Lập bản đồ cơ thể và nguy cơ trong phòng ngừa các rối loạn cơ xương khớp

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:52(GMT +7)

Các điểm chính

– Lập bản đồ cơ thể là một kỹ thuật mà người sử dụng lao động và đại diện người lao động có thể dùng để tập hợp các bằng chứng từ những nhóm người lao động về các ảnh hưởng của công việc đối với cơ thể của họ như: nhức và đau mỏi cơ xương khớp.

– Người lao động sử dụng bút màu và nhãn dán để đánh dấu vị trí họ bị nhức và đau mỏi trên hình phác họa cơ thể. Các kết quả thu được của hoạt động lập bản đồ này có thể:

+ Xác định được các vấn đề có thể cần được điều tra thêm;

+ Sử dụng để khuyến khích người lao động thảo luận về giải pháp cho những vấn đề mà họ báo cáo.

– Lập bản đồ nguy cơ là phương pháp tương tự để tập hợp thông tin thu thập được. Người lao động sử dụng bút màu hoặc nhãn dán để đánh dấu vị trí các nguy cơ trên sơ đồ nơi làm việc.

– Kết quả của việc lập bản đồ có thể được dùng như một phần để đánh giá và rà soát rủi ro nhưng không phải là biện pháp thay thế cho các hoạt động đánh giá rủi ro.

Nơi làm việc lành mạnh

Cơ quan An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc Châu Âu (EU-OSHA) đang tiến hành một chiến dịch trên phạm vi toàn Châu Âu từ năm 2020-2022 nhằm nâng cao nhận thức về các rối loạn cơ xương khớp liên quan đến công việc (MSDs) và tầm quan trọng của việc phòng ngừa các chứng bệnh này. Mục tiêu hướng tới việc khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan cùng phòng ngừa chứng rối loạn cơ xương khớp cũng như cải thiện sức khỏe cơ xương khớp cho người lao động tại các quốc gia thuộc EU.

Sự tham gia của người lao động là rất quan trọng

Việc tham vấn người lao động và sự tham gia tích cực của họ trong các hoạt động liên quan đến chứng rối loạn cơ xương khớp đóng vai trò quan trọng như nhau và là những biện pháp được lựa chọn để giải quyết có hiệu quả các vấn đề nói trên. Điều này giải thích vì sao người sử dụng lao động có trách nhiệm pháp lý tham vấn người lao động về các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe. Người lao động biết những nhức mỏi và đau đớn mà họ đang cảm nhận được là gì và những khía cạnh nào của công việc có thể gây ra rối loạn cơ xương khớp, cũng bởi họ hiểu được công việc của mình và có hiểu biết chi tiết về công việc từ đó có thể có ý tưởng về các giải pháp thực tế cho các vấn đề gặp phải. Một điều quan trọng không kém là người lao động cảm thấy là một phần của giải pháp và tham gia vào việc triển khai nếu cách thức thực hiện công việc bị thay đổi. Nếu người lao động không tham gia một cách phù hợp, thì những cơ hội có được và triển khai thành công giải pháp đúng đắn sẽ giảm sút nhiều. Các ví dụ về thực hành tốt do EU-OSHA tập hợp cung cấp minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng trong việc tham gia của người lao động.

Nguyên tắc đối với việc tham gia của người lao động

Việc tham gia của người lao động là quy trình hai chiều đơn giản giữa người sử dụng lao động và người lao động/đại diện của người lao động, các nguyên tắc tương tự như nhau, mặc dù dạng thức sẽ khác nhau và tùy thuộc vào luật pháp của từng quốc gia. Những nguyên tắc kể trên bao gồm:

– Trao đổi với người khác – lắng nghe họ nói gì, học hỏi từ đó và hành động dựa vào đó;

– Tìm kiếm, chia sẻ tầm nhìn và thông tin;

– Thảo luận về những vấn đề vào thời điểm phù hợp;

– Xem xét việc mọi người phải nói những gì;

– Cùng nhau ra quyết định;

– Tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.

Lập bản đồ

Một cách để các nhóm người lao động  tham gia tích cực vào việc phát hiện mối nguy và đánh giá rủi ro cũng như trong các quyết định về giải pháp là thông qua các biện pháp tương tác của việc lập bản đồ cơ thể và bản đồ mối nguy. Hình thức lập bản đồ này được sử dụng để tập hợp thông tin về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người lao động thông qua việc sử dụng hình ảnh để nhấn mạnh các vấn đề phổ biến phục vụ điều tra hoặc có hành động mạnh mẽ hơn, như lựa chọn sử dụng các khảo sát làm ví dụ.

