Thực trạng môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:24(GMT +7)

Bài báo này được thực hiện nhằm phân tích và đánh giá thực trạng môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ; từ đó tìm hiểu rõ những nét đặc thù về điều kiện lao động của ngành sản xuất này.

TÓM TẮT
Trong phạm vi nghiên cứu của bài báo, nhóm tác giả đã tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng môi trường lao động (MTLĐ) tại các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu rõ về các quy trình sản xuất bao bì điển hình, các công nghệ in bao bì đang được ứng dụng phổ biến ở nước ta và những điều kiện lao động đặc trưng của ngành sản xuất này. Các phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng bao gồm: phương pháp khảo sát, thu  thập thông tin và phương pháp phân tích và mô tả dữ liệu thống kê. Kết quả phân tích cho thấy: (i) vấn đề ô nhiễm hơi khí độc trong MTLĐ tại các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ ở Tp.HCM điển hình tại khu vực in ấn (có đến 85 % số doanh nghiệp đã khảo sát có chỉ số nồng độ hóa chất tại khu vực in vượt quá ngưỡng giới hạn tiếp xúc của người lao động, trong đó, nổi bật nhất là nồng độ các hơi dung môi hữu cơ (VOCs) phát sinh tại khu vực in ấn) và ô nhiễm tiếng ồn tại các khu vực cắt, dập; (ii)Một số VOCs đặc trưng trong MTLĐ của các cơ sở sản xuất bao bì là: acetone, toluene, cyclohexanone, butyl acetate (dầu chuối công nghiệp), ethyl acetate (dầu cuối zin), isopropyl alcohol (IPA), methyl ethyl ketone (MEK), isophorone (dầu 783), ethanol (cồn công nghiệp).

1. GIỚI THIỆU

Theo báo cáo tổng kết ngành in Việt Nam do Ngân hàng Đông Á thực hiện, cả nước có tổng số gần 1.500 cơ sở in, mảng in lớn nhất ở hiện nay là in nhãn hàng và in bao bì, khoảng 900 cơ sở. Trong đó, khoảng 70% số cơ sở sản xuất bao bì tập trung ở khu vực ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận [1]. Loại sản phẩm này phát triển theo tỷ lệ tăng trưởng của các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Công nghiệp in bao bì đang có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Úc, Mỹ, Hàn Quốc vào TP.HCM và một số tỉnh các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, tạo ra một lực lượng lao động dồi dào với nhiều trình độ khác nhau. Điều này khẳng định in bao bì và nhãn hàng là đối tượng lớn nhất và tiềm năng lâu dài của ngành công nghiệp in, nó mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành cũng như cho nền kinh tế của cả nước. Bài báo này được thực hiện nhằm phân tích và đánh giá thực trạng môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ; từ đó tìm hiểu rõ những nét đặc thù về điều kiện lao động của ngành sản xuất này.
2. PHAM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu là các cơ sở sản xuất bao bì có quy mô vừa (tổng vốn đầu tư từ 10 đến 50 tỷ đồng) và nhỏ (vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng) trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Phương pháp chính được sử dụng là phương pháp khảo sát, thu thập thông tin, bao gồm 2 phần chính:
(i) Phần 1: Thông tin hiện trường được thu thập bằng kỹ thuật phỏng vấn cộng đồng doanh nghiệp sản xuất bao bì trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong ngành sản xuất bao bì trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước tính khoảng 1000 doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy, bao bì nhựa và bao bì kim loại) [2]. Việc liên hệ công tác và phỏng vấn thông tin tại doanh nghiệp không dễ dàng nên quá trình phỏng vấn được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên thuận tiện. Số lượng phiếu khảo sát phân theo công nghệ sản xuất bao bì, cụ thể trong Bảng 1.

