Sống chung với chứng rối loạn cơ xương khớp mạn tính trong khi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:52(GMT +7)

Các điểm chính

• Bệnh thấp khớp và rối loạn cơ xương (RMDs) là một trong những loại bệnh mãn tính phổ biến nhất – khi độ tuổi lao động được nâng lên, thì càng có nhiều người lao động có nguy cơ mắc bệnh mãn tính hơn.

• Bệnh mãn tính thường rất hay dẫn đến tình trạng nghỉ việc sớm; nhưng, với những người sử dụng lao động hiểu lý lẽ, thái độ và sự điều chỉnh tại nơi làm việc hợp lý, kết hợp với sự hỗ trợ từ hệ thống y tế công cộng, thì nhiều NLĐ mắc bệnh mãn tính có thể tiếp tục làm việc.

• Nhiều biện pháp điều chỉnh rất dễ thực hiện và không tốn kém.

• Các biện pháp điều chỉnh về an toàn và sức khỏe giúp công việc an toàn và dễ dàng hơn đối với toàn bộ lực lượng lao động có thể giúp một cá nhân bị suy giảm khả năng lao động tiếp tục làm việc.

• Các biện pháp đơn giản để giúp một cá nhân tiếp tục làm việc thường có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ lực lượng lao động.

• An toàn và vệ sinh lao động có vai trò hỗ trợ những người mắc bệnh mãn tính tiếp tục làm việc.

Thấp khớp và rối loạn cơ xương khớp (RMD) là gì?

RMDs là các vấn đề mãn tính ảnh hưởng đến cơ, xương, khớp và các mô mềm, chẳng hạn như bệnh thấp khớp, viêm khớp, loãng xương và đau cơ xơ, có thể ảnh hưởng đến công việc hoặc trở nên trầm trọng hơn do công việc nhưng không trực tiếp do công việc gây ra. Nguyên nhân của chúng bao gồm các bệnh viêm nhiễm, lão hóa, chấn thương, các tình trạng bẩm sinh và phát triển. Nếu nguyên nhân chính xác của đau cơ xương không rõ ràng, thì nó nên được mô tả là đau vai, đau lưng, v.v. Các tình trạng gây ra hoặc trầm trọng hơn do công việc được gọi là rối loạn cơ xương liên quan đến công việc (MSDs).

Người lao động mắc chứng thấp khớp và rối loạn cơ xương khớp

Khi độ tuổi trung bình của lực lượng lao động và tuổi nghỉ hưu tăng lên, số lượng người lao động mắc bệnh mãn tính cũng sẽ tăng theo, điều này làm tăng nhu cầu của người sử dụng lao động trong việc duy trì lực lượng lao động. Tuy nhiên, có quá nhiều người rời bỏ công việc sớm vì bệnh mãn tính, trong khi chỉ cần một vài biện pháp hỗ trợ và thích nghi đơn giản là có thể giúp họ tiếp tục làm việc.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Luật bình đẳng: Người sử dụng lao động cần phải đảm bảo môi trường làm việc phù hợp cho NLĐ bị khuyết tật, thí dụ như cung cấp thiết bị làm việc, điều chỉnh thời gian làm việc, thay đổi công việc hoặc tổ chức huấn luyện. Một số quốc gia có thể có yêu cầu chi tiết hơn, bao gồm cả việc trở lại làm việc sau nghỉ ốm.

Các quy định về sức khỏe và an toàn: Yêu cầu người sử dụng lao động phải phòng ngừa các nguy cơ dựa trên đánh giá rủi ro. Ưu tiên là loại bỏ rủi ro tận gốc và thực hiện các biện pháp tập thể để làm cho công việc trở nên an toàn và lành mạnh hơn cho tất cả người lao động. Điều này rất quan trọng, vì các biện pháp giúp tất cả người lao động làm việc dễ dàng hơn có thể tạo điều kiện cho những người mắc bệnh mãn tính tiếp tục làm việc. Các nhóm đặc biệt có nguy cơ, chẳng hạn như người lao động mắc các bệnh mãn tính, phải được bảo vệ trước các mối nguy có ảnh hưởng cụ thể đến họ. Tuy nhiên, việc khiến cho nơi làm việc trở nên dễ chịu hơn đối với tất cả người lao động, ví dụ: khi mua thiết bị, lên kế hoạch công việc hoặc thay đổi cơ sở hạ tầng sẽ giúp giảm nhu cầu điều chỉnh thích nghi cho các cá nhân. Các quy định đặt ra các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn tối thiểu cho nơi làm việc cần bao gồm các yêu cầu nhằm giúp người lao động khuyết tật có thể tiếp cận được nơi làm việc.