Lập bản đồ cơ thể và bản đồ nguy cơ là biện pháp rất hữu ích để cung cấp thông tin về các hội chứng rối loạn cơ xương khớp liên quan đến rủi ro tại nơi làm việc, cung cấp cơ sở cho việc thảo luận tại nhóm. Các kỹ thuật tương tác này đặc biệt được tiến hành trong buổi gặp gỡ hoặc hội thảo của một nhóm công nhân, cho phép họ trao đổi về nơi làm việc của mình, nơi làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động ra sao và các giải pháp cải thiện nào có thể được áp dụng. Lập bản đồ cũng cho phép người lao động thấy được vấn đề của mình có thực sự liên quan đến công việc hay không. Từng cá nhân có thể phải chịu đựng một cơn đau riêng biệt, nhưng nếu việc lập bản đồ cơ thể cho thấy cơn đau đó là phổ biến đối với tất cả mọi người thì có thể sẽ liên quan đến công việc. Kết quả có thể được cung cấp để đánh giá rủi ro và các quy trình rà soát tiếp theo.

Lập bản đồ cơ thể: công cụ nhằm hỗ trợ người lao động cùng nhau thảo luận về cách thức công việc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Công cụ này được sử dụng rộng rãi để nhận diện các vấn đề về cơ xương khớp và các nguy cơ ecgônômi, nhưng cũng phát huy tác dụng đối với việc lưu trữ các vấn đề về sức khỏe khác như stress.

Lập bản đồ nguy cơ: kỹ thuật hỗ trợ nhận diện và ưu tiên nguy cơ bất kỳ tại nơi làm việc như stress hoặc hóa chất, thể chất, thiết kế công việc hay các nguy cơ về sinh học.

Lập bản đồ cơ thể

Các nguy cơ an toàn tại nơi làm việc rất dễ phát hiện được trong quá trình thanh tra nơi làm việc, nhưng lại rất khó để phát hiện công việc có thể gây hại đến cơ thể người lao động. Lập bản đồ cơ thể chính là cách giải quyết vấn đề này và nhận diện được những dạng thức phổ biến của các vấn đề sức khỏe trong công nhân lao động tại một nơi làm việc riêng biệt hoặc cùng làm công việc tương tự.

Bản đồ cơ thể là một biểu đồ cho thấy góc nhìn từ phía trước và phía sau cơ thể. Trong một bài tập tổng hợp, người lao động sử dụng bút màu hoặc nhãn dán để đánh dấu các điểm trên các biểu đồ phía trước và phía sau bản đồ cơ thể để chỉ ra vị trí họ cảm thấy nhức và đau mỏi trong khi làm việc. Kết quả chính là bản đồ thể hiện các xu hướng về những hội chứng người lao động gặp phải.

Những hội chứng phổ biến sau đó có thể được nhận diện bằng cách xem xét những dạng thức phổ biến nổi lên. Càng nhiều điểm đánh dấu xuất hiện ở cùng vị trí trên bản đồ cơ thể nghĩa là càng nhiều người lao động báo cáo có cùng triệu chứng, và cho thấy có gì đó liên quan đến công việc, hơn là một vấn đề mang tính đơn lẻ, cá biệt. Kỹ thuật này phát huy tác dụng tốt nhất với các nhóm người lao động làm cùng hoặc làm các công việc tương tự.

Tiến hành buổi thiết lập bản đồ cơ thể 

Nguồn lực

– Phác thảo phần phía trước và phía sau cơ thể (cỡ bằng tờ poster hoặc nhỏ hơn). (Chú ý: Bản đồ cơ thể lớn có thể được tạo ra bằng cách vẽ viền bên ngoài cơ thể của một người nằm trên sàn nhà).

– Xem phụ lục để download phần phác thảo cơ thể nam giới và nữ giới của EU-OSHA.