(ii) Phần 2: thu thập dữ liệu quan trắc về các thông số môi trường trong MTLĐ của 34 cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ, các công nghệ in bao bì, các loại mực in và dung môi hữu cơ thường được sử dụng.
Bên cạnh đó, các công cụ hỗ trợ như Microsofl Excell và SPSS 16.0 cũng được sử dụng để xử lý và phân tích dữ liệu thống kê nhằm phân tích hiện trạng sản xuất và chất lượng môi trường lao động của các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
3.  ĐẶC ĐIỂM CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT BAO BÌ
3.1. Quy trình sản xuất bao bì: Một quy trình sản xuất bao bì cơ bản gồm có 4 giai đoạn nối tiếp nhau: Thiết kế mẫu – Chế tạo bản in – In hình ảnh – Gia công tờ in thành sản phẩm. Khảo sát trên 26 cơ sở sản xuất bao bì cho thấy, ở Tp. Hồ Chí Minh có 3 công nghệ sản xuất bao bì điển hình, đó là: sản xuất bao bì giấy, sản xuất bao bì kim loại và sản xuất bao bì nhựa. Các công nghệ sản xuất bao bì khác nhau về nguyên vật liệu cùng cho sản xuất và công nghệ in trên vật liệu dùng làm bao bì. Kỹ thuật in trên bao bì kim loại thực chất là quá trình sơn và sấy, kỹ thuật in trên bao bì nhựa thường gặp là in ống đồng và in offset, kỹ thuật in flexo và in lụa thường được dùng để in trên bao bì giấy. Chi tiết về các quy trình công nghệ sản xuất bao bì được mô tả một cách ngắn gọn như sau:
a.    Quy trình công nghệ sản xuất bao bì giấy


Thuyết minh: 
– Giấy cuộn nguyên liệu được đưa vào máy ghép tạo carton để cắt tấm theo chiều dài yêu cầu hoặc được đưa vào máy gợn sóng để dập thành gợn sóng và ghép thành tấm có độ dày theo yêu cầu khách hàng. Sau đó, giấy tấm sẽ được cắt thành những tấm nhỏ hơn. 
– Giấy carton tấm có kích thước nhỏ được đưa đến máy in hoặc đến bàn in thủ công để in những hoa văn/hình ảnh theo yêu cầu của khách hàng.
– Sau khi in xong, các tấm giấy được đem đi cắt khe. Nếu khách hàng có nhu cầu tạo thành các thùng/hộp giấy carton thì những tấm giấy bán thành phẩm đó sẽ được bế/ghép lại thành sản phẩm hoàn chỉnh, bấm kim hoặc dán.

b.    Quy trình công nghệ sản xuất bao bì nhựa:

Thuyết minh: 
– Nguyên liệu chủ yếu của quy trình sản xuất bao bì nhựa là các hạt nhựa hoặc màng nhựa (PE/PP)…và các phụ gia. Tùy thuộc vào mặt hàng cần sản xuất, nguyên liệu và các phụ gia này sẽ được phối trộn theo một tỷ lệ thích hợp trước khi đưa vào máy thổi mạng. 
– Màng sau khi được thổi qua máy thổi sẽ được cuộn màngvà kiểm tra trước khi in hoặc ghép với các màng đã in sẵn. Để đảm bảo đặc tính của sản phẩm, màng in sẽ được ghép với màng thổi và để thông thoáng hoặc đưa vào phòng sấy (tùy thuộc loại keo sử dụng ghép màng).
–  Sản phẩm cần chia cuộn sẽ chuyển qua công đoạn chia cuộn, tạo thành bán thành phẩm. Sản phẩm không chia cuộn sẽ chuyển qua công đoạn làm túi.

c.    Quy trình công nghệ sản xuất bao bì kim loại:

 Thuyết minh: 
– Nguyên liệu đầu vào là những tấm nhôm, thép hoặc sắt. Chúng được cắt thành kích thước nhỏ hơn và tráng một lớp vecni lên bề mặt trước khi đem đi in. 
– Các in hình ảnh, nội dung thông tin cần in lên bề mặt kim loại sẽ được chuẩn bị bằng các phôi in và cài đặt vào máy in. Sau khi in thử thành công, các tấm kim loại sẽ được đưa qua các máy in (bản chất là hệ thống phun sơn chính xác) và hệ thống sấy khô để hoàn tất công đoạn in.
– Các tấm thép sau in được đem đi cắt thân, nắp, cuộn thân và hàn mí lại để định hình sản phẩm. Sau đó, chúng sẽ được phủ một lớp vecni bóng dầu nhằm che đi mí hàn cũng như làm cho nội dung in rõ ràng, sắc nét hơn. 

