Tiện nghi sinh hoạt nơi làm việc – Phần 4: Sử dụng các phương tiện và biện pháp ít tốn kém để thu hút và giữ được những công nhân tốt nhất

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:50(GMT +7)

Các doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, giành lao động chất lượng cao. Lời phàn nàn thường nghe được ở các chủ doanh nghiệp nhỏ rằng: khi người thợ có đủ kinh nghiệm và kỹ năng làm việc thì họ lập tức rời bỏ để đến với các xí nghiệp lớn hơn, được trả lương cao hơn và phúc lợi tốt hơn.

Bạn có thể gặp khó khăn nếu định cạnh tranh bằng tiền lương song lại có thể gặt hái nhiều thành công với chi phí ít tốn kém nếu bạn giành sự quan tâm tới nhu cầu của người lao động. Doanh nghiệp nhỏ có khả năng đối xử với người lao động như thành viên của một “gia đình” và vì vậy sẽ có được lòng trung thành và sự ủng hộ của họ.

Nhu cầu của người lao động thường đa dạng. Tất nhiên bạn biết rõ người lao động đang có yêu cầu gì thuộc về ăn uống, đi lại hay nhu cầu khác liên quan tới công việc. Có lẽ trong thực tế đã từng gặp các trường hợp người lao động đánh giá cao sự quan tâm của xí nghiệp như cấp phát quần áo lao động, trang bị tủ cá nhân hoặc thậm chí tạo điều kiện để họ có thể chơi thể thao sau giờ làm việc.

* Quần áo lao động

Nếu điều kiện lao động đòi hỏi phải mặc đồng phục, quần áo lao động chuyên dụng (bao gồm cả giầy ủng thích hợp nếu cần) hoặc quần áo bảo hộ lao động thì người sử dụng lao động phải cấp phát cho công nhân của họ. Quần áo đồng phục mẫu mã đẹp và trang nhã lại được trang trí bằng biểu tượng của công ty có thể góp phần nâng cao kỷ luật lao động và lòng trung thành với công ty.

Quần áo lao động được thiết kế chuyên dụng thường giúp giảm bớt tai nạn lao động. Nhiều tai nạn nghiêm trọng đã từng xảy ra do quần áo lùng thùng, bị cuốn vào các bộ phận quay của máy móc, thiết bị.

* Tủ và phòng thay quần áo

Các phương tiện bảo quản quần áo và đồ dùng cá nhân như phòng giữ quần áo, mắc treo áo, tủ có khoá và phòng thay quần áo sẽ giúp cho người lao động bảo đảm vệ sinh cá nhân, diện mạo gọn gàng và đỡ phải lo lắng bị mất cắp các tài sản cá nhân.

Các phương tiện bảo quản phải được bố trí ở những nơi không cản trở công việc, không che chắn ánh sáng và thông gió. Phải tổ chức bảo quản để quần áo và đồ dùng cá nhân được gìn giữ an toàn, tránh hư hỏng và mất mát. Để thực hiện điều này phải bố trí các phương tiện bảo quảnngay trong phòng giữ quần áo, phòng thay quần áo hoặc đặt cách chỗ làm việc càng xa càng tốt.

Phòng thay quần áo đặc biệt quan trọng khi công việc đỏi hỏi công nhân phải thay quần áo đi đường để mặc đồng phục hoặc quần áo bảo hộ lao động, hoặc ở nơi ẩm ướt, bụi bặm, độc hại buộc người thợ phải thay quần áo. Nếu có điều kiện thì bố trí phòng thay quần áo nam nữ riêng biệt.

Nếu chỉ có ít người, bố trí phòng thay đồ riêng biệt cho nam nữ sẽ qúa tốn kém, có thể bố trí màn che phân chia.

Phương tiện tắm rửa như chậu rửa hoặc phòng tắm có vòi hoa sen phải được bố trí ngay trong phòng thay đồ hoặc kế bên. Không nên bố trí kết hợp phòng ăn với phòng thay đồ để bảo đảm vệ sinh. Có đầy đủ chỗ ngồi, gương soi và thùng đựng rác trong phòng thay quần áo hay ở gần tủ cá nhân sẽ giúp người thợ chú ý tới dáng vẻ diện mạo và giữ gìn gọn gàng ngăn nắp.