– Bút màu và nhãn dán, sử dụng các màu sắc khác nhau để nhận biết được những triệu chứng. Ví dụ:

+ Màu đỏ đối với các cơn đau, nhức;

+ Màu xanh nước biển đối với các vết cắt và bầm tím;

+ Màu xanh lá cây đối với trạng thái bị ốm;

Màu đen đối với các triệu chứng stress;

+ Màu vàng đối với các biểu hiện khác.

– Bảng kẹp giấy, giấy và bút để tiền hành làm việc theo nhóm và các phiên hồi đáp mà người tham dự thảo luận về bản đồ cơ thể hoàn chỉnh.

Hoạt động

1. Lập bản đồ các triệu chứng 

Yêu cầu người lao động dán nhãn hoặc tô màu các điểm trên bản đồ cơ thể cho thấy những vị trí bị đau.

Khi người lao động dán nhãn, yêu cầu họ giải thích ngắn gọn lý do họ dán các nhãn đó và ghi chép lại câu trả lời của họ.

Yêu cầu họ nghĩ về các cơn đau, mỏi cơ cũng như các nguy cơ khác như triệu chứng stress (ví dụ: đau đầu) hoặc cảm thấy quá lạnh hay quá nóng, vì những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến các rủi ro rối loạn cơ xương khớp.

Bản đồ cơ thể có thể hỗ trợ chỉ ra triệu chứng chỉ xuất hiện ở một người lao động hoặc xuất hiện ở tất cả những lao động khác khi bắt đầu xuất hiện các cụm đánh dấu. 

2. Thảo luận về các triệu chứng

Khi mọi người đã hoàn thành việc dán nhãn và tô màu các điểm trên bản đồ cơ thể, yêu cầu nhóm cùng nhau quan sát bản đồ và thảo luận về những gì họ thấy. Những câu hỏi thường đặt ra như sau:

– Bạn có thấy bất kỳ cụm hoặc dạng phổ biến nào của các điểm không?

– Bạn có thấy sự khác biệt nào không?

– Bạn có thể nhận diện và giải thích các nhóm đó có khả năng là gì trong mối quan hệ với tình trạng sức khỏe ốm yếu do rối loạn cơ xương khớp như những cơn đau, mỏi hoặc bệnh tật mãn tính không? (Các nhãn dán có thể được thêm vào bản đồ để chỉ ra những cụm đánh dấu liên quan đến nội dung gì?)

3. Nhận diện các nguy cơ – Bạn nghĩ lý do có thể là gì?

Khi các triệu chứng đã được nhận diện, cùng thảo luận các lý do khả thi với cả nhóm. Câu hỏi có thể như sau:

– Bạn có thể nhận diện các dạng nguy cơ khác nhau không?

– Bạn có thấy bất kỳ dạng thức hay nét riêng biệt trong các nguy cơ đã được nhận diện không?

Ghi chép lại các câu trả lời trên bảng kẹp giấy. Việc này có thể thực hiện được bằng cách chia thành các nhóm nhỏ hơn, sau đó từng nhóm có báo cáo phản hồi về cho cả nhóm.

Các lý do có thể không hoàn toàn liên quan đến công việc, nhưng càng nhiều người lao động báo cáo về cùng các triệu chứng, thì càng có khả năng công việc hoặc môi trường làm việc chính là yếu tố tác động.

4. Nhận diện các giải pháp và ưu tiên để hành động – bạn có đề xuất giải pháp nào không?

Kết thúc buổi làm việc bằng cách yêu cầu nhóm thảo luận về các giải pháp có thể được đề xuất và những ưu tiên nào có thể được đưa ra. Một lần nữa việc làm này có thể được thực hiện ở các nhóm nhỏ hơn và sau đó từng nhóm có thể báo cáo lại với cả nhóm.

Lập bản đồ nguy cơ

Lập bản đồ nguy cơ là dạng tương tự với hoạt động tập hợp được sử dụng để tập hợp thông tin về các nguy cơ tại nơi làm việc. Người lao động sử dụng bút màu hoặc nhãn dán đánh dấu các nguy cơ hiện diện trên bản vẽ nơi làm việc của họ. Lập bản đồ nguy cơ giúp người lao động hình dung được nơi làm việc của mình và những nguy cơ đang tồn tại.

Tiến hành một buổi lập bản đồ nguy cơ

Nguồn lực

– Bảng kẹp giấy và giấy.