3.2. Công nghệ in bao bì tại các cơ sở sản xuất bao bì vừa và nhỏ 

Tại các cơ sở in bao bì vừa và nhỏ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, các công nghệ in bao bì cũng được sử dụng một cách linh hoạt cho từng quy trình sản xuất bao bì khác nhau. Sự khác nhau về công nghệ in bao bì được thể hiện thông qua những đặc điểm khác nhau của 3 quy trình sản xuất bao bì. Điều đó được trình bày ngắn gọn trong Bảng 2.


4. THỰC TRẠNG MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG TẠI CÁC CƠ SỞ BAO BÌ VỪA VÀ NHỎ
Thực trạng môi trường sản xuất của các cơ sở in bao bì vừa nhỏ được đúc kết lại thông qua 26 phiếu khảo sát và những thông tin thực tế ghi nhận tại 26 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

 4.1. Thực trạng điều kiện sản xuất:
– Nhà xưởng: hầu hết đều là nhà xưởng công nghiệp (88,4% trong tổng số doanh nghiệp đã khảo sát) (Hình 4), mặt bằng sản xuất tương đối rộng rãi, một số cơ sở còn trồng cây xanh và cây cảnh xung quanh khuôn viên công ty tạo ra cảnh quan trong lành, thoáng mát; một số xưởng phân bố xen lẫn trong cộng đồng dân cư, số còn lại tập trung trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Hình 5 (mô tả về tỉ lệ phân bố số năm hoạt động của các cơ sở sản xuất bao bì) cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất bao bì thường là các doanh nghiệp trẻ (có số năm hoạt động dưới 10 năm), tập trung phần lớn các doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy. Những doanh nghiệp lâu đời hơn (trên 10 năm) chiếm tỷ lệ trung bình trong số các doanh nghiệp đã được khảo sát, thường là các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa và bao bì kim loại. Diện tích nhà xưởng sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào sự đầu tư của mỗi doanh nghiệp; các cơ sở bao bì giấy thường có diện tích sản xuất (trung bình khoảng 5241 m2) nhỏ hơn so với các cơ sở sản xuất bao bì nhựa và bao bì kim loại (trung bình khoảng 29 478 m2 và 10 745 m2) (Hình 7). Nhà xưởng sản xuất thường được bố trí cao ráo và thông thoáng. Tại các công đoạn sản xuất đều có lắp đặt quạt công nghiệp và hệ thống máy điều hòa tại một số khu vực đặc biệt (khu vực in).
– Máy móc, thiết bị: các trang thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất tại các cơ sở in bao bì thường có xuất sứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản. Các máy móc, thiết bị hầu hết đều đang ở trạng thái sử dụng khoảng 70-90%. 
– Lực lượng lao động: tỷ lệ lao động thủ công phân bố chủ yếu trong khoảng 30 đến 50%, điều này chứng tỏ, mức độ cơ giới hóa của ngành sản xuất bao bì chưa cao, dây chuyền sản xuất công nghiệp hầu hết vẫn còn ở dạng bán tự động (Hình 6). Khảo sát về sự phân bố lao động theo giới tính tại 26 cơ sở sản xuất bao bì cho thấy: có 25/26 cơ sở đã khảo sát tập trung số lao động nam nhiều hơn số lao động nữ (Hình 8).

