Thực trạng thực hiện pháp luật bảo vệ nguồn nước trong môi trường làng nghề ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:23(GMT +7)

1. MỞ ĐẦU

Theo báo cáo môi trường quốc gia 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), môi trường làng nghề ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã và đang bị ô nhiễm trầm trọng. Trong đó đáng chú ý là ô nhiễm nguồn nước mặt (sông, ao, hồ) và nước ngầm do lượng nước thải quá lớn, với độ ô nhiễm (các chất hữu cơ, kim loại nặng, chất màu, vi khuẩn,…) của các làng nghề không được xử lý đã xả trực tiếp vào môi trường. Điều đáng nói là hiện trạng ô nhiễm này có dấu hiệu ngày càng gia tăng [2]. Nguyên nhân là việc thực hiện pháp luật (THPL) về bảo vệ nguồn nước trong môi trường làng nghề bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, bài báo này sẽ tập trung đánh giá tình hình THPL về bảo vệ nguồn nước trong môi trường làng nghề ở các tỉnh ĐBSH, phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp để cải thiện tình hình.

2. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC TRONG MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

* Trên phương diện thi hành pháp luật:

Thứ nhất: công tác quy hoạch tài nguyên nước

Vùng ĐBSH đã hoàn thành lập đề cương đề án Chính phủ “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh”. Từ năm 2011 đến nay, cơ bản hoàn thành dự án “Quy hoạch Quản lý sử dụng tài nguyên nước và BVMT lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2015 và định hướng đến 2020”; Ở địa phương, công tác quy hoạch tài nguyên nước đã từng bước được triển khai và đáp ứng được yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Tính đến nay đã có 10/11 tỉnh ĐBSH ban hành quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh [3].

Thứ hai: công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước.

Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hình thức xây dựng phim, ảnh, băng đĩa các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho các cơ sở sản xuất và người dân ở các làng nghề vùng ĐBSH để giải đáp pháp luật, trao đổi về những vấn đề quan trọng, cấp bách cần giải quyết trong quản lý tài nguyên nước, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về BVMT nước. Từ đầu năm 2014, nhiều địa phương vùng ĐBSH cũng đã tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước cho đối tượng là cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên, môi trường ở cấp xã, huyện.

Thứ ba: công tác chỉ đạo, xây dựng và triển khai thực hiện đề án BVMT lưu vực sông; chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông.

Công tác BVMT tại 02 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSH đã được UBND các tỉnh quan tâm triển khai có hiệu quả. Tính đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH trên 02 lưu vực sông đã phê duyệt và triển khai kế hoạch thực hiện đề án tổng thể BVMT lưu vực sông tại mỗi tỉnh, thành phố và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án trên địa bàn. Nhiều dự án khắc phục ONMT làng nghề trên 02 lưu vực sông này đã được quan tâm đầu tư thực hiện, trong đó có 04 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 đã được triển khai là: (1)dự án xử lý ONMT làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (tỉnh Bắc Ninh) trên lưu vực sông Cầu;(2) dự án xử lý ONMT nghề dệt nhuộm Nha Xá (tỉnh Hà Nam);(3) dự án xử lý ONMT do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ và xã Nam Phong tỉnh Nam Định; (4) dự án xử lý ONMT làng nghề bún, bánh thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) trên lưu vực sông Nhuệ -Đáy [4].

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước đối với sự phát triển kinh tế xã hội, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 – 2020 theo Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ như: tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, thành phố Hải Phòng,…

* Trên phương diện áp dụng pháp luật :

Thứ nhất: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về bảo vệ tài nguyên nước đã được xây dựng, bổ sung và hoàn thiện.

Cho đến nay, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) năm 2012 là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong các văn bản quy định về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước, trong đó quy định rõ “làng nghề phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phù hợp với quy mô xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước và phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận trước khi trình phê duyệt” (Điều 37) và hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng (khoản đ mục 4 điều 52). Từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2015, nhiều văn bản QPPL đã được ban hành để hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL triển khai Luật tài nguyên nước, gồm: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước 2012, Nghị định số 43/2015/NĐ- CP về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và Nghị định số 54/2015/NĐ- CP quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Bộ TNMT ban hành Thông tư quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, Thông tư quy định điều kiện năng lực của đơn vị thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước; Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước trong đó cũng quy định rõ trong khoản đ) mục 1 điều 4 “làng nghề đã được đấu  nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng” là khu vực “phải đăng ký khai thác nước dưới đất”.