– Bút màu và nhãn dán có thể dùng theo cách thức sau:

+ Một tùy chọn là dùng màu để nhận biết các nguy cơ khác nhau:

Màu đỏ đối với các nguy cơ thiết kế công việc (ví dụ ecgônômi);

Màu xanh nước biển đối với các nguy cơ vật lý (ví dụ: tiếng ồn, sức nóng);

Màu đen đối với các nguy cơ tâm lý (ví dụ: stress, làm việc theo ca);

Màu xanh lá cây đối với các nguy cơ hóa chất và màu Nâu đối với các nguy cơ sinh học.

+ Một tùy chọn khác là tập trung hơn nữa vào các rối loạn cơ xương khớp:

Màu cam đối với các nguy cơ mang vác thủ công;

Màu vàng đối với công việc lặp đi lặp lại;

Màu hồng đối với tư thế (ví dụ: các tư thế khó, các tư thế tĩnh);

Màu tím đối với các chuyển động mạnh;

Màu đỏ cho các nguy cơ thiết kế nhiệm vụ và máy móc (ví dụ: ergonomic chưa đạt yêu cầu); và

Màu đen đối với cách tổ chức công việc và stress (ví dụ: nhịp độ/cường độ, giờ nghỉ, gánh nặng công việc, kiểm soát cách thức tiến hành công việc).

Hoạt động

Yêu cầu môt nhóm người lao động làm việc ở cùng vị trí vẽ lại khu vực làm việc của mình, bao gồm  thiết bị tại khu vực, bản thân họ và các đồng nghiệp. (Lưu ý: có thể sử dụng sơ đồ mặt sàn của khu vực làm việc đã có sẵn). Yêu cầu người lao động dùng bút màu và nhãn dãn đánh dấu các nguy cơ.

1. Lập bản đồ khu vực làm việc

Hướng dẫn người tham gia làm việc như một nhóm để:

– Vẽ bố cục vật lý các khu vực mà họ làm việc;

– Gồm cả những lao động cùng làm (những người này có thể được vẽ dạng người hình que);

– Vẽ bất kỳ nguy cơ nào đang tồn tại;

– Dán nhãn các nguy cơ, ví dụ: các bề mặt nóng;

– Tô màu mã các loại nguy cơ.

2. Thảo luận về các nguy cơ

Khi đã vẽ được bản đồ, yêu cầu người lao động đưa ra những quan sát họ thấy được từ bản đồ. Các câu hỏi khả thi gồm:

– Có bất kỳ dạng hoặc nguy cơ phổ biến nào không?

– Có điều gì làm bạn thấy ngạc nhiên khi quan sát không?

– Tại sao những nguy cơ khác nhau này lại nảy sinh?

– Nguy cơ nào quan trọng nhất hoặc nghiêm trọng nhất?

Ghi chú câu trả lời của người tham dự lên bảng. Hoạt động này có thể được tiến hành bằng cách chia thành các nhóm nhỏ hơn, sau đó từng nhóm sẽ báo cáo lại cho nhóm chính.

3. Nhận dạng các giải pháp và ưu tiên để hành động – bạn có thể đề xuất giải pháp gì không?

Kết luận buổi làm việc bằng cách đưa ra các câu hỏi cho nhóm:

– Có thể đề xuất những giải pháp gì? Hoạt động này có thể được tiến hành bằng cách sử dụng bảng gồm 04 tiêu đề: “Nguy cơ”, “Nguyên nhân”, “Ảnh hưởng” và “Có thể làm gì?”.

– Có thể đặt ra những ưu tiên gì? (ví dụ: tùy thuộc vào những nguy cơ nào là nghiêm trọng nhất, cần tiến hành những bước ngắn hạn và dài hạn gì?)

Đầu vào phục vụ đánh giá rủi ro và các quy trình kiểm soát

Kết quả của việc lập bản đồ có thể được người lao động cũng như các hội đồng an toàn… thảo luận. Nếu kết quả lập bản đồ được dùng như đầu vào để đánh giá rủi ro, thì việc lập bản đồ có thể được lặp lại sau khi giới thiệu các biện pháp bảo vệ giúp xác định tính hiệu quả của các biện pháp đó. Tuy nhiên, mặc dù kỹ thuật lập bản đồ có thể sử dụng như đầu vào phục vụ việc đánh giá rủi ro, nhưng không thể thay thế cho một đánh giá rủi ro chính thức. Điều quan trọng là kết quả của các hoạt động được xem xét đánh giá, người lao động được cung cấp phản hồi để biết rằng ý kiến và việc tham gia của họ là có giá trị và được xét đến.

