người lao động cần được thu hút và tham gia vào toàn bộ quá trình thiết kế các hệ thống làm việc một cách có hiệu quả và năng suất. Trong thiết kế hệ thống làm việc, phương pháp tiếp cận tham gia là cần thiết để tránh các giải pháp chưa tối ưu, bởi vì kinh nghiệm của người lao động sẽ cung cấp cơ sở kiến thức không thể thiếu được. Vì vậy, quá trình thiết kế cần phải có sự tham gia của người lao động trong mọi giai đoạn, bất kỳ giai đoạn nào khi có thể.

Việc thiết kế một hệ thống làm việc cho một phạm vi rộng của quần thể thiết kế được khuyến cáo nhằm đáp ứng tối đa các nhu cầu của người lao động với các đặc điểm khác nhau, bao gồm cả những người có yêu cầu đặc biệt. Vì thế, việc mở rộng các giải pháp riêng cho các cá nhân có thể được giảm thiểu.

Quá trình thiết kế hệ thống làm việc có thể được chia thành các giai đoạn:

– Xác lập các mục tiêu [phân tích các yêu cầu];

– Phân tích và phân bổ các chức năng;

– Nhận thức thiết kế ;

– Thiết kế chi tiết;

– Hiện thực hóa, thực hiện và xác nhận;

– Đánh giá.

Các giai đoạn này sẽ được giải thích trong Phần 2 (Thiết kế hệ thống làm việc – Phần 2: Quá trình thiết kế hệ thống làm việc).

——————-

Trích dẫn: TCVN 7437:2010 về Ecgônômi – Nguyên lý Ecgônômi trong thiết kế hệ thống làm việc


(Nguồn tin: Nilp.vn)