Phòng thay quần áo có tủ và buồng tắm

* Khu vực ăn uống

Một số doanh nghiệp nhỏ có thể không có đủ nguồn tài chính để tổ chức một quầy căng tin ngay được. Với những cơ sở này bước đầu tiên là giành riêng một phòng hoặc một chỗ để công nhân có chỗ ăn đồ ăn mang từ nhà hoặc mua vào. Phòng ăn này phải có chỗ để công nhân chuẩn bị đồ uống hoặc hâm nóng trước khi ăn. Phòng phải được bố trí cách xa khu vực làm việc để tránh nhiễm bẩn, bụi và các chất độc hại sử dụng trong quá trình sản xuất. Phải bảo đảm điều kiện cần thiết để công nhân có thể thư giãn trong giờ nghỉ ăn trưa.

Nên tổ chức phòng ăn hay chỗ ăn sao cho có thể nâng cấp và sau này chuyển thành quầy căng tin nhỏ khi xí nghiệp làm ăn phát đạt.

* Phòng căng tin

Tổ chức dịch vụ căng tin là cách tốt nhất để bảo đảm cho công nhân được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng khi giải lao ngắn mà hợp lý. Để công nhân về nhà ăn uống có thể là không thực tế vì khoảng cách đi lại, giá vé đắt đỏ, thiếu phương tiện đi lại hoặc đơn giản là thời gian nghỉ ăn ca không đủ lâu để có thể đi về. Các cơ sở dịch vụ ăn uống gần nơi làm việc có thể không thích hợp với người lao động do giá cả đắt đỏ, điều kiện vệ sinh ở một số quầy thực phẩm không bảo đảm hoặc thức ăn nghèo dinh dưỡng.

Phòng căng tin

Có thể tổ chức nhiều dịch vụ căng tin khác nhau trong đó một số loại hình có thể không đắt đỏ.

– Quầy căng tin bán đồ ăn chín hoặc nấu sẵn.

– Quầy hàng ăn bán đồ ăn đóng gói hoặc đồ ăn uống nhẹ

– Quán ăn (bao gồm cả mặt bằng, mái che, nước rửa, thùng rác) để bán suất ăn nóng.

– Cụm nhà hàng ăn do một nhóm chủ doanh nghiệp cùng góp vốn xây dựng.

– Thoả thuận với một nhà hàng ăn hoặc quầy căng tin gần xí nghiệp.

Điều quan trọng khi tổ chức dịch vụ ăn uống là phải chú ý tới điều kiện vệ sinh và giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Cả hai điều đó nên tham khảo ý kiến chuyên gia là tốt nhất.

Mặt bằng cần thiết cho một quầy căng tin thường nhỏ hơn bạn tưởng. Một phòng ăn hoặc chỗ ăn cho 50 công nhân chỉ cần 25m2là đủ nếu ngồi chung bàn với suất ăn riêng.

* Phòng Y tế

Mặc dù hầu hết các quốc gia đều cố gắng bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho mọi công dân của mình, song dịch vụ y tế thường không đầy đủ. Bạn có thể góp phần cải thiện điều này bằng việc bảo đảm dịch vụ y tế tại nơi sản xuất như một phòng khám nhỏ để chữa chấn thương do tai nạn lao động, ngoài ra có thể chăm sóc sức khoẻ thông thường. Điều này sẽ tránh được tình trạng chậm trễ, muộn màng hoặc không có do phải nhờ dịch vụ y tế địa phương. Trong trường hợp doanh nghiệp quá nhỏ không thể có một phòng khám riêng thì vài cơ sở cùng đóng góp để xây dựng một cơ sở khám chữa bệnh chung. Nếu không, người sử dụng lao động vẫn có thể đảm bảo chữa trị cho người lao động khi bị ốm đau hoặc tai nạn tại một bệnh viện hoặc phòng khám chữa bệnh của địa phương.

– Hợp đồng mời bác sỹ, y tá thường xuyên đến thăm khám tại chỗ.

– Tham gia giúp đỡ xây dựng một cơ sở dịch vụ y tế cộng đồng gần cơ sở sản xuất.

– Cho vay hoặc ứng trước tiền lương để công nhân trang trải phí dịch vụ y tế.

– Cấp bảo hiểm y tế cho tất cả công nhân hoặc  khuyến khích họ tham gia hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân bằng cách trả một phần phí bảo hiểm.

Một phòng khám chữa bệnh ở xí nghiệp có một bác sỹ theo hợp đồng.

Phương tiện giao thông

Việc đi lại từ nhà đến chỗ làm việc có thể phải qua quãng đường dài, vất vả và mệt mỏi. Điều đó lặp đi lặp lại có thể gây lo âu và khó khăn về tài chính cho người lao động, dẫn đến việc đi làm muộn thường xuyên, giảm ngày công, tăng chi phí lao động, giảm hiệu quả kinh doanh.