Ở các tỉnh ĐBSH, các Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý tài nguyên nước ở địa phương. Điển hình như: UBND tỉnh Hà Nam ra quyết định số 349/2000/QĐ-UB ngày 27/4/2000 về việc ban hành quy định bảo vệ nguồn nước, các công trình cấp nước, quản lý, khai thác, cung cấp, sử dụng nước đô thị tỉnh Hà Nam; Chỉ thị số 13/2006/CT-UBND ngày 18/5/2006 về việc tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Ninh Bình ra công văn số 220/UBND-VP3 về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ – Đáy đến  năm 2020; Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 18/8/2015 về việc lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Sở TNMT tỉnh Nam Định đã ra quyết định số 2352/QĐ-STNMT ngày 13/12/2013 về việc ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2014 của Sở TNMT trong đó có kiểm tra việc thực hiện Luật Tài nguyên nước của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp độ liên vùng Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ – Đáy đã ra quyết định số 02/QĐ-UBSNĐ ngày 5/3/2013 ban hành quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy trên cổng thông tin điện tử.

Thứ hai: công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý tài nguyên nước. Hàng năm, cấp Trung ương và các tỉnh ĐBSH đều xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra định kỳ tình hình triển khai, thi hành pháp luật về tài nguyên nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước tại một số cơ sở làng nghề có khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn các tỉnh ĐBSH. Bộ TNMT đã tổ chức đợt thanh tra các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất tại các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định. Các địa phương tỉnh ĐBSH cũng tích cực triển khai thanh tra, kiểm tra hàng loạt các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất làng nghề trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.

3. NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG THỰC THI PHÁP LUẬT BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC TRONG MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

* Trên phương diện tuân thủ pháp luật:

Kết quả kiểm tra, điều tra cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề không thực hiện việc quan trắc, giám sát nguồn nước trong quá trình khai thác, sử dụng theo quy định của nội dung giấy phép và theo quy định tại Điều 16 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ TNMT; không có có các hồ sơ, thủ tục về môi trường (như: Đánh giá tác động môi trường, Cam kết BVMT); không có các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải đạt QCKT quốc gia về môi trường; không nộp các khoản phí, lệ phí về BVMT và khai thác tài nguyên (trừ phí thu gom chất thải rắn); chây ỳ trong thi hành quyết định xử lý vi phạm. Một số trường hợp cá biệt sẵn sàng dựa vào số đông để chống đối, thậm chí hành hung các đoàn kiểm tra, thanh tra, báo chí đến làm việc; nhiều hộ sản xuất không tiếp nhận hoặc tiếp nhận nhưng không vận hành các hạng mục công trình xử lý ONMT khi được nhà nước đầu tư, do không chịu chi trả các khoản chi phí vận hành, bảo dưỡng.

* Trên phương diện thi hành pháp luật:

Thứ nhất: công tác chỉ đạo, quản lý tài nguyên nước, BVMT lưu vực sông còn nhiều bất cập.

Các Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ – Đáy đã được hình thành và đi vào hoạt động nhưng quyền hạn và trách nhiệm chưa được xác định rõ, chưa phát huy được vai trò chỉ đạo, điều phối hoạt động BVMT các lưu vực, dẫn đến việc triển khai các Đề án BVMT lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy còn gặp nhiều lúng túng, chậm chuyển biến trên thực tế. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong việc quản lý bảo vệ tài nguyên nước giữa các tỉnh trong lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy chưa được chặt chẽ, thống nhất. Trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi tỉnh, vì lợi ích riêng của mình dẫn đến còn có những bất cập gây ảnh hưởng lẫn nhau như: các tỉnh nằm thượng lưu và trung lưu trong quá trình sử dụng nước cho công nghiệp và sản xuất làng nghề đã thải các chất độc hại và nước thải không qua xử lý làm ảnh hưởng tới chất lượng nước của các tỉnh nằm dưới hạ lưu. Các sông suối, kênh, mương nằm trong địa bàn nhiều tỉnh vùng ĐBSH cũng có sự quá tải khi tiếp nhận nguồn nước thải của các làng nghề không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước và xả nước thải để điều chỉnh có tính chất vĩ mô giải quyết mâu thuẫn trong việc quản lý nước theo ranh giới hành chính và ranh giới thủy văn của hệ thống nguồn nước [4].