– Nguyên vật liệu, nhiên liệu và hóa chất: Nguyên vật liệu sử dụng cho quá trình sản xuất phụ thuộc vào loại hình sản phẩm bao bì. Các cơ sở sản xuất bao bì giấy, thùng carton sử dụng giấy cuộn hoặc giấy tấm (tùy theo công suất sản xuất, với khối lượng dao động trong khoảng từ 2 – 250 tấn/tháng). Các cơ sở sản xuất bao bì nhựa sử dụng màng nhựa hoặc sử dụng trực tiếp hạt nhựa (những cơ sở này phải bố trí thêm phân xưởng thổi màng và ghép màng), khối lượng khoảng 2 – 550 tấn/tháng. Các cơ sở sản xuất bao bì kim loại sử dụng các tấm nhôm, tấm thiếc, tấm sắt làm nguyên liệu (khoảng 2 đến 6250 tấn/tháng). Một số loại hóa chất tiêu biểu cho ngành sản xuất bao bì gồm: Keo, Mực in, Dung Môi và Sơn. Các hóa chất này được sử dụng chủ yếu trong công đoạn in bao bì. Khối lượng hóa chất sử dụng khác nhau phụ thuộc vào công suất sản xuất của từng cơ sở. Nghiên cứu đã ghi nhận lại khối lượng một số loại hóa chất tiêu biểu cho ngành sản xuất bao bì ở Tp. Hồ Chí Minh, kết quả được trình bày trong Bảng 3