Đôi khi các xí nghiệp nhỏ có hình thức trợ cấp phí giao thông. Nếu họ không có khả năng làm điều này thì vẫn có thể giúp giảm khó khăn cho người lao động bằng cách chỉnh giờ làm việc cho phù hợp với lịch chạy xe của dịch vụ giao thông công cộng hoặc thuyết phục chính quyền địa phương điều chỉnh dịch vụ giao thông công cộng. Trong một vài trường hợp thông báo cho công nhân về giờ giấc, giá dịch vụ giao thông công cộng và tổ chức bán vé tháng, vé đi theo mùa cho họ cũng có thể giúp cải thiện tình hình.

Có thể giảm bớt chi phí giao thông bằng cách tổ chức hệ thống dịch vụ giao thông liên doanh với các xí nghiệp nhỏ khác hoặc tham gia hệ thống giao thông của các công ty lớn hơn. Có thể giúp người lao động chung nhau tổ chức phương tiện giao thông cá nhân hoặc khuyến khích các lái xe tư nhân thoả thuận các tuyến đi hợp lý.

Đối với những công nhân muốn mua phương tiện đi lại riêng cho mình như xe máy, xe đạp thì khả năng bạn có thể giúp họ là tìm nguồn vay ngân hàng lãi suất thấp và bảo đảm những hình thức thanh toán thích hợp.

Các phương tiện giải trí

Nhiều công nhân thích chơi thể thao hoặc các hoạt động vui chơi giải trí khác trong giờ nghỉ trưa hoặc sau ngày làm việc. Ngoài mục đích được vui vẻ, các hoạt động này còn có thể tăng thêm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho người lao động.

Một tác dụng quan trọng của các phương tiện giải trí là làm cho quan hệ xã hội trong xí nghiệp được cải thiện. Nếu các nhà quản lý hay cán bộ thanh tra tham gia vào các hoạt động giải trí thì sẽ tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau. Tinh thần được nâng cao,có thể còn giảm tình trạng nghỉ việc và giúp cho việc tuyển người thêm thuận tiện.

Phương tiện giải trí thường cũng không tốn kém nhiều, chỉ cần một số dụng cụ thể thao đơn giản như bóng, cầu môn, lưới.v.v… hoặc một ít bàn cờ, và tạp chí có thể coi là tạm đủ cho nhu cầu giải trí.

Nhiều chủ doanh nghiệp nhận thấy rằng các bà mẹ làm việc rất hiệu quả và tận tâm với xí nghiệp, tuy nhiên họ cần được giúp đỡ để giải quyết vấnđề chăm sóc trẻ em.

Một yêu cầu chủ yếu là có một căn phòng sạch sẽ, cửa thông ra khu sân nhỏ được rào chắn cẩn thận, một ít bàn ghế đơn giản và đồ chơi là tạm đủ. Việc ăn uống của trẻ có thể bảo đảm bằng cách tổ chức nấu nướng hoặc nhờ dịch vụ căng tin.

Không bao giờ được phép cho trẻ đi lại trong khu vực nhà máy. Ở đó có nhiều máy móc thiết bị nguy hiểm và hoá chất độc hại và chắc chắn là có nhiều bụi hoặc sợi nhỏ bay lửng lơ trong không khí. Đó là những yếu tố đặc biệt nguy hại đối với trẻ. Bạn có thể tìm được một người nhận trông trẻ với tiền công thấp hoặc các bà mẹ thay phiên nhau trong giờ. Các bà mẹ, đặc biệt là những người đang cho con bú có thể thăm con khi giải lao.

 Hàng năm nhiều xí nghiệp tổ chức một ngày giành riêng cho tất cả công nhân và gia đình họ. Đó là cơ hội tuyệt vời để gây dựng lòng trung thành với công ty. Tìm một địa điểm vui chơi thú vị, tổ chức bữa ăn ngon, các trò chơi hấp dẫn có treo giải và phần thưởng là những yếu tố quyết định thành công của những ngày vui như thế.

————————————

Tóm tắt

Những nguyên tắc bảo đảm tiện nghi sinh hoạt, góp phần tăng năng suất lao động và cải thiện quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý

1. Bảo đảm các tiện nghi thiết yếu đáp ứng đúng mục đích sử dụng.

2. Chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp cấp cứu.

3. Bảo đảm điều kiện nghỉ ngơi để phục hồi sức khoẻ.

4. Sử dụng các phương tiện ít tốn kém để thu hút và giữ được những công nhân giỏi .


(Nguồn tin: Trích ấn phẩm “Năng suất lao động cao hơn và nơi làm việc tốt hơn”, tác giả J.E.Thurman, A.E.Louzine, K.Kogi)