Thực trạng một số bệnh thường gặp ở người dân xung quanh các xí nghiệp kim loại màu ở Thái Nguyên

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:21(GMT +7)

Tóm tắt: Việc nghiên cứu thực trạng sức khoẻ, bệnh tật của người dân sống quanh khu vực các xí nghiệp, mỏ khai thác kim loại màu và tìm ra mối liên quan giữa ô nhiễm môi trường và bệnh tật ở những đối tượng có phơi nhiễm là cần thiết nhằm đề xuất các biện pháp cải thiện sức khỏe nhân dân và môi trường. Bằng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 654 người trưởng thành sống quanh khu vực khai thác mỏ của Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích và Xí nghiệp Thiếc Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, kết quả nghiên cứu cho thấy: 1. Tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp ở người trưởng thành sống xung quanh 2 xí nghiệp là: bệnh tai mũi họng 54,4 – 57,6%, bệnh răng miệng 32,9 – 35,7%, bệnh mắt 60,8 – 58,8%, bệnh da 38,0 – 39,1%, bệnh tiết niệu 27,2 – 24,2%. 2. Các bệnh tai mũi họng phổ biến là viêm họng mạn, viêm mũi dị ứng, viêm mũi mạn; các bệnh răng miệng phổ biến là viêm quanh răng mạn, sâu răng; các bệnh tiết niệu phổ biến là sỏi thận và viêm đường tiết niệu.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ô nhiễm môi trường do khai thác mỏ vẫn luôn là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng ở nhiều quốc gia. [1].

Khai khoáng, tuyển các loại quặng kim loại màu là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường bởi nhiều loại hóa chất độc và kim loại nặng như chì, asen, cyanua… Ô nhiễm do sản xuất đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người lao động và người dân sống trong khu vực, đặc biệt bởi nguồn chất thải.

Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ và Xí nghiệp Thiếc Đại Từ ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là 2 đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên. Việc khai thác quặng kim loại màu như chì, kẽm, thiếc của 2 khu mỏ này đã gây ra tác động không nhỏ tới môi trường khu vực. Các chất thải rắn và nước thải từ khu vực khai thác và tuyển quặng của 2 xí nghiệp ra bên ngoài có hàm lượng kim loại nặng cao như chì, asen, cadimi, thiếc, kẽm… là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, nhất là nước mặt và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

Việc nghiên cứu thực trạng sức khoẻ của người dân sống quanh khu vực mỏ và qua đó có thể tìm ra mối liên quan giữa ô nhiễm môi trường và bệnh tật ở những đối tượng có phơi nhiễm là cần thiết nhằm đề xuất các biện pháp cải thiện sức khỏe nhân dân và môi trường. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu: Mô tả thực trạng một số bệnh thường gặp ở người trưởng thành sống xung quanh các xí nghiệp khai thác và chế biến kim loại màu tại tỉnh Thái Nguyên.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu và địa điểm nghiên cứu

1.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu được chọn là người trưởng thành sống xung quanh khu vực khai thác và chế biến kim loại màu. Hai xí nghiệp được chọn đại diện là: Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích và Xí nghiệp Thiếc Đại Từ (bán kính 3 km). Khu vực xung quanh 2 xí nghiệp này đã bị ô nhiễm nhiều kim loại màu như: Chì, thiếc, kẽm, asen và nhiều kim loại nặng khác. Do quá trình phơi nhiễm lâu dài, sức đề kháng của người trưởng thành cao nên những tác động gây nên những biến đổi bệnh lý mạn tính sẽ đặc trưng và được đánh giá một cách chính xác hơn trẻ nhỏ.

1.2. Địa điểm nghiên cứu

Xã Hà Thượng, huyện Đại Từ và xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nghiên cứu được tiến hành theo mùa – từ đầu năm 2012 đến đầu năm 2013 để lấy giá trị trung bình.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp mô tả, thiết kế cắt ngang.

2.2. Cỡ mẫu nghiên cứu

Cỡ mẫu nghiên cứu mô tả về bệnh thường gặp người trưởng thành sinh sống xung quanh Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích, xã Tân Long được tính theo công thức:

Trong đó: n là cỡ mẫu nghiên cứu; a là xác xuất sai lầm loại I, chọn α = 0,05 → độ tin cậy Z(1 – α /2) = 1,96; d là sai số mong muốn, lấy d= 0,05; p là tỷ lệ mắc bệnh, lấy p = 0,476 (tỷ lệ mắc bệnh ngoài da theo nghiên cứu của Đỗ Thị Hằng) [1] → q = 0,524. Cỡ mẫu tính được là 383, thực tế khám được 416 người.