Hơn nữa, bằng việc so sánh các triệu chứng của người lao động làm việc tại cùng khu vực, các chủ đề phổ biến có thể được nhận diện. Các chủ đề đó sau này được so sánh với những chủ đề của các nhóm khác tại cùng nơi làm việc, từ đó phát hiện các vấn đề đã nêu khác nhau giữa các công việc như thế nào. Để giúp có được quan điểm về giới, các kỹ thuật có thể được sử dụng ở những nhóm chỉ có phụ nữ hoặc chỉ có nam giới và so sánh kết quả.

Bài tập về lập bản đồ cần bao gồm một nhiệm vụ kết thúc trong đó người lao động tham gia vào việc ghi chép những điều họ quan tâm nhất và thảo luận các khuyến nghị – có sự tham gia của người lao động trong việc dành ưu tiên và lập kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ phát triển các kế hoạch sẽ thực hiện trong thực tế.

Công đoàn và việc lập bản đồ

Các kỹ thuật lập bản đồ đã được các tổ chức công đoàn sử dụng để hỗ trợ trong việc thảo luận về sức khỏe và an toàn giữa các thành viên và cung cấp kết quả nghiên cứu có thể dùng để đàm phán với người sử dụng lao động. Trong một số trường hợp, công đoàn tiến hành các bài tập lập bản đồ hồi cứu (sử dụng tập hợp trí nhớ của người lao động để vẽ bản đồ nơi làm việc trong quá khứ) nhằm làm tăng nhận thức từ bên trong với các liên kết khả thi giữa công việc và những bệnh tật mãn tính âm ỉ trong thời gian dài như bệnh ung thư.

Các ví dụ về bài tập lập bản đồ do công đoàn thực hiện với các nhóm người lao động

Nhân viên dọn vệ sinh làm ca đêm

Xuất hiện các cụm điểm chỉ rõ hiện tượng đau, mỏi ở cổ tay và thắt lưng. Theo một cuộc thảo luận về các triệu chứng phổ biến ghi chép lại cho thấy máy chà vệ sinh sàn trước đây được cất giữ ở từng tầng cũng như trong từng nơi riêng biệt hoặc được nâng lên hoặc hạ xuống bởi hai nhân viên vệ sinh hoặc một nhân viên vệ sinh một nhân viên vận hành máy vệ sinh sàn. Sự thay đổi trong thực tế nghĩa là có ít máy móc hơn, dẫn đến việc những máy móc này cần phải dùng sức để di chuyển thường xuyên hơn, bao gồm lên xuống cầu thang, đôi khi chỉ bởi một nhân viên vệ sinh.

Nhóm các giáo viên

Bài tập lập bản đồ cho thấy các nhóm nổi lên chỉ rõ hiện tượng đau nhức cổ tay, căng thẳng mắt và đau lưng. Giả định nguyên nhân do việc sử dụng máy tính và chia sẻ trạm làm việc ngày càng tăng dẫn đến các vấn đề về ecgônômic. Những thay đổi được giới thiệu bao gồm điều khoản về hướng dẫn, đệm cố định cổ tay và các loại ghế có thể điều chỉnh được.

Nhân viên vệ sinh và nhân viên phục vụ

Việc lập bản đồ cho thấy nhân viên phục vụ cũng gặp các triệu chứng mệt mỏi, đau nhức bắp chân tương tự, nhân viên vệ sinh chịu các triệu chứng mệt, đau mỏi và nhức đầu. Các nhiệm vụ được bố trí lại trong căng-tin để tất cả người lao động có thể nghỉ giải lao bao gồm cả công việc phải đứng liên tục. Giới thiệu cho các nhân viên vệ sinh thời gian biểu theo dõi công việc nhằm mục đích phân bổ gánh nặng công việc trong một tuần.

