Thực trạng môi trường và điều kiện lao động trong nhà kính trồng hoa cúc tại phường 12, TP Đà Lạt và các biện pháp cải thiện công tác an toàn vệ sinh lao động
Đà Lạt vốn là vùng trồng hoa lớn nhất cả nước. Với các đặc trưng của khí hậu á nhiệt đới như: nhiệt độ tự nhiên trung bình thấp, khí hậu ôn hòa, độ ẩm cao, ngành trồng rau hoa ở Đà Lạt rất phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về khí hậu, Đà Lạt còn chịu ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới từ miền Trung, mùa mưa kéo dài, lượng mưa lớn, do đó sâu bệnh dễ phát triển, phân bón và thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật dễ bị rửa trôi, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của rau, hoa. Để khắc phục điều này, kỹ thuật trồng rau, hoa trong nhà có mái che plastic (nhà kính) đã dược áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi do làm chủ được thời tiết thì nhà kính trồng hoa cũng có nhiều bất lợi. Do thiếu điều kiện về kinh tế và kỹ thuật, thiếu hiểu biết về đặc thù của nhà che plastic, nông dân trồng hoa đã canh tác theo kinh nghiệm là chủ yếu, gây nên những tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước và không khí, do đó không đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính người nông dân.
Để tìm hiểu thực trạng của môi trường lao động trong nhà kính, đồng thời góp thêm những ý kiến nhằm nâng cao an toàn vệ sinh lao động trong ngành trồng hoa trong nhà kính, chúng tôi chọn mô hình sản xuất hoa cúc trong nhà kính tại phường 12 để thực hiện đề tài : “Nghiên cứu thực trạng môi trường lao động trong nhà kính trồng hoa cúc tại phường 12, TP Đà lạt và đề xuất các biện pháp cải thiện an toàn vệ sinh lao động”
2. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi trực tiếp đo các thông số vi khí hậu, vật lý và hóa học trong 30 nhà kính tại Phường 12, TP Đà Lạt với các máy móc của trung tâm y tế Dự phòng Lâm Đồng; Phỏng vấn 30 nông dân theo bảng câu hỏi soạn sẵn
3. Kết quả và bàn luận:
Do khí hậu Đà Lạt có sự khác biệt rất lớn giữa hai mùa mưa và khô. Môi trường lao động trong nhà kính trồng hoa lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ điều kiện khí hậu bên ngoài. Do đó, chúng tôi tiến hành khảo sát 2 đợt: tháng 4 (mùa khô) và tháng 8 (mùa mưa)
Tại Đà Lạt, hầu hết các nhà kính được làm theo kiểu mái nghiêng 2 mái (dạng nhà H1), mái cung tròn hở (dạng nhà H2), mái cung tròn kín (dạng nhà H3). Các dạng còn lại rất ít. Vì thế, chúng tôi chỉ khảo sát các nhà kính thuộc 3 dạng này. Số mẫu khảo sát: 30 nhà kính và được chia làm 3 nhóm H1, H2 và H3, mỗi nhóm 10 nhà.
Tiêu chuẩn đánh giá: quyết định 3733/2002/QĐ-BYT viết tắt là TCCP
Kết quả nghiên cứu được trình bày gồm 2 phần: kết quả khảo sát môi trường không khí trong nhà kính trồng hoa cúc qua đo đạc trực tiếp và kết quả khảo sát điều kiện lao động qua phỏng vấn NLĐ.
