Tổ chức công việc tốt sẽ tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ hơn tồn tại và phát triển

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:51(GMT +7)

Lập kế hoạch và tổ chức cách thức sản xuất phù hợp có thể tác động lớn đến năng suất lao động, làm cho công việc tiến hành có hiệu quả và thuận lợi hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, độ linh hoạt cao, giảm thời gian chết của máy móc, thiết bị; giảm bớt khâu kiểm tra, giám sát… Tổ chức công việc tốt sẽ tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ hơn tồn tại và phát triển.

Nội dung bao gồm:

a) Loại bớt những thao tác hoặc công đoạn thừa:

–  Sử dụng phương tiện nhiều chức năng đặc biệt;

–  Cơ khí hoá, tự động hoá một số khâu trong sản xuất;

–  Đổi mới mẫu mã, phương thức sản xuất mới phù hợp hơn.

b) Tránh đơn điệu để người lao động luôn tỉnh táo:

– Luôn thay đổi công việc;

– Tạo cơ hội cho người lao động đi lại hoặc đổi tư thế;

– Thường xuyên nghỉ giải lao;

– Tạo cơ hội cho người lao động trao đổi.

c) Thiết lập ngăn tồn trữ để công việc được thực hiện một cách trôi chảy:

Trong các công việc lắp ráp theo dây chuyền, các linh kiện cần phải sẵn sàng có tại nơi sản xuất. Có thể xây dựng nơi để linh kiện dự trữ ngay sau chỗ sản xuất.

d) Phân công công việc thật phù hợp, linh hoạt và gắn với trách nhiệm:

Bố trí công việc không phù hợp sẽ làm giảm lợi nhuận. Để bố trí công việc một cách hợp lý cần đạt 3 yêu cầu sau:

– Cần phân định rõ trách nhiệm bằng cách đánh giá chất lượng sản phẩm;

– Phát triển kỹ năng người lao động;

– Cần bố trí người lao động đúng khả năng của họ.

đ) Xây dựng các nhóm làm việc theo hình thức tự quản:

Thực tế cho thấy nó có nhiều ưu điểm:

– Dễ thực hiện và tốn ít thời gian;

– Công việc tiến hành trôi chảy hơn, giảm chi phí quản lý:

+ Tốc độ công việc có thể bị ảnh hưởng do một người lao động không đáp ứng được nhu cầu của dây chuyền sản xuất chung. Nếu làm việc  theo  nhóm  người  lao động  có  thể linh hoạt giúp đỡ nhau bằng việc thay đổi nhiệm vụ hoặc chia sẻ công việc;

+ Người lao động có thể tự sắp xếp công việc mới theo nhóm khi thay đổi sản phẩm;

+ Người lao động có thể tự sắp xếp công việc trong nhóm khi có người nghỉ ốm, máy hỏng…

– Tốn ít thời gian để đào tạo người lao động mới, người lao động có thể học tập được mọi việc trong nhóm, có cơ hội để phát huy khả năng;

– Người lao động tự học hỏi và giúp nhau cùng tiến bộ; cải tiến phương pháp làm việc và loại bỏ những công việc không cần thiết;

– Mỗi người lao động chịu trách nhiệm chung về chất lượng lao động, năng suất và kỷ luật lao động;

– Giảm chi phí quản lý; việc giải quyết những khó khăn, lập kế hoạch sản xuất và sắp xếp công việc có thể giải quyết theo nhóm.

e) Tổ chức sản xuất phù hợp với mục tiêu kinh doanh

Để đạt hiệu quả cao nhất, cần tìm ra một cách tốt nhất để “liên kết giữa các công việc”. Muốn vậy cần đạt những yêu cầu sau:

– Có  một  mô  hình  sản  xuất  đơn  giản,  thích  hợp  cho  từng  bộ phận sản phẩm hoặc cả sản phẩm;

– Mỗi người không chỉ quan tâm đến nhiệm vụ của mình mà phải chịu trách nhiệm đến chất lượng của toàn bộ sản phẩm;

– Có thông tin qua lại giữa người sản xuất và khách hàng;

– Việc khen thưởng của cá nhân không chỉ phụ thuộc vào thành tích trong công việc mà còn dựa vào việc đạt mục đích cuối cùng của sản xuất.


(Nguồn tin: Trích dẫn-Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động, 2013)