Thực trạng cấp khí tươi cho môi trường lao động kín tại các phòng làm việc chung thuộc tập đoàn viễn thông quân đội tại Hà Nội

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

Tóm tắt: Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp điều tra mô tả cắt ngang nhằm đánh giá thực trạng cấp khí tươi cho môi trường lao động kín ở các phòng làm việc chung của hai tòa nhà thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội tại Hà Nội.

Kết quả cho thấy:

Mỗi tòa nhà có 01 phòng làm việc chung có thể tích không khí nơi làm việc không đạt TCVN 5687:2010; Lưu lượng cấp khí tươi ở 02 phòng làm việc chung không đạt TCVN 5687:2010, chiếm tỷ lệ 25%; 8/106 mẫu tốc độ gió nơi làm việc không đạt TCVN 5687:2010; 14/106 mẫu đo tiếng ồn không đạt TCVSLĐ 3733/2002/QĐ-BYT; Nồng độ CO2 trong không khí vùng làm việc không đạt TCVSLĐ 3733/2002/QĐ-BYT ở hầu hết các phòng làm việc chung.

Các tác giả cũng đề xuất một số giải pháp khắc phục nhằm cải thiện tình trạng thiếu khí tươi cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường lao động, đảm bảo sức khỏe và điều kiện làm việc cho người lao động làm việc ở các phòng làm việc chung thuộc Tập đoàn viễn thông Quân đội tại Hà Nội.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

              Hiện nay Tập đoàn viễn thông Quân đội đang sử dụng một lượng lớn nhân lực làm việc trong MTLĐ kín ở hai tòa nhà văn phòng ở Hà Nội là tòa nhà Số 1- Giang Văn Minh và CT12 – Trung Văn. Tại hai tòa nhà văn phòng này đã ghi nhận một số phản ánh của người lao động về vấn đề cấp khí tươi cho MTLĐ kín. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm mục đích đánh giá thực trạng cấp khí tươi cho MTLĐ kín tại các phòng làm việc chung thuộc tập đoàn viễn thông Quân đội tại Hà Nội.

II.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu: Các phòng làm việc chung và hệ thống cấp khí tươi cho các phòng làm việc chung thuộc 2 tòa nhà văn phòng làm việc của Tập đoàn viễn thông quân đội tại Hà Nội (Tòa nhà văn phòng: Số 1 – Giang Văn Minh – Ba Đình và CT12 – Trung Văn – Nam Từ Liêm – Hà Nội).

-Thời gian nghiên cứu:  11/2016 (đo đạc, lấy mẫu giữa ca làm việc).

2.2.Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp và thiết kế nghiên cứu: Điều tra mô tả cắt ngang.

– Đánh giá thực trạng MTLĐ ở các phòng làm việc chung bằng phương pháp quan trắc MTLĐ.

– Xác định tổng lưu lượng cấp khí tươi cho từng phòng làm việc chung.

– Mỗi vị trí làm việc lấy 01 mẫu, tổng số 318 mẫu vi khí hậu, 106 mẫu tiếng ồn, 94 mẫu bụi (toàn phần, hô hấp), 164 mẫu hơi khí độc (CO2, CO, SO2, NO2).

– Căn cứ theo TCVN 5687:2010 để đánh giá thể tích không khí, lưu lượng cấp khí tươi tại các phòng làm việc chung.

– Căn cứ theo TCVN 5508: 2009 và TCVSLĐ 3733/QĐ/BYT để đánh giá các mẫu quan trắc MTLĐ tại các phòng làm việc chung.

– Xử lý thống kê số liệu trên phần mềm SPSS 22.0

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU (Xem các bảng 1-6)

Bảng 3.1. Thể tích khí tại các phòng làm việc chung

Kết quả Bảng 3.1 cho thấy 2/8 các phòng làm việc chung có thể tích không khí/người không đạt TCVN, chiếm tỷ lệ 25%. Phòng có thể tích không khí/người ít nhất là phòng làm việc chung khối kinh doanh (8,1 m3/người).

Bảng 3.2. Lưu lượng cấp khí tươi tại các phòng làm việc chung

Bảng 3.2 cho thấy 2/8 (25,0%) phòng làm việc chung có lưu lượng cấp khí tươi cho phòng kín không đạt TCVN.

Bảng 3.3. Kết quả quan trắc nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió

Bảng 3.3 cho thấy, 100% mẫu quan trắc nhiệt độ, độ ẩm đều đạt TCVN 5508:2009. 8/106 mẫu đo tốc độ gió không đạt TCVN, chiếm 7,5%. Các vị trí làm việc có số mẫu không đạt TCVN nằm rải rác tại Phòng làm việc chung khối Kinh doanh, Kỹ thuật và Quản lý thuộc tòa nhà văn phòng CT12-Trung Văn.