3.1. Kết quả khảo sát môi trường không khí trong nhà kính trồng hoa cúc
Phần này trình bày các bảng tổng hợp kết quả đo các thông số: nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió, bức xạ nhiệt, bụi toàn phần, các hơi khí CO2, H2S, NH3, NOx
3.1.1. Nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió, bức xạ nhiệt
Vì thời gian làm việc của người nông dân trong nhà kính từ 6h tới 18h, nên chúng tôi tiến hành đo các thông số nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió mỗi giờ một lần từ 6h đến 18h, mỗi lần đo 5 điểm gồm một điểm giữa nhà kính và 4 điểm ở 4 góc. Như vậy, mỗi nhà kính sẽ được đo 65 mẫu vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió) vào mùa nắng và 65 mẫu vi khí hậu vào mùa mưa. Riêng thông số bức xạ nhiệt chỉ đo khi có nắng nên số mẫu đo mỗi nhà kính vào mùa nắng là 50 mẫu, vào mùa mưa không đo. Số lượng mẫu đo tóm tắt trong bảng sau:
Từ bảng tổng hợp trên, ta thấy:
+ Về nhiệt độ:
– Vào mùa nắng: có 919/1950 mẫu đo nhiệt độ vượt TCCP. Trong đó, tỷ lệ vượt TCCP của dạng nhà H3 là cao nhất ( chiếm 48,31% mẫu đo), tỷ lệ vượt TCCP của dạng nhà H1 (46,61%)và H2 (46,46 %) xấp xỉ nhau. Thêm vào đó, vào mùa nắng, nhiệt độ trong dạng nhà H3 cao vượt trội so với 2 dạng nhà còn lại. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại dạng nhà H3 là 390C, trong khi 2 dạng nhà còn lại có nhiệt độ cao nhất là 35,50C. Điều này xảy ra do kết cấu của dạng nhà H3 không có mái thông gió, khả năng giải nhiệt kém hơn so với 2 dạng nhà H1 và H2
Khi nhiệt độ ngoài trời càng cao, thì mức độ chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà kính càng cao. Mức chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và bên trong nhà kính H3 lớn nhất. Mức chênh lệch nhiệt độ so với bên ngoài của nhà kính H1 và H2 xấp xỉ nhau. Nhiệt độ trong nhà kính tăng cao nhiều vào mùa nắng là do hiệu ứng nhà kính.
– Vào mùa mưa có 150/1950 mẫu đo nhiệt độ không đạt TCCP. Số mẫu không đạt TCCP của 3 dạng nhà kính đều bằng nhau. Các mẫu đo nhiệt độ không đạt đều được đo vào lúc 6h. Khi đó nhiệt độ ngoài trời rất thấp, do đó, nhiệt độ trong nhà kính, do chịu ảnh hưởng của khí hậu bên ngoài, nên cũng thấp hơn 160C, vì vậy không đạt TCCP.
+ Về độ ẩm:
– Vào mùa nắng, tất cả các mẫu đo ẩm độ đều đạt TCCP
– Vào mùa mưa: có 1300/1950 mẫu vượt TCCP. Trong đó, tỷ lệ vượt TCCP của dạng nhà H3 là cao nhất (chiếm 69,85% mẫu đo), tỷ lệ vượt TCCP của dạng nhà H1 (65,38%) và H2 (64,77 %) xấp xỉ nhau. Mùa mưa, khí hậu Đà Lạt chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, nên thường xuyên có mưa dầm dai dẳng, độ ẩm không khí rất cao, làm cho độ ẩm trong nhà kính cũng tăng cao.
+ Về vận tốc gió:
* Vào mùa nắng: có 1485/1950 mẫu đo vận tốc gió không đạt TCCP, trong đó tỷ lệ mẫu không đạt TCCP của dạng nhà H3 là cao nhất (chiếm 96,31% mẫu đo tại nhà kính H3), tỷ lệ mẫu không đạt TCCP của dạng nhà H1 (70,62%) và H2 (64,77 %) xấp xỉ nhau.
* Vào mùa mưa: có 865/1950 mẫu đo vận tốc gió không đạt TCCP, trong đó tỷ lệ mẫu không đạt TCCP của dạng nhà H3 là cao nhất (chiếm 63,54% mẫu đo), tỷ lệ mẫu không đạt TCCP của dạng nhà H1 (34,62%) và H2 (34,92 %) xấp xỉ nhau.
+ Về bức xạ nhiệt:
* Vào mùa mưa, tất cả các mẫu đo bức xạ nhiệt đều đạt TCCP
* Vào mùa nắng, có 1038/1500 mẫu đo bức xạ nhiệt không đạt TCCP, trong đó tỷ lệ mẫu không đạt TCCP của dạng nhà H1 và dạng nhà H2 chiếm 68% số mẫu đo, tỷ lệ mẫu không đạt TCCP của dạng nhà H3 là 71,6%
3.1.2. Về bụi toàn phần và các hơi khí CO2, H2S, NH3, NOx
Vì các thông số bụi toàn phần và các hơi khí CO2, H2S, NH3, NOx ít biến đổi theo thời gian nên chúng tôi tiến hành đo các thông số này 3 lần trong một ngày: 6-9h, 10-14h, và 15-18h. Như vậy, mỗi nhà kính sẽ được đo 3 mẫu mỗi thông số (bụi toàn phần, hơi khí CO2, H2S, NH3, NOx) vào mỗi mùa nắng và mùa mưa. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu đo bụi toàn phần và các hơi khí CO2, H2S, NH3, NOx đều đạt TCCP.