Để phục vụ cho nghiên cứu can thiệp có đối chứng về sau, chúng tôi nghiên cứu thêm về bệnh thường gặp của người trưởng thành tại khu vực xung quanh Xí nghiệp Thiếc Đại Từ, xã Hà Thượng, có mức ô nhiễm được cho là có thể khác so với Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích, xã Tân Long. Do tổng số người trưởng thành sống ở khu vực phơi nhiễm chỉ có 238 người, nên chúng tôi đã lấy mẫu chủ đích, toàn bộ.

Như vậy mẫu nghiên cứu tổng cộng là 654 người.

2.3. Cách chọn mẫu nghiên cứu

– Chọn các cá thể vào nghiên cứu mô tả về bệnh thường gặp người trưởng thành sinh sống xung quanh Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích, xã Tân Long theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống, trên cơ sở danh sách cộng dồn có sẵn của nhân dân trong khu vực.

– Chọn toàn bộ các cá thể phơi nhiễm vào nghiên cứu mô tả về bệnh thường gặp người trưởng thành sinh sống xung quanh khu vực Xí nghiệp Thiếc Đại Từ, xã Hà Thượng.

2.4. Thu thập số liệu

Nghiên cứu có sự kết hợp giữa khám lâm sàng các vấn đề sức khỏe và siêu âm chẩn đoán do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

2.5. Xử lý số liệu:

Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 18.0, sử dụng các thuật toán thống kê y học, test c2, tên và mã bệnh theo phân loại quốc tế ICD-10.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng nghiên cứu theo nhóm tuổi (Xem Bảng 1):

Bảng số 1:  Đối tượng nghiên cứu chia theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi Tân Long (416) Hà Thượng (238) Cộng (n=654)
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
18 đến 29 60 14,4 28 11,8 88 13,5
30 đến 39 74 17,8 51 21,4 125 19,1
40 đến 49 101 24,3 71 29,8 172 26,3
50 đến 59 97 23,3 43 18,1 140 21,4
60 trở lên 84 20,2 45 18,9 129 19,7

Trên Bảng 1 ta thấy, tính chung cả 2 xã thì nhóm tuổi đến khám chiếm tỷ lệ cao nhất là 40-49 tuổi (26,3%), chiếm tỷ lệ thấp nhất là nhóm 18-29 tuổi (13,5%). Tỷ lệ các nhóm tuổi không chênh lệch nhiều khi so sánh 2 xã.

3.2. Tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp (Xem Bảng 2):

Bảng số 2: Tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp ở người dân
Loại bệnh Tân Long (416) Hà Thượng (238) p
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
Bệnh tai mũi họng 226 54,4 137 57,6 > 0,05
Bệnh răng miệng 137 32,9 85 35,7 > 0,05
Bệnh mắt 253 60,8 140 58,8 > 0,05
Bệnh ngoài da 158 38,0 93 39,1 > 0,05
Bệnh tiết niệu 75/275 27,2 29/120 24,2 > 0,05

Trên Bảng 2 ta thấy, tỷ lệ bệnh thường gặp ở người trưởng thành xung quanh cả 2 xí nghiệp là khá cao, nhất là các bệnh mắt (60,8 – 58,8%), tai mũi họng (54,4 – 57,6%). Các bệnh có tỷ lệ mắc thấp hơn là bệnh ngoài da (38,0 – 39,1%), bệnh răng miệng (32,9 – 35,7%), bệnh tiết niệu (27,2 – 24,2%). Tỷ lệ mắc bệnh không có sự khác biệt giữa 2 xã (p > 0,05).

3.3. Tỷ lệ mắc một số bệnh mũi họng phổ biến (Xem Bảng 3):

Bảng số 3: Tỷ lệ mắc một số bệnh tai mũi họng phổ biến
Bệnh tai mũi họng phổ biến Mã bệnh Tân Long (416) Hà Thượng (238)
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
Viêm họng mạn J31.2 88 21,1 57 23,9
Viêm mũi dị ứng J30 36 8,6 28 11,8
Viêm mũi mạn J31.0 40 9,6 25 10,5
Viêm Amidal mạn J35.0 24 5,8 11 4,6
Viêm tai giữa mạn H65.2 14 3,4 8 3,4

Trên Bảng 3 ta thấy, trong các bệnh về TMH thì tỷ lệ mắc cao nhất là viêm họng mạn (21,1 – 23,9%), các bệnh khá phổ biến khác là viêm mũi dị ứng (8,6 – 11,8%), viêm mũi mạn (9,6 – 10,5%). Tỷ lệ mắc các loại bệnh tai mũi họng tương đương ở hai xã (p > 0,05).