Ảnh hưởng của thấp khớp và rối loạn cơ xương khớp

RMDs gây đau ảnh hưởng đến cánh tay, chân, cổ hoặc lưng – cơn đau không phải lúc nào cũng nghiêm trọng nhưng thường dai dẳng và kéo dài. Nó có thể thay đổi, thường không thể đoán trước được. Cơn đau có thể khiến các cử động lặp đi lặp lại trở nên khó khăn. RMDs thường gây ra cứng khớp, với những người bị đau phải mất một thời gian mới có thể bắt đầu di chuyển. Giấc ngủ có thể bị xáo trộn, khiến người mắc khó bỏ qua cơn đau hơn. Người mắc có thể trở nên chán nản và mệt mỏi, đặc biệt là với bệnh viêm nhiễm hoặc nếu giấc ngủ bị rối loạn. Sự căng thẳng, lo lắng, chán nản vì cơn đau hoặc những lý do khác cũng khiến người mắc khó bỏ qua chúng hơn. Những người mắc RMD thường lo lắng về tương lai, liên quan đến việc liệu bệnh có trở nên nặng hơn hay mình sẽ mất việc. Một số triệu chứng thể hiện qua sự bùng phát, vì vậy người lao động sẽ có những lúc thoải mái và khó chịu xen kẽ. Tuy nhiên, người ta không nhất thiết phải hoàn toàn khỏe mạnh mới có thể làm việc và những người bị RMD mãn tính có thể học cách giải quyết vấn đề của họ và thường có thể tiếp tục làm việc nhờ những điều chỉnh phù hợp.

Người sử dụng lao động có thể làm gì

Hầu hết những người lao động mắc RMD đều có thể tiếp tục làm việc dưới một số hình thức, với điều kiện họ được nhận một số loại trợ cấp cho các chứng bệnh của họ, và có sự linh hoạt để tìm ra cách vượt qua những thách thức trước mặt. Việc tiếp tục làm việc trong khả năng của họ sẽ không làm bệnh của họ nặng hơn. Nói chung, làm việc rất tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Những người lao động như vậy thường làm việc hiệu quả và cố gắng tránh bỏ lỡ công việc. Người sử dụng lao động sẽ được lợi là giữ chân được những công nhân lành nghề, có kinh nghiệm.

Mục tiêu cao nhất là tạo ra một nơi làm việc:

• Nhận thức được tầm quan trọng của các chứng MSDs liên quan đến công việc và giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là đối với những người lao động có thể đã có vấn đề về cơ xương;

• Thực hiện các biện pháp phòng ngừa – đánh giá và giảm thiểu rủi ro để đảm bảo nơi làm việc an toàn và được thiết kế để thúc đẩy sức khỏe cơ xương tốt;

• Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng trong công việc;

• Khuyến khích can thiệp sớm đối với bất kỳ vấn đề cơ xương nào;

• Thực hiện các điều chỉnh hợp lý và hỗ trợ các cá nhân tự quản lý sức khỏe của mình để mọi người có thể tiếp tục làm việc dù cho mắc phải bất cứ loại bệnh nào;

• Hỗ trợ một nhân viên vắng mặt vì bệnh mãn tính được trở lại làm việc thông qua việc lập kế hoạch trở lại làm việc hiệu quả;

• Tăng cường sức khỏe cơ xương, ví dụ: khuyến khích chăm sóc phần lưng và tăng cường hoạt động thể chất, giảm bớt công việc ít vận động kéo dài và tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngắn, và hỗ trợ người lao động có lối sống lành mạnh hơn.

Để đạt được điều này, nơi làm việc cần:

• Giảm thiểu rủi ro và biết trước được nhân viên có RMD có thể dễ bị ảnh hưởng hơn;

• Tránh các công việc liên quan đến giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài, hành vi ít vận động hoặc các chuyển động lặp đi lặp lại;

• Đảm bảo rằng người lao động tránh được rủi ro bằng cách tuân theo các kỹ thuật an toàn và thực hành an toàn, sử dụng đúng thiết bị và không làm tắt làm ẩu;

• Lập kế hoạch bố trí nơi làm việc bằng cách tập trung vào khả năng làm việc của một cá nhân (năng lực của một cá nhân chứ không phải các khuyết tật của họ);

• Thực hiện biện pháp tiếp cận phối hợp có sự tham gia của nhân viên, nhóm chăm sóc sức khỏe của họ và người quản lý trực tiếp của họ, với mục tiêu chung là giúp họ tiếp tục làm việc và làm việc trong khả năng của họ;

• Thúc đẩy văn hóa trò chuyện cởi mở;

• Đào tạo cho các nhà quản lý và công nhân hiểu về sức khỏe cơ xương, RMD và các cách hỗ trợ đồng nghiệp duy trì công việc.

Phòng ngừa sớm và tiếp cận tư vấn sớm

Sự cố được báo cáo càng sớm thì càng dễ giải quyết; người sử dụng lao động không thể hành động nếu họ không nhận thức được vấn đề. Điều này có nghĩa là cần khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên báo cáo các vấn đề sức khỏe ngay khi chúng phát sinh, đảm bảo rằng họ sẽ được lắng nghe và hỗ trợ. Nếu ai đó gặp vấn đề về cơ xương khớp dai dẳng ảnh hưởng đến công việc thì nên khuyến khích họ đi khám càng sớm càng tốt. Nếu được phép chia sẻ lời khuyên y tế, người sử dụng lao động sẽ có thể hiểu người lao động cần hỗ trợ gì.