Các khảo sát tại 30 nhà kính đều cho thấy nhiều mẫu đo 4 yếu tố vi khi hậu (nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió và bức xạ nhiệt) đều không đạt TCCP. Thêm vào đó, mức độ vượt TCCP diễn ra ở nhà kính dạng H3 có phần trầm trọng hơn 2 dạng nhà kính còn lại.
Mặt khác, điều kiện phát triển tối ưu của cây hoa cúc căn cứ vào ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Nhiệt độ tối ưu là từ 15,5 – 300C, dưới 15,50C hoa không nở được, trên 300C cũng ức chế ra hoa. Độ ẩm tối ưu là 70 – 75%. Trong khi đó, tiêu chuẩn vệ sinh lao động là: nhiệt độ 16 – 300C, độ ẩm dưới 800C. Như vậy là có sự tương đồng giữa điều kiện sinh trưởng tối ưu của cây hoa cúc và điều kiện lao động trong nhà kính. Và khi cải thiện vi khí hậu trong nhà kínhthì vừa có thể cải thiện môi trường lao động cho con người, vừa cải thiện điều kiện trồng cúc, có thể làm tăng năng suất cây hoa cúc.
3.2. Kết quả khảo sát điều kiện lao động trong nhà kính
Kết quả đánh giá điều kiện lao động thông qua việc phỏng vấn 30 NLĐ làm việc trong nhà kính.
a – Thiết kế nhà kính:
Chiều cao của nhà kính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự thông thoáng của nhà kính, hạn chế ẩm độ cao trong mùa mưa và nhiệt độ cao trong mùa nắng. Chiều cao của các nhà kính được khảo sát cũng dao động rất lớn. Đa số có chiều cao từ 3,6m – 4,2m ( chiếm 43,33 %). Có 30% nhà kính có chiều cao dưới 3,6m, và 26,67% nhà kính được xây dựng với chiều cao trên 4,2m.
Trong thiết kế nhà kính, hệ thống gió mái kết hợp với độ cao rất quan trọng vì tạo điều kiện đối lưu nguồn không khí và sự thông thoáng cho nhà kính. Trong các nhà kính được khảo sát, ngoại trừ dạng nhà H3 không có thông gió mái, các dạng nhà còn lại được khảo sát có chiều cao thông gió mái là 0,2m (chiếm 70 %); 0,3m (chiếm 20%); và 0,15m (chiếm 10%)
* Nhận xét chung: hầu như các hộ nông dân ít quan tâm đến ảnh hưởng của khí hậu lên các loại cây trồng mà hầu như chỉ quan tâm đến việc che chắn mưa gió, che bớt ánh sáng.
b- Về tình hình an toàn lao động trong nhà kính
– Hoạt động liên quan đến phun thuốc BVTV:
Một trong các hoạt động gây nguy cơ đến sức khỏe của người nông dân trong nhà kính trồng cúc chính là phun xịt thuốc hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Do đó, việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động cũng rất quan trọng. Theo khảo sát, chỉ có ủng là được người nông dân sử dụng đầy đủ (100%). Các loại trang thiết bị bảo hộ lao động khác như khẩu trang thường, găng tay, áo quần bảo hộ lao động được sử dụng ít hơn. Những trang thiết bị bảo hộ lao động chuyên dụng như kính bảo hộ, khẩu trang lọc khí có rất ít người sử dụng.