Thứ hai : việc thi hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước của các cá nhân, cơ sở sản xuất làng nghề vẫn còn hời hợt, thiếu tự giác.

Các cá nhân, cơ sở sản xuất làng nghề vùng ĐBSH trong quá trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chưa thực hiện đầy đủ quy trình, qui phạm nhằm khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước theo định hướng phát triển bền vững. Cụ thể là, không thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình khai thác, sử dụng nước tại các giếng khai thác theo quy định tại Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT của Bộ TNMT. Hầu hết cơ sở sản xuất làng nghề chưa muốn đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải và bảo vệ tài nguyên nước. Không chỉ do một số làng nghề hoạt động từ thời bao cấp với công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ phát sinh nhiều chất thải gây ONMT nguồn nước mà phần lớn các làng nghề mới cũng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra vẫn còn thiếu và chưa đủ mạnh để buộc các cơ sở phải thực thi công tác BVMT.

Thứ ba: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ tài nguyên nước còn chưa được chú trọng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước tại các làng nghề vùng ĐBSH chưa rộng khắp, chủ yếu tập trung cho khối cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp, chưa phổ biến, giáo dục sâu rộng đến các đối tượng khác như người dân, học sinh. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là tổ chức hội thảo, tập huấn, đăng tải trên trang tin điện tử nội bộ, báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành; kinh phí thực hiện hạn chế nên khó khăn trong việc đa dạng hóa hình thức cũng như việc mở rộng đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, càng làm cho việc quản lý tài nguyên nước kém hiệu quả. Vì vậy, nhiều đối tượng vẫn chưa coi nước là một tài nguyên quan trọng. Với quan niệm ”Nước là của trời cho, vô hạn” nên dùng vô tư, không cần xin phép, không cần tiết kiệm, không biết bảo vệ, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

* Trên phương diện áp dụng pháp luật 

Thứ nhất: tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên nước còn chưa hoàn thiện.

Cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý tài nguyên nước ở các tỉnh ĐBSH còn chưa được hoàn thiện, mạng lưới điều tra cơ bản về tài nguyên nước và môi trường chưa được hoàn chỉnh, chưa thiết lập được đầy đủ cơ sở dữ liệu, tài liệu cơ bản về tài nguyên nước, về sử dụng và ô nhiễm để phục vụ cho hoạt động lập pháp nhằm quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên này. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ban quản lý lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ – Đáy cũng chưa được quy định cụ thể. Mối quan hệ giữa các ban quản lý lưu vực sông với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về Tài nguyên nước các cấp (Bộ TNMT, Cục quản lý Tài nguyên nước và UBND các tỉnh ĐBSH) trong việc phối, kết hợp quản lý, bảo vệ Tài nguyên nước, vẫn chưa xác định rõ ràng cơ chế phối hợp quản lý Tài nguyên nước theo quy hoạch lưu vực sông với quản lý theo địa giới hành chính.

Hiện nay, chúng ta vẫn thực sự thiếu nhiều cán bộ để thực hiện nhiệm vụ quản lý và chống suy thoái tài nguyên nước nói chung, ở các làng nghề vùng ĐBSH nói riêng. Việc quản lý chưa được gắn bó cũng gây ra lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai: hệ thống các văn bản QPPL về bảo vệ tài nguyên nước còn chưa hoàn thiện.

Hiện nay, tuy đã có rất nhiều văn bản QPPL quy định về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước nhưng luật pháp và các quy định liên quan tới nguồn tài nguyên nước vẫn còn được soạn thảo một cách riêng rẽ. Về mặt tự nhiên, quản lý như thế sẽ bị tách rời nên không tránh khỏi sự chồng chéo về quyền hạn, thiếu sót trong theo dõi, sự cạnh tranh và trùng lặp giữa các cơ quan khác nhau. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, hiện nay chỉ mới có văn bản quy định về việc thành lập hệ thống thanh tra tài nguyên môi trường nói chung mà thiếu các văn bản quy định về việc thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành về Tài nguyên nước cũng như các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành về Tài nguyên nước.