3.4. Tỷ lệ mắc một số bệnh răng miệng phổ biến (Xem Bảng 4):

Bảng số 4: Tỷ lệ mắc một số bệnh răng miệng phổ biến
Bệnh răng miệng phổ biến Mã bệnh Tân Long (416) Hà Thượng (238)
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
Sâu răng K02 44 10,6 21 8,8
Vị trí răng bất thường K07.3 31 7,4 15 6,3
Viêm nướu mạn K05.1 24 5,8 12 5,0
Viêm quanh răng mạn K05.3 50 12,0 41 17,2

Trên Bảng 4 ta thấy, trong các bệnh về răng miệng thì tỷ lệ viêm quanh răng mạn là cao nhất (12,0 – 17,2%), tiếp đến là sâu răng (10,6 – 8,8%). Các bệnh có tỷ lệ mắc thấp hơn là vị trí răng bất thường và viêm nướu mạn. Tỷ lệ mắc các loại bệnh răng miệng tương đương ở hai xã (p > 0,05).

3.5. Tỷ lệ mắc một số bệnh tiết niệu phổ biến (Xem Bảng 5):

Bảng số 5: Tỷ lệ mắc một số bệnh tiết niệu phổ biến
Bệnh tiết niệu phổ biến Mã bệnh Tân Long (416) Hà Thượng (238)
Số lượng Tỷ lệ % Số lượng Tỷ lệ %
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu * N39.0 29/416 7,0 13/238 5,5
Sỏi thận ** N20.0 50/275 18,2 20/120 16,7
Hội chứng viêm cầu thận cấp ** N00 7/275 2,5 3/120 2,5
Nang thận ** Q61 7/275 2,5 2/120 1,7
Thận ứ nước ** N13.2 9/275 3,3 4/120 3,3

Ghi chú:             * Khám lâm sàng

             ** Siêu âm chẩn đoán

Trên Bảng 5 ta thấy, trong các bệnh tiết niệu thì bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất là sỏi thận (18,2 – 16,7%), tiếp đến là viêm đường tiết niệu (7,0 – 5,5%), các bệnh tiết niệu khác chiếm tỷ lệ thấp (1,7 – 3,3%). Tỷ lệ mắc các bệnh tiết niệu tương đương ở 2 xã (p > 0,05).

IV. BÀN LUẬN

4.1. Đặc điểm chung

Tân Long là xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ nằm ở huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên. Xã có diện tích 4.740 ha, gồm 9 xóm bản với 1.174 hộ dân hơn 5.500 khẩu. Thu nhập của người dân còn thấp, đa số người dân làm nông nghiệp, một số ít người làm cán bộ, giáo viên hoặc công nhân cho Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích ngay trên địa bàn. Tuy xã chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên có 20 km nhưng đường xá khá xấu do xe tải chở quặng đi lại nhiều và ít được tu sửa.

Hà Thượng là miền núi thuộc huyện Đại Từ  tỉnh Thái Nguyên, có diện tích 1.488 ha, bao gồm 13 xóm với 1.644 hộ/ hơn 6.000 khẩu. Đa số người dân làm nông nghiệp, một số ít người làm cán bộ, giáo viên hoặc công nhân cho Mỏ Núi Pháo ngay gần địa bàn xã. Xã cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20 km và đường xá đi lại khá thuận lợi do nằm trên tuyến đường liên tỉnh.

Trong tổng số 654 đối tượng được điều tra ở 2 xã thì nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 40-49 tuổi (26,3%), chiếm tỷ lệ thấp nhất là nhóm 18-29 tuổi (13,5%) do đây là độ tuổi lao động trẻ, hay đi làm xa. Tỷ lệ phần trăm các nhóm tuổi tương đương ở hai xã.

4.2. Tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp ở người dân

Theo kết quả ở Bảng 2, tỷ lệ bệnh tai mũi họng ở 2 xã là 54,4 – 57,6%, tương đương kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Thị Liên Hương ở một số làng nghề năm 2003 (56,3%) [2], thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Trọng, Đỗ Hàm và Nguyễn Thị Quỳnh Hoa trên nông dân chăm sóc gia cầm tại Thái Nguyên năm 2005 (73 – 77,5%) [3], cao hơn kết quả nghiên cứu của Đỗ Thị Hằng ở người dân xung quanh Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích năm 2011 (30,9%) [1].

Tỷ lệ mắc bệnh răng miệng là 32,9 – 35,7%, thấp hơn kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thu Hằng ở công nhân Xí nghiệp Luyện kim màu II năm 2002 (88,8%) [4], thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Thị Liên Hương ở một số làng nghề năm 2003 (50,4%) [2].

Tỷ lệ mắc bệnh mắt là 60,8 – 58,8%, cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Trọng, Đỗ Hàm và Nguyễn Thị Quỳnh Hoa ở nông dân chăm sóc gia cầm tại Thái Nguyên năm 2005 (16 – 37,5%) [3], cao hơn kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thu Hằng ở công nhân Xí nghiệp Luyện kim màu II năm 2002 (21,0%) [4].