Chỉ có 6,67% người được khảo sát có hút thuốc trong khi phun thuốc, và 3,33% người được khảo sát có ăn uống trong khi phun thuốc. Có 63,33% người tắm ngay sau khi phun thuốc. Những người này thường phun thuốc vào buổi chiều lúc kết thúc ngày làm việc, nên sau khi phun xong, họ về nhà tắm ngay. Thời gian cách ly với khu vực phun thuốc BVTV là 12 giờ sau khi phun xịt thuốc. Những người còn lại không tắm ngay sau khi phun thuốc vì sau khi phun xong, họ tranh thủ làm việc tiếp tại vườn, hoặc vườn xa nhà nên không có điều kiện tắm ngay. Chỉ có 30% người được phỏng vấn có đọc sách báo, xem tivi về an toàn lao động thuốc BVTV. Có 13,33% người có biết cách sơ cứu khi ngộ độc thuốc BVTV, hầu hết là do đọc từ nhãn trên chai thuốc BVTV. Để tiện việc phun xịt nên hầu hết các chủ vườn (80%) đều có kho riêng để chứa thuốc tại vườn. Số còn lại trữ thuốc trong nhà.
Sau khi phun xịt, vỏ chai thuốc BVTV được người dân bỏ rác, chôn lấp, đốt, bỏ trên đồi, vứt bỏ xuống suối…Cách xử lý vỏ chai thuốc BVTV phổ biến nhất là cho xe chở rác của Công ty công trình đô thị đến thu gom ( 16 hộ thực hiện). Biện pháp phổ biến thứ hai là đốt tại vườn ( 10 hộ thực hiện). Các hộ còn lại chọn biện pháp chôn lấp, vất bỏ xuống suối, trên đồi, hoặc vất lung tung.
– Tình hình sử dụng thuốc trừ sâu:
+ 2 loại thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều nhất là Binhtox (80%) và Sherpa (70%). 2 loại này đều là thuốc trừ sâu hữu cơ thực vật. Các thuốc trừ sâu gốc Carbamate như Lanate (17%), Padan (6,67%), thuốc trừ sâu phosphor hữu cơ như Lorsban (33,33%) ít được sử dụng. Đa số các nông dân được phỏng vấn đều sử dụng thuốc trừ sâu theo kinh nghiệm và học hỏi, trao đổi với các nông dân khác. Vài người có tham khảo sách báo, có tham gia tập huấn kỹ thuật trồng hoa. Rất ít người nhờ kỹ sư hướng dẫn
+ 3 loại thuốc trừ bệnh được sử dụng nhiều nhất là Daconil, Dithal, Mancozeb.
Nhận xét:
Người dân ít quan tâm đến vấn đề ATVSLĐ trong nhà kính. Từ khâu xây dựng nhà kính, đến việc dùng những loại bảo hộ lao động cũng như việc sử dụng thuốc BVTV đều rất tùy tiện, không theo bất cứ quy chuẩn, quy định nào. Họ không được kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn để biết được những nguy cơ nghề nghiệp gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
3.3. Đề xuất các biện pháp cải thiện an toàn vệ sinh lao động trong nhà kính
3.3.1. Các biện pháp kỹ thuật.
Biện pháp kỹ thuật là một trong những biện pháp quan trọng trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, cần được quan tâm thực hiện. Ở phần này chúng tôi đề xuất biện pháp cải thiện môi trường lao động dựa trên hai nguyên tắc chính gồm (1) Biện pháp kỹ thuật – công nghệ: thay đổi dạng nhà kính; và (2) Biện pháp kỹ thuật vệ sinh phòng chống yếu tố tác hại nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động: sử dụng các thiết bị cải thiện vi khí hậu trong nhà kính
3.3.1.1.Thay đổi dạng nhà kính
Theo kết quả khảo sát,các yếu tố ô nhiễm chủ yếu trong nhà kính là nhiệt độ và bức xạ nhiệt cao vào mùa nắng, độ ẩm cao vào mùa mưa và độ thông thóang kém ở cả hai mùa. Ngoài ra, chiều cao nhà kính và chiều cao mái thông gió của các nhà đã khảo sát khá thấp, không đảm bảo độ thông thoáng cho môi trường bên trong nhà kính. Hiện nay, có 5 dạng nhà kính có thể khuyến khích sử dụng, bao gồm:
(1) Kiểu nhà màng cố định dạng mái vòm
Đây là một trong 2 dạng nhà kính được thiết kế nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng, trong đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo nhà lưới, nhà màng phù hợp với các vùng sinh thái tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng” do PGS.TS. Bùi Văn Miên, trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, làm chủ nhiệm.