Các Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ – Đáy đã được hình thành và đi vào hoạt động nhưng còn thiếu các văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai Đề án BVMT các lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ – Đáy đồng bộ từ Trung ương đến các tỉnh ĐBSH.

Thứ ba: Quy định về mức thu lệ phí nước thải chưa hợp lý.

Nghị định phí nước thải có thể chưa lường trước được hậu quả của tình hình ô nhiễm sẽ mở rộng nhanh và hậu quả ngày càng trầm trọng và sợ dân ta còn nghèo nên chưa mạnh dạn tiếp cận với quan điểm của thế giới về phí nước thải. Trước đây, Bộ Xây dựng chỉ đưa vào giá mức phụ thu là 10% để phục vụ cho việc nạo vét cống thoát nước. Khi xây dựng chính sách phí nước thải sinh hoạt, Bộ TNMT cũng đưa vào một tỷ lệ rất thấp với mức 10% của giá nước (Nghị định 25/2013/NĐ-CP), trong khi thế giới thu bằng và lớn hơn cả giá nước, như Mỹ thu bằng 135% giá nước, CH Pháp thu bằng giá nước (được tính đầy đủ nguồn kinh phí để xử lý ô nhiễm, cung cấp nước sạch cho các nhu cầu sử dụng nước trên toàn lãnh thổ nước Pháp). Nếu tình trạng thu phí nước thải thấp như thế này thì không thể tạo ra nguồn tài chính để xử lý nước thải sinh hoạt trong khi ngân sách nhà nước của ta lại không thể có đủ để đầu tư cho xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải, sẽ khiến nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái.

Thứ tư: công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước gần như bị ‘bỏ trống’

Nhìn chung, công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước của các cơ sở trong làng nghề gần như bị “bỏ trống” trong khi các hành vi vi phạm lại rất phổ biến. Việc phân công trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên nước đối với đối tượng sản xuất trong làng nghề là chưa rõ. Trên cùng một địa bàn làng nghề, nếu là doanh nghiệp công nghiệp thì thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương; hộ thuần nông, hộ sản xuất cá thể trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ sở gây ô ONMT, gây ONMT nghiêm trọng thuộc ngành TNMT. Như vậy, nhiều bộ/ngành được phân công như trên, nhưng trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về BVMT nói riêng tại các làng nghề là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hình thức xử lý chủ yếu là nhắc nhở, chưa xử lý hành chính cũng như áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác.

Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý đối với việc thực hiện giấy phép sau cấp phép, tình hình khai thác sử dụng nước còn nhiều hạn chế do đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu, kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra còn hạn hẹp dẫn đến việc chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, còn nhiều công trình đang khai thác tài nguyên nước nhưng chưa có giấy phép.

4. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

4.1. Nguyên nhân khách quan

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm gia tăng nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng như nguy cơ tác động xấu đến môi trường nước trên diện rộng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước bị chững lại trong giai đoạn 2011 đến nay dẫn đến đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho công tác bảo vệ tài nguyên nước ở các làng nghề bị giảm sút.

4.2. Nguyên nhân chủ quan

Một là, Một số cấp ủy, chính quyền vùng ĐBSH chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường nước ở các làng nghề và phát triển bền vững trong chỉ đạo, điều hành. Tư tưởng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường” còn phổ biến ở nhiều cấp ủy đảng và chính quyền.

Hai là, Ý thức về BVMT nói chung, bảo vệ tài nguyên nước nói riêng vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống của một bộ phận dân cư ở các làng vùng ĐBSH, các thói quen xấu gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như: vứt rác, chất thải, xác súc vật bừa bãi xuống nguồn nước, ao hồ… vẫn còn phổ biến. Ý thức chấp hành Luật BVMT nói chung, bảo vệ tài nguyên nước nói riêng của các hộ sản xuất kinh doanh ở các làng nghề còn thấp.