4.2. Thực trạng môi trường và công tác an toàn-vệ sinh lao động tại cơ sở:
*Hiện trạng môi trường: Kết quả khảo sát cho thấy, các yếu tố môi trường nổi bật tại các xưởng sản xuất bao bì gồm:
 (i) Bụi phát sinh chủ yếu ở các công đoạn sản xuất như: cắt, bế, dập sóng, tỉa biên, dập lon, hàn, thổi, trộn, đóng kiện, tỉa biên, đục;
 (ii) Ồn phát sinh chủ yếu ở các công đoạn sản xuất như: cắt, bế, dập sóng, đóng gói, tỉa biên, bấm, thổi, cắt, xếp, đục, hàn, đập; 
(iii) Hơi dung môi hữu cơ-VOCs): in, trộn mực, rửa khuôn, ghép, tráng phủ verni, sơn, sấy; 
(iv) Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất chủ yếu là nước thải sinh hoạt và nước thải từ công đoạn rửa khuôn in, tổng lưu lượng thải dao động từ khoảng  0,5 đến 60 m3/ngày đêm. Các nhà máy sản xuất bao bì nhựa và bao bì kim loại (lượng nước thải trung bình: 20,3 m3/ngày đêm) thường có lượng nước thải cao hơn các nhà máy sản xuất bao bì giấy (lượng nước thải trung bình: 8,34 m3/ngày đêm).
(v) Một số loại CTNH đặc trưng của ngành sản xuất bao bì có thể kể đến: giẻ lau dính dầu (dầu bơi trơn động cơ), bòng đèn huỳnh quang thải, bao bì đựng hóa chất. Khối lượng CTNH phát sinh tại các cơ sở sản xuất bao bì nhựa và bao bì kim loại (trung bình khoảng 417,3 kg/năm) cao hơn rất nhiều so với các cơ sở sản xuất bao bì giấy (trung bình khoảng 22,9 kg/năm).
*Công tác an toàn-vệ sinh lao động tại cơ sở: Các khía cạnh khảo sát được bao gồm: Hợp đồng lao động, Phòng cháy chữa cháy, Cấp cứu, Công đoàn, Huấn luyện an toàn-vệ sinh lao động, Công tác giám sát môi trường, Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, nước thải, chất thải nguy hại. Kết quả khảo sát cho thấy:
– Khoảng 42,3% doanh nghiệp có đầy đủ các công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa và bao bì kim loại. Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ yêu cầu nghiêm ngặt của khách hàng nước ngoài đối với mặt hàng này. 
– Hơn 80% doanh nghiệp đã có hợp đồng lao động với người lao động, các nội quy quy định về an toàn vệ sinh lao động và kiểm tra việc thực hiện các nội quy này của người lao động. Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức công đoàn vẫn chưa được quan tâm đúng mức tại các cơ sở sản xuất bao bì (chỉ có hơn 60% số doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn), song hành theo đó, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cũng chưa được chú trọng nhiều. 
– Biện pháp xử lý nước thải và các biện pháp sơ cấp cứu tại 26 công ty sản xuất bao bì vẫn còn thiếu nhiều (hơn 30% doanh nghiệp thiếu công trình xử lý nước thải tập trung và hơn 40% doanh nghiệp thiếu biện pháp sơ cấp cứu).
4.3. Kết quả khảo sát vi khí hậu, tiếng ồn, ánh sáng trong xưởng:
Nghiên cứu đã tiến hành hồi cứu dữ liệu đo đạc vi khí hậu, tiếng ồn và ánh sáng và hơi khí độc tại các phân xưởng sản xuất của 34 doanh nghiệp sản xuất bao bì trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích cho thấy:
– Vi khí hậu:
Nhiệt độ tại các khu vực sản xuất dao động trong khoảng 29 – 35oC, trong đó, đa số các khu vực sản xuất có yếu tố nhiệt độ đạt Tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp (theo Quyết định 3733/2002/BYT). Một số khu vực thường có nhiệt độ xấp xỉ ngưỡng hoặc cao hơn ngưỡng cho phép của Tiêu chuẩn vệ sinh từ 1-3oC bao gồm: khu vực dập sóng và khu vực in tại các xưởng bao bì giấy; khu vực ép màng tại các xưởng bao bì nhựa và khu vực sấy khô, khu vực cắt, khu vực cuộn-hàn tại các xưởng bao bì kim loại.
Độ ẩm tại các khu vực sản xuất của các xưởng sản xuất bao bì hiện nay đều nằm trong ngưỡng cho phép của Tiêu chuẩn vệ sinh lao động, dữ liệu hồi cứu cho thấy, độ ẩm nhỏ nhất khảo sát được tại khu vực sấy của các xưởng in bao bì kim loại (54%) và độ ẩm lớn nhất khảo sát được tại khu vực thổi của các xưởng in bao bì nhựa (78%).
Vận tốc gió lưu thông tại các xưởng sản xuất bao bì có giá trị nằm trong giới hạn cho phép theo yêu cầu của Tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp. Việc sử dụng quạt trần, quạt công nghiệp hỗ trợ cho việc thông thoáng nhà xưởng là một nguyên nhân làm cho vận tốc gió tương đối cao tại một số vị trí như: khu vực cắt, khu vực in, khu vực đóng gói, khu vực cuộn-hàn, khu vực sấy khô. Khoảng biến thiên của các yếu tố vi khí hậu tại mỗi công đoạn sản xuất cho thấy điều kiện lao động lao động tương đối khác nhau giữa các xưởng sản xuất bao bì. Nhiệt độ biến thiên 2oC, độ ẩm biến thiên 5%, vận tốc gió biến thiên đến 1m/s.

Bảng 4 – Kết quả khảo sát các yếu tố vi khí hậu/vật lý tại 34 cơ sở in bao bì.

– Ánh sáng: ở hầu hết các công đoạn sản xuất đều chưa đạt tiêu cầu về Tiêu chuẩn chiếu sáng theo Quyết định 3733/2002/BYT. Một vài công đoạn sản xuất được trang bị đủ ánh sáng có thể kể đến bao gồm: khu vực thổi và tạo màng, 324-439 lux (xưởng bao bì nhựa); khu vực in và hàn, 302-343 lux (xưởng bao bì kim loại). Dữ liệu thống kê về cường độ chiếu sáng cho thấy 100% khu vực sản xuất của các xưởng bao bì giấy chưa đạt Tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp (120-248 lux). Đây là một nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tai nạn lao động cho người lao động.