(1) Kiểu nhà màng với các yếu tố nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng được điều khiển tự động
Đây là kiểu nhà màng thứ hai được PGS.TS. Bùi Văn Miên nghiên cứu. Mô hình được lựa chọn theo mô đun, với mỗi mô đun là 6mx12m. Kết cấu nhà có mái đón gió nâng hạ linh hoạt tạo thông thoáng tự nhiên, lưới cắt nắng và hệ thống thông thoáng cưỡng bức, đồng thời có thể tự động che kín trong điều kiện khí hậu lạnh.
(3) Nhà kính mở đỉnh:
Dạng nhà này có cửa thông gió đóng mở tự động. Khi nhiệt độ cao, cửa mở ra, chênh lệch áp suất đưa khí nóng ra ngoài. Khi trời mưa, cửa thông gió đóng lại, giúp cho độ ẩm bên trong nhà kính không tăng lên. Qua số liệu thực tế cho thấy: vào mùa nắng, nhiệt độ bên trong cao hơn bên ngoài khỏang 2-3 độ. Vào mùa mưa, ẩm độ bên trong bằng 90% ẩm độ bên ngoài.
(4) Nhà kính mái hở hai bên: Loại nhà kính này có cửa thông gió cao nên tốc độ giải nhiệt cao, không phụ thuộc hướng gió. Qua số liệu thực tế cho thấy: vào mùa nắng, nhiệt độ bên trong cao hơn bên ngoài khỏang 2-3 độ.
(5) Nhà kính mái hở nách: Khả năng giải nhiệt tốt hơn các dạng nhà kính đang được sử dụng tại phường 12, vì chiều cao thông gió tới 30cm, tuy nhiên khả năng giải nhiệt tùy thuộc hướng gió. Vào mùa mưa, ẩm độ bên trong bằng 97% ẩm độ bên ngoài.
3.3.1.2. Sử dụng các thiết bị cải thiện vi khí hậu trong nhà kính
– Biện pháp giảm thiểu nhiệt độ:Để làm giảm nhiệt độ trong nhà kính vào mùa nắng, có thể dùng các thiết bị như: hệ thống phun sương làm mát và màng nước.
– Biện pháp cải thiện về vận tốc gió và độ ẩm: có thể dùng quạt gió làm thông thóang không khí trong nhà kính
– Biện pháp giảm thiểu bức xạ nhiệt: Có thể dùng lưới cắt nắng để làm giảm bớt bức xạ nhiệt trong nhà kính
Hệ thống phun sương làm mát: Thiết bị này làm giảm nhiệt độ và tăng độ ẩm trong nhà kính. Đối với khí hậu Đà Lạt: khi nhiệt độ cao thì độ ẩm thấp và ngược lại, thì sử dụng thiết bị này vào mùa nắng rất tiện lợi.
Màng nước: Dùng hệ thống bơm nước tuần hoàn để nước chảy từ đỉnh của màn nước qua các vân lượn sóng đến phần dưới của màn tạo thành tấm màn nước khi không khí xuyên qua màn nước trở thành khí lạnh ( đi vào nhà kính ), kết hợp với quạt hút ngược áp nhanh chóng đưa gió mát vào, làm giảm nhiệt độ từ 5~100C.
Lưới cắt nắng (màng che shading): Vật liệu là sợi plastic phủ nhôm hai mặt, dệt thành lưới với sợi xoắn kép. Lưới này giúp giải nhiệt, phản xạ ánh sáng.
3.3.2. Các biện pháp quản lý
3.3.2.1 Triển khai dịch vụ y tế lao động cơ bản trong nông nghiệp tại phường 12
Với điều kiện kinh tế và tình hình sản xuất như hiện nay thì việc cải thiện môi trường lao động bằng các biện pháp kỹ thuật đối với các hộ trồng hoa tại phường 12 là điều khó thực hiện. Do đó, việc triển khai thực hiện dịch vụ y tế lao động cơ bản trong nông nghiệp tại phường 12 là thực sự cần thiết.
Dựa theo mô hình dịch vụ y tế lao động trong nông nghiệp [2] , chúng tôi đề xuất tổ chức triển khai dịch vụ y tế lao động cơ bản trong nông nghiệp trồng hoa tại phường 12 bao gồm 5 bước
3.3.2.2. Kế hoạch dài hạn quản lý môi trường lao động trồng hoa trong nhà kính
Việc thực hiện công tác ATVSLĐ không thể thực hiện trong thời gian ngắn, mà cần một quá trình lâu dài, không thể chỉ được thực hiện bởi ngành y tế mà cần sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành liên quan.
