Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7386: 2011 – An toàn máy – Định vị che chắn bảo vệ đối với tốc độ tiếp cận của các bộ phận cơ thể người

Thứ Hai, 25/12/2023, 11:42(GMT +7)

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7386:2011 quy định sự định vị các che chắn bảo vệ đối với tốc độ tiếp cận của các bộ phận cơ thể người.
Tiêu chuẩn này thay thế TCVN 7386:2004 và hoàn toàn tương đương với ISO 13855:2010, do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 199 An toàn máy biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này quy định các thông số dựa trên các giá trị của tốc độ tiếp cận của các bộ phận cơ thể người và cung cấp phương pháp luận để xác định khoảng cách nhỏ nhất từ vùng phát hiện hoặc từ cơ cấu khởi động, che chắn bảo vệ tới vùng nguy hiểm.

Các giá trị đối với tốc độ tiếp cận (tốc độ đi bộ và di chuyển của chi trên) trong tiêu chuẩn này là thời gian được thử nghiệm và được chứng minh bằng kinh nghiệm thực tế. Tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn về cách tiếp cận điển hình. Các loại tiếp cận khác, ví dụ như chạy, nhảy hoặc ngã không được xem xét trong tiêu chuẩn này.

Kết cấu của các tiêu chuẩn an toàn trong lĩnh vực máy như sau:

– Các tiêu chuẩn loại A (các tiêu chuẩn an toàn cơ bản) đưa ra các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc về thiết kế và  các khía cạnh chung có thể áp dụng được cho tất cả các máy;

– Các tiêu chuẩn loại B (các tiêu chuẩn an toàn chung) có liên quan đến một khía cạnh an toàn hoặc một hay nhiều kiểu che chắn bảo vệ có thể sử dụng được cho một phạm vi rộng các máy:

– Các tiêu chuẩn loại B1 về các khía cạnh an toàn riêng (ví dụ, khoảng cách an toàn, nhiệt độ bề mặt, tiếng ồn);

– Các tiêu chuẩn loại B2 về che chắn bảo vệ (ví dụ, cơ cấu điều khiển bằng hai tay, cơ cấu khóa liên động, cơ cấu nhạy áp suất, bộ phận che chắn).

– Các tiêu chuẩn loại C (các tiêu chuẩn an toàn máy) có liên quan đến các yêu cầu an toàn chi tiết đối với một máy cụ thể hoặc một nhóm máy cụ thể.

Tiêu chuẩn này là một tiêu chuẩn loại B như quy định trong TCVN 7383-1 (ISO 12100-1).

Các yêu cầu của tiêu chuẩn này có thể được bổ sung hoặc cải tiến bởi một tiêu chuẩn loại C.

Đối với các máy được bao hàm bởi một tiêu chuẩn loại C và đã được thiết kế, chế tạo theo các yêu cầu của tiêu chuẩn loại C thì phải áp dụng quy định như sau: nếu các yêu cầu của tiêu chuẩn loại C khác với các yêu cầu trong các tiêu chuẩn loại B thì các yêu cầu của tiêu chuẩn loại C phải được đặt trước các điều khoản của các tiêu chuẩn khác.

Hiệu quả của một số kiểu che chắn bảo vệ được mô tả trong tiêu chuẩn này là để giảm tới mức tối thiểu rủi ro, một phần là dựa vào các chi tiết có liên quan của thiết bị được định vị đúng so với vùng nguy hiểm. Khi có quyết định về các vị trí này cần tính đến một số các khía cạnh như:

– sự cần thiết của việc đánh giá rủi ro theo TCVN 7301-1 (ISO 14121-1);

– kinh nghiệm thực tế trong sử dụng máy;

– tính năng dừng của toàn bộ hệ thống;

– thời gian cần có để bảo đảm điều kiện an toàn của máy sau vận hành của che chắn bảo vệ, ví dụ như để dừng máy;

– dữ liệu về cơ-sinh học và dữ liệu nhân trắc;

– bất cứ sự xâm nhập nào của một bộ phận cơ thể người về phía vùng nguy hiểm tới khi thiết bị bảo vệ được vận hành;

– đường dẫn của bộ phận cơ thể người khi di chuyển từ vùng bảo vệ về phía vùng nguy hiểm;

– sự hiện diện có thể xảy ra của một người giữa che chắn bảo vệ và vùng nguy hiểm;

– khả năng tiếp cận vùng nguy hiểm không được phát hiện.

Các loại tiếp cận khác có thể dẫn đến các tốc độ tiếp cận cao hơn hoặc thấp hơn các tốc độ tiếp cận được quy định trong tiêu chuẩn này.

Các che chắn bảo vệ được xem xét trong tiêu chuẩn này bao gồm:

– thiết bị bảo vệ nhạy về điện;

– thiết bị bảo vệ nhạy áp suất;

– cơ cấu điều khiển bằng hai tay;

– bộ phận che chắn khóa liên động không có cơ cấu khóa.

Tiêu chuẩn này quy định các khoảng cách tối thiểu từ vùng, mặt phẳng, đường, điểm phát hiện hoặc điểm tiếp cận bộ phận che chắn khóa liên động tới vùng nguy hiểm đối với các nguy hiểm do máy gây ra (ví dụ, nghiền, cắt, kéo vào).

Bảo vệ chống các rủi ro từ các mối nguy hiểm phát sinh do sự phụt ra các vật liệu cứng hoặc chất lỏng, sự phát xạ, bức xạ và điện không được quy định trong tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho che chắn bảo vệ (ví dụ, các cơ cấu điều khiển bằng hai tay treo) có thể di động được mà không sử dụng các dụng cụ ở gần vùng nguy hiểm hơn so với khoảng cách tính toán nhỏ nhất.

Các khoảng cách tính toán được rút ra từ tiêu chuẩn này không áp dụng cho các che chắn bảo vệ được sử dụng để phát hiện sự hiện diện của con người trong một vùng đã được bảo vệ bởi một bộ phận che chắn hoặc thiết bị bảo vệ nhạy về điện.

Kim Dung


(Nguồn tin: Nilp.vn)