Tỷ lệ mắc bệnh da khá cao 38,0 – 39,1%, tương đương kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Thu Hằng ở công nhân Xí nghiệp Luyện kim màu II năm 2001 (37,0%) [4], cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Thị Liên Hương ở một số làng nghề năm 2003 (18,3%) [2], thấp hơn kết quả nghiên cứu của Đỗ Thị Hằng ở người dân xung quanh Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích năm 2011 (47,6%) [1].

Tỷ lệ mắc một số bệnh tai mũi họng phổ biến ở Bảng 3 cho thấy viêm họng mạn là 21,1 – 23,9%, thấp hơn so với nghiên cứu của Phạm Thị Hồng Vân và Lại Phú Thưởng ở công nhân một số nhà máy thuộc Công ty Luyện kim màu năm 2009 (23,15 – 31,08%) [5].

Tỷ lệ mắc sỏi thận ở bảng 5 cũng khá cao (18,2 – 16,7%). Kết quả này cao hơn kết quả nghiên cứu của Đặng Minh Ngọc ở công nhân tiếp xúc với cadimi năm 2005 (13,3%) [6]. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bởi lẽ các kim loại nặng như chì, cadimi… gây ÔNMT khu khai thác mỏ có thể là yếu tố nguy cơ cho các bệnh ở thận. Tỷ lệ mắc bệnh viêm đường tiết niệu là 7,0 – 5,5%, thấp hơn kết quả nghiên cứu của Đặng Minh Ngọc (12,3%) [6].

Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy tỷ lệ một số bệnh thông thường ở người dân sống quanh khu khai thác mỏ là khá cao, tương đương với tỷ lệ mắc bệnh ở công nhân và người lao động tiếp xúc với các môi trường lao động nặng nhọc khác.

Kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả đã cho thấy môi trường khai khác chì có ảnh hưởng đến sức khoẻ những người tiếp xúc, nhất là bệnh tiết niệu [7]. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới để cải thiện môi trường sống của nhân dân sống trong khu vực.

V. KẾT LUẬN

1. Tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp ở người trưởng thành sống xung quanh Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích và Xí nghiệp Thiếc Đại Từ là: bệnh tai mũi họng 54,4 – 57,6%, bệnh răng miệng 32,9 – 35,7%, bệnh mắt 60,8 – 58,8%, bệnh da 38,0 – 39,1%, bệnh tiết niệu 27,2 – 24,2%.

2. Các bệnh tai mũi họng phổ biến là viêm họng mạn tính, viêm mũi dị ứng, viêm mũi mạn tính; các bệnh răng miệng phổ biến là viêm quanh răng mạn tính, sâu răng; các bệnh tiết niệu phổ biến là sỏi thận và viêm đường tiết niệu.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Thị Hằng (2011). Nghiên cứu ô nhiễm môi trường nước giếng do chì và bệnh tật người trưởng thành sống xung quanh Xí nghiệp Kẽm Chì Làng Hích, Thái Nguyên, Luận văn Thạc sĩ Y học, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

2. Nguyễn Thị Hồng Tú, Nguyễn Thị Liên Hương (2013). Nghiên cứu điều kiện làm việc và sức khỏe người lao động ở một số làng nghề. Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị khoa học quốc tế Y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ I, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

3. Nguyễn Đức Trọng, Đỗ Hàm, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (2005). Môi trường lao động và sức khỏe, bệnh tật nông dân chăm sóc gia cầm ở một số vùng tại Thái Nguyên. Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị khoa học quốc tế Y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

4. Vũ Thị Thu Hằng (2002). Bước đầu nghiên cứu về sức khỏe, bệnh tật và tai nạn lao động của công nhân Xí nghiệp luyện kim màu II Thái Nguyên (2000 – 2002). Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị khoa học quốc tế Y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ I, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

5. Phạm Thị Hồng Vân, Lại Phú Thưởng (2009). Điều tra đánh giá thực trạng môi trường lao động, tình hình bệnh tật của công nhân Công ty Gang thép Thái Nguyên và đề xuất giải pháp can thiệp, Báo cáo kết quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường y tế, Đại học Y Dược Thái Nguyên.

6. Đặng Minh Ngọc (2005). Ảnh hưởng độc hại tới thận ở công nhân tiếp xúc nghề nghiệp với cadimi. Báo cáo khoa học toàn văn, Hội nghị khoa học quốc tế Y học lao động và vệ sinh môi trường lần thứ II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

7. Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên (2007). Sức khỏe nghề nghiệp, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

ThS. HÀ XUÂN SƠN

Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên


(Nguồn tin: Tạp chí Bảo hộ lao động)