(1) Thành lập Ban thanh tra lao động nông nghiệp
Cần thành lập ban thanh tra ATVSLĐ trong nông nghiệp, làm nhiệm vụ đột xuất kiểm tra những nhà kính trồng hoa. Các nông dân trồng hoa buộc phải xuất trình chứng chỉ tập huấn ATVSLĐ và giấy khám sức khỏe định kỳ. Cần có chế tài xử phạt nếu họ không chấp hành việc khám sức khỏe định kỳ và tập huấn ATVSLĐ.
(2) Hoàn thiện nhân lực làm nhiệm vụ ATVSLĐ
Hiện nay nhân lực trong ngành y tế làm việc trong lĩnh vực ATVSLĐ vừa thiếu vừa yếu. Cần nâng cao nhân lực cả về chất và lượng nhằm phục vụ tốt công tác ATVSLĐ.
(3)Quy họach lại vùng trồng hoa ở phường 12
Hiện nay vùng trồng hoa ở Thái Phiên đang hoạt động chủ yếu theo mô hình hộ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và phát triển thị trường cho hoa cúc Đà Lạt, tiến tới thực hiện quy hoạch, hình thành vùng sản xuất mang tính công nghiệp tại địa phương để có đủ năng lực thực hiện những đơn hàng có giá trị lớn về sản lượng cũng như đáp ứng được các yêu cầu về mặt chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu dùng quốc tế. Khi đó, các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động trong nhà kính sản xuất hoa sẽ buộc phải đạt tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu cho sản phẩm xuất khẩu.
(4) Hoàn chỉnh những văn bản pháp luật liên quan đến ngành trồng hoa trong nhà kính: Đưa ra những định chế kỹ thuật và văn bản pháp luật để quản lý chất lượng nhà kính ngay từ khi xây dựng. Như vậy, môi trường lao động của người nông dân trồng hoa cúc sẽ đảm bảo.
3.3.2.3. Biện pháp nâng cao ý thức cộng đồng về ATVSLĐ trong nhà kính
a. Truyền thông ATVSLĐ
(1) Truyền thông gián tiếp: in tờ rơi, tranh ảnh có nội dung phổ biến về an toàn vệ sinh lao động, các nguy cơ sức khỏe do các yếu tố vi khí hậu gây nên và cách sơ cấp cứu khi bị say nóng, hay bị ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật.
(2)Truyền thông trực tiếp: tập huấn cho người dân về ANVSLĐ, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, và các biện pháp sơ cấp cứu.
b. Tư vấn và hướng dẫn thực hiện các giải pháp can thiệp cải thiện môi trường, điều kiện lao động, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho người lao động
Có 2 hình thức tư vấn và hướng dẫn các giải pháp cải thiện môi trường
(1) Tư vấn trực tiếp: do cán bộ y tế, cán bộ truyền thông ở phường thực hiện.
(2) Thực hiện lồng ghép phương pháp WIND [1] trong sinh hoạt đoàn hội tại phường
4. Kết luận
Ngành trồng hoa xuất khẩu hiện là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt với sản lượng hoa xuất khẩu ngày càng tăng, lượng lao động ngày càng nhiều. Vì thế, việc cải thiện môi trường bên trong nhà kính là cần thiết, vừa nhằm tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn cho người nông dân, vừa làm tăng năng suất cây trồng. Hơn nữa, trước những cơ hội lớn cho sự phát triển của nghề trồng hoa, điều kiện môi trường lao động rất cần được nghiên cứu nhằm giúp nhà sản xuất bắt kịp xu thế “ sản phẩm sạch”, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tsuyoshi Kawakami, Tôn Thất Khải, Kazutaka Kogi ( 2011), Phát triển chương trình tập huấn WIND tại châu Á –– Văn phòng tổ chức lao động quốc tế.
[2] Trần Thị Ngọc Lan ( 2011), Dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động nông nghiệp, Hà Nội, pp. 49
[3] Bùi Văn Miên ( 2009), Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo nhà lưới, nhà màng phù hợp với các vùng sinh thái tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng,Đà Lạt
Trần Thị Thiên Vân
Trung tâm y tế dự phòng Lâm Đồng
(Nguồn tin: Nilp.vn)