– Tiếng ồn: Tiếng ồn phát sinh từ quá trình vận hành máy móc, thiết bị. Độ ồn chung tại các xưởng bao bì giấy và bao bì nhựa nằm trong khoảng 72-83 dBA, có đặc điểm đều và liên tục, tập trung ở các công đoạn: cắt, dập sóng, thổi và trộn nguyên vật liệu. Tuy nhiên, kết quả đo đạc cường độ ồn chung vẫn nằm trong Tiêu chuẩn cho phép đối với môi trường lao động công nghiệp. Ở mức cường độ ồn này, công nhân có thể dễ bị nhức đầu-chóng mặt và mau mệt mỏi do phải tiếp xúc thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình làm việc.
Tại các xưởng sản xuất bao bì kim loại, độ ồn chung tại các khu vực làm việc thường cao hơn ở các xưởng sản xuất bao bì nhựa và bao bì giấy; và thậm chí, một số khu vực còn cao hơn Tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần: khu vực in (tại một số xưởng cao hơn Tiêu chuẩn 1dBA), khu vực sấy khô (cao hơn Tiêu chuẩn 4dBA), khu vực cắt, cuộn hàn và dập lon (cao hơn Tiêu chuẩn 8dBA). Khi tiếp xúc thường xuyên với mức áp suất âm này gây hại cho sức khỏe của người lao động. Việc trang bị thiết bị nút tai chống ồn tại các khu vực sản xuất này vẫn chưa được quan tâm đúng mức và việc sử dụng thiết bị bảo hộ lao động này vẫn còn bị xem nhẹ, nguyên nhân có lẽ đến từ việc doanh nghiệp chưa có chương trình huấn luyện vệ sinh an toàn-lao động bài bản, kỹ lưỡng.
4.4. Kết quả khảo sát hàm lượng bụi và một số hơi khí độc trong xưởng:
Các dữ liệu khảo sát cho thấy, hàm lượng bụi và hơi khí độc giữa các công đoạn sản xuất khác nhau và giữa 3 quy trình sản xuất (bao bì giấy, bao bì nhựa và bao bì kim loại) cũng rất khác nhau. 

– Bụi: phát sinh ở hầu hết các công đoạn sản xuất. Kết quả phân tích hàm lượng bụi tổng trên 3 quy trình sản xuất bao bì nằm trong khoảng 0,31 đến 0,98 mg/m3. Nhìn chung, hàm lượng bụi quan trắc được tại các cơ sở sản xuất bao bì vẫn đạt yêu cầu về giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Vệ sinh. Tuy nhiên, yếu tố bụi vẫn cần nhận được sự lưu tâm của các doanh nghiệp và các nhà quản lý nhằm sớm phát hiện những rủi ro liên quan đến sức khỏe của NLĐ.
– Hơi khí độc (SO2, NO2,CO, VOCs…): Bảng 6 đã tổng hợp dữ liệu phân tích một số VOC điển hình của ngành sản xuất bao bì (gồm toluene, MEK và acetone) tại các khu vực in, tráng phủ bề mặt và khu vực sấy. 

Bảng 6 – Bảng thống kê kết quả phân tích mẫu hơi khí độc tại khu vực in

Kết quả phân tích nồng độ các VOC này ở khu vực in của các cơ sở sản xuất bao bì giấy vẫn còn nằm trong giới hạn cho phép của Tiêu chuẩn vệ sinh; riêng ở các cơ sở sản xuất bao bì nhựa, nồng độ hơi dung môi acetone phân tích được cao hơn Tiêu chuẩn cho phép 1,3 lần (1203-1332 mg/m3); còn ở các cơ sở sản xuất bao bì kim loại, nồng độ acetone ở khu vực tráng phủ bề mặt lên đến 1480 mg/m3 (cao hơn Tiêu chuẩn cho phép 1,4 lần) và nồng độ toluene ở khu vực in cao hơn Tiêu chuẩn cho phép 1,26 lần (378 mg/m3).

