Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 19011:2013 hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý

Thứ Hai, 25/12/2023, 11:42(GMT +7)

Tiêu chuẩn TCVN ISO 19011:2013 đưa ra hướng dẫn về đánh giá hệ thống quản lý, bao gồm các nguyên tắc đánh giá, quản lý chương trình đánh giá và tiến hành các cuộc đánh giá hệ thống quản lý, cũng như hướng dẫn về xem xét đánh giá năng lực của các cá nhân tham gia vào quá trình đánh giá, bao gồm cả người quản lý chương trình đánh giá, chuyên gia đánh giá và đoàn đánh giá.

TCVN ISO 19011:2013 thay thế cho TCVN ISO 19011:2003 và tương đương với ISO 19011:2011, do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/TC 176 Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Kể từ khi phiên bản đầu tiên của tiêu chuẩn này được xuất bản năm 2003 (chấp nhận phiên bản đầu tiên của ISO xuất bản năm 2002), một số tiêu chuẩn mới về hệ thống quản lý đã được công bố. Do vậy, có nhu cầu xem xét một phạm vi đánh giá hệ thống quản lý rộng hơn cũng như đưa ra hướng dẫn chung hơn.

Năm 2008, Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN/TC 176) đã xây dựng TCVN ISO/IEC 17021, trong đó đặt ra yêu cầu chứng nhận hệ thống quản lý của bên thứ ba trên cơ sở một phần của hướng dẫn ở phiên bản đầu tiên của tiêu chuẩn này.

Phiên bản thứ hai của TCVN ISO/IEC 17021, công bố năm 2011 được mở rộng để chuyển các hướng dẫn nêu trong tiêu chuẩn này thành các yêu cầu đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý. Chính trong điều kiện đó phiên bản thứ hai của tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn cho tất cả người sử dụng, bao gồm cả các tổ chức nhỏ và vừa và tập trung vào “đánh giá nội bộ” (bên thứ nhất) và “đánh giá của khách hàng về nhà cung ứng của mình” (bên thứ hai). Khi tham gia vào đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý theo yêu cầu của TCVN ISO/IEC 17021:2011, người sử dụng có thể thấy các hướng dẫn hữu ích trong tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này không nêu ra các yêu cầu, mà cung cấp hướng dẫn về quản lý một chương trình đánh giá, về lập kế hoạch và tiến hành một cuộc đánh giá hệ thống quản lý, cũng như về năng lực và xem xét đánh giá năng lực của chuyên gia đánh giá và đoàn đánh giá.

Các tổ chức có thể vận hành nhiều hệ thống quản lý chính thức. Để đơn giản hóa việc sử dụng tiêu chuẩn này, từ “hệ thống quản lý” ở số ít được ưu tiên sử dụng, nhưng người đọc có thể thích ứng việc áp dụng tiêu chuẩn theo tình huống riêng của mình. Điều này cũng áp dụng đối với việc sử dụng các từ “cá nhân” và “các cá nhân”; “chuyên gia đánh giá” và “các chuyên gia đánh giá”.

Tiêu chuẩn này nhằm áp dụng cho một phạm vi rộng người sử dụng tiềm năng, bao gồm cả chuyên gia đánh giá, tổ chức áp dụng hệ thống quản lý và các tổ chức cần tiến hành đánh giá hệ thống quản lý, vì mục đích hợp đồng hoặc chế định. Tuy nhiên, người sử dụng tiêu chuẩn có thể áp dụng hướng dẫn trong việc xây dựng các yêu cầu liên quan đến việc đánh giá của mình.

Hướng dẫn nêu trong tiêu chuẩn cũng có thể được sử dụng cho mục đích tự công bố và có thể hữu ích cho các tổ chức tham gia vào đào tạo chuyên gia đánh giá hoặc chứng nhận năng lực cá nhân.

Hướng dẫn nêu trong tiêu chuẩn nhằm tạo tính linh hoạt. Như được chỉ ra ở những đoạn khác nhau, việc sử dụng tiêu chuẩn này có thể khác nhau tùy thuộc vào quy mô và mức nhuần nhuyễn về hệ thống quản lý của tổ chức, vào bản chất và mức độ phức tạp của tổ chức được đánh giá, cũng như vào các mục tiêu và phạm vi của đánh giá được tiến hành.

Tiêu chuẩn này giới thiệu các khái niệm về rủi ro đối với đánh giá hệ thống quản lý. Các phương pháp tiếp cận được chấp nhận liên quan đến các rủi ro mà quá trình đánh giá không đạt được mục tiêu và cả khả năng cuộc đánh giá ảnh hưởng đến các hoạt động và quá trình của bên được đánh giá. Phương pháp tiếp cận không cung cấp hướng dẫn cụ thể về quá trình quản lý rủi ro của tổ chức, nhưng thừa nhận rằng các tổ chức có thể tập trung nỗ lực đánh giá vào các vấn đề quan trọng với hệ thống quản lý.

Tiêu chuẩn này chấp nhận các phương pháp tiếp cận khi hai hoặc nhiều hệ thống quản lý thuộc các lĩnh vực khác nhau được đánh giá đồng thời, được gọi là “đánh giá kết hợp”. Trường hợp những hệ thống này được tích hợp vào một hệ thống quản lý, các nguyên tắc và quá trình đánh giá giống như trong một đánh giá kết hợp.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các tổ chức có nhu cầu tiến hành đánh giá nội bộ hoặc đánh giá bên ngoài hệ thống quản lý hoặc quản lý chương trình đánh giá.

Có thể áp dụng tiêu chuẩn này cho các loại hình đánh giá khác với điều kiện phải xem xét thận trọng năng lực cụ thể cần thiết.

Kim Dung


(Nguồn tin: Nilp.vn)