Sử dụng kỹ thuật lập bản đồ trong giáo dục và đào tạo

Lập bản đồ cơ thể là kỹ thuật nâng cao nhận thức tốt và có thể phát huy tác dụng trong lớp học hoặc với những lao động trẻ chưa quen với cách thức làm việc có thể gây đau mỏi. Các kỹ thuật này rất linh hoạt và có thể được sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau. Ý tưởng sử dụng bản đồ cơ thể và bản đồ rủi ro trong giáo dục gồm:

– Yêu cầu học sinh đánh dấu vào sơ đồ lớp những đồ vật gì có thể gây ra đau mỏi như: ghế ngồi, cặp sách;

– Yêu cầu học sinh đánh dấu vào sơ đồ cơ thể người vị trí học sinh thấy đau mỏi sau một ngày đi học.

Một phương pháp khác để tổ chức hoạt động với sinh viên đang tham gia đào tạo nghề. Sinh viên cùng phối hợp tạo ra “các bản đồ rủi ro” đối với nguy cơ mà họ phải đối mặt với công việc trên các bức phác thảo về nơi làm việc. Từ các bản đồ rủi ro, sinh viên sẽ tạo ra danh mục nguy cơ. Tiếp theo, sinh viên sẽ sắp xếp danh mục theo thứ tự ưu tiên, ví dụ: đưa ra quyết định về ba nguy cơ quan trọng nhất và đưa ra lý do lựa chọn. Sau đó, sinh viên sẽ triển khai để nhận diện cách thức khả thi để loại bỏ các nguy cơ đã được nhận diện. Sinh viên sau đó được yêu cầu bảo vệ bản đồ rủi ro của mình trước cả lớp. Kỹ thuật này động viên người trẻ giao tiếp, trao đổi với nhau về an toàn và đưa ra những giải pháp mang tính tổng hợp cho những vấn đề mà họ phát hiện thấy.

Hoặc kỹ thuật này có thể được sử dụng cho những lao động làm việc ở các nhà dưỡng lão. Người lao động dán các nhãn “ouch” (ối!) lên người nhau để chỉ ra những đau mỏi gắn với các hoạt động khác nhau. Sau những vấn đề phổ biến, ví dụ như ở vùng lưng hoặc vai, được đánh dấu và nhận biết theo cách này, hoạt động thảo luận có thể tập trung vào các câu hỏi như: “những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đau, mỏi?” và “làm thế nào để phòng ngừa?”

Lợi ích và điểm yếu của các kỹ thuật lập bản đồ

Có rất nhiều lợi ích từ việc người lao động phối hợp các bài tập lập bản đồ vào việc đánh giá rủi ro và các quy trình giám sát.

Ví dụ, lập bản đồ cơ thể:

– Cung cấp dữ liệu;

– Phác thảo trên kiến thức và kinh nghiệm của người lao động;

– Tham gia tích cực của người lao động theo cách thức tương tác;

– Người lao động tham gia vào việc đánh giá và giám sát rủi ro;

– Nâng cao nhận thức bằng cách hỗ trợ người lao động suy nghĩ về nơi làm việc của mình;

– Giúp phân biệt giữa vấn đề liên quan đến công việc và vấn đề không liên quan đến công việc;

– Có thể sử dụng trong giáo dục và đào tạo, trong các trường học và với các sinh viên đào tạo nghề, cũng như tại nơi làm việc;

– Rất hữu ích khi xuất hiện các vấn đề không rõ nguồn gốc;

– Đặc biệt hữu ích nếu kỹ năng đọc hoặc ngôn ngữ gặp vấn đề; đây là phương pháp linh hoạt có thể áp dụng cho nhu cầu của từng nhóm đối tượng công nhân.

Một số điểm yếu cần được chú ý:

– Thời gian phù hợp là cần thiết để tiến hành bài tập này một cách kỹ lưỡng và có hiệu quả.

– Lập bản đồ cơ thể có thể được xem là quấy rầy hoặc quá cá nhân và có thể làm cho người lao động cảm thấy  ngượng. Một phương pháp khác là dựng các poster trong một khoảng thời gian trước khi tiến hành hoạt động, ví dụ ở nơi nghỉ giải lao, và yêu cầu người lao động đánh dấu lên bản đồ. Làm theo cách này người lao động có thể kín đáo thực hiện khi phù hợp.

– Người lao động cần tin tưởng vào quy trình và những cam kết rằng kết quả sẽ chỉ được sử dụng một cách tập trung cho việc đánh giá rủi ro và không kiểm tra hay đánh giá gì về sức khỏe của cá nhân từng người lao động.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: osha.europa.eu)