 Công việc thường xuyên của công nhân làm việc tại khu vực in tại các cơ sở bao bì là trộn mực, in ấn lên vật liệu và vệ sinh máy in hoặc bản in. Nghiên cứu đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của các các hơi khí độc đến người lao động làm việc tại khu in thông qua chỉ số đánh giá ngưỡng tiếp xúc với hơi khí độc trong sản xuất. Kết quả tính toán chỉ số ngưỡng giới hạn tiếp xúc với hơi khí độc tại khu vực in của 34 cơ sở sản xuất bao bì, cho thấy: có đến 85% số doanh nghiệp có hỗn hợp hóa chất tại khu vực in đã vượt ngưỡng giới hạn tiếp xúc của NLĐ. Điều này phản ánh một cách gián tiếp về những tác hại tiềm ẩn của VOCs đến sức khỏe của NLĐ, nếu họ phải làm việc thường xuyên trong một khoảng thời gian dài.

4.5. Nhận diện các yếu tố có hại và nguy hiểm tại nơi làm việc 
Hóa chất đặc thù của ngành sản xuất bao bì là mực in và các DMHC. Những loại hóa chất này rất dễ bay hơi, dễ bắt cháy, đặc biệt toluene còn được xếp vào danh mục hóa chất độc hại và hạn chế sử dụng. Hơn thế nữa, máy móc sử dụng trong ngành là loại máy móc lớn, có nhiều bánh trục quay, dây curoa nhưng lại thiếu cơ cấu che chắn bảo vệ, thiếu biển báo an toàn…Đây là những nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động. Các mối nguy hiểm chính liên quan đến quá trình sản xuất bao bì đã được ghi nhận lại sau các cuộc khảo sát thực tế, cụ thể trong Bảng 7. 

5. KẾT LUẬN
Thực trạng MTLĐ của các cơ sở in bao bì vừa và nhỏ ở Tp. HCM nổi bật lên về vấn đề ô nhiễm VOCs và độ ồn ở một số khu vực sản xuất điển hình tương ứng, đó là: khu vực in và khu vực cắt, dập.Trong số 34 doanh nghiệp được khảo sát, có đến 85 % số DN có chỉ số nồng độ hóa chất tại khu vực in vượt quá ngưỡng giới hạn tiếp xúc của người lao động, trong đó, VOCs là yếu tố cần được quan tâm nhiều nhất, vì chúng có khả năng dễ tác động đến sức khỏe NLĐ nhất. Vì vậy, các giải pháp kiểm soát nhằm giảm thiểu nồng độ VOCs cần phải được ứng dụng tại công đoạn in ấn của ngành sản xuất bao bì.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Thanh Bình (2015). Ngành công nghiệp bao bì: Cơ hội tăng trưởng tốt (online), truy cập ngày 20/1202015, từ 2.    Trang vàng Việt Nam (2015).Mục lục ngành nghề (online), truy cập từ ngày 18 – 20/12/2015, từ .
3.    Đống Thị Anh Đào (2008).“Kỹ thuật bao bì thực phẩm”, NXB Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
4.    Diễn đàn kỹ thuật in (2004). Tìm hiểu các phương pháp in (online), truy cập ngày 20/12/2015, từ
5.    Diễn đàn in và truyền thông (2008). Phương pháp in lõm (In ống đồng) (online), truy cập ngày 20/12/2015, từ
6.    Công ty TNHH Hộp Tiếp Thị (2015).In offset là gì, tìm hiểu về kỹ thuật in offset (online), truy cập ngày 20/12/2015, từ  

Phạm Thị Kim Nhung1, Trương Thị Mỹ Loan2
1 Phân Viện Bảo Hộ Lao Động và Bảo Vệ Môi Trường Miền Nam, Việt Nam
2 Trường Đại Học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh, Việt Nam


(Nguồn tin: Nilp.vn)