Ba là, Công tác xã hội hóa hoạt động BVMT và quản lý tài nguyên nước chưa thực sự hiệu quả; chưa huy động của sức mạnh toàn dân. Chưa có sự phân công cụ thể và đầu tư nguồn lực cho một tổ chức có chức năng quản lý nhà nước theo dõi toàn diện về xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước.

Bốn là, Ý thức thực thi trách nhiệm công vụ về bảo vệ tài nguyên nước của nhiều cán bộ các cấp ở Trung ương cũng như các tỉnh ĐBSH trong điều hành, chỉ đạo và thực hiện công việc còn chưa tốt; dẫn tới tình trạng bỏ qua hoặc không tuân thủ đầy đủ các qui định pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước.

Năm là, Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước tới cộng đồng dân cư còn hạn chế; việc thực thi chính sách, pháp luật vệ tài nguyên nước còn chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

5. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THPL VỀ BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC TRONG MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ VÙNG ĐBSH

Một là, Với những đặc điểm về tính không bền vững của tài nguyên nước ở nước ta, công tác quản lý nhà nước đối với nguồn tài nguyên quý báu này cần phải được tăng cường ở các cấp, các ngành ngay từ bây giờ. Thời gian tới cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về tài nguyên nước, trong đó tập trung vào việc sửa đổi Luật tài nguyên nước, chú trọng công tác bảo vệ và chống suy thoái môi trường nước.

Hai là, Tiếp tục triển khai chiến lược quốc gia về tài nguyên nước ở các tỉnh ĐBSH đến năm 2020, tăng cường đầu tư thực hiện các dự án điều tra cơ bản, nắm chắc nguồn nước, kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về tài nguyên nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT nước.

Ba là, Quản lý chặt chẽ việc khoan thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất. Tuyên truyền sâu rộng pháp luật về Tài nguyên nước và bảo vệ nguồn nước trong nhân dân và các cơ sở sản xuất làng nghề. Lấy ý kiến của các địa phương, làng nghề về các nội dung cần quy định trong các văn bản dưới luật. Xây dựng tổ chức thanh tra chuyên ngành để nâng cao vai trò của công tác thanh tra pháp chế, xử lý vi phạm trong việc thực thi pháp luật về Tài nguyên nước. Kiến nghị chính phủ sớm khắc phục sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý tài nguyên  nước; xem xét và ban hành nghị định Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Bốn là, Về thuế tài nguyên nước, cần đánh giá lại mức thu, tình hình thu để không bỏ sót đối với nhiều đối tượng có thể thu và cần thu.

6. KẾT LUẬN

Nguồn tài nguyên nước ở các làng nghề vùng ĐBSH hiện đang ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nguyên nhân là do việc THPL về bảo vệ nguồn nước trong các làng nghề bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn rất nhiều những hạn chế, bất cập trên cả ba phương diện: tuân thủ pháp luật, thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật. Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan, các nhóm giải pháp được đề xuất để cải thiện tình hình THPL về bảo vệ nguồn nước trong các làng nghề vùng ĐBSH là: hoàn thiện văn bản QPPL về tài nguyên nước, tiếp tục triển khai chiến lược quốc gia vê Tài nguyên nước đến năm 2020, quản lý chặt chẽ việc khai thác và sử dụng nguồn nước, xả thải vào nguồn nước, kiến nghị với các cấp Trung ương nhanh chóng khắc phục sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước; điều chỉnh lại mức thuế về Tài nguyên nước./

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo môi trường Quốc gia 2014 – Môi trường nông thôn Việt Nam, 2014.
  2. Đặng Thị Kim Chi, “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng các chính sách và giải pháp cải thiện môi trường các làng nghề nông thôn Việt Nam” đề tài KC 08.09, 2005.
  3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên nước năm 2014, kết quả 6 tháng đầu năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, ngày 20 tháng 7 năm 2015.
  4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo công tác quản lý nhà nước về môi trường 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 và tình hình triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2014, ngày 20 tháng 7 năm 2015.

ThS. Nguyễn Trần Điện

Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam


(Nguồn tin: Nilp.vn)