Bảng 3.4.Kết quả quan trắc tiếng ồn

Bảng 3.4 cho thấy, 14/106 mẫu đo tiếng ồn tại các vị trí làm việc trong các phòng làm việc chung không đạt TCVSLĐ, chiếm tỷ lệ 13,2%. Các vị trí làm việc có số mẫu không đạt TCVN nằm rải rác tại phòng làm việc chung tầng 10, 11, 12 của tòa nhà văn phòng  Số 1 – Giang Văn Minh – Ba Đình – Hà Nội.

Bảng 3.5.Kết quả quan trắc nồng độ bụi toàn phần và bụi hô hấp

Bảng 3.5 cho thấy, 100% các mẫu quan trắc bụi toàn phần và bụi hô hấp tại các vị trí làm việc trong các phòng làm việc chung đều đạt TCVSLĐ.

Bảng 3.6.Kết quả quan trắc về hơi khí độc

Bảng 3.6 cho thấy, các mẫu đo nồng độ CO, NO2, SO2 đều nằm trong giới hạn của TCVSLĐ.

39/41 mẫu đo nồng độ CO2 tại các vị trí làm việc trong các phòng làm việc chung  không đạt TCVSLĐ, chiếm 95,1%. Các mẫu không đạt TCVSLĐ nằm rải rác ở tất cả các phòng làm việc chung.

IV. BÀN LUẬN

– Mỗi tòa nhà có 01 phòng làm việc chung có thể tích không khí/người không đạt TCVN 5687:2010. Nguyên nhân do các phòng làm việc chung được thiết kế không gian làm việc cố định từ trước, nhưng do nhu cầu công việc tăng đột biến nên số lượng người lao động tăng đáng kể, dẫn đến việc một số phòng làm việc chung có thể tích không khí không đạt tiêu chuẩn.

– Kết quả đo lưu lượng cấp khí tươi tại các phòng làm việc chung cho thấy mỗi tòa nhà văn phòng đều có 01 phòng làm việc chung có lưu lượng cấp khí tươi không đạt TCVN 5687:2010. Tại đây có số lượng người lao động trong phòng kín lớn (228 và 290 người), mật độ bố trí các vị trí làm việc dày đặc (bàn làm việc kê quá sát nhau), trong khi công suất của hệ thống cấp khí tươi được thiết kế từ khi xây dựng tòa nhà chỉ đáp ứng cho số lượng người ít hơn, dẫn đến việc có phòng làm việc chung không đạt TCVN. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu thông gió cấp khí tươi ở một số cao ốc của giáo sư Appleby – Đại học Kỹ thuật Đan Mạch 2012 và Joseph Allen -Viện Khoa học sức khỏe môi trường Mỹ năm 2015.

– Nhiệt độ và độ ẩm thời điểm khảo sát đều đạt TCVN 5508:2009. Tuy nhiên có 8/106 mẫu đo tốc độ gió không đạt TCVN 5508:2009. Các mẫu tốc độ gió không đạt nằm ở các góc khuất, cách xa vị trí các miệng cấp khí tươi. Kết quả này phù hợp với tính chất MTLĐ trong phòng kín có sử dụng điều hòa và cũng phù hợp với các kết quả quan trắc MTLĐ định kỳ của Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

– 14/106 mẫu đo tiếng ồn không đạt TCVSLĐ 3733/2002/QĐ-BYT. Quan sát trong quá trình quan trắc, chúng tôi nhận thấy nguồn ồn ở các động cơ đẩy nối tiếp của hệ thống cấp khí tươi khá lớn (đặt tại tầng 10, 11, 12 là nơi có các mẫu đo tiếng ồn không đạt TCVSLĐ). Một số miệng cấp đã cũ, không được gắn chặt khít vào trần nhà dẫn đến rung đập tạo tiếng ồn khi hệ thống cấp khí tươi hoạt động.

– 100% các mẫu bụi đều đạt TCVSLĐ 3733/2002/QĐ-BYT. Kết quả này phù hợp với các báo cáo định kỳ hàng năm của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

– Các mẫu đo CO, NO2, SO2 đều đạt TCVSLĐ 3733/2002/QĐ-BYT. Tuy nhiên có tới 95,1% các mẫu đo CO2 không đạt TCVSLĐ 3733/2002/QĐ-BYT.

– Mặc dù các kết quả đo lưu lượng cấp khí tươi ở đa số các phòng làm việc chung đạt TCVN nhưng kết quả đo nồng độ CO2 lại không đạt TCVSLĐ nên có thể nhận thấy chất lượng khí tươi ngoài trời tại thời điểm quan trắc cấp vào MTLĐ kín không đảm bảo chất lượng về nồng độ CO2 cho phép. Với thực tế đặc điểm của lao động trong MTLĐ kín với số lượng người lao động lớn dẫn tới CO2 phát sinh nhiều trong quá trình hoạt động của người lao động.

V. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.1. Thực trạng cấp khí tươi cho MTLĐ kín

– Lưu lượng cấp khí tươi ở 02 phòng làm việc chung không đạt TCVN 5687:2010, chiếm tỷ lệ 25%. Nguyên nhân do mật độ người lao động lớn, công suất cấp khí tươi theo thiết kế chỉ đáp ứng cho lượng người lao động ít hơn.

– 8/106 mẫu tốc độ gió nơi làm việc không đạt TCVN 5687:2010 do nằm ở các góc khuất, cách xa các miệng cấp khí tươi.

– 14/106 mẫu đo tiếng ồn không đạt TCVSLĐ do hoạt động của các động cơ đẩy nối tiếp của hệ thống cấp khí tươi bố trí nằm quá gần các phòng làm việc chung có số mẫu đo tiếng ồn không đạt tiêu chuẩn, một số miệng cấp khí tại đó không được gắn chặt kít vào trần nhà nên khi hệ thống hoạt động bị rung, va đập.

– Nồng độ CO2 trong không khí vùng làm việc không đạt TCVSLĐ ở hầu hết các phòng làm việc chung do chất lượng khí tươi ngoài trời cấp vào MTLĐ kín không đảm bảo chất lượng về nồng độ CO2 cho phép, số lượng người lao động lớn.

5.2. Khuyến nghị

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu chúng tôi xin đề xuất với Tập đoàn Viễn thông Quân đội một số giải pháp khắc phục như sau:

– Trước khi xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc có MTLĐ kín hoặc cải tạo sửa chữa lớn cần phải thiết kế sao cho có đủ thể tích không khí nơi làm việc phù hợp với dự kiến số lượng lao động cần sử dụng.

– Tại các phòng làm việc chung có kết quả đo đạc lưu lượng cấp khí tươi cho MTLĐ kín không đạt TCVN 5687:2010 cần tính toán tăng công suất cấp khí.

– Các miệng cấp gió tươi cần bố trí đồng đều ở các vị trí làm việc, hạn chế bố trí lao động ở các góc khuất, cách xa miệng cấp khí tươi.

– Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống cấp khí tươi, đặc biệt là các động cơ, kiểm soát chất lượng không khí bên ngoài và xử lý khí trước khi cấp vào.

6. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Nguyễn Trần Quân,  2014, Tính toán thiết kế, chọn máy và thiết bị của hệ thống điều hòa không khí và thông gió, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh, Hà Nội, 252 trang.

2.Bùi Trung Thành, 2015, Khảo sát, tính toán, thiết kế quạt cho hệ thống thông gió bao gồm hút gió thải và cấp gió tươi cho căn hộ gia đình và văn phòng làm việc, Đại học Công nghiệp TPHCM, 195 trang.

3.Ngô Quốc Khánh, Phạm Công Thuyên, Trần Huy Toàn, 2013, Đánh giá chất lượng không khí trong nhà tại các cao ốc, văn phòng trên địa bàn Hà Nội, Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động, Hà Nội, 88 trang.

4.Bộ Khoa học và Công nghệ, 2005, TCVN 5938:2005. Chất lượng không khí – Nồng độ tối đa cho phép của một số chất độc hại trong không khí xung quanh.

5.Bộ Khoa học và Công nghệ, 2010, TCVN 5687:2010. Thông gió – Điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế.

6. Joseph G. Allen, Piers MacNaughton, Usha Satish, Sureh Santanam, Jose Vallarino, Jonh D. Spengler, October 26, 2015, Associations of Cognitive Function Scores with Carbon Dioxide, Ventilation, and Volatile Oganic Compound Exposures in Office Workers: A Controlled Exposure Study of Green and Conventional Office Environments, Environmental Health Perspectives, doi: 10.1289/ehp.1510037.

7. Appleby PH, 2011, Integrated Sustainable Design of Buildings, Earthscan.

8.Bako-Biro Zs. Clements – Croome DJ. Kochhar N. Awbi HB. Williams MJ, 2012, Ventilation rates in schools and pupils’ performance, Building and Environment 48, pp 215-223.

9. Kimo, 2016, User manual of DBM 610 airflow meter, www.kimo.fr.

ThS. Lại Quốc Tuấn, BS. Nguyễn Tất Thắng, BSCKII. Nguyễn Thị Thơm,

ThS. Lương Minh Tuấn, ThS. Hoàng Thị Lan Anh,

BS. Nguyễn Việt Giang, CN. Phạm Quyết Chiến,

Y sĩ. Phạm Văn Thắng, Y sĩ. Đỗ Văn Mạnh,Y sĩ. Nguyễn Đức Tấn.

Viện Y học Dự phòng Quân đội.

Chịu trách nhiệm: Lại Quốc Tuấn – Email: mdoh.vn@gmail.com


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn và vệ sinh lao động, số 3/2018)