Tiện nghi sinh hoạt nơi làm việc – Phần 2: Chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các tình huống cấp cứu

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:50(GMT +7)

Tai nạn có thể xảy ra. Các trường hợp cấp cứu có thể là: bị đứt tay chân, sưng tấy, tổn thương mắt, bỏng, nhiễm độc và bị điện giật. Ngay cả những xí nghiệp tưởng như an toàn song nhiều loại chấn thương vẫn xảy ra (như trượt ngã). Do vậy mỗi cơ sở sản xuất phải có tủ thuốc cấp cứu được bảo quản tốt và có ít nhất một người hiểu biết kỹ năng cấp cứu có mặt thường trực.

Tủ thuốc cấp cứu phải có dấu hiệu rõ ràng và đặt ở vị trí dễ dàng tiếp cận trong trường hợp cấp cứu. Không đặt tủ thuốc cấp cứu xa nơi sản xuất quá 100m. Tốt nhất nên bố trí ở gần chỗ chậu rửa và chiếu sáng đầy đủ. Cần thường xuyên kiểm tra và bổ sung nội dung, số lượng, chất lượng thuốc men và vật dụng cần thiết. Nội dung tủ thuốc cấp cứu được quy định theo luật với những thay đổi khác nhau tuỳ theo quy mô và mức độ nguy hiểm, độc hại ở từng xí nghiệp. Một tủ dụng cụ cấp cứu tiêu biểu có thể bao gồm một hộp kim loại chống lọt bụi và không ngấm ẩm, bên trong đựng các vật dụng y tế sau:

– Các loại băng gạc vô trùng và băng đeo. Các thứ này được bọc gói riêng biệt và đặt trong hộp hoặc túi kín chống bụi. Khi cấp cứu có thể cần dùng đến các loại băng gạc có kích thước to, nhỏ khác nhau. Cần bảo đảm đầy đủ số lượng, đặc biệt chú ý loại băng có kích thước thông dụng. Những vết đứt hoặc nốt bỏng nhỏ cũng phải chữa trị, không được bỏ qua. Trong tủ cấp cứu cần có băng dán y tế để cố định băng, gạc.

– Bông rửa vết thương

– Kéo, kẹp nhíp (để lấy những mảnh vụn) và đinh ghim.

– Chậu rửa mặt và bình nước dội rửa mắt.

– Dung dịch kháng sinh pha sẵn và thuốc mỡ

– Thuốc khử thông thường như aspirin và thuốc trung hoà axit.

– 1 cuốn sổ hoặc tờ rời hướng dẫn xử lý cấp cứu.

Khi làm việc ở ngoài phạm vi xí nghiệp nên có túi dụng cụ cấp cứu. Túi thuốc phải có bông y tế, các loại băng gạc vô trùng để băng bó, băng dán thuốc mỡ, kháng sinh, đinh an toàn và kéo nhỏ.

Công tác cấp cứu phải được huấn luyện, ở hầu hết mọi nơi sản xuất, việc tổ chức huấn luyện cấp cứu cũng không khó thực hiện. Họ tên và địa chỉ (kể cả số điện thoại) của các cơ quan, nhân viên cấp cứu phải được ghi trên bảng thông báo. Công nhân làm việc ở xa hoặc ở khu vực cách biệt cần được huấn luyện thêm để có thể tự cấp cứu trong khi chờ xe cấp cứu y tế đến.

 Mọi công nhân phải biết cách gọi cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Các cơ sở sản xuất nhỏ không có phương tiện cấp cứu riêng cần phải hợp đồng với một trạm y tế hoặc bệnh viện ở gần nhất để sao cho khoảng thời gian giữa lúc sảy ra tai nạn đến khi có y tế cấp cứu phải thật ngắn, dưới 30 phút là tốt nhất. Cần bố trí trước phương tiện chuyên chở tới trạm y tế hoặc bệnh viện. Nếu cần, có thể gọi xe cấp cứu. Một điều luôn cần thiết là phải có sẵn cáng thương.


(Nguồn tin: Trích ấn phẩm “Năng suất lao động cao hơn và nơi làm việc tốt hơn”, tác giả J.E.Thurman, A.E.Louzine, K.Kogi)