Đối thoại mở

Nhu cầu của người lao động sẽ trở nên rõ ràng hơn thông qua sự giao tiếp hiệu quả. Một cuộc trò chuyện giữa một NLĐ và người quản lý của họ về tình trạng sức khỏe có thể bao gồm những điều sau:

• Tình trạng sức khỏe;

• Các triệu chứng đã trải qua;

• Nếu các triệu chứng khác nhau, họ cảm thấy như thế nào vào một ngày dễ chịu hay khó chịu;

• Tác dụng của thuốc;

• Những nhiệm vụ nào họ thấy khó khăn và cần được giúp đỡ;

• Những hỗ trợ nào họ cần hoặc có thể sẽ cần để thực hiện công việc của mình bây giờ và trong tương lai.

Lời khuyên và hỗ trợ

Những lời khuyên đến từ các dịch vụ công và các tổ chức vì người khuyết tật có thể sẽ có ích trong việc tìm kiếm giải pháp. Một số quốc gia có các chương trình hỗ trợ trở lại làm việc và các dịch vụ bảo hiểm tai nạn lao động, qua đó cung cấp lời khuyên, hỗ trợ các kế hoạch trở lại làm việc và các khoản tài trợ để thích nghi với nơi làm việc. Nhóm chăm sóc sức khỏe của nhân viên nên đưa ra lời khuyên về những công việc nào là phù hợp và những việc nào nên tránh.

Các biện pháp điều chỉnh đơn giản ở nơi làm việc

Người lao động cần được tạo cơ hội để tìm cách giải quyết các vấn đề của họ và thử nghiệm mọi thứ trên cơ sở thử dần tới khi đúng, và cần cho họ đủ thời gian để làm việc này. Một số ví dụ về các biện pháp điều chỉnh được liệt kê bên dưới.

Thay đổi công việc và nhiệm vụ:

• Tìm cách khác để thực hiện nhiệm vụ;

• Hoán đổi hoặc luân phiên thực hiện công việc với đồng nghiệp;

• Thường xuyên nghỉ giải lao ngắn;

• Giảm hoặc tránh các hoạt động khó khăn hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng (ví dụ như đi cầu thang, đứng hoặc ngồi lâu và các hoạt động lặp đi lặp lại);

• Xác định nhịp độ làm việc để ngăn chặn sự mệt mỏi, tránh hoàn thành vào phút chót.

Điều chỉnh trang thiết bị và nơi làm việc:

• Điều chỉnh thiết bị máy tính, ví dụ: sử dụng chuột công thái học, bàn phím công thái học hoặc phần mềm kích hoạt bằng giọng nói;

• Cung cấp cho NLĐ ghế đẩu di động để tránh phải đứng lâu;

• Cải thiện khả năng tiếp cận nơi làm việc, ví dụ: lắp đặt tay vịn, tay nắm cửa, cửa tự động;

• Định vị lại thiết bị và đồ đạc tại nơi làm việc để giảm căng thẳng;

• Sử dụng các điều khiển thích ứng để lái xe;

• Mang giày dép thoải mái.

Thay đổi giờ làm việc:

• Giảm giờ làm hoặc áp dụng giờ làm linh hoạt, ví dụ như: bắt đầu và kết thúc muộn hơn để tránh di chuyển vào giờ cao điểm hoặc các triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng;

• Làm việc tại nhà, ít nhất là vào một số ngày;

• Sắp xếp làm việc và làm việc từ xa linh hoạt cho tất cả người lao động.

Cung cấp các loại hỗ trợ như:

• Thời gian nghỉ không thường xuyên cho các cuộc hẹn khám bệnh (có chính sách làm việc linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho việc này);

• Cơ hội được đào tạo và thay đổi vai trò;

• Một nơi nào đó để di chuyển và giãn cơ;

• Chỗ đậu xe hơi gần lối vào cơ quan;

• Thay đổi vị trí văn phòng để tránh cầu thang hoặc đi bộ.

Một số điều chỉnh có thể chỉ cần được thực hiện tạm thời. Sau khi được thực hiện, chúng nên được đánh giá cùng với nhân viên và thảo luận xem liệu có cần điều chỉnh thêm hay không. Cần đánh giá lại nhu cầu nếu các điều kiện thay đổi, điều này làm cho các khía cạnh mới của công việc trở nên khó khăn.

Việc hỗ trợ sau khi vắng mặt liên quan đến MSD nên bao gồm một kế hoạch trở lại làm việc. Việc từ từ trở lại làm việc và giảm số giờ làm việc tạm thời có thể hữu ích sau khi NLĐ nghỉ ốm dài hạn.

Biên dịch: Bình Nguyên


(Nguồn tin: osha.europa.eu)